Tiền, nhà đất và kinh tế sứ quân
Việt Hoàng
Đăng ngày 15/05/2010 lúc 08:48:32 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4817
.
Xã hội Việt Nam hôm nay là xã hội hỗn loạn của các "sứ quân". Bài viết hôm nay đề cập đến các sứ quân kinh tế. Sứ quân kinh tế là các tập đoàn nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, và các nhóm lợi ích mà thực chất là các công ty của các vị con ông cháu cha. Một số các công ty tư nhân "hùng mạnh" chủ yếu là do liên minh với các quan chức cao cấp.
Một xã hội kiểu sứ quân sẽ làm đảo lộn mọi giá trị và mọi nguyên tắc sơ đẳng nhất. Trong kinh tế các sứ quân sẽ làm méo mó và biến dạng thị trường. Không có gì là lạ khi Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu nông sản lên đến 1,5 tỉ đô la mỗi năm.
Hai lĩnh vực dễ thấy nhất và có ảnh hưởng nhất đến mọi người và nền kinh tế quốc gia mà bài viết này muốn đề cập đến đó là lĩnh vực tiền tệ và nhà đất, hai lĩnh vực được coi là nóng nhất hiện nay .
Tỉ giá đồng đô la Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VNĐ) sau khi đạt ngưỡng 20.000 VNĐ/1 USD nay đã giảm xuống còn 19.000 VNĐ/1 USD. Một trong các nguyên nhân khiến đồng đô-la hạ giá là do các doanh nghiệp được khuyến khích vay vốn bằng ngoại tệ sau đó bán USD lấy tiền VNĐ để đầu tư kinh doanh. Số lượng các doanh nghiệp vay đô la chắc là lớn mới khiến đô la hạ nhiệt. Điều có lẽ khiến các doanh nghiệp chuyển sang vay đô-la thay vì vay VNĐ với lãi suất ngật ngưỡng 16-18% là có sự đảm bảo của các ngân hàng hoặc chính phủ. Nếu có sự "bao cấp" này của chính phủ thì các doanh nghiệp mới có thể "yên tâm" khi vay đô-la còn nếu không thì đây sẽ là nguy cơ cho các doanh nghiệp khi đến hạn phải trả tiền cho ngân hàng mà tỉ giá đô la không còn ở giá thấp như bây giờ nữa.
Chuyện đồng bạc VN (VNĐ) tăng giá hay xuống giá ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế thì chúng ta đã nghe nói nhiều, tuy nhiên sẽ không ổn khi nó trồi sụt thất thường. Các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi ký kết các hợp đồng. Ví dụ sự tăng giá của VNĐ chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty xuất khẩu. Cụ thể các công ty dệt may sẽ gặp khó khăn lớn khi các hợp đồng đã ký khi tỉ giá VNĐ và USD đang cao và do khủng hoảng kinh tế khiến họ phải hạ giá thành để cạnh tranh, nay đôla mất giá thì các doanh nghiệp dệt may lỗ là cái chắc.
Theo các chuyên gia kinh tế thì lãi suất vay ngân hàng để đầu tư kinh doanh có hiệu quả nằm ở khoảng 7-8%/năm. Trong khi đó các doanh nghiệp tư nhân đang phải vay ngân hàng với lãi suất từ 16-18%/năm, thậm chí có khi cao hơn. Các ngân hàng tăng lãi suất cho vay sau khi ngân hàng nhà nước bãi bỏ mức trần lãi suất cho vay và do lãi suất huy động đầu vào cao nên ngân hàng phải cho vay cao.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi lãi suất vay ngân hàng tăng cao như hiện nay ? Điều chắc chắn là nó sẽ làm cho nền kinh tế phát triển chậm lại. Khi đó hậu quả kéo theo sẽ vô cùng nghiêm trọng liên quan đến mọi lĩnh vực như chính trị, văn hóa, xã hội… Kinh doanh là công việc khó khăn và đầy rủi ro, không phải ai cũng muốn kinh doanh, những người kinh doanh phải có nhiều tố chất trong đó phải có lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm của các doanh nhân phải được xã hội và nhất là nhà nước tiếp sức, bởi vì thành công của họ là thành công của đất nước. Thế nhưng với lãi suất cho vay của ngân hàng cao như hiện nay thì khác gì bảo các doanh nghiệp thôi đừng kinh doanh sản xuất gì nữa, cứ đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi mà tiêu cho khỏe !
Vì sao lãi suất huy động lại cao như hiện nay ? Theo các chuyên gia kinh tế có uy tín thì chính các sứ quân kinh tế là người đẩy lãi suất lên cao như vậy. Người dân và các công ty tư nhân không đủ tiềm lực để "làm giá" với các ngân hàng. Vì lợi ích của các sứ quân mà kinh tế của đất nước đi xuống. Như vậy các sứ quân kinh tế thay vì làm lợi cho đất nước thì chính nó đang là hòn đá cản đường phát triển của đất nước. Thế nhưng biện pháp "cổ phần hóa", hay giảm bớt lòng tham của các sứ quân kinh tế này, là điều không tưởng vì đó là nơi rửa tiền và sân sau của giới lãnh đạo tham nhũng.
Người dân thì không tin các ngân hàng nên chọn cách giữ vàng hoặc đô la cho an toàn, điều này khiến cho các ngân hàng thiếu tiền để duy trì các hoạt động của mình nên phải tăng lãi suất huy động liên tục để hy vọng người dân gửi tiền vào ngân hàng. Lãi suất càng tăng (cả đầu ra lẫn đầu vào) thì đồng tiền càng mất giá và lạm phát càng tăng, vòng luẩn quẩn này cứ kéo dài không hồi kết khi nền kinh tế chưa có một sự minh bạch và luật chơi rõ ràng.
Trách nhiệm lớn nhất nhằm ổn định thị trường tiền tệ và tạo ra một lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp để kinh tế Việt Nam phát triển ổn định và bền vững là trách nhiệm của chính phủ mà cụ thể ở đây là Ngân hàng nhà nước. Thế nhưng cả nhà nước lẫn ngân hàng trung ương đều bất lực vì họ không thể chỉ đạo và sai khiến được các sứ quân. Tiền của các tập đoàn kinh tế thu về đều bị các tập đoàn này giữ lại cho mình qua các ngân hàng mà họ lập ra chứ không chuyển vào cho ngân hàng trung ương. Không có tiền nên ngân hàng nhà nước không thể giúp gì được cho các ngân hàng thương mại nên mới xảy ra tình trạng lãi suất hỗn loạn như chúng ta đang thấy. Hành động "kỳ khôi" của chính phủ mà chúng ta thấy được là lời "kêu gọi" các tập đoàn kinh tế bán bớt một phần đôla (của họ !) cho ngân hàng nhà nước để chính phủ bình ổn giá đôla của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm ngoái.
Một lĩnh vực cũng rất quan trọng cho mỗi người và nó cũng đang diễn ra rất không bình thường đó là lĩnh vực nhà đất. Ước mơ có một căn nhà cho gia đình mình là ước mơ chính đáng của mỗi con người nhưng có lẽ đó chỉ mãi mãi là một giấc mơ với rất nhiều người Việt Nam.
Có một nghịch lý ở Việt Nam đó là đất nước nghèo nhất nhưng giá nhà đất lại đắt nhất. Một căn hộ trung bình ở Việt Nam (chủ yếu là ở hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn) cũng có giá trên một tỉ đồng. Với hai vợ chồng và với mức lương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng thì cứ cho là không ăn uống và chi tiêu bất cứ cái gì thì cũng phải mất cả chục năm mới mua được một căn hộ nhỏ.
Còn giá trung bình của các căn hộ là từ khoảng 1500-2000 đô-la một mét vuông, giá nền đất thì còn cao hơn nữa, đây là giá ảo, hoàn toàn không hợp lý với thu nhập của người dân chút nào. Lý do gì khiến giá nhà đất cao như vậy ? Theo tôi có hai lý do chính, đó là do tham nhũng và tình trạng sứ quân. Tham nhũng khiến chi phí ngầm chiếm một tỉ trong đáng kể trong quá trình hình thành khung giá. Các công ty xây dựng phải hối lộ cho các quan chức những khoản rất lớn nên họ phải cộng số tiền đó vào giá thành sản phẩm. Lý do thứ hai là do lĩnh vực xây dựng nằm trong tay các sứ quân độc quyền nên họ tha hồ làm giá. Theo nhiều nguồn tin thì các công ty xây dựng lãi hàng vài trăm phần trăm trên mỗi công trình. Một đại gia bất động sản cho biết là tiền lãi hàng năm của công ty từ 300-500 tỉ đồng. Bong bóng bất động sản tại Việt Nam ngày càng căng và nó không hề bị bể ngay cả khi khủng hoảng xảy ra. Ai cũng biết là mua đất ở Việt Nam chỉ có tăng giá chứ không có mất giá ! Năm ngoái khi khủng hoảng xảy ra trên toàn thế giới, bất động sản ở nhiều nước Châu Âu mất giá đến 50% trong khi đó Việt Nam không hề gì ! Tại sao lại có chuyện lạ đó ?
Thật ra không khó gì để có câu trả lời. Lãnh vực đất đai nhà cửa là một trong lĩnh vực dễ kiếm tiền nhất ở Việt Nam và đương nhiên là vì béo bở nhất nên nó phải nằm trong tay các sứ quân. Các sứ quân này khống chế và "làm giá" cho cả hệ thống bất động sản. Tất nhiên là có nhiều người dân hay công ty tư nhân tham gia nữa nhưng họ không đủ tiềm lực để làm giá mà chỉ "ăn theo" các sứ quân. Nhiều người giàu lên và nhiều người cũng sạt nghiệp vì sự "ăn theo" này.
Chỉ có ở Việt Nam thì mọi cư dân thành phố nếu có một căn nhà thì đều là tỉ phú, dù là tỉ phú nhưng phải chật vật kiếm ăn hàng ngày. Và cũng chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện nhiều khu nhà mới và nhiều khu biệt thư bỏ hoang trong khi người dân chen chúc sống trong các khu ổ chuột với điều kiện sống hết sức tồi tàn.
Vay ngân hàng để mua nhà với lãi suất 12-14%/năm cũng là việc cần đắn đo với những người có ý định đó bởi vì chỉ cần vay khoảng một tỉ đồng là số tiền phải trả hàng tháng lên đến hàng chục triệu và với nền kinh tế phập phù như hiện nay thì số tiền vay đó sẽ biến bạn thành con tin cho các ngân hàng. Không nhà nhiều khi lại may hơn là có nhà do bị áp lực quá lớn của việc vay mượn.
Câu hỏi nữa là vì sao bong bóng nhà đất vẫn chưa nổ và khi nào sẽ nổ ? Theo tôi nếu mọi việc cứ diễn ra như hiện nay thì sẽ không có sự vỡ bong bóng bất động sản, nó chỉ đứng im hoặc tăng giá. Lý do cũng rất đơn giản vì rằng hầu hết nhà đất đều nằm trong tay các sứ quân hoặc các vị con ông cháu cha. Dù bất cứ hoàn cảnh nào thì nhà nước này, chính phủ này cũng phải cứu con em họ. Dân chết mặc dân chứ con cái họ không thể chịu thiệt được vì đất nước này, từ lâu, đã là của riêng họ. Năm ngoái hàng chục ngàn tỉ đồng kích cầu với lãi suất cực thấp được chính phủ tung ra và số tiền này chảy hết vào thì trường bất động sản và chứng khoán. Bong bóng bất động sản vẫn không bị bể. Một cuộc giằng co giữa một bên người dân mua nhà với bên bán nhà đang diễn ra quyết liệt, giá nhà đất hai năm này vẫn đang "đóng băng", người dân thì mong muốn giá nhà đất giảm xuống nữa nên tiếp tục chờ đợi và bên kia là các sứ quân muốn giữ giá bán cao để thu lợi được nhiều nên không chịu hạ giá.
Bong bóng nhà đất sẽ nổ khi các sứ quân không được chính phủ hậu thuẫn và thị trường trở nên minh bạch, tham nhũng bớt đi, khi đó giá nhà đất sẽ trở về giá trị thực của nó. Giá 500-600 USD cho một mét vuông căn hộ là hợp lý. Đây cũng là giá trung bình của các thành phố lớn ở Đông Âu sau khủng hoảng. Và chỉ khi đó mọi người dân Việt Nam mới có thể thực hiện mong ước của mình là được sỡ hữu một căn hộ ở thành phố. Nếu các bạn trẻ muốn có nhà ở thì phải ủng hộ cho dân chủ, cho đa đảng ở Việt Nam. Nếu không có sự thay đổi chính trị ở Việt Nam thì mọi chuyện sẽ tiếp tục xảy ra theo chiều hướng xấu như hiện nay và nhà nước này sẽ sụp đổ bởi chính gánh nặng mang trên mình.
Việt Hoàng (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
© Thông Luận 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment