77 ngày cam chịu. Nhưng nếu 365 ngày/ 1 năm, thì sao?
Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.
Chủ Nhật, 16/05/2010
Bàn về mối nguy cơ mất Biển Đông, mất đảo và cả nguy cơ mất nước khi kẻ thù hung hãn, tham lam và xảo quyệt vô cùng...
.
Câu chuyện buồn đẫm nước mắt của tôi (và rất nhiều người nữa) trong tuần vừa rồi là ngư dân Đặng Tằm và 11 thuyền viên (tàu cá Qng 0281) được phía Trung Quốc “thả”, sau khi phải nộp phạt 194 triệu đồng và bị cướp sạch mọi ngư cụ, cá vừa đánh bắt được và mọi phương tiện thông tin liên lạc…(!) Nghĩ mà đau mà xót cho người dân sống trong một nước mà Nhà nước ấy – định danh “của dân, do dân, vì dân” nhưng chẳng hề lo cho dân một mảy may nào, bắt nhân dân “tự lo” từ A tới Z, kể cả chuyện phủi tay khi mạng sống của dân bị đày đọa, dập vùi. Chuyện của anh Đặng Tằm được cộng hưởng thành nỗi đau có mũ N của cấp số nhân cay đắng là Trung Quốc lại ngang nhiên cấm ngư dân ta ra biển của ta, trời của ta - đánh cá từ 16.5 đến 1.8.2010 – cộng là 77 ngày. Ai cũng biết ngày 1.8 (Bát Nhất) là ngày thành lập Quân đội Trung Quốc – hàm ý và hàm nghĩa đó như một ngầm định buộc tất cả những kẻ nhát gan phải tắt đài. Chỉ tội ngư dân….
.
Nếu đất nước vì tình “hữu nghị” mà im lặng hoặc cứ điệp khúc “dê kêu” của bà Nguyễn Phương Nga cứ hát mãi hoài thì vận mệnh dân tộc này sẽ đi đến đâu? Hôm nay Trung Quốc cấm 77 ngày (năm ngoái hình như là 2 tháng), ta vẫn cứ im lặng để “bảo vệ tình hữu nghị của năm hữu nghị”; vậy thì, một vài năm nữa, họ ngang ngược cấm cả 365 ngày - Chính phủ sẽ tính sao và Đảng biện bạch thế nào? Khả năng ấy là có thực bởi mưa dầm thấm lâu, được đằng chân lân đằng đầu là nghệ thuật siêu phàm của các nhà lãnh đạo Trung Hoa. Hơn hai tháng rưỡi ta không có mặt trên ‘biển trời quê ta, rộn vang tiếng ca” thì khác gì ta đánh mất chủ quyền? Một vùng biển mà ngư dân của ta “không thèm” đến (thực ra là sợ quá, mất mát nhiều quá, chết và bị vùi dập nhiều quá nên không dám đến) thì chủ quyền “của họ” là cái lẽ đương nhiên. Vài năm nữa, người Trung Quốc nói rằng “Chúng tôi cấm và Việt Nam chấp nhận. Chứng tỏ đó là lãnh hải của Trung Quốc”, thì các quan chức thời nay sẽ ăn no rồi ú ớ thế nào? Tại sao không nghĩ chuyện đường dài? Tại sao để mặc cho ngư dân khốn khổ thế? Tại sao không huy động sức mạnh của toàn dân (kể cả hàng triệu người Việt ở nước ngoài) đồng thanh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lãnh thổ? Đến bây giờ vẫn u mê tin vào lòng tốt hay tình hữu nghị thì chỉ có trời mới biết được các vị lãnh đạo hiện nay tin tưởng vào cái gì(!)?
.
Giả sử (nhưng rất hiện thực) Trung Quốc cấm ngư dân ta đánh cá trên Biển Đông cả 365 ngày/năm thì khi ấy sẽ là gì? Hàng vạn người sẽ chết đói, hàng vạn trẻ em sẽ lâm vào cảnh không cửa không nhà vì có đồng nào thì ngân hàng đã xiết nợ gần hết và, mặc nhiên, ta mất tất cả biển trời, đảo… Chưa nói đến những nguồn lợi, chỉ riêng về lĩnh vực an ninh thôi đã nguy hiểm không cùng…
.
Tại sao không nghĩ và tin rằng hàng ngàn năm cha ông ta đánh bại được giặc Trung Hoa thì bây giờ cái sự thật đương nhiên đó vẫn là chuyện bình thường? Tại sao không nghĩ rằng vì sao Thủ tướng Nhật hứa dời căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa nhưng nay đành thất hứa vì tham vọng đen tối của Trung Quốc là khó có thể hình dung nổi? Tại sao không chịu tin rằng Đài Loan cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc chỉ hơn 200km nhưng Trung Quốc không dám động vào là bởi lẽ vì sao? Tại sao không chịu biết và vận dụng một chút cái trí thức nhỏ nhoi từ những cái đầu thiển cận để thấy rằng chẳng phải vô cớ mà Úc và Thái Lan là 2 trong những nước đầu tiên đem quân đến Iraq để giúp Mỹ và Anh? Người ta tính chuyện chiến lược cả trăm năm còn lãnh đạo của ta chỉ tư duy chưa đến một nhiệm kỳ…
.
Là một nhà sử học, tôi tin rằng những điều tôi nghĩ là có cơ sở thực tiễn hẳn hoi. Vận nước nguy lắm rồi. Không thể để cho Trung Quốc năm nay cấm 60 ngày, năm sau tăng lên 77 ngày và năm sau nữa là 177 ngày... Lịch sử dân tộc không tha thứ cho những kẻ bán rẻ đất nước vào tay của ngoại bang. Nếu còn nghĩ tới ngày mai, xin hãy vì dân tộc và đất nước mà tỉnh lại một chút! Bối rối trong những tình huống căng thẳng không phải là phẩm chất của người lãnh đạo. Bối rối đến nỗi mất phương hướng và liên tiếp phạm sai lầm thì không thể nào chấp nhận nổi. Chúng tôi – những con dân của Đất Việt Dấu Yêu kính đề nghị các nhà lãnh đạo phải trả lời những câu hỏi tại sao đã nêu ở trên? Và, chúng tôi kiến nghị rằng phải đề ra giải pháp và phải nói rõ những cách thức cụ thể, sao cho Trung Quốc không thể “biến” 77 ngày cấm biển thành 365 ngày(!) Tại sao cả Hải quân Việt Nam và Ngư Dân không thể cùng ra đánh bắt cá ở Biển Trời Quê Ta?
Huế, 16.5.2010. Tel: 0914.079.210.
Email:
.
.
.
TQ bắt đầu cấm đánh cá ở Biển Đông
BBC
Cập nhật: 04:29 GMT - chủ nhật, 16 tháng 5, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100516_china_fishing.shtml
Bắt đầu từ Chủ nhật 16/05, Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông, kéo dài cho tới ngày 01/08.
Đây là lệnh cấm được áp dụng hàng năm kể từ 1999, cho hải phận từ vĩ tuyến 12 phía bắc quần đảo Trường Sa, cho tới vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa.
Bắc Kinh nói cần hạn chế đánh bắt để duy trì nguồn cá.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm 06/05, Việt Nam đã lên tiếng phản đối lệnh cấm của Trung Quốc, cho đó là "vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế".
Lời phản đối này bị Trung Quốc để ngoài tai, trong khi giới quan sát lo lắng rằng lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc sẽ đổ dầu vào chảo lửa Biển Đông đang ngày càng tăng nhiệt.
Một quan chức ngoại giao khu vực được báo South China Morning Post tại Hong Kong trích lời nói: "Tất cả chúng tôi đều đang theo dõi và tự hỏi xem chuyện này rồi sẽ đi đến đâu".
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là một cách để thúc đẩy chủ quyền."
.
Chủ quyền hay nguồn lợi thủy sản?
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc nhắm tới một mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn là bảo vệ nguồn cá.
“Mười năm nay, chúng ta có thể thấy Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền lợi kinh tế của mình."
Ông Thayer phân tích: “Sử dụng tàu tuần ngư là một cách thức tuyệt vời vì đây không phải tàu chiến, chúng sơn màu trắng chứ không phải màu xám; nhưng đừng lầm tưởng, vì chúng cũng được trang bị vũ trang đầy đủ."
Theo GS Thayer, thực hiện hành động đơn phương như thế này không theo đúng tinh thần thúc đẩy hợp tác, kiềm chế căng thẳng mà Trung Quốc và các nước Asean đã thống nhất với nhau.
Giới quan chức và học giả Trung Quốc thì lại cho rằng lệnh cấm đánh cá bắt nguồn từ cả hai việc bảo vệ nguồn lợi hải sản và chủ quyền lãnh thổ.
Giáo sư Vương Hàn Linh, chuyên gia các vấn đề hàng hải tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói mục đích chính là bảo vệ trữ lượng cá tại khu vực kinh tế đặc quyền của Trung Quốc và lệnh cấm đánh bắt này đã áp dụng từ lâu theo thông lệ quốc tế.
“Trung Quốc đã giữ chủ quyền và quyền tài phán tại các khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) tại Biển Đông từ hơn một nghìn năm nay, được các nước láng giềng như Việt Nam và Indonesia công nhận, nhưng các nước này tới những năm 1970 lại xé bỏ thỏa thuận khi phát hiện thấy dầu khí và các tài nguyên khác ở dưới biển."
.
Ngư dân ngại ra biển?
Năm ngoái, khi lệnh cấm được Trung Quốc áp dụng, Việt Nam nói hàng nghìn hộ ngư dân bị ảnh hưởng khi không dám ra khơi vì sợ bị bắt và phạt vạ.
Năm nay, thuyền cá Việt Nam được khuyến khích tiếp tục đánh bắt tại các vùng biển 'của Việt Nam', thông qua đó đồng thời khẳng định chủ quyền.
Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, được trích lời nói: "Chúng tôi vẫn khuyến khích bà con đánh bắt trên những vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, kể cả quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa".
Trong khi đó, Việt Nam cảnh báo hiện tượng nhiều tàu cá "lạ" đang vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, hoạt động đánh bắt hải sản gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Biên phòng và hải quân Việt Nam đang có kế hoạch tuần tra truy bắt, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.
Tình trạng ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt vẫn tiếp tục xảy ra. Hôm 15/05, tàu của ông Đặng Tằm, xã Bình Châu, Quảng Ngãi, với 11 thuyền viên đã được trả tự do về đến nhà sau khi nộp gần 200 triệu đồng tiền phạt cho Trung Quốc.
.
.
.
No comments:
Post a Comment