Wednesday, May 5, 2010

THỰC TRẠNG "LUỘC SÁCH" Ở VIỆT NAM

ĐÀO TẠO RA THẰNG “ĂN CẮP”

by vedinh

http://vedinh.wordpress.com/2010/05/05/dao-t%e1%ba%a1o-ra-th%e1%ba%b1ng-%e2%80%9can-c%e1%ba%afp%e2%80%9d/

Việc “luộc” sách của các Giảng Viên (GV) là Tiến Sĩ (TS), Phó Giáo Sư (PGS), Giáo Sư (GS) gần đây tại Việt Nam như là giọt nước làm tràn ly. Thực tế, tình trạng này đã xảy ra rất phổ biến và trong một thời gian dài.

Sự việc thực sự làm cho dư luận quan tâm đến hiện tượng này là PGS.TS. Phan Thị Cúc đã “luộc” giáo trình Tài Chính Quốc tế của GS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ. Và mới đây là phát hiện của một bạn đọc được đưa lên mạng Internet tố cáo GS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ cũng là một “giáo trình tặc” cuốn sách International Financial Management của GS. Jeff Madura.

Thật sự chuyện đạo sách của người khác không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên trước đây những sự việc này ít người quan tâm một phần là do thiếu thông tin và tâm lý xem nhẹ, bưng bít, bao che, cả nễ giữa những người có liên quan lẫn nhau (nhà quản lý khoa học, quản lý giáo dục, giảng viên, sinh viên).

Việc đạo sách của những người Việt Nam với nhau như PGS.TS. Phan Thị Cúc thường thì ít hơn, nếu có thì một số giáo trình vẫn ghi thêm dòng chữ “lưu hành nội bộ” tức là giáo trình đó chỉ giảng dạy trong một môi trường và trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.

Đối với trường hợp như GS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ “luộc” cuốn sách International Financial Management của GS. Jeff Madura là một hiện tượng phổ biến hiện nay.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng hầu như bất kỳ một GV nào có viết giáo trình giảng dạy cho Sinh Viên đều ít nhất một lần luộc sách của nước ngoài. Nhẹ nhất là ăn cắp ý tưởng, kết quả. Nặng hơn là “luộc” một phần rồi về xào nấu, thêm chút gia vị chế biến ra cuốn giáo trình của riêng mình. Nặng nhất và cũng đáng lên án nhất là “luộc” một cách trắng trợn, bê nguyên từ ý tưởng, câu cú, công thức, hình ảnh minh họa, ký hiệu của một cuốn giáo trình ở nước ngoài về dịch sang tiếng Việt và đóng mác tác giả hẳn hoi. Còn tác giả thực sự của cuốn giáo trình đó thì không ai được biết đến.

Minh chứng cho điều này rất dễ dàng, và rất phổ biến. Có thể tìm thấy một số cuốn sách của Ngành Kỹ Thuật Hệ Thống Công Nghiệp tại Đại Học Bách Khoa TP.HCM như “Vận Trù học”, Điều độ sản xuất”, “Quản lý Vật tư và tồn kho”, … đều “luộc” theo hình thức này. Tất cả giáo trình này đều là sách tiếng Anh được sinh viên dịch lại và thầy giáo giảng dạy ngang nhiên để tên mình là tác giả.

Dù chưa kiểm chứng tất cả các trường hợp Giáo trình “luộc” tương tự như trên nhưng chắc chắn rằng, nhất là những Giáo trình thuộc các chuyên ngành Khoa Học, Kỹ thuật, Kinh Tế đều bị “luộc” ở dạng này.

Tóm lại, việc “luộc” giáo trình, nói một cách dân dã thì cũng là ăn cắp. Tuy nhiên, người ta sẽ dễ dàng thông cảm và chia sẻ khi một người vô cùng bần tiện đi ăn cắp cọng rau, trái bí về ăn cho đỡ đói qua ngày. Ở đây, những người “ăn cắp” giáo trình là những người có học, họ được xã hội gọi là những trí thức, họ được gắn trước tên mình những học hàm, học vị mà ai cũng mơ ước là Tiến Sĩ, Giáo Sư, họ được xã hội tôn trọng, được đứng trên bục giảng để rao giảng về những phát minh hiện đại của nhân loại, về đạo đức lối sống của con người, họ là thầy của những người thầy, … Nếu cứ ai cũng “ăn cắp”, ai cũng “luộc” như thời gian vừa qua, rất có thể họ sẽ đào tạo ra những thằng “ăn cắp” mà thôi!

Da Vàng

.

.

Lại "đạo sách"

Nguyễn Văn Tuấn

Monday, May 3, 2010

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/05/lai-ao-sach.html

Câu chuyện đạo văn giáo trình giảng dạy kinh tế hình như đang có một cái “twist” mới. Thoạt đầu, như chúng ta biết qua báo chí là một đồng nghiệp của GSTS Trần Ngọc Thơ “đạo” một cuốn sách của ông để làm giáo trình giảng dạy. GS Thơ có phát biểu một số ý hay chung quanh vấn đề này.

Nhưng nay thì có người chỉ ra rằng cuốn sách của GS Thơ cũng chỉ là dịch lại từ một cuốn sách bên Mĩ. Dịch nhưng không ghi nguồn gốc. Cũng là hình thức đạo văn.

Còn bao nhiều sách vở về khoa học kĩ thuật đang lưu hành ở VN được đạo sách từ sách nước ngoài? Chắc còn nhiều. Nếu đúng vậy thì cái tiêu đề “tham nhũng học thuật tràn lan” trên nld.com.vn phản ảnh đúng tình trạng học thuật hiện nay ở nước ta.

NVT

.

.

.

No comments: