Saturday, May 22, 2010

SỰ KIỆN NGÔ QUANG KIỆT (Kỳ 5)

“Sự kiện Ngô Quang Kiệt”: Kỳ 5 - Vở kịch “hoàn hảo”

Nữ Vương Công Lý

Saturday, 22 May 2010 10:30

http://nuvuongcongly.net/index.php?option=com_content&view=article&id=929:ky-5-vo-kich-hoan-hao&catid=77:kien-thuc-phap-luat&Itemid=177

Một vở kịch được gọi là hoàn hảo, là khi người đạo diễn thấy kết quả vở kịch được như ý mình muốn, các diễn viên diễn như thật ở ngoài đời và đưa đến cho người xem một cảm giác “như thật” dù đó chỉ là “diễn”.

.

Thư gửi quý vị độc giả Nữ Vương Công Lý

Kỳ 1 - Hiện tượng Ngô Quang Kiệt

Kỳ 2 - Hé lộ sự thật qua các phát biểu chính thức và các văn kiện Tòa Thánh

Kỳ 3 - Ván cờ không đánh mà tự thua của giáo hội công giáo

Kỳ 4: Những bước chân ngoại giao

.

Ở đây, việc đưa Đức TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà nội đã được thực hiện bằng quyết định của chính Đức Thánh Cha, người có quyền quyết định mà không có một giáo hữu nào được chống đối. Như vậy, vở kịch đã đạt được kết quả khả quan phần đầu.

Nhưng, sẽ là hoàn hảo hơn nếu như khán giả không nhận ra những điều bất thường, không nhìn thấy bàn tay người đạo diễn tinh vi đằng sau hậu trường đang lèo lái vở kịch theo chiều hướng tiêu cực và không la ó phản đối.

Đặc biệt sự phản đối đó có nguy cơ làm cháy vở diễn các phần còn lại, mà phần kết mới là quan trọng cho toàn bộ chương trình.

Kịch bản và những diễn viên chính

Ai cũng biết Giáo hội Việt Nam cho tới giờ này vẫn thuộc Miền Truyền Giáo. Vì thế, những vấn đề liên quan tới việc bổ nhiệm Giám mục vẫn thuộc Bộ Truyền giáo. Trong vụ việc Đức cha Kiệt phải rời khỏi chức vụ, để hợp pháp hóa chuyện đi ở của ngài, người ta đã đẩy vấn đề qua sang lãnh vực ngoại giao và Đức cha Giuse trở thành con cờ trong chính sách ngoại giao của Tòa Thánh. Trong đó, nhà cầm quyền Hà Nội yêu cầu đánh đổi đức cha Kiệt với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Hà Nội.

Khởi đầu chiến dịch ngoại giao này là việc lần đầu tiên trong lịch sử, nhà cầm quyền Hà Nội đứng ra mời phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh sang Việt Nam vào tháng 2/2009.

Các lần khác là do Vatican đề nghị. Cũng trong chuyến làm việc lần này, một nhân vật mới lần đầu tiên xuất hiện trong phái đoàn ngoại giao là Đức ông Cao Minh Dung – đặc trách vùng Đông Nam Á, người mà nhà cầm quyền Hà Nội tin tưởng vì đã có công trong vụ rước Thánh giá về Tòa Giám mục Hà Nội.

Nội dung của buổi làm việc không được công bố chính thức, bản tin TTXVN của nhà nước loan tin rằng: “Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường bày tỏ mong muốn Tòa thánh Vatican đóng góp tích cực vào đời sống Công giáo ở Việt Nam, tăng cường quan hệ đoàn kết giữa các tôn giáo và qua đó tới khối đoàn kết toàn dân ở Việt Nam, làm cho Giáo hội Công giáo Việt Nam gắn bó với dân tộc và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước”.

Nhưng theo thông tin nhận được, trong lần làm việc này, nhà cầm quyềnHà Nội đã lấy việc đưa Đức cha Giuse ra khỏi Hà Nội làm điều kiện cho việc thiết lập ngoại giao.

Những ngày ở Hà Nội trong chuyến về làm việc lần đầu tiên này, Đức Ông Cao Minh Dung luôn tìm cách lẩn tránh mọi người và tỏ vẻ hốt hoảng mỗi khi có người đề cập tới vấn đề cầu nguyện cho công lý và hòa bình.

Nguồn tin cũng cho biết cụ thể: Trong chuyến thăm Việt Nam này, phải đoàn Ngoại giao của Tòa Thánh không nghỉ ở Tòa TGMHN mà được nhà nước bố trí ở khách sạn. Đức ông Cao Minh Dung không thể về Huế, nhưng nhà nước đã cho xe vào quê đón họ hàng, anh chị em ra ở nhà khách chính phủ để tâm sự, hàn huyên thoải mái hơn.

Câu hỏi nhiều người ta đặt ra: Tại sao nhà nước ưu ái Đức ông này như thế?

Ngay sau khi kết thúc những ngày làm việc tại Hà Nội, phái đoàn Tòa Thánh đã tới thăm Lavang rồi tới Đà Lạt. Kể từ đây, việc đưa Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội và việc bổ nhiệm Đức cha Nhơn ra Hà Nội được thực hiện cách bài bản, với những kịch bản được soạn sẵn.

Đạo diễn cho vở kịch này là Đức ông Cao Minh Dung (chúng tôi sẽ có bài viết riêng về ngài) và các “diễn viên” trong nước gồm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Đức cha Giuse Võ Đức Minh và Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc (ba giám mục gốc Giáo phận Đà Lạt) và một vài nhân vật khác mà người ta thường gọi là “Tam ca Áo tím”, nhưng thực chất phải nói là “Lục ca áo tím” thì mới đầy đủ.

Kể từ đây, một đường dây thỏa hiệp với nhà cầm quyền cộng sản nhằm đánh đổi Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt với việc thiết lập bang giao của Tòa Thánh với nhà cầm quyền cộng sản bắt đầu được các diễn viên và đạo diễn thực hiện cách hết sức tinh vi. Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt trở thành nạn nhân và là con cờ trên bàn ngoại giao của Tòa Thánh.

Cần nhớ lại những phát biểu của phái đoàn ngoại giao những ngày còn ngụ tại Hà Nội. Trong cuộc gặp gỡ với các chủng sinh Chủng viện Hà Nội, Đức ông Parolin đã nói rõ Tòa Thánh mong muốn cải thiện mối quan hệ ngoại giao đã dậm chân tại chỗ trong suốt thời gian 20 năm kể từ lần đầu Đức Hồng y Etchegaray tới Việt Nam năm 1989.

Sự cải thiện ấy, trước tiên bằng việc cải thiện nhân sự. Đức ông Cao Minh Dung thay Đức ông Nguyễn Văn Phương – người đã làm thông dịch viên cho Tòa Thánh suốt 20 năm qua trong các chuyến công tác tại Việt Nam.

Trở lại vấn đề ngoại giao để đưa Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội, một mặt, tại quốc nội, nhà cầm quyền cộng sản tìm mọi cách để o bế Đức cha Chủ tịch Nguyễn Văn Nhơn bằng việc cấp đất xây Trung tâm Mục vụ, bằng việc Thủ tướng lần thứ hai viếng thăm Đức cha Nhơn tại Tòa Giám mục Đà Lạt (ngày 18/8/2009) và dùng truyền thông công kích Đức cha Kiệt, các linh mục Thái Hà, Tam Tòa và những nơi đang nóng lên về những đòi hỏi công lý hòa bình.

Mặt khác, tại Ý, ngày 22/8/2009, Đại sứ Đặng Khánh Thoại đã có buổi làm việc với đại diện ngoại giao đoàn Vatican bàn về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và tiếp tục chơi đòn “trở ngại lớn nhất” là sự hiện diện của Đức Cha Kiệt tại Hà Nội.

Với những bước ngoại giao đầu tiên này, kể cả những báo cáo không đúng sự thật về Đức cha Kiệt trong vụ Tòa Khâm sứ, dưới con mắt của Quốc vụ Khanh và ngoại giao đoàn, Đức cha Giuse khả kính, không còn là vị chứng nhân của công lý, nhưng là sự trở ngại cần loại bỏ trên con đường tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao và việc loại bỏ này được giao cho vị đặc trách vùng Đông Nam Á: “Đức ông Cao Minh Dung”.

Với tài cán và kinh nghiệm của một người từng trải trong lãnh vực ngoại giao tại nhiều đại diện Tòa Thánh ở nhiều nơi, cùng với tham vọng trở thành khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam khi Tòa Thánh thiết lập quan hệ ngoại giao, và với những mối quan hệ sẵn có, Đức Ông Cao Minh Dung đã hoàn thành vai trò của mình để đưa Đức cha Kiệt ra khỏi Hà Nội.

Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay Đức ông Cao Minh Dung đã có đề án thành lập “Đại diện ngoại giao của Tòa Thánh cho Việt Nam” để giải quyết các vấn đề ngoại giao với VN có thể văn phòng đặt tại Singapore hoặc Philippin chứ chưa đặt tại Hà Nội. Đại diện Tòa Thánh cho Việt Nam sẽ do Đức ông Cao Minh Dung điều hành, phụ trách và đã lựa chọn một người thông hiểu nhiều ngoại ngữ để làm việc tại đó cũng một số người khác do Đức ông Cao Minh Dung lựa chọn.

Nếu điều này là hiện thực, Đức ông Cao minh Dung sẽ tiếp tục cùng với “dàn diễn viên áo tím”- với tham vọng lần đầu tiên trong lịch sử có công thiết lập quan hệ ngoại giao, cùng với chiếc mũ đỏ sẽ được ban phát khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ cùng nhau diễn nốt vở kịch gây nên những nỗi bi thương trong lòng người Công giáo Việt Nam trong suốt thời gian qua và chắc chắn sẽ còn để lại những hậu quả khôn lường cho Giáo hội Việt Nam.

Nữ Vương Công Lý

Kỳ tới: Những chi tiết của vở kịch bi hài

.

.

.

No comments: