Quốc Việt, thông tín viên RFA
2011-01-23
Ủy ban Biên giới Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Việt Nam mới ký kết với công ty Blom Info AS của Đan Mạch để xây dựng bộ bản đồ địa hình biên giới mới khổ 1/50.000 trong khi người dân Campuchia trong và ngoài nước cáo buộc sẽ là cơ hội để Việt Nam xâm lấn bằng cột mốc.
Bản copy của bản đồ biên giới Việt Nam - Campuchia chính thức của Chính phủ Hoàng Gia Campuchia được lưu giữ tại Liên Hiệp Quốc từ tháng 3 năm 1964. Photo courtesy of sokheounpang.wordpress.com/tag/var-kim-hong
Kiến nghị thư lên Hội đồng Lập Pháp và LHQ
Song song cáo buộc này, các nhà hoạt động Dân chủ và Hội đồng giám sát Campuchia ở ngoài nước đang có phong trào tìm chữ ký để kiến nghị lên Dân biểu, Quốc hội và Liên Hiệp Quốc đề nghị bác bỏ kết quả xây dựng bộ bản đồ mới.
Các nhà hoạt động Dân chủ và Hội đồng Giám sát Campuchia tổ chức tư nhân ở ngoài nước đang vận động chữ ký toàn dân Campuchia nhằm kiến nghị lên Hội đồng Lập Pháp và Liên Hiệp Quốc yêu cầu bác bỏ bản đồ địa hình biên giới Campuchia và Việt Nam sau khi Ủy ban Biên giới hai nước này đã đồng ý chọn công ty Blom Info AS để thực hiện việc xây dựng bộ bản đồ mới.
Tổng thư ký của Hội đồng Giám sát Campuchia có trụ sở tại Norway, ông Ear Channa cho biết Hội đồng Giám sát Campuchia cùng với nhiều nhà hoạt động Dân chủ khác đang kêu gọi toàn dân Campuchia cổ vũ một kiến nghị thư nhằm đề nghị Dân biểu Campuchia, tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc từ chối bộ bản đồ biên giới phần đất liền đang xây dựng bởi công ty Đan Mạch.
Ảnh hưởng độc lập và chủ quyền lãnh thổ Campuchia
Ông Ear Channa cho biết:
“Chúng tôi đang truyền cho anh em Campuchia tham gia ký tên vào một kiến nghị thư để gửi lên Dân biểu, đề nghị các Dân biểu yêu cầu Hội đồng Lập pháp bác bỏ bản đồ địa hình biên giới Campuchia-Việt Nam đang xây dựng, bởi vì dựa vào Hiệp ước năm 2005 là Hiệp ước biên giới bổ sung của Hiệp ước năm 1985.”
Một kiến nghị thư Đài Á Châu Tự Do nhận được viết rằng, “Chúng tôi, những người Campuchia, thông báo đến toàn dân Campuchia rằng Chính phủ Hoàng gia đang xây dựng một bộ bản đồ biên giới phần đất liền giữa Vương quốc Campuchia và nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng tôi hết sức lo ngại về việc xuất bản bản đồ mới vì khổ bản đồ mới này xung đột với bản đồ được công nhận bởi Hiến pháp của Vương quốc Campuchia về chủ quyền của mình nếu dựa vào Chương I, Điều 2. Mặc khác, bộ bản đồ mới xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, đặc biệt là dọc theo đường biên giới phía Đông.
Chúng tôi kêu gọi sự chú ý của toàn dân đến Hiệp định Hòa bình Paris 1991 và khổ bản đồ chính thức lưu giữ tại Liên Hiệp Quốc đã bảo đảm với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm, tính trung lập và thống nhất đất nước Campuchia. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên của Quốc hội để thực hiện các bước cần thiết để đôn đốc Hội đồng Hiến pháp Campuchia bác bỏ bộ bản đồ mới.”
Ông Ear Channa còn cho biết thêm, bộ bản đồ biên giới Campuchia-Việt Nam đang được xây dựng này là dựa vào Hiệp ước Bất hợp pháp năm 1985 và việc này sẽ làm cho biên giới phần đất liền của Campuchia bị mất từ 4-6 nghìn km vuông. Bộ bản đồ đang xây dựng bởi công ty Đan Mạch là bộ bản đồ thiết kế dựa vào bộ bản đồ của Việt Nam. Ông nói:
“Bản đồ mà Việt Nam tự ý thiết kế là bản đồ xâm phạm vào biên giới phần đất liền của lãnh thổ Campuchia bởi vì dựa vào Hiệp ước Biên giới phần đất liền năm 1985. Như vậy, Hiệp ước này là Hiệp ước bất hợp pháp, xâm phạm vào lãnh thổ Campuchia, và chính toàn người dân Campuchia không đồng ý…”
Ông Phay Siphan, Phát ngôn viên của Ban Nội Các Sự vụ Campuchia cho rằng, việc đòi hỏi hay giải thích của Hội đồng Giám sát Campuchia chỉ là cớ để tuyên truyền chống đối chính phủ. Ông khẳng định rằng, những Hiệp ước được thỏa thuận bổ sung xuất phát từ ý chí thống nhất chứ không làm ảnh hưởng đến tính độc lập và chủ quyền lãnh thổ đất xứ Chùa Tháp. Hiệp định bổ sung không phải chỉ thực hiện bởi đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia, hay quan chức cấp cao, tuy nhiên nó được thống nhất và giải thích bởi Chính phủ. Ông Phay Siphan cho biết thêm:
“Nội dung của Hiệp ước bổ sung không khả năng nào làm ảnh hưởng độc lập và chủ quyền lãnh thổ Campuchia. Do đó, không có lý do gì làm ảnh hưởng Hiệp định Hòa bình Paris.”
Môt thông cáo tóm tắt kèm với kiến nghị thư được Hội đồng Giám sát Campuchia đăng tải cho biết, việc xây dựng bộ bản đồ mới dựa vào Hiệp ước năm 2005 là một động thái trái pháp luật bởi vì Hiệp ước năm 2005 là Hiệp ước Địa hình Biên giới bổ sung của Hiệp ước năm 1985.
Hiệp ước năm 1985 là Hiệp ước bất hợp pháp vì Hiệp ước này sinh ra bởi Chính phủ và thỏa thuận bởi chính phủ trong lúc chính phủ Việt Nam đứng phía sau. Chính phủ trong thập niên 80 là Chính phủ bất hợp pháp chính vì không có ghế trong Liên Hiệp Quốc và cũng không được công nhận bởi cộng đồng Quốc tế. Cho nên, tất cả các bản thỏa thuận, hay Hiệp ước được ký kết đều trở thành vô ích.
Ông Sean Pengse, Chủ tịch Ủy ban biên giới tư nhân của Campuchia tại Pháp nói rằng, Chính phủ Campuchia và Việt Nam có quyền mang bộ bản đồ địa hình biên giới này nộp tại Liên Hiệp Quốc lần hai, tuy nhiên đối với Campuchia thì khổ bản đồ mới sẽ xung đột với bản đồ xây dựng thời Pháp. Ông Sean Pengse nhận định thêm:
“Những gì chúng ta sai là Chính phủ mang một bộ bản đồ mới đến nộp tại Liên Hiệp Quốc, và khổ mới nó sẽ khác nhau. Không có quốc gia nào nộp bản đồ rồi, lại nộp lần hai, trong trường hợp làm như vậy thì nó sai. Trường hợp như các nước mới giành được độc lập, thì họ có thể mang những bản đồ mới đến nộp tại Liên Hiệp Quốc.”
Hiện Ủy ban Biên giới Chính phủ Hoàng gia Campuchia-Việt Nam đang thúc giục tiến độ cắm cột mốc biên giới phần đất liền, mặc dù có nhiều khiếu kiện đất đai bị lấn chiếm chưa được giải quyết,. Chính phủ của hai nước mới công bố đồng ý chọn một công ty nước ngoài xây dựng bộ bản đồ mới khổ 1/50.000 trong khi bộ bản đồ phân định biên giới giữa Campuchia-Việt Nam được làm bởi Pháp trong năm 1953 có khổ 1/100.000.
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment