Monday, May 24, 2010

THƯ NGỎ của Nhà Báo DƯƠNG THỊ XUÂN gởi QUỐC HỘI VIỆT NAM

Thư Ngỏ gửi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam của công dân – nữ nhà báo tự do Dương Thị Xuân từ thủ đô Hà Nội

Đăng bởi tinletrai on 05/25/2010

http://1nguoiviet.wordpress.com/2010/05/25/th%c6%b0-ng%e1%bb%8f-g%e1%bb%adi-qu%e1%bb%91c-h%e1%bb%99i-n%c6%b0%e1%bb%9bc-chxhcn-vi%e1%bb%87t-nam-c%e1%bb%a7a-cong-dan-n%e1%bb%af-nha-bao-t%e1%bb%b1-do-d%c6%b0%c6%a1ng-th%e1%bb%8b-xuan-t%e1%bb%ab/

.

Kính thưa Quốc hội!

.

Tôi là một người viết báo tự do, là một công dân Việt Nam hiện đang sống ở Hà Nội, theo luật pháp của đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam XHCN thì cương quyết không cho phép nhân dân được quyền có báo chí tư nhân. Chính vì thế nên để đề đạt được ý kiến của mình với Quốc hội (viết tắt là QH) tôi buộc phải viết Thư ngỏ này gửi tới các quý vị lãnh đạo cùng toàn thể các quý đại biểu một nội dung dưới đây.

Thời gian vừa qua tôi thấy đảng cộng sản Việt Nam (tôi viết rõ đảng cộng sản vì hiện nay có nhiều đảng đang hoạt động bí mật và công khai tranh đấu cùng đảng cộng sản như đảng Dân chủ nhân dân, đảng Dân chủ Việt Nam-tiền thân là đảng DCVN thế kỷ 21, đảng Thăng tiến VN…Thế nhưng tất cả các chính đảng này đã bị đảng CSVN thẳng tay đàn áp, trù dập, khủng bố, tù đầy, hãm hại khốc liệt) và những người cầm quyền của nhà nước CSVN hiện nay đang phát động rầm rộ việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh (viết tắt là HCM). Tôi cũng có đọc một số bài viết về HCM, như bài của ông Tống Văn Công đảng viên CSVN, cựu tổng biên tập báo Lao Động viết : “Nhân ngày sinh lần thứ 120 chủ tịch HCM…” có khơi lại “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” mà Nguyễn Ái Quốc đứng tên. (Tôi thiết nghĩ có lẽ do tác giả Tống Văn Công có nguồn thông tin và tư liệu lịch sử chưa đầy đủ nên vẫn nghĩ ông HCM là Nguyễn Ái Quốc. Nhưng đúng ra Nguyễn Ái Quốc là danh xưng của một nhóm người Việt Nam đấu tranh có tinh thần quốc gia, dân tộc lúc đó đang hoạt động tại thủ đô Paris, nước Pháp. Cụ thể Nhóm này gồm 5 người đứng đầu là Cụ Phan Chu Trinh, các Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường, Chí sĩ Nguyễn An Ninh và thanh niên Nguyễn Tất Thành). Bản yêu sách nổi tiếng đã được Nhóm Nguyễn Ái Quốc này bàn thảo để chung tay viết ra, sau đó họ đã thống nhất cử người trẻ tuổi nhất là thanh niên Nguyễn Tất Thành trực tiếp đem đến gửi tới Hội nghị Versailles tại Pháp tháng 01 năm 1919, gồm 8 điều như sau :

-Tổng ân xá tất cả người bản xứ bị án tù chính trị.

-Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách để cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo pháp lý như người châu Âu. Xóa bỏ hoàn toàn những tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực trong người An Nam.

-Tự do báo chí và tự do ngôn luận.

-Tự do lập hội và hội họp.

-Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương.

-Tự do học tập. Thành lập các trường kỹ thuật tại tất cả các tỉnh cho người bản xứ.

-Thay chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật.

-Có các đại biểu thường trực của người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp, để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ.

.

Cũng trong năm 1919, lúc ấy người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Paris, kinh đô ánh sáng của nước Pháp trong nhóm Nguyễn Ái Quốc, tức sau này cũng chính là ông Hồ Chí Minh (HCM) viết nhiều bài đòi Tự do, Dân chủ cho nhân dân Việt Nam, như bài viết trên báo Nhân đạo của đảng Xã hội Pháp, ngày 02 tháng 8 năm 1919, có đoạn :

“Rất ôn hòa cả về nội dung và hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi và nhằm vào những quyền TỰ DO mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền TỰ DO ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”.

.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 đọc tại quảng trường vườn hoa Ba Đình lịch sử ở Hà Nội, ông HCM trên cương vị chủ tịch thay mặt chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa có trích dẫn các Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776, và Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 với lời khẳng định lại về các quyền của con người thật mạnh mẽ : “Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”… Ông Tống Văn Công còn trích trong cuốn sách mang tên “Why Vietnam ?” ( Tại sao Việt Nam ? ) của Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1995, trang 230 có đoạn viết : “Ông Hồ nắm ngay lấy và nói : “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”… (Trích trong bài báo Nhân ngày sinh lần thứ 120 chủ tịch HCM… tác giả Tống Văn Công)

.

Thưa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đang họp tại thủ đô Hà Nội !

.

Báo Thanh niên số 133 (5255), thứ năm ngày 13.5.2010, nhà báo Quang Duẩn đăng tin : “Ngày 12-5-2010, Học viện chính trị-hành chính quốc gia HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế “Di sản HCM trong thời đại ngày nay”. Ông chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng nói :”Chủ tịch HCM đã để lại cho chúng ta một gia tài vô cùng đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là : Tư tưởng HCM, Thời đại HCM và tấm gương đạo đức, phong cách HCM…”. Hội thảo diễn ra 2 ngày 12-13/5 với sự tham gia của 55 nhà khoa học quốc tế và trên 400 nhà lãnh đạo khoa học VN. Gần 200 tham luận tại hội thảo tập trung làm rõ những vấn đề cơ bản như di sản HCM về độc lập dân tộc và CNXH; di sản HCM về hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc; các vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách trong di sản HCM”.

.

Những điều tôi trích nêu ở trên nếu đúng, tôi kiến nghị QH ngay trong phiên họp đang diễn ra hiện nay hãy thảo luận sôi nổi rồi đưa vào Nghị quyết về các vấn đề rất cấp thiết, như “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong nhóm Nguyễn Ái Quốc mà sau này cũng chính riêng ông ta lấy bút hiệu Nguyễn Ái Quấc và sau là Nguyễn Ái Quốc… Cuối cùng cũng chính là chủ tịch Hồ Chí Minh mà sau này là lãnh tụ tối cao của đảng lao động VN, tức ĐCSVN hiện nay đã thay mặt Nhóm Ái Quốc để đứng tên gửi tới Hội nghị Versailles tháng 01 năm 1919 gồm 8 điều mà tôi đã trích dẫn đầy đủ ở trên :

-Tổng ân xá tất cả người bản xứ bị án tù chính trị.

-Tự do báo chí và tự do ngôn luận.

-Tự do lập hội và hội họp.

-Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương…

………………………………………………………………

.

Khi liên hệ với đời sống thực tế trong xã hội ngày hôm nay dù bối cảnh đã cách khá xa sự kiện lịch sử nêu trên diễn ra giữa thủ đô của chế độ thực dân Pháp hơn 90 năm về trước, thì dư luận cả trong và ngoài nước thấy hết sức đau lòng, bất bình và phẫn nộ không sao nói hết… Bởi tình trạng các tù nhân chính trị, tù nhân vì lương tâm và tôn giáo tại nước CHXHCN Việt Nam của ông Hồ Chí Minh vẫn còn nhan nhản và đầy rẫy, tất cả họ đã và đang phải chen chúc tồn tại trong các trại giam trên cả nước. Các quyền Con người tối thiểu và cũng là các quyền tự do dân chủ căn bản của toàn thể nhân dân Việt Nam vẫn bị tước đoạt không hề được tôn trọng thực thi cho dù đảng và nhà nước cộng sản này là quốc gia thành viên đã tham gia vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Nhà nước XHCN toàn trị của ông Hồ Chí Minh và ĐCSVN cũng đã long trọng ký tên mình vào Tuyên bố chung toàn thế giới về Nhân quyền của tổ chức Liên hợp quốc cùng rất nhiều văn kiện quan trọng khác về quyền Con người để cam kết trước cộng đồng quốc tế đảm bảo cho nhân dân Việt Nam được hưởng dụng những quyền làm người như các quốc gia văn minh, tiến bộ và dân chủ khác trên toàn thế giới. Thế nhưng trên thực tế trong xã hội Việt Nam thì tình hình Nhân quyền của người dân quả thật là tồi tệ và bi thảm, về việc này tôi xin nêu dẫn chứng một số các trường hợp cụ thể để giúp QH biết rõ thêm như sau :

.

Nữ ký giả tự do Phạm Thanh Nghiên, 33 tuổi quê ở TP- Hải Phòng chỉ vì nặng lòng yêu thương những người ngư dân miền biển thuộc huyện Hậu Lộc – tỉnh Thanh Hóa bị hải quân Trung Quốc bắn giết, và đau đớn uất ức vì các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam đã bị Trung Quốc dùng vũ lực quân sự chiếm đóng… Cô còn tham gia làm đơn xin biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, đòi lại các phần biển đảo đã bị cướp mất. Đơn đề nghị của cô viết trình bày rõ lòng yêu nước nhưng đã bị chính quyền thành phố Hà Nội bác khước, cô đành chấp nhận và ngồi tọa kháng tại nhà riêng của mình với khẩu hiệu được căng lên trang trọng : “ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam…”. Ấy vậy mà đã bị đảng CSVN và nhà nước chỉ đạo công an bắt giam bỏ tù vào trại giam Trần Phú giữa lòng thành phố Cảng, rồi sau đó cô bị tòa kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Hiện nay nữ nhà báo tự do Phạm Thanh Nghiên đang phải thụ bản án tàn khốc và hết sức bất công đó tại trại giam số 5 thuộc tỉnh Thanh Hóa.

.

Cựu trung tá Trần Anh Kim 61 tuổi, quê gốc tỉnh Thái Bình, cựu đảng viên CSVN, thương binh, người đã tham gia 2 cuộc chiến tranh ở miền Nam VN trước kia và cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược trên biên giới phía bắc hơn 12 năm về sau…Nhưng trước các vấn nạn của đất nước như kinh tế tụt hậu, vay nợ tràn lan, vô trách nhiệm, tệ nạn tham nhũng lan tràn ngày càng nhiều, tệ cướp ruộng đất của nông dân vô tội vạ mà đền bù với giá quá rẻ mạt bất công… mà tất cả tựu trung do người dân thực sự không được làm chủ cuộc sống, và càng không hề có dân chủ tự do cho toàn thể nhân nhân dân Việt Nam trong đời sống xã hội. Ông đã thấy Đất nước đã bị đảng CSVN thống trị chứ không phải như là được đảng cầm quyền lãnh đạo, trong minh bạch và được bầu lên bằng lá phiếu tự do của người dân, cũng vì vậy nhân dân không được hưởng nhân quyền, dân chủ, tự do thật sự. Ngay như trong các phiên họp QH trước đây có nhiều đại biểu rất bức xúc trước vấn nạn nội xâm này, có đại biểu đã phải than rằng : “trẻ em hôm nay con nợ ngày mai…”. Nhìn thấy thực trạng đau lòng như vậy nên ông đã dũng cảm tham gia khối đấu tranh 8406 và đảng Dân chủ Việt Nam để tranh đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, thế mà ông bị nhà nước của đảng CSVN bắt giam bỏ tù kết án 5 năm 6 tháng tù giam và 5 năm quản chế. Hiện nay ông đang bị giam tại trại tù tỉnh Thái Bình và sắp tới sẽ bị đưa đi thi hành án ở nơi xa quê hương mình mà gia đình chưa biết rõ cụ thể ở đâu…

.

Các trường hợp khác với số phận tương tự cũng đang bị đảng CSVN giam nhốt trong chốn lao tù, đầy đọa, như nhà thơ Trần Đức Thạch vốn là cựu chiến binh đã từng tham gia cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam trước kia; cựu tù nhân chính trị Nguyễn Văn Tính 2 lần bị tù đầy khốc liệt; cựu giám đốc, cựu đảng viên CSVN Nguyễn Mạnh Sơn; cựu chiến binh – nông dân Nguyễn Văn Túc; cựu nhà giáo Vũ Hùng; nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa; anh Phạm Văn Trội; sinh viên trẻ Ngô Quỳnh;…vv…Tôi biết rất rõ, là tất cả những người này cũng chỉ vì mong muốn đất nước được phát triển, người dân được hưởng đầy đủ tự do, dân chủ, được ấm no hạnh phúc mà thôi. Đặc biệt là tất cả họ đấu tranh cũng rất ôn hòa như ông Nguyễn Tất Thành – tức Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh cách đây gần 100 năm dưới chế độ thực dân Pháp.

.

Ngày nay, thế kỷ 21 là thế kỷ của tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, nền văn minh nhân loại đã phát triển rất cao, những việc họ làm chỉ là viết báo tự do, phát biểu bày tỏ chính kiến cá nhân một cách ngay thẳng theo lương tâm của mình, họ còn treo khẩu hiệu, băng rôn có nội dung yêu nước, khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước trước họa xâm lăng, đòi đa nguyên đa đảng và tự do dân chủ, nhân quyền, chống tham nhũng, phê phán chính phủ bất tài, bất lực vô trách nhiệm để lạm phát tăng cao làm đồng tiền mất giá đẩy đời sống đại đa số người dân lao động vào cảnh khốn cùng…vv…và vv…

.

Vậy mà tại sao đảng CSVN và nhà nước XHCN đã nỡ ra tay bắt giam, bỏ tù kết án họ với tổng số trên mấy chục năm cả tù giam lẫn quản chế sau khi đã thụ xong án tù đầy. Như vậy là, việc làm của đảng CSVN và nhà nước nhân danh chế độ XHCN “tốt đẹp, đầy ưu việt” hôm nay hóa ra lại không hề có dân chủ, tự do như dưới sự cai trị của bọn thực dân, phong kiến hủ bại, phản cách mạng trước đây hay sao ???

.

Mới đây dư luận còn được chứng kiến tòa án tại Sài Gòn nơi thành phố được ĐCSVN đổi tên là “thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” đã kết án tổng cộng vài chục năm tù giam và quản chế cho các trí thức tha thiết với sự nghiệp dân chủ, tự do và tiến bộ toàn diện của đất nước, như thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung, luật sư Lê Công Định, kỹ sư Lê Thăng Long, trong đó nặng nề nhất là kỹ sư tin học, cựu tổng giám đốc Trần Huỳnh Duy Thức cũng chỉ vì những người này đấu tranh cũng rất ôn hòa như Nguyễn Tất Thành, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh ngay trong lòng nước Pháp thực dân cách đây gần 1 thế kỷ… Và còn rất nhiều vô số tù nhân chính trị, tù nhân vì lương tâm khác nữa mà do chưa được có thông tin đầy đủ, nên tôi chưa nêu được cụ thể danh tính của tất cả họ bởi vì không có điều kiện thống kê được một cách chính xác mà thôi…

.

Thưa Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam !

.

Những hình ảnh các nhà tranh đấu dân chủ bất khuất, hiên ngang trước các phiên tòa đầy bất công, giả trá đã thôi thúc tôi viết nhiều bài vinh danh họ vì sự hy sinh thầm lặng của họ, của gia đình họ giữa một đời sống xã hội hiện nay chỉ chạy theo đồng tiền và đồng tiền mà thôi. Cái “chân lý và tiêu chí giản dị” đến đau lòng: “ có tiền là giải quyết được hết mọi việc” đã trở thành mục tiêu và lẽ sống trong xã hội và trong mọi tầng lớp dân chúng VN hiện nay… Nhất là hình ảnh rất đáng cảm phục của sinh viên trẻ năm thứ 4 trường đại học Công nghệ thông tin – Ngô Quỳnh, 22 tuổi để tất cả chúng ta đều phải học tập khi em đứng trước vành móng ngựa của tòa án chế độ, em đã khảng khái trả lời thẳng hội đồng xét xử như một tuyên bố của thế hệ trẻ tuổi không đơn thuần chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, sống hiện sinh và thực dụng. Em đã nói lời cuối cùng trước khi tòa vào nghị án : “Những việc tôi tham gia đấu tranh, xuống đường biểu tình vì Hoàng Sa – Trường Sa cho đất nước Việt Nam và vì sự nghiệp dân chủ hóa, tự do thì tôi thấy không có gì phải hối hận cả. Chúng tôi đã làm những việc yêu nước đó để lịch sử, để các lớp con cháu, các thế hệ bạn bè và đàn em mai sau mãi mãi không bao giờ quên được phiên tòa ngày hôm nay, cũng là để tất cả họ không bao giờ phải đứng trước vành móng ngựa của toà án nhà nước như chúng tôi hôm nay nữa …”…

.

Vậy với việc chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã nêu “Di sản HCM là một di sản quý báu” nếu nó “có thật” như trong cuộc hội thảo “đông người” bàn về tư tưởng HCM, các vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách trong di sản HCM” mà tôi trích dẫn trên đây có hay không ? Tôi trân trọng kính đề nghị Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đang họp hãy chất vấn thẳng thắn đối với chính phủ của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và đối với ông bộ trưởng bộ công an Lê Hồng Anh về những việc tôi nêu trên. Sau khi đã làm rõ rồi thì tôi cũng kêu gọi QH, cùng tất cả các quý vị có thẩm quyền tối cao của ĐCSVN hãy khẩn thiết trả tự do ngay lập tức cho tất cả những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại nước CHXHCN Việt Nam đang bị giam cầm mà không có một điều kiện gì với họ. Nếu làm được như vậy cũng chính là QH đã noi theo và giúp làm sống lại được tinh thần đấu tranh của ông Nguyễn Ái Quốc trước kia khi đưa bản yêu sách 8 điểm để đòi các quyền Con người căn bản cho người dân xứ An Nam thuộc địa ở Đông Dương với nhà nước thực dân đế quốc Pháp mà tôi đã đề cập ở phần trên bức thư này. Điều này nếu QH, bộ chính trị đảng CSVN làm được cũng chính là hành động thiết thực nhất, có ý nghĩa và giản dị nhất vì đã biết “sống và làm việc theo tấm gương, đạo đức HCM”, chứ không phải như những việc đã phải quá tốn công của, bạc tiền của dân nghèo, của công quỹ quốc gia vốn đang cạn kiệt để tổ chức linh đình, liên miên hết hội thảo này đến lễ kỷ niệm nọ về ông HCM. Kể cả những việc mà chỉ nặng về phô trương hình thức, đề cao tệ tuyên truyền thần thánh hóa lãnh tụ, nạn sùng bái cá nhân quá đáng khi thiết lập cầu truyền hình toàn quốc, hay cho căng đỏ chói khắp phố phường, thôn xã đủ loại băng rôn, khẩu hiệu ồn ào ngợi ca công đức của HCM như bấy lâu nay vẫn làm đâu, thưa các quý vị !!!

.

Còn phải kể đến 1 sự kiện có liên quan mới đây nhất nữa, đó là việc chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong buổi họp báo quốc tế ngày 10-4-2010 khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-16 vừa qua tại Hà Nội đã trịnh trọng nói : “Thưa các bạn, trong chuyến thăm vừa qua của tôi tới Myanmar, ngoài việc trao đổi về hợp tác song phương, tôi với cương vị là chủ tịch ASEAN đã chuyển tới chính phủ và nhân dân Myanmar thông điệp của ASEAN là mong muốn Myanmar triển khai có hiệu quả cái lộ trình dân chủ vì hòa bình và hòa hợp dân tộc. Tổ chức bầu cử công bằng, dân chủ với sự tham gia của tất cả các đảng phái. Qua đó để ổn định và tập trung phát triển đất nước Myanmar. Tại hội nghị này, các nước ASEAN khẳng định tiếp tục ủng hộ Myanmar tích cực hội nhập với khu vực và quốc tế…”.

Vì thế qua đây càng thấy, những hoạt động tranh đấu dân chủ, nhân quyền bất bạo động, rất ôn hòa của các nhà hoạt động dân chủ trong nước không thể và vĩnh viễn không bao giờ bị đảng CSVN và nhà nước của đảng độc tài toàn trị này coi là có tội được, họ phải trả được tự do ngay lập tức !!!

.

Xin kính chào và cám ơn Quốc hội đã quan tâm.

Thủ đô Hà Nội, viết nhân kỷ niệm ngày 19-5-2010 là sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh

và ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.

Nhà báo Dương Thị Xuân

Thư ký báo tập san Tự do dân chủ

Email: hanoihoabinhxanh@yahoo.com

Điện thoại liên lạc : 0125-849-4598

.

Ghi chú đặc biệt : Hoàn cảnh hiện nay của cả gia đình tôi rất bi thảm vì đã bị chính quyền TP Hà Nội ra tay chỉ đạo công an, dân phòng, thanh tra xây dựng…đến đập phá tan hoang ngôi nhà cấp 4 trong làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội ngày 20/11/2008. Từ đó đến nay cả nhà chúng tôi phải đi ở nhờ và không biết đến bao giờ mới chấm dứt cảnh ngộ đau thương khốn khổ này. Vì thế nên không có ghi địa chỉ nhà ở cụ thể trong bức Thư ngỏ này được, rất mong quý bạn đọc và quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông cảm cho.

Đề nghị quý vị tham khảo một số bài viết của tôi gần đây về các nhà hoạt động tranh đấu dân chủ của các tù nhân chính trị Việt Nam, như:

-“Vinh danh các nhà dân chủ không chỉ là ước mơ !”

-“Tổ quốc Việt Nam luôn luôn trường tồn nhờ sự tranh đấu của các bà mẹ dân chủ kiên cường !”

- “Vinh danh tinh thần đấu tranh bất khuất của nhà dân chủ Trần Anh Kim trước tòa án của nhà nước cộng sản Việt Nam !”

.

.

.

No comments: