Saturday, May 8, 2010

THỦ ĐÔ WASHINGTON THỜI CHUYỂN MÙA (Bút ký)

Thủ đô Washington thời chuyển muà

Đoàn Thanh Liêm

Tháng 4-2010

http://www.trachnhiemonline.com/dien-dan-310-doanthanhliem.htm

Từ thành phố Baltimore, Maryland tôi đã đi xe lưả di chuyển đến Washington DC ngày 28 Tháng Tư 2010 vào buổi sáng sớm. Lộ trình dài chừng 50 miles, xe chạy chỉ hết có chừng một giờ thì tới nhà ga chính là Union Station gần sát với khu Capitol Hill là trụ sở Quốc hội Liên bang Hoa kỳ. Và từ đây tôi đã lội bộ trong có 20 phút là tới được Thư viện Quốc hội (Library of Congress), để tiếp tục công việc nghiên cứu về luật pháp như vẫn thường làm từ nhiều năm qua tại đây.

Ngày hôm đó, vào lúc sáng sớm Washington vẫn còn lạnh cỡ trên dưới10 độ bách phân, lại có gió thổi mạnh nên bà con còn phải nai nịt với áo ấm, mũ ni và khăn quàng cổ cẩn thận hơn, khác hẳn vào mấy ngày nắng ấm sau này. Ban trưa, tôi đã tiếp súc được với anh Nguyễn Năng Thoả là người làm việc đã lâu năm, chuyên về nhiếp ảnh cho văn phòng cuả Hạ Nghị Viện. Anh Thoả dẫn tôi ra ngay công viên sát với trụ sở Quốc hội, nơi đang có cuộc họp báo cuả khá đông dân biểu và nghị sĩ Liên bang để công bố về công việc sưả đổi luật pháp về Di trú (Immigration Law Reform) mà Quốc hội đang chuẩn bị. Hầu hết các dân biểu đều là đảng viên Dân chủ, và họ đều mạnh mẽ chỉ trích chánh quyền tiểu bang Arizona về chuyện tiểu bang này vừa mới thông qua một đạo luật có tính cách kỳ thị, khinh miệt và làm thiệt hại nặng nề đối với đa số người dân nhập cư gốc Latino. Tôi chú ý đến người điều khiển rất linh động cho cuộc họp báo này, đó chính là vị dân biểu Mike Honda mà bà con người Việt ở vùng Bắc California đều biết đến.

Dù rất quen thuộc với sinh hoạt tấp nập năng động với hành hàng lớp lớp khách tứ phương từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm vùng thủ đô này, tôi vẫn thấy mình như được lôi cuốn hoà nhập vào cái dòng chảy cuồn cuộn cuả khối người đông đảo xung quanh trung tâm quyền lực cuả thế giới hiện đại. Tính ra tôi đã lui tới thành phố này đã nưả thế kỷ nay, bắt đầu từ năm 1960 khi tôi được văn phòng Quốc hội Việt nam thời Đệ nhất Cộng hoà gửi đi du học tu nghiệp tại Quốc hội Mỹ. Đống thời trong dịp này, tôi cũng tìm cách trau dồi thêm về chuyên môn, bằng cách theo học mấy lớp vào buổi tối, đặc biệt chuyên về Soạn thảo Lập pháp và Án lệ về Lập pháp (Legislative Drafting, Cases on Legislation) tại Đại học Luật khoa thuộc George Washington University toạ lạc gần với khu vực Toà Bạch Ốc cuả Tổng thống Mỹ. Và từ năm 2000, gần như cứ vào muà hè là tôi lại trở về với Law Library để tìm kiếm tài liệu cần thiết cho công việc nghiên cứu về đề tài “Sự Phục hồi Xã hội Dân sự tại Động Âu sau khi chế độ cộng sản sụp đổ từ 1989 -2009”. Cuốn sách về đề tài này được viết chung với một giáo sư tại tiểu bang Indiana đang có khả năng hoàn thành vào năm 2011 và xuất bản vào năm 2012 sắp tới.

Ngoài công việc nghiên cứu chuyên môn này, tôi còn tham dự một số sinh hoạt cuả cộng đồng người Việt tỵ nạn tại điạ phương, nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc hận 30 Tháng Tư. Và dĩ nhiên tôi cũng tìm cách gặp gỡ với một số bạn bè thân hữu tại vùng phụ cận với Washington nưã. Về sinh hoạt cộng đồng, tôi rất cảm kích khi được tham dự hai buổi lễ, một là “Lễ Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong” do Ban Đại diện Cộng Đồng Washington, Virginia và Maryland cùng với Liên hội Cưụ Chiến sĩ phối hợp tổ chức tại Trung tâm Thương mại Eden thành phố Falls Church vào chiều tối ngày Thứ Sáu 30 Tháng Tư, với sự tham gia cuả trên 300 bà con đồng hương. Trong buổi lễ này, tôi chú ý nhất đến lời phát biểu cuả ông Jacob là người chỉ huy chiến hạm USS Kirk để cứu vớt người tỵ nạn công sản vào dịp 30 Tháng Tư năm 1975. Ông Jacob nói bằng tiếng Anh và được giáo sư Nguyễn Ngọc Bích phiên dịch ra tiếng Việt.

Và tiếp theo buổi lễ thứ hai là “ Lễ Đặt Vòng Hoa” ở Washington DC, tại Đài Kỷ niệm Chiến sĩ Hoa kỳ bỏ mình tại chiến trường Việt nam vào buổi trưa ngày Thứ Bảy 1 Tháng Năm, do Đại tá Nguyễn Kim Bảng cùng hợp tác với một số sĩ quan và quân nhân Việt và Mỹ phối hợp tổ chức. Nhân dịp này, tôi đã có dịp tiếp súc và gửi tài liệu cuả Mạng Lưới Nhân Quyền Việt nam tới một số cựu Sĩ quan và cựu Dân biểu Mỹ là những người luôn gắn bó với cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Mỹ, cụ thể như ông Michael Benge, dân biểu William Hendon.

Về phiá bạn bè thân hữu, thì tôi đã gặp lại khá nhiều người, điển hình như chị Liên Hương, anh Phạm Gia Luỹ hiện còn làm cho Thư Viện Quốc hôị. Tôi cũng đã gặp chị Jackie Bông là người tôi có dịp cùng hợp tác trong công cuộc “Chống Nạn Buôn Người tại Việt nam” (Human Trafficking) từ nhiều năm gần đây. Vào ngay tối 28 Tháng Tư, anh Phạm Bá Vinh chủ nhiệm tạp chí Sóng Thần đã chở tôi dến ăn chung với các anh Luật sư Tạ Quang Trung, Thẩm phán Nguyễn Văn Thành, trước khi chở tôi về trú ngụ tại nhà anh tại thành phố Fairfax. Trong một buổi họp mặt khác tại nhà anh giáo sư Đặng Đình Khiết, tôi đã gặp lại các nhà báo Lê Thiệp, Phạm Bá Vinh, anh Nguyễn Năng Thoả và cháu Quang là con đỡ đầu cuả anh Khiết. Cũng do sự giới thiệu cuả anh Vinh, mà tôi lại có dịp gặp gỡ và chia sẻ món ăn với gia đình anh Đinh Hùng Cường, nhà văn Sơn Tùng, nhà thơ Ngô Minh Hằng tại một nhà hàng trong khu thương xá Eden. Dĩ nhiên là tại quán “Phở Xe Lưả” cuả Luật sư Nguyễn Thế Toàn, cũng như tại quán Hớt tóc Hoàng Thơ, tôi cũng còn gặp nhiều bạn hữu khác nưã. Và tối qua, trong dịp uống café tại quán Starbuck tôi còn gặp nhà văn Hoàng Lan Chi, nhà báo Đào Trường Phúc nưã.

Tình cờ lúc đi lễ ngày Chủ nhật 2 Tháng Năm, tôi lại gặp nhà báo Ngô Vương Toại, mà thấy anh gầy sọp đi nhiều, khiến tôi nhận không ra con người xưa nay vốn rất xông xáo năng nổ, tháo vát. Nhiều bạn trước đó có cho tôi biết là tình trạng sức khoẻ cuả anh Toại hiện rất đáng lo ngại, nhưng tôi thấy anh tuy gầy ốm nhiều, nhưng sắc diện vẫn còn đôi nét tinh anh, coi bộ cũng không đến nỗi sa sút lắm. Xin cầu chúc cho anh bạn được nhiều người quý mến mau sớm bình phục, lấy lại được phong độ ngày nào.

Vì ở nhà với anh chị Phạm Bá Vinh, nên tôi được biết nhiều tin tức về các bạn hữu khác, cũng như là về chuyện cuả cộng đồng. Và tôi đồng ý với lập trường cuà anh Vinh là : “ Giới truyền thông báo chí phải luôn giữ được tính cách khách quan vô tư, không được ngả theo một bện nào khi có tranh chấp đối nghịch trong cộng đồng. Nhà báo có thể đứng ra bênh vực người bị oan ức, kết tội bất công, nhưng không thể “đổ dầu thêm vào lưả”, khiến cho mối chia rẽ bất hoà mỗi ngày thêm trầm trọng mãi ra…”

Tôi còn ở tại khu vực thủ đô Washington nhiều thời gian nưã, nên sẽ tiếp tục viết về chuyện “Người tốt việc tốt” tại đây, để tường trình thêm chi tiết cùng quý bạn đọc nhé. Thời tiết tại đây mấy bưã nay đã nóng ấm hơn nhiễu, trung bình cỡ trên 25 độ bách phân. Nhưng sở dĩ tôi lấy nhan đề cuả bài viết này là “Washington thời chuyển muà”, đó là tôi mượn ý trong cuốn tiểu thuyết trường thiên cuả nhà văn Trương Anh Thụy cũng sinh sống tại đây từ rất lâu, lấy tên là “Chuyển Muà” được xuất bản cả ba tập vào năm 2004 mà hiện tôi đang đọc vào lúc rảnh rỗi tại nhà anh chị Vinh Lệ. Tôi sẽ đến thăm tác giả cuốn truyện trong một ngày gần đây./

Virginia, 4 Tháng Năm 2010

Đoàn Thanh Liêm

.

.

.

No comments: