Trần Quốc Việt
23/05/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.
http://www.talawas.org/?p=20562
Ở các nước toàn trị như Liên Xô ngày xưa những ai có tài mà không biết mềm dẻo và không biết cách ứng xử là tự rước họa vào thân. Biết bao hàng ngàn người có tài ở Liên Xô đã trả giá đắt cho sự ngay thẳng chính trực của mình. Cuộc đời đầy “vinh quang” của Sergei Mikhalkov thì ngược lại. Sergei Mikhalkov tài năng thì có thừa, ông vừa là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn sáng tác cho thiếu nhi, và là người viết ngụ ngôn châm biếm. Nhưng, quan trọng hơn, ông rất biết mềm dẻo với chế độ và biết sống “thức thời” hơn nhiều người có tài đương thời khác.
Tên tuổi của Sergei Mikhalkov càng lẫy lừng hơn ở nước Nga vì ông là người ba lần viết lời cho quốc ca Nga sao cho thích hợp theo từng thị hiếu của từng lãnh tụ từ Stalin đến Brezhnev đến Putin. Sau đây là câu chuyện “xưa nay hiếm” về cuộc đời của nhà thơ cung đình bậc nhất trong lịch sử Nga này.
Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc Nga vào năm 1913, trong những ngày hoàng hôn của đế chế Nga Sa Hoàng. Dòng họ ông có người được phong vương tước và đô đốc. Sau cách mạng Nga năm 1917, nhiều người trong giới quý tộc của ông thoát được ra nước ngoài để tránh bị cộng sản khủng bố, những ai kẹt lại phải sống bên lề xã hội mới, đều bị xem là “kẻ thù của nhân dân”. Nhà thơ trẻ Sergei, nhờ giấu nhẹm lý lịch, nên lọt lưới trấn áp giăng tỏa khắp nơi. Năm 15 tuổi ông đã có thơ đăng báo. Từ ấy ông leo rất nhanh lên bậc thang danh vọng trong xã hội Xô Viết non trẻ. Tài thơ của ông là tấm vé đưa ông lên tầng lớp quý tộc mới của những công nhân văn hoá vô sản. Thơ ông xuất hiện đều đặn trong các báo Sự Thật, Tin Tức và các tạp chí khác. Thơ ông còn được ngâm trên đài phát thanh.
Khởi đầu là những bài thơ đơn giản, dễ thuộc, được ông viết cho trẻ em, và được nhiều thế hệ trẻ em Xô Viết rất thích. Điển hình là một loạt bài thơ ông sáng tác năm 1935 về nhân vật có tên là Chú Styopa. Đây là một trong những nhân vật được yêu thích nhất của nền văn học thiếu nhi Xô Viết, vì Chú Styopa là một chú công an Siêu Nhân rất cao, tính tình lại dễ mến, và chú đi đến đâu đều ra tay nghĩa hiệp đến đấy, chẳng hạn chú luôn luôn sẵn sàng cứu các chú mèo bị mắc kẹt trên cây, hay chú dũng cảm cứu người bị nạn bằng cách dùng cánh tay ngăn chặn đoàn tàu khỏi bị đổ. Chú còn tập thể dục hằng ngày, tắm nước lạnh, không bao giờ quên đánh răng. Xin trích ra đây một đoạn thơ về Chú Styopa:
“Chú Stepa tốt bụng / Bằng giọng nói thâm trầm: / Tôi luôn luôn sẵn sàng / Dâng hiến sức lực mình / Làm việc gì, đi đâu / Dù phải xông vào lửa / Hay phải lội nước sâu / Miễn sao mà cứu được / Những ai gặp nguy nan / Đích của tôi là vậy / Phải giúp ích cho đời…”[1]
Hình ảnh này sao quá khác xa với những việc làm thực sự của các “chú” công an Xô Viết, trong những năm 1930 đầy khủng bố, khi các “chú” chuyên đi lùng sục bắt người giữa khuya cho đầy các trại tù khắp liên bang. Thực chất của những bài thơ ca ngợi công an này cũng như các tác phẩm khác viết cho thiếu nhi của Sergei Mikhalkov không phải là sự “giúp ích cho đời” mà là những lời thơ tuyên truyền giáo dục rất đẹp lòng Đảng. Ông là nhà thơ tuyên truyền hàng đầu của chế độ nhắm vào lứa tuổi học sinh. Ông ca tụng lý tưởng Xô Viết, lên án kẻ thù trong và ngoài nước. Ví dụ, ông chỉ trích những người sính hàng tiêu dùng nước ngoài qua một chuyện ngụ ngôn châm biếm về hai con chuột tự hào so sánh lẫn nhau hàng ngoại quý hiếm của mỗi con. Một con khoe có “sợi chỉ từ ghế sofa Thổ Nhĩ Kỳ“, con kia khoe có “một mẩu thảm Ba Tư” nhưng cả hai con quên rằng mình “đang sống nhờ vào mỡ Nga.”
Một thời gian ngắn sau, ông lọt vào mắt xanh của Stalin sau khi ông viết bài thơ ca ngợi một cô gái có bím tóc vàng nâu tên Svetlana mà ông cho biết ông đã có dịp gặp tại trụ sở Hội Nhà Văn. Lãnh tụ có cô con gái út yêu duy nhất cũng tên Svetlana. Sự trùng tên hữu ý hay vô tình này này bắt đầu mở ra đường danh lợi “rộng thênh thang tám thước” cho nhà thơ trẻ. Ông được kết nạp vào Hội Nhà Văn Liên Xô năm 1938. Với tập thơ Chú Styopa bán chạy nhất nước, nhà thơ mới 26 tuổi này đoạt huân chương Lenin năm 1939.
Do được Stalin sủng ái, ông cúc cung tận tuỵ đem hết tài năng vốn chữ của mình ra để củng cố chế độ cai trị Xô Viết. Thơ ông thường xuất hiện trang trọng trên trang nhất báo Sự Thật của Đảng. Ông làm thơ ca ngợi thành tựu kỹ thuật Xô Viết như nhà máy điện mới triệu watt hay phê phán nặng nề Phương Tây. Trong bài thơ “Họ v Chúng Ta”, ược đưa vào sách giáo khoa Xô Viết, ông không ngượng ngập khi đưa hai hình ảnh hoàn toàn tương phản giữa Liên Xô và tư bản Phương Tây như sau:
“Mỗi đồng đô la họ sẽ dùng / Mua vũ khí cho bọn giết người; /Chúng ta, ngược lại, nâng niu từng đồng Rúp để xây trường học và bệnh viện.”
Lời thơ như vè nhưng phục vụ tốt cho mục đích tuyên truyền của chế độ.
Năm 1943, giữa cuộc chiến tranh chống Đức, Sergei Mikhalkov và nhà thơ người Armenia Gabriel El-Registan, cùng ghi danh dự cuộc thi viết lời quốc ca mới để thay thế bài Quốc Tế Ca. Trong 60 người dự thi, Stalin chấm họ. Ông ca tụng Stalin hết lời trong bài quốc ca mới này với phần nhạc của Alexander Alexandrov. Một đoạn trong bài quốc ca mới như sau:
“Qua bao giông tố, mặt trời tự do chiếu sáng bên trên chúng ta /
Và Lenin vĩ đại soi đường cho chúng ta đi /
Stalin nuôi dưỡng lòng trung thành của chúng ta với nhân dân /
Và khích lệ chúng ta lao động và làm nên những kỳ tích.”
Một người bạn học của con trai nhà thơ Mikhalkov, có lần đến nhà ông chơi, được bạn đem khoe bản thảo của lời quốc ca có lời phê của Stalin yêu cầu hai dòng cuối của đoạn nhạc trên nên được lặp lại hai lần.
Mikhalkov khen và tôn sùng lãnh tụ một cách không giấu giếm như trong cuộc phỏng vấn vào năm 2008, nhà thơ thích thú khi nhớ lại cái đêm ông uống rượu với Stalin đến 5 giờ sáng sau khi bản quốc ca mới lần đầu tiên được cử lên. Ông nói với tờ báo Nga Argumenty i Fakty lúc đó rằng “Khi người ta hỏi tôi ai là người vĩ đại nhất mà tôi trò chuyện thấy thú vị nhất, tôi luôn luôn trả lời: ‘Đó là Stalin.’”
Đành rằng, quốc ca hiếm khi có giá trị văn học cao, và những nhà thơ Xô Viết, ngay cả nhà thơ lớn Anna Akhmatova, đôi lúc vì hoàn cảnh cũng phải bẻ cong ngòi bút để phục vụ chế độ. Nhưng lòng trung thành và tận tuỵ phục vụ chế độ của Sergei Mikhalkov thật quá tuyệt vời đối với chế độ. Khác với Solzhenitsyn là ngưòi luôn luôn nói lên sự thật trước bạo quyền và khuyên những ai nếu không có can đảm nói lên sự thật thì hãy làm theo lời răn viết hoa của ông: “KHÔNG NÓI LÁO! KHÔNG THAM GIA NÓI LÁO! KHÔNG ỦNG HỘ NÓI LÁO!” Mikhalkov sẵn sàng bóp méo tất cả cho mục đích tuyên truyền. Tiêu biểu là tác phẩm Cháu muốn về nhà, một vở kịch tuyên truyền về các trại mồ côi sau chiến tranh ở Đức được ông viết vào năm 1948. Trong vở kịch này, các viên chức người Anh rất độc ác đã cố gắng tẩy não và bắt cóc các em bé mồ côi Xô Viết để sau này mưu toan biến các em thành gián điệp và nô lệ cho sự nghiệp đế quốc. Các chiến sĩ Xô Viết nhân ái và can trường đã phá tan âm mưu ấy và đưa các em về với đất mẹ. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại: chính các công an chìm tổ chức những cuộc hồi hương tàn nhẫn, thường gây chia lìa các gia đình.
Chẳng mấy chốc Sergei Mikhalkov trở thành một cây đa cây đề đầy uy quyền trong giới văn nghệ sĩ Xô Viết, người thi hành kỷ luật đáng sợ của Đảng trong giới cầm bút. Ông giữ vai trò chính trong việc duy trì sự kiểm duyệt gắt gao của Đảng Cộng sản, làm thui chột bao sáng tạo nghệ thuật. Năm 1958 ông đứng về phía nhà nước lên án nhà văn Boris Pasternak, ông so sánh tác giả của Bác Sĩ Zhivago như loại cây dại chẳng ai màng đến trong mảnh vườn sau nhà. Về sau, ông tham gia chiến dịch tố cáo nhà văn Alexander Solzhenitsyn, người bị đuổi khỏi Liên Xô năm 1974. Ông gọi giải thưởng Nobel trao tặng cho nhà văn Solzhenitsyn là một hành động khiêu khích. Ông cũng không thừa nhận giá trị của những gì Solzhenitsyn cố đạt được trong tác phẩm đầu tay Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich.
Khi Khrushchev hạ bệ Stalin sau khi Stalin mất năm 1953, lời nhạc của Mikhalkov cho quốc ca Xô Viết không được dùng đến nữa. Từ đó trong hơn 20 năm, quốc ca Liên Xô được cử hành không có lời kèm theo. Mãi đến năm 1977, điện Kremlin mới yêu cầu ông viết lại lời quốc ca mới nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách Mạng Tháng Mười và cũng để dánh dấu ngày ra đời của hiến pháp Xô Viết mới. Vốn luôn mềm dẻo và thức thời, ông ngoan ngoãn vâng lời, xoá sạch những lời ca tụng Stalin, chỉ còn khen Lenin là niềm hưng phấn cho “chiến thắng của những lý tưởng bất tử của chủ nghĩa cộng sản.” Chiến thắng đâu không thấy mà chỉ 14 năm sau đó Liên Xô sụp đổ. Tổng thống đầu tiên của nước Nga không cộng sản Boris Yeltsin quyết định không dùng quốc ca Xô Viết nữa mà thay vào đó là bản quốc ca mới, cũng không có lời kèm theo, của nhà soạn nhạc thế kỷ 19 tên Mikhail Glinka. Đến năm 2001 tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh phục hồi điệu nhạc quốc ca Xô Viết cũ nhưng phần lời nhạc phải mới. Còn ai trồng khoai đất này nữa. Nhà thơ Mikhalkov, lúc này 87 tuổi, lại chấp bút lần thứ ba để viết nên lời ca mới cho bài nhạc quốc ca cũ. Bình cũ rượu mới. Ông viết lời ca mới phản ánh đúng ý thức hệ của Putin là tái tạo lại địa vị tối cao của quyền lực nhà nước dưới một lớp men đề cao dân tộc và tôn giáo hời hợt. Thế là lời ca mới ca ngợi nước Nga “vĩ đại thiêng liêng của chúng ta” và lần đầu tiên nhắc đến “Chúa“.
Do được các chế độ ông phục vụ sủng ái và trọng thưởng, Sergei Mikhalkov là sự hài hoà tuyệt vời của nước Nga mới trong những năm 2000, nơi “các thành tựu” thời Xô Viết được chào mừng cùng với thời vàng son của quá khứ đế chế Nga và di sản của Chính giáo Nga. Trong những năm cuối đời, ông thường tự hào về các tác phẩm của mình thời Xô Viết và về lý lịch quý tộc một thời giấu kín, và tuyên bố mình là người sùng đạo và kính Chúa suốt đời. Nhà thơ Mikhalkov còn là một ngưòi sưu tầm chăm chỉ các phần thưởng cao quý nhất của chế độ Xô Viết: ba giải thưởng Stalin, một giải thưởng Lenin, ba huân chương Lenin và huân chương Cách Mạng Tháng Mười. Đến năm 2005 Putin ban cho ông thêm huân chương thánh Andrew cao quý nhất của nước Nga cho một đời tận tuỵ phục vụ văn học. Trước đó vào năm 2003 Putin đích thân đến thăm ông tại nhà riêng để trao tặng ông Huân chương Phụng sự Tổ quốc hạng hai. Không lạ gì khi ông lại một lần nữa khen ngợi lãnh tụ cuối cùng của đời mình: “Tôi muốn ở Tổ Quốc của tôi mọi người tôn trọng các quy tắc đạo đức. Sống như thế dễ sống hơn. Tôi rất tin tưởng ở ông Putin và ông Medvedev. Họ là những người xứng đáng. Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ủng hộ họ.”[2]
Sinh thời nhiều người tố cáo ông là “cây bút viết thuê” của chế độ Xô Viết, là nhà văn không trung thực. Hơn nữa khi các bạn văn bị truy bức buộc ra khỏi Hội Nhà Văn, ông luôn đứng cùng phía với chính quyền đánh bồi họ. Nhà văn Viktor V. Erofeyev, người đã bị đuổi ra khỏi Hội Nhà Văn Liên Xô cũng một phần vì ông, nhận xét chua chát về ông như sau: “Ông đã khiến chế độ Xô Viết làm việc cho ông. Khi tất cả mọi người đều là nô lệ của thời đại, ông là người chủ của thời đại.” Nhiều nhà văn càng ngày càng thấy ông là con người hai mặt, người lúc này trò chuyện riêng tư vui vẻ với họ, nhưng lúc khác có thể bước lên bục tố cáo họ.
Ngày ông mất, báo chí lề phải ở Nga và Việt
Sinh thời khi được hỏi bí quyết nào ông vẫn khoẻ mạnh dù đã rất cao tuổi, ông cho rằng, giống như nhân vật Chú Styopa, ông siêng tập thể dục mỗi buổi sáng, ông không hút thuốc hay uống rượu, và ông luôn luôn viết sự thật và sống để phục vụ tổ quốc. Sự thật có thể thay đổi theo thời tiết của chế độ hay sự thật vĩnh cửu của lương tâm và đạo lý? Ông không nói rõ. Tờ Economist gọi ông là “xảo trá”. Tờ New York Times viết rằng ông không bao giờ hối hận về những gì mình đã làm khi báo trích lại lời ông nói trong lần phỏng vấn vào năm 2008:
“Người đã sống qua thời đại Xô Viết từ đầu đến cuối cần được phán xét theo những luật pháp của thời kỳ đó. Tôi không xấu hổ về công việc của mình.”
Riêng người viết bài này đôi lúc “lo xa” là lỡ sau này chế độ ở Nga thay đổi và một lãnh tụ mới xuất hiện và đòi có lời quốc ca mới thì tìm sao một nhà thơ có kinh nghiệm viết quốc ca hy hữu như ông.
Không biết có lúc nào đó khi còn sống ông có nghĩ đến điều này hay không?
Tài liệu tham khảo:
Tác giả Michael Schwirtz, New York Times 28/8/2009
Tác giả Cathy Young, Wall Street Journal 12/9/2009
The Economist 10/9/2009
TimesOnLine 10/9/2009
Tác giả Luke Harding, Guardian 30/8/2009
Telegraph 28/8/2009
Tác giả Huyền Minh, Công An Nhân Dân 30/8/2009
Tác giả Đào Hùng, tạp chí Hồn Việt 11/30/2009
© 2010 Trần Quốc Việt
© 2010 talawas
[1] Trích từ tạp chí Hồn Việt.
[2] Trích từ Công An Nhân Dân.
.
.
.
No comments:
Post a Comment