BBC
Cập nhật: 09:21 GMT - thứ tư, 12 tháng 1, 2011
Chuyến thăm Việt Nam đầu tháng Giêng 2011 của ông Luke Simpkins, dân biểu đảng Tự Do tại Úc có mục đích rõ ràng.
Ông muốn thăm hai nhà bất đồng chính kiến hàng đầu tại Việt Nam, là linh mục Nguyễn Văn Lý và Hòa thượng Thích Quảng Độ.
Linh mục Lý đang tạm hoãn án tù một năm để chữa bệnh, hiện ở Huế.
Trong khi vị hòa thượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất an tọa tại Thanh minh Thiền viện ở thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyến thăm linh mục Lý của ông Simpkins đã không thành khi nhiều nhân viên an ninh xuất hiện và ông cảm thấy lo ngại, đành rút lui.
Ông Simpkins kể cho BBC Việt Ngữ biết về chuyến đi nhiều sóng gió đến Huế hôm 7/1/2011.
Luke Simpkins: Khi tôi tới Huế, ngay sau khi máy bay hạ cánh, quan chức của Sở Ngoại vụ tỉnh đã đợi sẵn. Họ nhã nhặn lắm, chào đón tôi như vị khách quý. Họ trao cho tôi một bó hoa. Họ mời tôi lên xe, đưa tôi đến khách sạn. Tôi tính từ khách sạn tôi sẽ nhờ một người bạn chở tôi đến tư gia của linh mục Lý, xem tình hình sưc khỏe của ngài ra sao.
Khi tới khách sạn tôi nhận được cú điện thoại nói rằng có tám công an chìm bên ngoài nhà của LM Lý. Sau cuộc gặp nhanh với một số dân biểu quốc hội của VN, tôi được thông báo là số người xuất hiện nay lên tới 20 người. Người của họ nói rằng tôi không thể gặp LM Lý được. Tôi vẫn yêu cầu họ đưa tôi đến tư gia của LM Lý. Cạnh đó tôi điện thoại yêu cầu gặp đại diện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên họ không để ý đến thỉnh cầu của tôi. Tôi cũng lo là nếu giữ ý định đến thăm LM Lý, rất có thể họ sẽ dùng vũ lực truy cản tôi, như trường hợp của tùy viên chính trị ĐSQ Mỹ.
Tôi hiểu rằng nếu tôi vẫn đến thăm LM Lý, rất có thể họ sẽ hủy visa nhập cảnh của tôi. Ngoài LM Lý, tôi còn có kế hoạch thăm hòa thượng Thích Quảng Độ ở Sài Gòn. Không muốn tạo ra căng thẳng với chính quyền, tôi đành ngưng chuyến thăm LM Lý.
BBC: Rồi sau đó ông có đến thăm hòa thượng Thích Quảng Độ ở Sài Gòn hay không, thưa ông?
Luke Simpkins: Theo chỉ dẫn, tôi rời khách sạn đi bộ một chút. Sau đó vẫy taxi. Tôi biết họ đang theo dõi đằng sau, tuy nhiên cuối cùng chính quyền vẫn cho tôi gặp hòa thượng Thích Quảng Độ.
Tôi nói chuyện với hòa thượng hơn 1 tiếng đồng hồ. Tôi có ghi âm cuộc nói chuyện. Hòa thượng là người có cá tính mạnh, gần đây ngài than phiền là hơi khó ngủ. Theo ngài, do lo lắng đến tình hình đất nước nên giấc ngủ khó đến. Hòa thượng là người nhậy cảm, hiểu biết và lắng nghe, ngài hiểu các chủ đề ở Việt Nam khá rõ. Ngài muốn thực hành Phật giáo độc lập, không muốn bị nhà nước kiểm soát.
BBC: Vậy hòa thượng Thích Quảng Độ quan ngại điều gì thưa ông?
Luke Simpkins: Ngài muốn thấy VN dân chủ và phú cường. Một nền dân chủ thực sự khi người dân được làm chủ đất nước, làm chủ quyết định của mình. Ngài mong đến ngày người VN theo đuổi đạo giáo một cách tự do. Sinh hoạt tôn giáo không cần phải đăng ký. Ngài nhấn mạnh với tôi là thực hành tôn giáo ở thôn quê khó khăn hơn ở thành thị rất nhiều vì an ninh xã huyện kiểm soát đời sống tinh thần của dân mạnh hơn.
BBC: Thưa ông Hòa thượng Thích Quảng Độ có yêu cầu Úc giúp đỡ?
Luke Simpkins: Vâng Hòa thượng trao cho tôi danh sách các chủ đề ngài quan ngại, và muốn nước Úc giúp đỡ. Ngài cám ơn người Úc và người Việt Nam ở các nước trên thế giới hậu thuẫn ngài. Cạnh đó ngài yêu cầu viện trợ của Úc dành cho VN nên gắn với một số mục tiêu cơ bản của việc cải thiện nhân quyền.
Liên quan đến sự hỗ trợ tinh thần của Quốc hội Úc, tôi sẽ chuyển kiến nghị của hòa thượng Thích Quảng Độ cho cách đồng nghiệp dân biểu. Trong tường trình gởi Quốc hội, tôi sẽ nhắc đến các khía cạnh này. Cạnh đó tôi muốn nhấn mạnh hoạt động của tòa đại sứ Úc tại Hà Nội và quan hệ giữa Úc và Việt Nam đã làm nhiều việc có ích. Họ giúp nhiều công dân Úc giảm án tù, từ tử hình xuống chúng thân, đối với những người dính đến buôn bán ma túy.
BBC: Hiện nay Đảng CS Việt Nam đang họp đại hội lần thứ 11 để đưa ra đường lối phát triển trong 5 năm tới. Ông nhận xét ra sao về tương lai của Việt Nam qua chuyến thăm vừa rồi?
Luke Simpkins: Rõ ràng chính quyền không thích đối lập, hoặc bất cứ ai có tư tưởng đối lập. Ví dụ trường hợp của LM Lý và nhà ngoại giao Mỹ bị đối xử thô bạo, tôi nghĩ rằng sẽ là tốt hơn nếu giới chức cho phép tôi thăm LM Lý, để thế giới thấy họ không giấu diếm điều gì. Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ xem xét những gì vừa xảy ra, đối với nhà ngoại giao Mỹ và đối với tôi. Họ sẽ thất vọng trước thái độ đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam. Trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn và Huế người ta thấy đầy các khẩu hiệu tuyên truyền, đâu cũng gặp hình tượng cờ đảng rồi cây búa liềm. Tôi cho rằng những thứ đó không hay ho gì cho Việt Nam.
.
.
.
No comments:
Post a Comment