Friday, May 14, 2010

TƯỜNG THUẬT PHIÊN XỬ PHÚC THẨM 3 NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ TẠI SÀI GÒN

TƯỜNG THUẬT PHIÊN XỬ PHÚC THẨM 3 NHÀ HOẠT ĐỘNG DÂN CHỦ TẠI SÀI GÒN

Quỳnh Trang
Gửi từ Sài Gòn 12/5/2010

http://ptdcvn.wordpress.com/2010/05/13/t%c6%b0%e1%bb%9dng-thu%e1%ba%adt-phien-x%e1%bb%ad-phuc-th%e1%ba%a9m-3-nha-ho%e1%ba%a1t-d%e1%bb%99ng-dan-ch%e1%bb%a7-t%e1%ba%a1i-sai-gon/

Sáng 11.5.2010 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM khai mạc phiên xử phúc thẩm vì có kháng cáo của 3 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần internet Một kết nối), Lê Thăng Long (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần và phát triển đầu tư công nghệ Innotech) và Lê Công Định (nguyên Giám đốc Công ty luật TNHH một thành viên Lê Công Định) do thẩm phán Trương Vĩnh Thủy làm chủ tọa.

Bất kể các thủ thuật răn đe của công an và không khí căng thẳng bao trùm, chúng tôi vẫn thấy một vài nhóm bạn hữu kéo đến ủng hộ các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, tức 3 nhà dân chủ bị đem ra tuyên án hôm nay.

Thật trái ngược với tuyên bố của Tòa án rằng đây là buổi xử công khai, đủ loại công an sắc phục và thường phục được huy động để bao vây toàn bộ khu vực xung quanh tòa án và kiểm soát từ xa. Ngay bên ngoài cổng tòa án tại số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, nhiều toán công an đứng rải rác và một số khác được ẩn nấp trong các xe tải lớn quanh đó. Bên trong khuôn viên Tòa án, một hàng rào lưới B40 đã được dựng lên, với lực lượng công an trấn giữ.

Chúng tôi cũng được biết công an đã phải thực tập trấn áp đám đông từ vài ngày trước. Các phóng viên ngoại quốc và những nhà ngoại giao nước ngoài như Đại sứ, Lãnh sự ở Việt Nam đều không được tham dự.

Có khoảng 25 phóng viên trong nước được phép tham dự, theo dõi phiên tòa qua màn hình lớn, rất mờ, ở phòng bên cạnh và tất cả đều không được mang theo máy chúp ảnh, ghi âm, laptop… chỉ được một cây viết và cuốn sổ để ghi chép.

Vì tòa Phúc thẩm TAND Tối cao nằm trên lầu 1 (tầng trệt là tòa án TP.HCM). Nên công tác an ninh có vẻ dễ dàng hơn phiên sơ thẩm. Công an chỉ cần đứng, chặn ở hai bên cầu thang, kiểm tra những vật dụng cá nhân “không cần thiết” của tất cả những người muốn lên tham dự phiên tòa. Và hoàn toàn loại bỏ những “vị khách không mời”.

6 giờ sáng

Xe tù đưa 3 anh đến nơi. Trái với mọi suy đoán, Nguyễn Tiến Trung không hề được đưa tới tòa để làm nhân chứng. Có lẽ rút kinh nghiệm từ phiên xử sơ thẩm, để tránh những rắc rối, vì “fan hâm mộ” kéo đến để ủng hộ Nguyễn Tiến Trung khá đông.

Giống như phiên xử sơ thẩm trước, họ nhanh chóng đưa các anh vào phòng cách ly. Phải nói là công tác bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt.

Khoảng 5 người thân của 3 anh, đã có mặt tại tòa án từ sáng sớm với ước mong được nói với chồng, con, anh trai vài câu trước giờ xử nhưng hoàn toàn vô vọng vì bị cách ly.

8 giờ sáng

Chủ tọa chính thức tuyên bố phiên tòa bắt đầu.

Trong phần làm thủ tục tố tụng. Do Lê Công Định bị xét xử theo khung hình phạt cao nhất là tử hình, mà luật quy định phải có luật sư bào chữa, nên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã chỉ định luật sư Võ Đức Trung cho anh Định. Tuy nhiên, tại phiên tòa, anh Định từ chối luật sư này và đề nghị tự mình thực hiện phần bào chữa. Yêu cầu này được HĐXX chấp thuận.

Các anh Thức và Long đều đã có luật sư riêng. Bào chữa cho anh Thức là luật sư Triệu Quốc Mạnh, bào chữa cho anh Long là luật sư Nguyễn Minh Tâm đều thuộc Đoàn Luật sư TPHCM

.

8 giờ 30 sáng

Lê Công Định

Vị chủ tọa đọc lại toàn bộ bản án sơ thẩm. Sau đó, cho cách ly 2 anh Thức và Long ra ngoài. Và bắt đầu xét hỏi Luật sư Lê Công Định.

HĐXX hỏi: “Bị cáo (BC) có gì không hài lòng về bản án sơ thẩm đã xử?”

“BC công nhận những gì trong bản án sơ thẩm xét xử BC là đúng người, đúng tội. BC thừa nhận mình đã làm những việc như cáo trạng cáo buộc”.

HĐXX: “Như vậy, BC đã thừa nhận tham gia tổ chức phản động “Đảng dân chủ Việt Nam”. Vậy BC có biết Nguyễn Sĩ Bình là ai không?”

- “Qua báo chí BC biết, ông ta là người đã bị bắt vào năm 1992, về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền. Nhưng sau 9 tháng bị giam giữ, nhờ sự khoan hồng của nhà nước VN, ông đã được thả và trục xuất về Mỹ…”.

Tòa: “BC có tham gia viết Con Đường Việt Nam không?”.

- “BC hoàn toàn không biềt gì về CĐVN. BC chỉ nghe, đây là tài liệu do Nguyễn Sĩ Bình viết thôi, chứ bản thân cũng chưa từng thấy, hay đọc CĐVN”.

Tòa: “Hôm nay, bị cáo (BC) kháng án xin giảm nhẹ hình phạt? BC có đưa thêm được tình tiết gì cho việc giảm nhẹ của mình không?”

“Gia đình BC là gia đình có công với cách mạng. Cha mẹ được nhận nhiều huân huy chương kháng chiến. BC là người lao động chính trong gia đình. Hiện còn có mẹ già và hai đứa cháu còn nhỏ (con của người anh). BC mong HĐXX giảm ản, để BC có thể trở về và gánh vác công việc gia đình”.

HĐXX: “BC là luật sư nên cũng hiểu rõ có tình tiết mới thì mới có căn cứ xem xét giảm án. Tất cả các ý BC trình bày đều được cấp sơ thẩm xem xét thông qua. Tuy nhiên, với thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải từ lúc bị bắt đến bây giờ, BC vẫn còn có cơ hội được giảm án, tha tù trước thời hạn nếu chấp hành án tốt. HĐXX nói cho bị cáo yên tâm nhưng vẫn phải chờ đến lúc nghị án”.

.

9 giờ 15 phút

Lê Thăng Long

HĐXX cho hỏi anh Long.

HĐXX: “BC không đồng ý điều gì trong phiên HĐXX sơ thẩm?”

“BC đồng ý với những tình tiết trong phiên sơ thẩm kết án. Nhưng về mặt bản chất, không phải như vậy. BC làm những việc đó, không nhằm để lật đổ chính quyền, mà chỉ muốn thúc đẩy cho Việt Nam đi lên”.

HĐXX: “Nếu thế, tại sao BC không viết bài, hay làm điều gì đó, gửi đến các cấp chính quyền, mà lại hoạt động cho tổ chức phản động Đảng dân chủ VN”

“BC cũng đã từng viết thư cho Quốc hội, nhưng không được xem xét, còn bị tố cáo là tài liệu phản động, nên BC không có niềm tin nơi chính quyền”.

HĐXX: “Nói thế là BC không thừa nhận những gì ở phiên sơ thẩm đã kết tội BC?

“Đúng! BC thấy mình vô tội. Những việc làm của BC hoàn toàn không vì mục đích cá nhân, càng không phải nhằm lật đổ một chính quyền nào cả.”

HĐXX: Thế BC tham gia Đảng dân chủ Việt Nam để làm gì?

“BC tham gia Đảng dân chủ Việt Nam, vì BC biết ĐDC VN là một chính đảng, đã từng song hành gánh vác trách nhiệm của đất nước từ năm 1944 với ĐCS VN. Năm 1988, ĐDC đã tự giải thể, nhưng vào năm 1996, ông Hoàng Minh Chính, một vị lão thành cách mạng, một người đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của đất nước, đã phục hoạt ĐDCVN. Cho nên BC cho rằng ĐDC hoạt động nhằm thúc đẩy cho đất nước đi lên, chứ không phải nhằm lật đổ một chính quyền nào hết cả…”.

.

10 giờ

Trần Huỳnh Duy Thức

HĐXX cho hỏi anh Thức, cũng những câu hỏi như khi thẩm vấn anh Long, nhưng thời gian dài hơn, vì anh Thức “đôi co” khá thẳng thắn.

HĐXX: “Chúng tôi đã nhận đơn kháng cáo kêu oan, dày 50 trang giấy cho rằng mình không phạm tội ‘hoạt động nhằm lật chính quyền nhân dân’. Như vậy BC vẫn không nhận tội?”

“Vâng! BC thừa nhận một số hành vi như bản án sơ thẩm đã quy buộc, nhưng bản chất thì hoàn toàn khác, BC không có ý định chống phá hay lật đổ nhà nước, mà chỉ muốn cảnh báo các nguy cơ của đất nước, muốn đóng góp xây dựng đất nước mà thôi…”

HĐXX: “BC muốn xây dựng đất nước, mà lại lập nhóm ‘nghiên cứu Chấn’ và ra kế sách ‘Đoài đánh Đoài’. Một người có tâm huyết với đất nước không bao giờ có tư tưởng dùng người này, đánh người kia?”

“Đó là do bên an ninh điều tra quy chụp, và VKS kết tội. Chứ HĐXX có bằng cớ gì để nói BC ra kế sách ‘Đoài đánh Đoài’ đâu? Với lại, BC chỉ là một người dân thường, làm sao có thể chỉ đạo người này, đánh người kia như cáo trạng kết tội được?”

Vị Công tố viên (VKS) đứng dậy, lớn tiếng: “Trong những bài viết phát tán trên mạng, có nội dung BC muốn thay thế chính quyền? Hành vi thay thế chính quyền không theo qui định của Pháp luật là có hợp pháp?”.

“Hành vi viết lách là thể hiện quyền tự do ngôn luận và đó là quyền tự do hiến định. Một trong những quyền được Hiến pháp nước CHXHCN VN ta cho phép. Tuy BC có viết những bài viết ‘trắng, đen rõ ràng’ nhưng bản chất, BC chỉ muốn chỉ ra những điều mà đất nước chúng ta đang còn ‘tồn đọng’. Chứ không phải là nhằm thay đổi chính quyền…”

.

11 giờ 15’

Viện Kiểm sát nhân dân, phát biểu quan điểm. Bài viết khá dài, đã được soạn sẵn, chỉ cần cầm đọc, đại khái là:

Trong quá trình điều tra và xét xử, ông Định đã thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải về lỗi lầm của mình, gia đình cách mạng, cha mẹ được tặng thưởng nhiều huân chương… Cấp sơ thẩm đã áp dụng mức án nhẹ nhất ở khung liền kề, tuyên phạt ông Định 5 năm tù là hợp tình, hợp lý. Tại phiên phúc thẩm không có thêm tình tiết mới để giảm nhẹ cho ông Định. Từ đó, VKSND Tối cao đề nghị HĐXX bác kháng cáo của ông này.

Cũng theo cơ quan công tố, ông Trần Huỳnh Duy Thức và ông Lê Thăng Long kêu oan là không đúng. Ông Thức giữ vai trò tổ chức, lôi kéo ông Long và những người khác tham gia các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam. Cấp sơ thẩm đã tuyên phạt ông này mức án 16 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật chính quyền nhân dân” là có căn cứ, thỏa đáng. Ông Lê Thăng Long là đồng phạm của ông Thức nên bị tuyên phạt 5 năm tù về tội trên là có cơ sở. Tại phiên HĐXX phúc thẩm không có thêm tình tiết mới nên Viện đã đề nghị HĐXX bác kháng cáo của ông hai ông này.

Phiên Tòa tạm nghỉ giữa trưa.

1 giờ 30 chiều

Đến phần bào chữa của các BC và luật sư.

Lê Công Định: “BC thừa nhận những việc làm của mình là vi phạm pháp luật VN. BC chỉ mong HĐXX xem xét, những tình tiết giảm nhẹ như: thân nhân tốt, gia đình có công với cách mạng và bản thân đang là lao động chính trong gia đình, để BC có cơ hội trở về, gánh vác trách nhiệm cho gia đình và có cơ hội cống hiến cho xã hội, xây dựng đất nước…”

Luật sư Nguyễn Minh Tâm, bào chữa cho thân chủ Lê Thăng Long: “Trong thời gian làm giám đốc cho Công Ty cổ phần và phát triển đầu tư công nghệ Innotech. Anh Long đã nhận thấy được một số vấn đề bất cập của đất nước trong kinh tế cũng như xã hội. Vì bản tính yêu nước, nên anh đã nóng lòng góp phần xây dựng đất nước. Anh cũng đã từng viết thư góp ý cho quốc hội, nhưng không được sự đồng tình, nên tỏ ra bất mãn. Những việc làm của anh, tuy xuất phát từ tình yêu đất nước, nhưng một số vấn đề, vì không hiểu hết ngọn ngành của pháp luật Việt Nam, nên anh đã vi phạm pháp Luật Việt Nam. Cáo trạng cáo buộc tội cho anh Long là đúng người, đúng tội. Và bản án trong phiên HĐXX sơ thẩm là hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, trong bản án này, HĐXX đã chưa xem xét đến hoàn cảnh gia đình của anh Long. Ông bà, cha mẹ đều theo cách mạng, có nhiều huân huy chương kháng chiến. Và với thái độ “ăn năn” của anh Long, mong HĐXX xem xét giảm án phần nào cho anh Long”.

HĐXX hỏi anh Long: “BC có đồng tình với lời bào chữa của luật sư không?”.

Anh Long miễn cưỡng trả lời: “BC đồng tình”.

HĐXX: “như vậy là BC thừa nhận những việc làm của mình là hoàn toàn sai trái?”.

Anh Long lí nhí trả lời “Vâng! BC thừa nhận”.

HĐXX: “Rất tốt! HĐXX ghi nhận tình tiết mới này. Và sẽ xem xét thái độ ăn năn của BC trong phần nghị án”

2 giờ 15

Đến phần bào chữa của luật sư Triệu Quốc Mạnh cho anh Thức.

“Kính thưa HĐXX. Bản án sơ thẩm qui kết BC Thức phạm vào tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và tuyên một bản án rất nặng cho BC Thức là rất oan…”

“Trong phiên sơ thẩm, BC Thức đã tố cáo việc mình bị cơ quan điều tra “truy bức, khủng bố tinh thần”, cũng như tình trạng sức khoẻ không đủ để tham dự tiếp phiên tòa. Theo Điều 71 của Hiến pháp Việt Nam, các Điều 4, 6 và 7 của bộ Luật TTHS thì HĐXX phải “tôn trọng và bảo vệ” các quyền cơ bản của công dân, kể cả bị cáo, “về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm” và “nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”. Vì những lẽ này, tôi đề nghị chủ tọa phải cứu xét tố cáo nghiêm trọng này của bị cáo để thẩm giá toàn bộ các lời khai của bị cáo, các đơn xin khoan hồng.

“Cáo trạng về Điều 79 tố cáo BC Thức “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng không đưa ra bằng cớ rõ ràng nào về việc “thành lập”, “tham gia”, “tổ chức”? Đây là những chìa khóa pháp lý cơ bản tại phiên xử đã không hề được HĐXX nêu lên, cứu xét, tranh luận…”

HĐXX đã không giám định bằng chứng phạm tội một cách độc lập và thấu đáo. Theo Điều 214 của Luật TTHS thì các cơ quan điều tra, bắt giữ, thu thập bằng chứng tố cáo tội phạm phải được triệu tập ra trước tòa để được xét hỏi cả ba bên, công tố, HĐXX và luật sư biện hộ. Tuy nhiên, trong phiên tòa này, tất cả những bằng chứng, tài liệu dùng để truy tố đều chỉ căn cứ trên cáo trạng của kiểm sát viên”

“Vì những lẽ trên, tôi xin tòa hãy xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án. Vì bản chất những hành vi của BC Thức không nhằm lật đổ chính quyền, mà chỉ là chỉ ra một số điều sai trái của đất nước, để góp phần thúc đẩy đất nước đi lên…”

Tòa hỏi BC Thức: “BC có đồng tình với lời bào chữa của LS không?”

“BC hoàn toàn đồng tình. Và xin được tự bào chữa thêm. Như trong 50 trang kháng cáo kêu oan mà BC đã gửi cho HĐXX, BC đã nói rõ, BC không hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, mà BC chỉ muốn giúp đất nước đi lên. Còn tòa vẫn kết tội BC làm kế sách ‘Đoài đánh Đoài’ thì HĐXX phải đưa ra những bằng cớ thuyết phục…”

Vị chủ Tọa: “Như vậy là BC vẫn không nhận tội?”.

“Vâng! BC cho rằng mình không có tội. BC mong HĐXX đưa ra những bằng cớ rõ ràng nếu muốn kết tội BC”.

Vị chủ Tọa: “Đến nước này mà BC vẫn ngoan cố. BC không có một chút ăn năn hối cải, mà mong HĐXX giảm án cho BC…”

3 giờ chiều

HĐXX tuyên bố tạm ngưng phiên tòa, để vào nghị án. Thời gian nghị án khoảng 2 tiếng.

5 giờ chiều

Tòa bắt đầu đọc bản án.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ đã già, bị bệnh và có thành tích cách mạng là các tình tiết được Lê Công Định đưa ra để xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Cũng như ở phiên sơ thẩm, Định đã thừa nhận, tỏ ra ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội của mình. Theo HĐXX, cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên thấp hơn mức án đề nghị nên không thể giảm nhẹ thêm được nữa.

Đối với Trần Huỳnh Duy Thức vẫn tiếp tục quanh co chối tội, chỉ thừa nhận sai lầm trong nhận thức, chứ không thừa nhận hành vi phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” như toà sơ thẩm đã tuyên. Bào chữa cho Thức, luật sư Triệu Quốc Mạnh cho rằng, Thức không phạm tội với những lý lẽ thiếu tính thuyết phục.

Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, với những tài liệu đã làm ra, phát tán trên mạng (blog, email), trong đó có cuốn “Con đường Việt Nam” và “Tuyên ngôn Lạc Hồng”, Thức đã dùng những lời lẽ bôi nhọ Đảng, Nhà nước, kêu gọi, tập hợp lực lượng, thể hiện âm mưu lật đổ chính quyền.

BC Lê Thăng Long lúc đầu quanh co chối tội mà tòa sơ thẩm đã kết luận là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tuy nhiên, trong phần tranh luận, Long đã thừa nhận và tỏ ra ăn năn về hành vi phạm tội của mình, nên có căn cứ để xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho BC

HĐXX kết luận: đây là vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, hoạt động phạm tội của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự móc nối, cấu kết với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong và các thế lực thù địch để tập hợp lực lượng hình thành các tổ chức chính trị phản động, có sự lôi kéo tập hợp lực lượng để hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức “bất bạo động”, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Trong đó, Thức giữ vai trò cầm đầu, chủ mưu; Định giữ vai trò là người tham gia đắc lực còn Long giữ vai trò đồng phạm giúp sức.

Tòa tuyên án

HĐXX tuyên y án 16 năm tù đối với Trần Huỳnh Duy Thức và y án 5 năm tù đối với Lê Công Định, giảm mức án 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng cho Lê Thăng Long. Riêng bị cáo Nguyễn Tiến Trung, do không có kháng cáo nên phải chấp nhận mức án 7 năm tù. Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn phải chấp nhận thời gian quản chế 3 – 5 năm.

Kết thúc phiên tòa

Anh Lê Công Định đã nở nụ cười, bắt tay anh Lê Thăng Long để chúc mừng cho việc được giảm án. Anh Định cũng quay qua vỗ vai Trần Huỳnh Duy Thức, ánh mắt như muốn nói lên điều gì không thể nói ra lời. Có lẽ anh muốn nói rằng anh hiểu anh Thức, ai cũng hiểu anh Thức, nhưng chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản là cố tình không hiểu anh.

Hình ảnh 3 người “tâm đầu ý hợp” chụm đầu vào nhau, ở cuối phiên tòa như muốn nhắc nhở cho nhau rằng: “Ý chí vẫn con đó. Chặng đường gian nan phía trước vẫn con đó. Nhưng những bước chân vẫn không biết mệt mỏi, vẫn sẽ đứng lên để đi tiếp con đường đòi tự do dân chủ cho VN…”.

Thật là một hình ảnh đẹp biết bao…

Nhận định

Một phiên tòa được tuyên truyền là “Công khai”, nhưng thật ra hoàn toàn xử một cách kín đáo. Không được tiến hành theo chuẩn quốc tế về nhân quyền. Đó là chưa kể đến lực lượng công an đứng làm “bảo vệ” vòng ngoài cũng như trong tòa.

Có một điều, hơi khác so với phiên sơ thẩm là Tòa cho các bị cáo cũng như các luật sư của bị cáo, có đủ thời gian tự bào chữa, và không ngắt lời.

Điều này mới thấy, cứ tưởng là tốt. Nhưng khi nhìn vào bản án, thì đây cũng là một “kịch bản” mà HĐXX đã diễn một cách khá hoàn hảo. Vì bản án cuối cùng HĐXX không xem xét tới phần bào chữa của LS Lê Công Định. Còn anh Thức cũng như LS bào chữa cũng không được xem xét. Mặc dù anh Thức có yêu cầu đưa ra bằng chứng để buộc tội anh ấy, nhưng Tòa án không đáp ứng, nên cuối cùng vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm (là 16 năm tù và 5 năm quản chế).

Như vậy rõ ràng bản án dường như đã được định đoạt từ trước, và mọi lời yêu cầu của anh Thức như bằng cớ nào để buộc tội, đều không được HĐXX quan tâm.

Quỳnh Trang
Gửi từ Sài Gòn 12/5/2010

.

.

.

No comments: