Monday, January 3, 2011

HOA - ẤN : HAI NGƯỜI KHỔNG LỒ KHÓ SỐNG CHUNG (Cổ Lũy)

Cổ-Lũy
Sunday, January 02, 2011

Hôm Thứ Tư giữa Tháng Mười Hai qua, Thủ Tướng Hoa Ôn Gia Bảo đã dẫn một phái đoàn lớn gồm 400 người thuộc giới lãnh đạo kỹ thương Hoa chính thức viếng thăm Ấn Ðộ trong ba ngày. Ðây là lần đầu tiên ông Ôn trở lại Ấn Ðộ sau lần viếng thăm năm 2005, và rõ ràng là với mục tiêu mở rộng liên hệ giao thương giữa hai “người khổng lồ” Châu Á: Trung Hoa với nền kinh tế lớn nhất và Ấn Ðộ lớn hàng thứ ba (sau Nhật Bản, thứ nhì) Châu Á. Ðây cũng xảy ra trong thời điểm thủ đô Ấn New Delhi củng cố liên hệ chặt chẽ hơn về quốc phòng và thương mại với Hoa Kỳ cùng một số nước Châu Á chia sẻ những âu lo về việc Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng trong vùng-và trong bối cảnh đáng quan ngại: Hoa và Ấn là hai nước láng giềng tuy không hẳn là thân thiện, với dân số và quân lực lớn hàng đầu thế giới.

Ði ngược chiều dài lịch sử: Trong cuộc Chiến Tranh Lạnh hơn 40 năm giữa khối cộng sản và “Thế giới Tự do” bắt đầu cùng thời điểm Ấn lấy lại độc lập từ Ðế quốc Anh cuối thập niên 1940, New Delhi đã luôn luôn giữ vị trí “trung lập” không gia nhập bên nào cả. Không khác gì thời lãnh đạo “Thế giới Tự do” Washington ngày nay vẫn tìm cách “o bế” New Delhi, và luôn luôn nhìn Ấn qua con mắt chiến lược như nước “dân chủ, tự do lớn nhất thế giới” đối nghịch lại Trung Hoa như nước xã hội chủ nghĩa toàn trị lớn nhất thế giới. Nhu cầu xích lại gần nhau giữa New Delhi và Washington cùng các thủ đô Châu Á khác có thể ngăn chặn liên hệ “mật thiết” giữa New Delhi và Bắc Kinh chăng?

Giữa New Delhi và Bắc Kinh: Những vấn đề nan giải

Tuy có những hứa hẹn hợp tác và đi lại hòa hoãn với nhau về mặt kinh tế giữa hai thủ đô Bắc Kinh và New Delhi nhiều vấn đề an ninh và chính trị giữa hai nước xem ra rất khó giải quyết. Cuộc chiến về biên giới giữa hai nước lớn nhất Châu Á đã bắt đầu từ đầu thập niên 1960 và vẫn còn mang nhiều dư âm tiêu cực, nhất là dọc vùng biên giới chung dài hơn hai nghìn dặm. Tệ hơn nữa đây không những là một biên giới dài mà đường ranh còn chạy qua nhiều vùng hẻo lánh, hiểm trở ít khi có người léo hánh đến. Vùng biên giới rất dài cũng rất là “nhân tạo” do sự chỉ định đặt để của Anh từ thời làm chủ nhiều nơi trên thế giới, kể cả Ấn Ðộ như một “hòn ngọc” đắt giá nhất trong dây chuỗi dài những thuộc địa của đế quốc một thời lừng lẫy này. Tất cả tạo nhiều điều kiện làm nảy sinh những tranh chấp thuần lý cũng như không thuần lý và mang nặng nhiều tính cách chiến lược với ảnh hưởng vượt quá hai thủ đô.

Hơn 10 năm trước khi cuộc chiến xảy ra, New Delhi đã làm Bắc Kinh mích lòng vì chính quyền Ấn cho phép Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cùng chính phủ lưu vong của ông đến định cư gần vùng biên giới sau khi Bắc Kinh giành chiếm và biến Tây Tạng thành một phần của Trung Hoa. Từ nơi lưu vong trên lãnh thổ Ấn Ðức Lạt Ma không ngừng tranh đấu cho Tây Tạng độc lập, dù với chủ trương bất bạo động và việc kêu gọi nhiều vào lương tâm nhân loại khắp nơi trên thế giới. Trong cuộc chiến biên giới đầu thập niên 1960, lực lượng Ấn Ðộ thiếu huấn luyện và trang bị đã đại bại trước những tấn công dũng mãnh từ quân đội biên phòng Hoa. Lực lượng Ấn bị đẩy khỏi vùng biên giới tranh chấp lui sâu vào lãnh thổ phía Ðông Ấn khoảng 50 cây số và Trung Hoa chiếm khu vực chiến lược Ladakh nằm trong vùng Kashmir đầy bất ổn (vẫn còn tranh nhau bởi Ấn, Hoa, Pakistan và dân địa phương muốn tự trị). Sau này Bắc Kinh có lui quân khoảng 20 cây số khỏi lãnh thổ Ấn, nhưng cuộc chiến không chính thức chấm dứt. Những năm gần đây, tuy tranh chấp về biên giới và chủ quyền lãnh thổ không đi đến bạo hành nhiều va chạm khó chịu giữa hai thủ đô vẫn tiếp tục xảy ra liên quan đến các vấn đề như chính quyền nào có quyền cấp phát chiếu khán ở đâu, đóng binh ở đâu, nhất là nhiều nơi thuộc bang Arunachal Pradesh. Học giả Anh Harsh Pant nhận xét giới cầm quyền Ấn rất lo lắng cộng với đôi chút hổ thẹn; người Ấn cũng nghĩ rằng họ lè tè phía sau và không đủ sức đương đầu với sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Và điều này có vẻ đúng.

Phần đông giới chuyên gia chiến lược và người thường có thể đồng ý với nhau về một điểm những năm tháng gần đây: Va chạm lớn trong tương lai giữa hai thủ đô nằm ngay trên vùng biển Ấn Ðộ Dương bao quanh bán đảo Ấn mà trước đây Bắc Kinh không có đường đi thẳng tới được. New Delhi vẫn xem đây nằm trong “vườn sau” hay vùng ảnh hưởng đương nhiên của mình. Vùng ÂÐD sát Ấn là trục lộ đường thủy chính của gần một nửa những hoạt động thương mại toàn thế giới; hơn nữa đại dương này cũng chạy quanh khu vực sản xuất 60% dầu thô và một phần ba khí đốt thiên nhiên, và mang dầu khí cần thiết cho kỹ nghệ hóa đi đến hầu khắp thế giới. Ngày nay, đi theo chiến lược “xâu chuỗi” Bắc Kinh đã xây dựng những hải cảng và cơ sở tình báo dọc vùng ÂÐD, từ eo biển Malacca cho tới mũi Hảo Vọng ở Châu Phi và nhiều địa điểm chiến lược chọn lọc giữa hai mốc bành trướng nhằm “bủa vây” Ấn. New Delhi vô cùng bực bội khi Bắc Kinh viện trợ tiền bạc và sức lao động xây hải cảng chiến lược lớn cho Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh, ba nước ở sát nách Nam và Bắc Ấn nhưng không thân thiện với New Delhi. Từ các căn cứ như trên, lực lượng đường thủy đang phát triển ghê gớm của Bắc Kinh nếu cần có thể bóp nghẹt đường lưu thông và liên lạc chính của New Delhi -hiện với hải lực không đáng kể vì quá chú trọng đầu tư tài nguyên vào không lực và bộ binh. Cũng trong cùng chiến lược Bắc Kinh chú mục vào Myanmar (Miến Ðiện) ở một đầu ÂÐD, một mục tiêu mà New Delhi cũng đặc biệt chú ý đến. Bắc Kinh nắm được thế thượng phong trong “vùng ảnh hưởng” của mình với ủng hộ mạnh mẽ về kinh tế, quân sự và chính trị dành cho chính quyền tướng tá độc tài tàn bạo lâu năm ở đây.

Bắc Kinh đã giúp Myanmar xây cất các hải cảng và căn cứ đi ra ÂÐD mà khi cần Bắc Kinh có thể sử dụng được. Nhưng hơn hết, hiện nay đã “loại” được ảnh hưởng New Delhi, Bắc Kinh chú trọng vào tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho kỹ nghệ hóa vô cùng dồi dào của nước này: Khí đốt thiên nhiên và nhiều khoáng sản khác. Không phải chỉ riêng ở Myanmar, kể chung có thể nói mâu thuẫn lớn nhất giữa hai “người khổng lồ” nằm trong cuộc chạy đua giành nhiên liệu và nguyên liệu cho hai nền kinh tế lớn và phát triển nhanh chóng nhất. Ấn nhập cảng 75% nhu cầu nhiên liệu mình cần và Bắc Kinh nhập cảng 40%; đây chưa kể số lượng lớn những tài nguyên khác.

Thập niên này Bắc Kinh đã nắm vững các giao kèo khai thác và cung cấp với Sudan, Nigeria, Angola, Myanmar và Nga cùng nhiều nước khác. Tuy chậm chân hơn, New Delhi cũng giành được một số thỏa thuận với Sudan, Lybia, Kazakhstan, Nga và Iran. Có thể nói hai thủ đô đặt mình hẳn vào cuộc chạy đua tranh giành nguyên và nhiên liệu toàn cầu trong thế kỷ 21 không khác mấy thế kỷ 19 -tuy có khác thế kỷ 20, được xem là thế kỷ đầy tranh chấp ý thức hệ.

Nhằm đối phó với bành trướng ảnh hưởng và đe dọa chiến lược từ Bắc Kinh, New Delhi đã như bỏ hẳn truyền thống “trung lập/không tham gia” để đi tìm những liên minh mới với mục đích chống đối hoặc quân bằng ảnh hưởng Bắc Kinh. New Delhi mở rộng những gắn bó với các đảo quốc ÂÐD như Mauritius, Seychelles, MadagascarMaldives, cộng thêm Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc ở ngoài vùng. New Delhi cũng tổ chức các viếng thăm, đi lại, trao đổi và liên hệ cao cấp về mặt kinh tế và quốc phòng với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc và các nước trong vùng Ðông Nam Á, nhất là với Việt Nam. Ngoài một số tập trận chung với nhiều quốc gia Ðông và Ðông Nam Á thân thiện và cùng chia sẻ âu lo về mối đe dọa Bắc Kinh, New Delhi đã chú ý vào việc củng cố, gia tăng lực lượng hải quân của mình. Tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Ấn được hạ thủy Tháng Bảy qua; Ấn cũng đặt mua một loạt tàu chiến từ Nga và Hoa Kỳ; đây chưa kể những hứa hẹn chuyển nhượng kỹ thuật nguyên tử có thể áp dụng vào quân sự trong thỏa ước ký với Washington năm 2008. Trong hai tháng cuối năm gắn bó giữa Washington và New Delhi lại nồng thắm hơn với Tổng Thống Barack Obama ủng hộ việc Ấn gia nhập Hội Ðồng Bảo An LHQ như một thành viên thường trực; New Delhi đáp ứng tích cực ngay với những biện pháp phong tỏa kinh tế nhằm trừng phạt Iran do Washington đưa ra.

Những điều kể trên như dấu hiệu cho thấy liên hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và New Delhi tuy có vẻ bình thường và “phấn khởi” nhưng cũng dễ bị xem là quá lạc quan. Theo giáo sư viện Ðại học San Francisco, chuyên gia về chính trị Ấn Shalendra Sharma bình thường hóa liên hệ ngoại thương Ấn-Hoa xem ra khá mong manh và có thể gẫy đổ bất cứ lúc nào. Lý do chính: Hợp tác kinh tế không loại trừ được cạnh tranh và xung đột nhất là với lịch sử tranh chấp lâu dài và đầy sóng gió giữa hai “người khổng lồ” Châu Á. Giáo Sư Harsh Pant nhắc ở trên cũng ghi nhận ngoài lãnh vực ngoại thương, liên hệ giữa hai thủ đô không đáng kể mấy; thêm nữa hai bên “ít khi đồng ý với nhau về những vấn đề căn bản,” và chỉ kín đáo nhưng ráo riết “dò dẫm ý định chiến lược lẫn nhau.” Trong chiều hướng này, trên vùng bán nguyệt giữa một phần Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương quanh Trung Hoa, một tập hợp “liên minh” nhiều nước Ðông Á, Ðông Nam Á và Nam Á (với New Delhi đóng vai chính) có triển vọng thành hình với tham gia và hỗ trợ từ Washington.
.
.
.

No comments: