Thursday, May 27, 2010

ÂN XÁ QUỐC TẾ TIẾP TỤC CHỈ TRÍCH VIỆT NAM

Ân Xá Quốc Tế tiếp tục chỉ trích VN

Cập nhật: 07:20 GMT - thứ năm, 27 tháng 5, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100527_humanrights.shtml

Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vừa công bố phúc trình 2010, trong đó viết Việt Nam tiếp tục hạn chế quyền tự do ngôn luận và hội họp.

Phúc trình nhìn lại năm 2009 nhận định rằng việc trấn áp bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã tăng lên, với nhiều vụ bắt giữ các nhân vật đấu tranh chính trị và nhân quyền, những người chỉ trích tình trạng tham nhũng và chính sách của chính phủ Việt Nam đối với Trung Quốc.

"Trong đa số các trường hợp, quan ngại về an ninh quốc gia được lấy ra làm lý do bắt giữ và điều tra hình sự."

Chính phủ Việt Nam chưa có phản hồi gì về bản phúc trình mới nhất này.

.

Amnesty International nói chính phủ Việt Nam không chấp thuận các khuyến cáo của quốc tế, như sửa chữa hoặc loại bỏ các điểm đề cập tới an ninh quốc gia trong Luật hình sự 1999, vốn không phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; bỏ các hạn chế đối với bất đồng chính kiến, đối lập chính trị, quyền tự do ngôn luận và hội họp; và trả tự do cho tù nhân lương tâm.

Tổ chức này cũng cho hay bắt đầu từ tháng Năm 2009, tại Việt Nam có một làn sóng bắt bớ mới nhằm vào giới đấu tranh dân chủ và những người chỉ trích chính quyền. Cơ quan chức năng ở Việt Nam nói đã "phá tan âmmưu phá hoại an ninh quốc gia" và bắt 27 người liên quan.

Ân xá Quốc tế nhắc tới trường hợp luật sư Lê Công Định, người bị bắt hôm 13/06/2009, nói rằng ngay sau khi ông Định bị bắt, báo chí trong nước đã có chiến dịch bài xích ông và ông đã bị thu thẻ hành nghề.

Bản phúc trình viết rằng còn ít nhất 31 tù chính trị hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam sau khi bị xét xử một cách bất công. Đa số họ bị xử theo Điều 88 bộ Luật Hình sự về tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam.

"Giới chức an ninh tiếp tục bắt bớ, sách nhiễu và giám sát chặt chẽ các thành viên của các nhóm tôn giáo bị cho là chống đối chính quyền."

Phúc trình của Amnesty International cũng đề cập tới trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các vụ biểu tình phản đối của người Công giáo thời gian qua.

Trong quá khứ, chính phủ Việt Nam luôn nói rằng các chỉ trích của các tổ chức nhân quyền quốc tế là dựa trên thông tin "bịa đặt", không đúng với thực tế, và tuyên bố Việt Nam luôn cải thiện nhân quyền và tự do tôn giáo.

Kiểm duyệt mạng

Trong khi đó, một tổ chức theo dõi nhân quyền có tiếng khác là Human Rights Watch (HRW), trụ sở tại New York, cũng ra thông cáo lên án việc mà tổ chức này gọi là cuộc tấn công "tinh vi và quy mô" của chính quyền Việt Nam nhằm vào bất đồng chính kiến trên mạng.

Theo HRW, cuộc tấn công này có hai nhánh: một là bắt giữ và sách nhiễu các blogger độc lập; và hai là cho tin tặc đánh phá các website chỉ trích chính phủ.

HRW cáo buộc trong hai tháng lại đây, đã có ít nhất 7 blogger độc lập bị bắt giữ và tra khảo. Các website có tính đối kháng ở trong nước và hải ngoại cũng bị tin tặc tấn công, nhiều trang bị tê liệt và phải ngừng hoạt động.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc bộ phận Á châu của HRW, viết: “Chính quyền nhằm vào các cây bút trên internet này vì họ dám nói lên các ý kiến độc lập, chỉ trích chínhg sách của nhà nước và phơi bày những điều sai trái".

Một chiến thuật mới là dùng tin tặc để đánh phá các website có nội dung chống đối. HRW nói họ nhận được thông tin về bằng chứng rằng một số trang web như Thông luận hay Dòng Chúa cứu thế đã bị tấn công từ địa chỉ IP của Viettel, công ty viễn thông quân đội.

HRW tuyên bố: "Chính phủ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ internet Việt Nam phải chấm dứt các cuộc tấn công trên mạng."

HRW viết, từ tháng Chín 2009, hàng chục website đã bị tin tặc tấn công bằng phương thức gây lỗi DDoS, trong khi các trang tin của các hãng quốc tế bằng tiếng Việt kể cả của BBC cũng bị một số nhà cung cấp dịch vụ internet chặn bằng tường lửa.

.

.

.

No comments: