Saturday, January 15, 2011

DỰ LUẬT CHẾ TÀI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM (Vi Anh)

01/15/2011

Hồi đó tới giờ mới có một dự luật nạp tại Quốc Hội Mỹ có giá trị cưỡng hành, buộc hành pháp Mỹ phải dùng biện pháp chế tài trực tiếp như không cho nhập cảnh vào Mỹ, không cho làm ăn với bất cứ công ty Mỹ nào, đối với cá nhân những cán bộ đảng viên nào của nhà cầm quyền CS Hà nội  đã vi phạm nhân quyền VN. Đó là Dự luật “Chế tài Nhân quyền Việt Nam”. Dù còn phải qua nhiểu giai đoạn lập pháp ở ủy ban và khoáng đại của hai viện Quốc Hội liên bang, dự luật này Dân biểu Ed Royce đã đệ nạp đúng thời cơ với nội dung và biện pháp thiết thực và  tích cực nhứt trong việc bảo vệ nhân quyền VN.  Dự  luật dù được thông qua, hay phải ngưng chờ như nhiều dự luật nhân quyền khác vì lý do ngoại giao, giao thương với CS Hà nội, thì dự luật này cũng là một tiền lệ tốt, một bước tiến cụ thể cho công cuộc đấu tranh cho nhân quyền VN.  

DB Ed Royce (Cộng Hoà - Cali) là một vị dân biểu nhiều nhiệm kỳ,  thành viên  cao cấp của Ủy Ban Ngoại giao của Hạ viện, đơn vị sát Little Saigon, thủ đô tinh thần người Mỹ gốc Việt tỵ nạn CS, rất am tường tình hình và nhiều kinh nghiệm về chế độ CS qua nhiều năm đấu tranh cho nhân quyền VN tại Quồc Hội Mỹ. Ông chọn thời cơ tối ưu để đệ nạp dự luật  quan trọng này. Nạp cho Hạ viện của Quốc Hội, nơi có nhiều sáng quyền lập pháp, đúng vào ngày 05 tháng 01 năm 2011. Đó là phiên họp đầu của pháp nhiệm 112, một nhiệm kỳ mới với khối Cộng Hoà chiếm đa số ở Hạ Viện và ở Thượng Viện Dân chủ còn nắm đa số nhưng khít khao với Cộng Hoà sau cuộc bầu cử ngày 2 tháng 11 năm 2010.

Ngày DB Ed Royce nạp Dự luật “Chế tài Nhân quyền Việt Nam”, đó cũng là ngày đất nước và nhân dân Mỹ bị một cú sốc lớn nhứt từ khi có bang giao giữa Washington và Hà nội. Công an CS dùng bạo lực ngăn cản, hành hung thô bạo, đánh đập, bắt thẩy lên xe chở đi vị Tùy viên Chánh trị của Toà Đại sứ Mỹ ở Hà nội khi đi Huế thăm LM Nguyễn văn Lý. Ông tùy viên chánh trị Christian Merchant này là một nhà ngoại giao giỏi, nắm vai trò rất quan trọng trong các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chuẩn bị vinh danh Ông là nhân vật xuất sắc trong việc thúc đẩy nhân quyền.  

Dự luật này là dự luật đầu tiên chế tài, cấm vận, trừng phạt những vi phạm nhân quyền một cách thiết thực và trực tiếp đối với cá nhân những cán bộ đảng viên của Đảng Nhà Nước CS Hà nội vi phạm nhân quyền VN. Nó có giá trị cưỡng hành, buộc các cơ quan Hành Pháp phải có hành động cụ thể, chớ không phải những khuyến nghị suông của các quyết nghị.

Theo DB Ed Royce  trình bày trên đài RFA, “Đây là dự luật cấm vận Việt Nam [CS] liên quan đến các vi phạm về quyền con người. Tôi giới thiệu dự luật này để có những cấm vận đối với các quan chức chính phủ, những người có những hành vi vi phạm quyền con người ở Việt Nam. Dự luật này nhắm vào quan chức chính phủ, công an, hay bất cứ ai tham gia vào việc vi phạm quyền con người đối với những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Cách thức là cấm những người này không được vào Mỹ và cả cấm vận về tài chính. Dự luật này yêu cầu Tổng thống phải đưa ra một danh sách những người vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và họ sẽ bị từ chối vào Mỹ và không được tham gia làm ăn với bất cứ công ty Mỹ nào”.  

Đối với chánh quyền Mỹ,
Dự luậtChế tài Nhân quyền Việt Nam này là bước đầu tuy  là bước khó nhưng ảnh hưởng của nó  rất lớn và thâm hậu. Trước mắt, dự luật này là một sức bồi cho nghị quyết của Hạ Viện cũng do DB Ed Royce đề nghị hồi năm ngoái trong  pháp nhiệm vừa qua, yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa CS Hà nội trở lại CPC.

Trong tiến trình thảo luận biểu quyết, có thể vì lý do chánh trị, ngoại giao, giao thương nhứt là an ninh quốc phòng khi Mỹ gần đây dồn dập trở lại Đông Nam Á, nó chưa được  thành  luật đi nữa, nó cũng tạo một tiền lệ tốt. Nó mở đường cho các dự luật  về sau  với chế tài cụ thể và trực tiếp nhưng cán bộ đảng viên của Đảng Nhà Nước Việt Nam CS đã vi phạm nhân quyền VN. Như Iran đã đang  bị chế tài về nhân quyển vậy.

Còn đối với người dân Việt trong ngoài nước, nhứt là người Mỹ gốc Việt, dự luật do DB Ed Royce đệ nạp là một tái xác vấn đề nhận quyền VN là một mối quan tâm sâu sắc của giới lập pháp liên bang. Và Quốc Hội Mỹ, con tim và khối óc của chánh quyền và nhân dân Mỹ, càng ngày càng đứng về phía những người Việt bị CS Hà nội tước đoạt những quyền bất khả tương nhượng với tư cách Con Người.

Khác với Bộ Ngoại Giao, một số  dân biểu, nghị sĩ thấy  như  DB Ed Royce nói, “Vấn đề của Bộ ngoại giao là họ cứ nói rằng đừng lo lắng, tình hình sẽ thay đổi liên quan đến quyền con người ở Việt Nam. Nhưng tình hình trên thực tế cứ ngày một tệ đi, đến mức giờ đây có một nhân viên Hoa Kỳ bị đối xử như vậy. Vì những hành động như vậy tiếp tục chứng minh là chúng ta đã không đi đúng đường, Việt Nam không có tiến bộ... Chúng ta đã nhìn thấy tiến bộ ở nhiều nơi trên thế giới mà tại sao chúng ta lại không nhìn thấy những tiến bộ nào ở Việt Nam về quyền con người? Đây chính là lúc để chúng ta thông qua dự luật này.”

Đối với CS Hà nội, biện pháp chế tài, cấm vận cá nhân cán bộ đảng viên của Đảng Nhà Nước vi phạm nhân quyền VN là đánh trúng huyệt của họ. Qui luật của CS thường trốn trách nhiệm dưới bóng của tập thể, trung ương đổ cho địa phương, địa phương đổ cho trên. Nếu dự luật này thành luật, cá nhân cán bộ đảng viên phải chịu trách nhiệm về hành động vi phạm nhân quyền của mình. Và  những người này sẽ  không được cho vào Mỹ và không được tham gia làm ăn với bất cứ công ty Mỹ nào.

Cái kiểu đánh khỉa khầm, theo kiểu tằm ăn lên, vết dầu loang từ nghị quyết khuyến nghị, qua luật CPC cấm viện trợ kinh tế, sang luật cấm vận trừng phạt cá nhân cán bộ này, các dân biểu, nghị sĩ Mỹ làm hết nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, hết người này tới người kia. Trong chánh trị, trong tiến trình lập pháp hữu chí cạnh thành. Có ngày CS Hà nội quá ác với dân phải đền tội. Lưới trời lồng lộng thưa nhưng khó lọt. Người Mỹ gốc Việt ở Mỹ rất nhiều, cán bộ đảng viên CS sát thủ nhân quyền VN đừng mong tránh né khi đi Mỹ. Tiền  họ gởi dấu ở Mỹ không được. Vốn họ hùn hay bỏ vốn làm ăn với công ty Mỹ ở VN cũng như ở Mỹ kể cả của người Mỹ gốc Việt không được. Con họ học ở Mỹ, họ cũng không đi thăm nuôi được./. (Vi Anh)
.
.
.

No comments: