Monday, May 24, 2010

THIẾU NHI ĐOÀN VĂN NGHỆ LẠC HỒNG (Quận Cam)

Thiếu nhi đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng: ‘Càng học con càng thích’

Ngọc Lan/Người Việt

Saturday, May 22, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113271&z=56

.

Chương trình ca vũ nhạc truyền thống Việt Nam qua các tài năng thanh thiếu niên của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng sẽ được diễn ra vào lúc 3 giờ chiều, ngày Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683. Vào cửa tự do.

.

WESTMINSTER (NV) - Cư dân quanh vùng Little Saigon có lẽ đã quen thuộc với sự xuất hiện, trình diễn những tiết mục ca múa nhạc đậm tính văn hóa truyền thống dân tộc của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng từ nhiều năm qua.

Chen lẫn trong tiếng đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt... cùng những làn dân ca, điệu lý, Người Việt đã có dịp chuyện trò với một số phụ huynh, các cô giáo, các em thiếu nhi đang tham gia sinh hoạt tại Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng về chuyện học, chuyện dạy những bộ môn thuộc về âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên mảnh đất khác biệt hoàn toàn về văn hóa này.

.

“Con muốn học tì bà,” “Con muốn học thổi sáo”

Ðặt chân đến trụ sở sinh hoạt của Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng vào một chiều Thứ Bảy, dù đã biết trước nơi mình đến, nhưng quả thực, không khí của những lớp học tại đây đã tạo nên nhiều bất ngờ hơn so với suy nghĩ ban đầu.

Bên phòng ngoài này là lớp đàn. Các em thiếu nhi ở độ tuổi từ 7 đến 11, em đàn tranh, em đàn nguyệt, em tì bà, em đàn bầu, em đàn kìm, em cầm phách, tất cả đang tập luyện dưới sự hướng dẫn của một thầy giáo trẻ măng.

.

Cô giáo Thái Mỹ đang hướng dẫn các bé múa hát bài “Bắc Kim Thang” và “Chim chích chòe.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113271-big_LacHong_HinhChinh1aa.jpg

.

Âm thanh réo rắt. Những gương mặt mê say. Thầy giáo trẻ nói khi bằng tiếng Việt, lúc bằng tiếng Anh, đề nghị bài đàn, rồi lại nhắc trò “ngồi thẳng lên.” Thầy ngồi bên bộ gõ, giữ nhịp và đọc nốt nhạc của bài “Công đức sinh thành.” Lẫn trong tiếng đàn là tiếng thầy “đồ rê mí rê đồ rê 'sòn'...” rồi khi kêu lên “Nhị,” chỗ lại nhắc “Nguyệt”... Hết bài đàn, thầy nhận xét lúc nãy có chỗ nào sai, và như bao lũ trẻ con khác, đám học trò lại “nhè” những đứa lúc nãy đàn sai ra “cự,” “Chỗ đó 'intro,' sao bạn không 'intro'?”...

Cãi xong, những ngón tay bé xíu lại nhún nhảy trên dây đàn, réo rắt.

Bé Maggie Trịnh, 10 tuổi, theo học đàn tranh ở Lạc Hồng, thỏ thẻ bằng tiếng Việt, “Con xin mẹ đi học đàn vì con thấy bạn con đánh đàn ở một cái chùa.”

.

Các em thiếu nhi trong lớp học đàn thuộc đoàn văn nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. (Hình:Ngọc Lan/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113271-big_LacHong_1.jpg

.

Maggie nói “con tập khoảng 15 phút ở nhà. Lâu lâu con quên mẹ phải nhắc, còn nhiều lần là con tự đánh.” Bây giờ, sau hai năm học, Maggie đã “biết đàn nhiều bài lắm” nên “lâu lâu lên sân khấu con cũng run nhưng con không quên bài bởi vì con tập lâu rồi.” Ngoài đàn tranh, Maggie muốn sắp tới sẽ học đàn tì bà.

Bé Trịnh Quang Nghĩa, 7 tuổi, học đàn nguyệt được một năm, có lẽ là cậu bé nhỏ nhất trong lớp đàn. Nghĩa nói chầm chậm bằng tiếng Việt, “Con tập đàn ở nhà nhiều lắm, 15 phút mỗi ngày,” và sau đàn nguyệt, Nghĩa “muốn học đàn bầu” chứ không học đàn tranh, bởi “đàn tranh của con gái.” Tôi bật cười, thì ra đàn cũng được chia theo “giới tính.”

Cậu bé Brian, 11 tuổi, thì đang học đàn nhị và đàn bầu, nhưng “đàn bầu giỏi.” Brian cũng cho rằng mình đi học đàn dân tộc vì “Mới đầu con thấy mấy người Phật tử mang đàn đến chùa đánh, con cũng muốn đánh nên hỏi ba mẹ và ba mẹ mang con đến đây.”

Brian không ngần ngại thừa nhận, “Càng học con càng thích.”

Danny Lê, học đàn nhị được 4 năm, thì thật thà nói, “Con không nhớ lúc vô học có thích không, vô học con vui có một chút thôi, nhưng không đi thì bị mẹ rầy, vô đây cũng bị cô rầy mấy lần vì con phá!”

.

Cô Thảo Nguyễn đang tập cho các em một điệu múa dân tộc. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113271-big_LacHong_3.jpg

.

Nếu như bé Alex Nguyễn, 10 tuổi, “thích nhất là đàn nguyệt, không thích múa nhiều lắm, chỉ vì mẹ bắt học thôi” thì bé Alan, 9 tuổi, cho rằng “múa đũa không khó, con thích múa hơn” và “mai mốt Alan muốn học sáo.”

.

“Con không biết đọc tiếng Việt, con hát theo cô”

Ở lớp hát múa của các bé nhi đồng thì dường như toàn bé gái trạc trạc 6, 7 tuổi. Cô giáo trẻ măng cũng khi tiếng Anh, khi tiếng Việt đếm nhịp cho học trò.

Lẫn trong tiếng nhạc đệm phát ra từ CD, cô lại phải luôn miệng nhắc bằng giọng nhẹ nhàng, “Ði đàng hoàng,” “Smile,” “Nhớ chỗ đứng nghe,” rồi lại nhắc động tác chỗ nào sang trái, chỗ nào sang phải, rồi lúc nào xoay, rồi lại phát hiện “A có người làm sai rồi!”

Tiếng cô và trò cười rúc rít. Rồi lại bắt đầu những lời hát trong bài “Bắc Kim Thang,” “Chim chích chòe” bằng cả tiếng Việt và cả tiếng Anh.

Bé Thảo Vy Nguyễn, 7 tuổi, học lớp 1, nói bằng gương mặt rạng rỡ nụ cười, “Con đang học hát với múa. Con thích lắm.”

Bé Thảo Vy kể bé đi học hát múa dân tộc vì “mẹ thấy người ta hát múa, mẹ về nói với con, rồi con xin mẹ đi học.”

Vy cười bẽn lẽn nói, “Con không biết đọc tiếng Việt, cô hát con hát theo. Con biết hát bài Bụi phấn, Ngựa ô, Trống cơm, và nhiều bài nữa.”

Trong khi đó, bằng giọng nói pha tiếng Bắc, bé Minh Châu bắt đầu mỗi câu trả lời bằng chữ “dạ thưa cô” rất dễ thương.

“Dạ thưa cô, con tên Minh Châu.” “Dạ thưa cô con 7 tuổi.” “Dạ thưa cô, con lớp 1.”

Minh Châu nói em theo học với Lạc Hồng được một năm rưỡi, “học múa với hát.” Mỗi ngày Kim Châu đều tập múa ở nhà cho mẹ coi, và “mẹ khen con múa đẹp.” Vì được mẹ khen nên em còn “muốn học ở đây lâu nữa.”

Bên lớp kế bên, các bé trên 10 tuổi đang tập hát bài những bài khó hơn. Có em thuộc lòng lời bài hát, có em đọc được tiếng Việt thì nhìn bản nhạc.

Nghe các em ngân nga lời trong các bài “Lý quạ kêu” hay “Lý ngựa ô Huế,” tôi chợt nhớ lời cô Nguyễn Thị Mai, chủ tịch Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, cũng là một trong hai người sáng lập ra Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, tâm sự, “Mỗi một em học một bài hát, một bài đàn, một bài múa là học cả một nền văn hóa nằm sâu bên trong. Phải giải thích cho các em hiểu vì sao lời bài này là như vậy, vì sao nó buồn vì sao nó vui...”

Ðó cũng là lý do vì sao chị Tố Uyên, phụ huynh bé Victoria, cho con mình sinh hoạt tại Lạc Hồng, “Tôi muốn cho con học biết thêm tiếng Việt, học được thêm được cái gì về truyền thống văn hóa Việt thì hay cái đó.”

Chị Tố Uyên chia sẻ, “Thật ra đưa đón cũng mất thời giờ lắm, mất 3 tiếng mỗi Thứ Bảy hằng tuần, có khi ở chờ, có khi bận quá thì cũng bỏ đó. Nhưng khi thấy các bé biểu diễn hay quá và con mình có tiến bộ thì cũng ráng.”

.

Những đóng góp âm thầm bền bỉ

Nói về sự thành công của Ðoàn Văn Nghệ Lạc Hồng trong gần 20 năm qua, cô Nguyễn Thị Mai, không muốn nói về vai trò, công lao của người sáng lập, mà chỉ muốn ghi nhận sự giúp đỡ bền bỉ của những phụ huynh và lớp học trò kế thừa.

Những người đó như là chị Trang, người lo trang phục cho các buổi biểu diễn từ 10 năm nay của Lạc Hồng; là chị Trang trông coi các lớp học, điều động học trò, sắp xếp các buổi diễn, như vai trò một người quản lý; là “cô giáo” Thảo Nguyễn, Thái Mỹ trước học đàn tranh và múa, giờ, mỗi cuối tuần lại trở về dạy hát và múa cho các bé khác nhỏ hơn.

Thái Mỹ, đang là sinh viên UCI, tâm sự, “Em rất thích dạy các em nhỏ ở đây vì từ nhỏ em đã quen với không khí sinh hoạt của Lạc Hồng. Giờ em trở lại để hướng dẫn các em nhỏ vào mỗi Thứ Bảy.”

.

Các em thiếu nhi thuộc đoàn văn nghệ Dân Tộc Lạc Hồng đang tập múa đũa bài “Tay ngà quay tơ.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113271-big_LacHong_4.jpg

.

Thái Mỹ cho biết em rất thích làm công việc thiện nguyện này “vì các em nhỏ rất hồn nhiên, lúc nào cũng có gì đó làm em nhớ lại hồi nhỏ em cũng được múa hát như vậy.”

Ðể dạy cho các em 5, 6 tuổi hát được và hát đúng tiếng Việt thì Thái Mỹ tập cho các em đọc thuộc lòng cho rõ chữ, xong rồi mới hát.

Riêng cô giáo Thái Mỹ thì không chỉ biết đàn tranh mà còn mê hát dân ca và biết hát cải lương nữa, mà muốn hát cải lương thì “phải hiểu tiếng Việt lắm thì mới hát được.”

Chị Trang, với kinh nghiệm của một phụ huynh miệt mài cho con theo học ở Lạc Hồng từ 5, 6 năm qua, nhận xét, “Sự thật là nhạc dân tộc ở đây nhiều em không thích lắm. Con tôi cũng vậy. Có điều bây giờ nó đã đàn hay rồi thì kêu nó nghỉ thì nó không nghỉ, dù có lúc cũng thấy nó làm biếng.”

Chị Trang cũng cho rằng, “Ðứa bé nào đã theo được học múa, học nhạc dân tộc thì sau này sẽ rất ngoan bởi nó được sống trong nếp văn hóa Việt Nam của mình.”

Ðiều thu hút nhất với người viết là khi đứng xem các em tập múa đũa. Làm sao có thể cầm đũa ở cả hai tay một cách điêu luyện, lại gõ cho đũa kêu theo điệu nhạc nữa chứ?

Người tập cho các em tiết mục này là em Thảo Nguyễn, hiện đang học ở Cal State Long Beach. Trước Thảo học múa từ thầy Lưu Hồng, giờ cuối tuần em trở về dạy múa lại cho các em nhỏ hơn.

Trước khi có thể múa được thì Thảo phải tập cho các em cách cầm đũa, rồi gõ cho nó kêu, “mất khoảng một, hai tháng.” Rất kỳ công nhưng khi đã điều khiển được đôi đũa trong 2 tay mình thì các em rất mê.

Chiều Thứ Bảy, trong khi nhiều em có thể tung tăng theo ba mẹ đi xem phim, đi học võ, đi picnic, thì nhiều em lại miệt mài bên những cung điệu, lời ca bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của thế hệ bố mẹ mình. Các em đàn, hát, múa trong niềm vui thích trẻ thơ và trong sự xúc động của những bậc cha mẹ đang muốn con mình vẫn nhớ mình là người Việt Nam, và “điều con đang là văn hóa Việt Nam.”

.

.

.

No comments: