12:53:am 11/01/11
Hiệp định Paris khai mạc vào ngày 10-5-1968 dưới thời Tổng thống Johnson. Tổng thống Nixon nhậm chức đầu năm 1969 tiếp tục cuộc đàm phán cho tới bốn năm sau mới ký kết vào ngày 27-1-1973. Mới đầu Nixon tưởng cuộc hoà đàm sẽ kết thúc năm 1969 nhưng không ngờ nó kéo dài cho tới 4 năm sau. Ông kể lại trong cuốn No More Vietnams trang 126: Những năm 1965, 66, 67, 68 dưới thời Johnson-McNamara phong trào phản chiến ôn hoà, chỉ có biểu tình hoặc đốt thẻ trưng binh nhưng sang 1969, khi Nixon lên cầm quyền phong trào đã biến thành bạo động dữ dội. Sinh viên bắn cảnh sát, dùng dao uy hiếp ban giám đốc nhà trường, bắn súng, đốt nhà, ném bom lớp học, bạo động lan ra toàn quốc.
Năm 1970 Mỹ yểm trợ cho VNCH hành quân sang Cambodia khiến cho phong trào bạo động lan ra toàn quốc dữ dội, có đổ máu, năm 1971 hành quân sang Hạ Lào. Nixon cho biết sở dĩ ông cho hành quân đánh vào các căn cứ bên kia biên giới để phá hủy hậu cần CS, ngăn chận những đợt tấn công của họ trong năm tới để có thể rút quân và giúp VNCH bảo vệ lãnh thổ, những người phản chiến đã phá hoại chương trình của ông. Nixon cho biết vì phản chiến làm rối loạn đất nước đã khiến cho CSBV lần khân không chịu ký Hiệp định Paris , họ hy vọng nhiều vào phản chiến. Phong trào phản chiến và Quốc hội chống đối ông đã khiến cho cuộc hoà đàm bế tắc trong bốn năm liền.
Cho tới 26-10-1972, Kissinger họp báo lạc quan tuyến bố,
“Chúng ta có thể tin tưởng hoà bình đã ở trong tầm tay, chúng ta có thể tin rằng đã thấy hoà ước”
(“We believe that peace is at hand.We believe that an agreement is within sight” – No More Vietnams, trang 154).
Cũng trong sách đã dẫn trang 142, Nixon cho biết từ năm 1969 ông đã phải đương đầu với mối nguy là Quốc Hội có thể ra luật chấm dứt chiến tranh Việt nam. Các Dân biểu, Thượng nghị sĩ đã đưa nghị quyết buộc Tổng thống rút hết quân về nước để đổi lấy tù binh Mỹ còn bị Bắc Việt giam giữ. Năm 1972 Thượng viện đã tiến hành việc này, tại Hạ Viện hội gần đủ số phiếu thuận. Nhưng vì Chính phủ đã thông báo việc rút quân khiến những người ủng hộ chiến tranh cho thấy chứng cớ hiển nhiên cuộc chiến đã suy giảm nhờ đó dự luật không thành hình, VNCH thoát chết từ năm 1972.
(Since 1969, we had been faced with the danger of Congress legislating an end to our involvement. Antiwar Senators and Congressmen had been introducing resolutions to force us to trade a total withdrawal of our troops for the return of our POWs. By 1972, the Senate was regularly passing these measures, and the votes in the House were getting close. We were able to prevent the passage of these bills only because our withdrawal announcements provided those whose support for the war was wavering with tangible evidence that our involvement was winding down).
Cuối tháng 10-1972, Kissinger gặp Tổng thống Thiệu để bàn về việc ký kết Hiệp định nhưng ông Thiệu không đồng ý, đòi sửa một số điều khoản trong đó BV phải rút quân về Bắc. TT Nixon cho ông Thiệu biết nếu miền Nam không chịu ký kết Hiệp định, gây trở ngại cho hoà đàm thì Quốc Hội sẵn sàng ra luật chấm dứt chiến tranh tháng 1-1973, cắt đứt viện trợ bỏ rơi VNCH để đánh đổi lấy khoảng 580 tù binh Mỹ tại Hà Nội. Nixon cho biết.
“Sự tồn tại của miền nam Việt Nam không phụ thuộc vào việc quân địch còn đóng tại một số vùng dân cư thưa thớt. Nó phụ thuộc vào việc Nước Mỹ cưỡng bách thi hành Hiệp định cùng với việc tiếp tục viện trợ và với sự đe doạ trừng trị bằng vũ lực. Điều đó chỉ có được nếu Sài Gòn được Quốc Hội ủng hộ. Nếu chúng ta không giải quyết cuộc chiến nhanh chóng, Quốc Hội có thể biểu quyết đạo luật chấm dứt chiến tranh vào tháng 1. Nếu Quốc hội kết luận rằng miền Nam Việt nam gây trở ngại việc ký kết, việc này có thể khiến ta (Hành pháp) không giúp được đồng minh nếu cần. Tuy nhiên tôi cũng để cho Thiệu có thời gian suy nghĩ” – No More Vietnams trang 155.
Thật vậy, khoảng 140 ngàn quân CSBV chiếm đóng những vùng biên giới thuộc VNCH không phải là mối nguy sinh tử, mà sự tiếp tục viện trợ quân sự kinh tế của Quốc Hội Mỹ mới là điều then chốt. Cho dù đòi được điều kiện Cộng quân phải rút hết về miền Bắc nhưng sau đó một thời gian họ lại xâm nhập miền Nam thì cũng như bắt cóc bỏ đĩa thôi. Từ những năm 1971, 1972 Quốc Hội Mỹ nằm trong tay thành phần phản chiến, trong đó Dân chủ chiếm đa số, đường lối của họ trái ngược với Cộng Hoà.
Quốc hội phản chiến chống đối Nixon dữ dội, thúc đẩy ông phải ký kết hiệp định vào tháng 1-1973 bằng mọi giá để đem tù binh về nước, chấm dứt chiến tranh. Nixon cho biết một sự thật phũ phàng là Quốc hội mà đa số là Dân chủ, chống chiến tranh sẵn sàng cắt viện trợ, hy sinh VNCH và cả Đông Dương để đánh đổi lấy hoà bình và khoảng 580 tù binh Mỹ còn nằm trong tay Hà Nội nếu miền Nam gây trở ngại cho việc ký kết. Trong khoảng thời gian này tại Sàigòn báo chí cũng đã cho biết số phận miền Nam phụ thuộc vào đám tù binh Mỹ tại Hà Nội. Cương vị Tổng thống VNCH ông Thiệu cương quyết chống lại bản sơ thảo do Mỹ và BV ký kết vì tự ái dân tộc và sự sinh tồn của miền Nam là điều hợp lý nhưng Hành pháp Mỹ cũng có lý của họ.
Trong khi tỷ lệ người ủng hộ chiến tranh ngày một giảm, số người chống ngày càng tăng: Từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28%… (Theo Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war).
Nixon cho biết chưa bao giờ nước Mỹ bị phân hoá như thế. Người ta đã quá chán cảnh sinh viên chống chiến tranh ẩu đả với cảnh sát, vệ binh quốc gia bể đầu, đổ máu ngoài đường phố từ năm nọ đến năm kia, đã đến lúc phải có hoà bình.
Ngày 9-11-1972 Nixon cử Tướng Haig sang Sài Gòn trao thư cho T.T Thiệu nói ông không thể sửa đổi bản sơ thảo gì hơn, như thế là tốt đẹp rồi. Haig nhấn mạnh với T.T Thiệu nếu không ký kết trước phiên họp Quốc Hội vào tháng 1-1973, họ sẽ cắt viện trợ cho VNCH, ông Thiệu vẫn cương quyết bác bỏ.
Ngày 14-11, TT Nixon hứa với TT Thiệu
“Tôi xin cam kết tuyệt đối với ông nếu Hà Nội vi phạm Hiệp định, tôi sẽ trừng trị họ nghiêm khắc ngay”
(You have my absolute assurance that if Hà Nội fails to abide by the terms of this agrement, it is my intention to take swift and severe retaliatory action - No More Vietnams, trang 156)
Ngày 20 -11-1972 tại cuộc Hoà đàm Paris, Kissinger đưa những điểm TT Thiệu đề nghị sửa lại, BV bác bỏ ngay, từ đầu tháng 12 BV tỏ ra ngoan cố không chịu đàm phán, họ trông chờ Quốc Hội Mỹ sẽ ra luật chấm dứt chiến tranh, khi ấy bất chiến tự nhiên thành. Ngày 14-12 BV bỏ họp. TT Nixon cương quyết dùng vũ lực bắt Hà Nội phải trở lại hoà đàm. Sau 12 ngày oanh tạc BV bằng B-52 từ 18 -12-1972 cho đến cuối tháng 12-1972, BV phải trở lại bàn hội nghị.
Nixon thông báo cho Kissinger chấp nhận những điều khoản đã có từ tháng 10 để ký Hiệp Định. Ông đã cố gắng thuyết phục ông Thiệu sớm ký kết vì đã tới hạn kỳ, Quốc Hội phản chiến đã quá mệt mỏi muốn Hiệp định phải được ký kết ngay trong tháng 1-1973
Nay vấn đề trở ngại là sự đồng ý của TT Thiệu, Nixon cố gắng trấn an ông bằng lá thư ngày 5-1-1973, ông cam kết sẽ tiếp tục yểm trợ trong thời gian sau khi ký kết và sẽ trả đũa hết mình nếu BV vi phạm thoả hiệp.
(You have my assurance of continued assistance in the post-settlement period and that we will respond with full force should the settlement be violated by North Vietnam – Theo Wikipedia, Operation Linebacker II).
Nhưng lúc này đang bị Quốc hội chống đối, địa vị Nixon không cho phép ông hứa như vậy, thí dụ nếu đưa yêu cầu này ra Quốc hội thì sẽ chẳng hy vọng gì được chấp thuận. Tuy nhiên ông Thiệu vẫn không chịu, ngày 14-1-1973, TT Nixon đã cảnh cáo:
“Tôi đã nhất quyết tiến hành ký Hiệp Định vào ngày 23-1-1973.. nếu cần tôi sẽ đơn phương ký với ho ï
(I have therefore irrevocably decided to proceed to initial the agreement on January 23, 1973…I will do so, if necessary, alone – Theo Wikipedia, Operation Linebacker II).
Hiệp định cuối cùng được ký kết ngày 27-1-1973, Nixon nhìn nhận:
“Tôi biết rằng Hiệp định có nhiều khuyết điểm. Nhưng tôi nghĩ nhìn chung cũng tốt đẹp. Và tôi biết rằng trong khi Quốc Hội đang phản đối ầm ĩ, chúng ta không thể làm gì khác hơn thế”.
(But I believed that on balance it was sound. And I knew that, in light of the growing stridency of our opposition in Congress, we had no alternative to signing it – No More Vietnams, trang 167)
Trang 166 Nixon nói:
Hiệp định Chấm dứt chiến tranh và Phục hồi Hoà bình tại Việt Nam không được hoàn hảo lắm. Nhưng nó cũng đủ bảo đảm sự sống còn của miền nam VN – khi mà Hoa Kỳ sẵn sàng bó buộc sự thi hành các điều khoản của nó”
Nixon thừa biết BV sẽ vị phạm Hiệp định, thực ra tại miền Nam VN, một đứa trẻ nít cũng biết CS sẽ không bao giờ chấp hành các thỏa hiệp đã ký kết. Nixon đã dự trù hai kế hoạch để giữ hoà bình bảo vệ VNCH, ông cho rằng Hoa Kỳ đã chiến đấu trên 10 năm, đã hy sinh hơn 50,000 quân nên quyết không thể để đồng minh VNCH rơi vào tay CSBV.
-Trước hết ông sẽ tiếp tục viện trợ quân sư cho VNCH để họ tự vệ chống xâm lăng.
- Kế đó sẽ trừng trị thích đáng CSBV bằng sự yểm trợ của không lực Mỹ.
Miền Nam chống lại những vi phạm nhỏ của BV, Mỹ sẽ trả đũa những vi phạm lớn, tóm lại oanh tạc cơ B-52 và viện trợ quân sự là hai kế hoạch chính.
Ngoài ra ông cũng dùng chính sách cây gậy và củ cà rốt (But the Paris agreement contained carrots as well as stick). Trong Hiệp định có ghi Mỹ sẽ viện trợ tái thiết cho miền Bắc, đây cũng là điều khoản rất quan trọng, BV tan nát vì bom đạn rất cần tái thiết, viện trợ của Mỹ sẽ là động cơ thúc đẩy Hà Nội giữ hoà bình.
Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên, khôn tới mấy cũng không ai khôn hơn được Ông Trời, kế hoạch của Nixon đã bị Quốc Hội phá hỏng hết. Nixon thú nhận ông đã ước tính sai lầm tình hình: Trước ngày ký Hiệp định Paris 27-1-1973 ông tưởng rằng nếu đem lai hoà bình và tù binh về nước, những người phản chiến sẽ thôi chống đối nhưng họ lại càng gia tăng chống đối hơn trước
(I miscalculated how they would respond after the settlement. I thought their opposition to our policy would end with the war end. Instead, it increased – No More Vietnams, trang 182).
Sau vấn đề chiến tranh VN, họ quay ra vụ Watergate tháng 4-1973, tiếp tục chống đối chính phủ. Ngay sau ngày ngưng bắn 27-1-1973, CSBV đưa quân xâm nhập miền Nam, Nixon định cho oanh tạc nhưng sợ ảnh hưởng đến việc BV trả tù binh cho Mỹ ngày 27-3-1973. Tại Cambodia, lực lượng Khmer đỏ do CSBV gây dựng bao vây Nam vang, Nixon cho lệnh oanh tạc Khmer đỏ để yểm trợ cho Lon Nol. Tháng 4 -1973 Nixon hăm doạ oanh tạc BV để họ đừng vi phạm và xâm nhập nhưng Quốc Hội chống đối dữ dội làm tiêu tan khả năng trả đũa của ông. Chính phủ cần tiền để tiếp tục oanh tạc tại Miên, Quốc hội không những từ chối còn bắt đầu soạn tu chính án cấm dùng mọi ngân khoản cho oanh tạc, họ nói chính phủ phải dùng ngoại giao đàm phán chứ không thể dùng vũ lực. Mọi nỗ lực của hành pháp để ngăn chận sự chống đối của Quốc hội thất bại tháng 6-1973.
Khi tu chính án đưa lên bàn Tổng thống 27-6-1973, Nixon phủ quyết và cho biết tu chính án có thể phá hỏng mọi nỗ lực hoà bình ở Cambodia, nhóm phản chiến Quốc hội chống đối dữ hơn. Thương nghị sĩ Mansfield cho biết nếu TT không ngưng oanh tạc Miên ông sẽ bị cắt ngân sách điều hành chính phủ. Nixon miễn cưỡng ký thành luật ngày 30-6 và có hiệu lực từ 15-8-1973, theo đó chấm dứt tất cả ngân khoản trực tiếp, gián tiếp xử dụng cho việc tác chiến tại Mên, Lào, BV, Nam VN. Sự thất bại này khiến Nixon không còn thẩm quyền giữ hoà bình cho VN, Đông Dương và để cho BV tự do thao túng tại miền nam VN.
Quốc hội tiếp tục hạn chế quyền Tổng thống về quân sự, đó là War Power Act: Tổng thống phải thảo luận với Quốc hội trước khi tham chiến. Tổng thống có quyền tham chiến 60 ngày không cần được Quốc hội đồng ý và thêm 30 ngày gia hạn nếu chứng minh bằng văn bản xác nhận sự cần thiết để bảo đảm an ninh cho quân ta. Ngày 24-10 -1973 Nixon phủ quyết dự luật War Power Act cho rằng nó vi hiến xâm lấn quyền Tổng thống , ngày 7-11-1973 Quốc hội phủ quyết sự phủ quyết của Nixon, như thế họ đã bật đèn xanh cho BV xâm lăng VNCH.
Ngoài ra kế hoạch cây gậy củ cà rốt của Nixon cũng bị Quốc hội dẹp luôn:
“Chẳng bao lâu các vị dân cử phản chiến cấm hết mọi hoạt động quân sự của chính phủ tại Đông Dương, họ cũng cấm viện trợ tái thiết cho BV, Quốc hội đã dẹp luôn cả gậy và cà rốt đã được ghi trong Hoà ước, như thế Hà Nội không còn lý do để chấp hành các điều khoản”- Sách đã dẫn trang 178.
Về kế hoạch viện trợ quân sự cho VNCH, ngân khoản do Nixon đề nghị đã bị Quốc hội cắt giảm liên tục từ hai tỷ mốt (2,1 tỷ) tài khoá 1973 xuống một tỷ tư (1,4 tỷ) tài khoá 1974 và 700 triệu tài khoá 1975. Trong khi ấy BV vẫn được CS quốc tế viện trợ dồi dào : Giai đoạn 1969-1972: 684,666 tấn hàng vũ khí, giai đoạn 1973-1975: 649,246 tấn , hai giai đoạn coi như tương đương.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, miền Nam VN mạnh hơn miền Bắc, BV bị thiết hại nặng trong trận mùa hè đỏ lửa, khoảng từ 70 ngàn cho tới 100 ngàn cán binh bị tử trận, từ 500 cho tới 700 chiến xa bị phá hủy, VNCH thiệt hại khoảng một nửa. Sau trận oanh tạc cuối tháng 12-1972, các hạ tầng cơ sở quân sự, kho hàng, tiếp liệu, phi trường, ga xe lửa …tại miền Bắc bị tàn phá trầm trọng. Nhưng dần dần trong khi miền Bắc ngày một mạnh hơn nhờ CS quốc tế viện trợ dồi dào, miền Nam ngày một suy yếu vì Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ tới xương tủy đưa tới sự sụp đổ ngày 30-4-1975 như ta đã thấy.
Nixon đổ lỗi cho Quốc hội, ông nói:
“Chúng ta chiến thắng ở Việt Nam nhưng không giữ được hoà bình . Thành quả mà ta đạt được sau mười hai năm chiến đấu đã bị vứt bỏ trong một cơn điên khùng vô trách nhiệm của Quốc hội”- Sách đã dẫn trang 165.
Nixon cũng chịu trách nhiệm trong sự sụp đổ VNCH và Đông Dương, sự hoà hoãn với Trung Cộng, Nga Sô do ông thực hiện được năm 1972 đã ngầm thúc đẩy Quốc hội bỏ rơi Đông Dương vì thuyết Domino không còn giá trị.
Trả lời một cuộc phỏng vấn của một tờ báo Đức tại hải ngoại, cựu TT Thiệu cũng đã xác nhận sự thất bại không phải do Cộng quân không chịu rút về Bắc mà vì VNCH không được tiếp tục viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cũng như sự yểm trợ hoả lực của họ.
Như thế không phải Hiệp định Paris đã bức tử VNCH.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
———————————————–
Tài liệu tham khảo.
Richard Nixon: No More Vietnams , Arbor House, New York 1985.
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
English.illinois.edu/maps/vietnam/antiwar.html: Mark Barringer: The Anti-war Movement in the United States .
Radical times:The antiwar Movement of the 1960s, Politic and the Antiwar Movement.
Answer.com: Vietnam Asntiwar Movement
Lars-Klein. com: Nixon plan for ending Vietnam war.
Digital history. uh. Edu/… Nixon and Vietnam .
Kansaspress.ku.edu: Nixon’s Vietnam war
Wikipedia: Operation Linebacker II
The Hauenstein Center for Presidential: Nixon and the Christmas bombing.
www.answer.com/topic/domino-theory: Domino theory.
BBCVIETNAMESE.Com: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiến Tranh , 10-5-2006
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006.
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong Chiến Tranh Việt Nam, 1963-1975, Đại Nam .
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh 2005
Đặng Phong: 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trí Thức, Hà Nội 2008
-----------------------------------------
Chiến Tranh Việt Nam (1954-1975) - wikipedia.org
.
.
.
No comments:
Post a Comment