Sunday, May 2, 2010

SINH HOẠT 30-4 Ở NAM CALIFORNIA

Nam California: Sinh Hoạt 30 tháng Tư tiếp tục sôi nổi

http://www.danchimviet.com/archives/7863

Tiếp nối lễ Tưởng niệm Thuyền Nhân và kỷ niệm 7 năm thành lập Tượng đài Chiến sĩ Việt Mỹ cuối tuần trước, hôm thứ Tư 28/4 tại Rose Center, kế bên tượng đài, một ký giả kỳ cựu và ba học giả, giáo sư đại học – đều là người Mỹ – đã thuyết trình trước cử tọa Việt Mỹ với đề tài “The Century Old, Vietnam War Puzzle, What Are Missing Pieces?” (tạm dịch: “Thế Kỷ Qua, Khúc Mắc Chiến Tranh VN, Mảng Nào Còn Thiếu?”) với mục đích làm sáng tỏ chính nghĩa cuộc chiến ngăn chặn cs của quân dân Nam Việt.

Các thuyết trình viên và đề tài gồm:

Ký giả Sol Sanders: “Vài kỷ niệm riêng với Tổng thống Ngô Đình Diệm.”

Giáo sư Mark Moyar, thuộc Đại học Thuỷ Quân Lục Chiến: “Vì sao Hoa Kỳ đã chiến đấu ở VN?”

Giáo sư Sử học, Andrew Wiest, của Đại học Southern Mississippi: “Quân đội Việt Nam Cộng Hoà,” và

Giáo sư Bob Turner, Đại học và Học viện Hải chiến: “Hậu quả của sự bỏ rơi Đông Dương.”

Chương trình bắt đầu lúc 8:30 sáng và kết thúc vào 1 giờ trưa, do Hội Ái hữu Người Việt Quốc gia Hải ngoại gồm các ông Cao Xuân Vỹ, Giáo sư Lê Tinh Thông, Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa (trùng tên Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa vừa đắc cử với số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử Ban Đại diện Cộng đồng Nam Cali hôm 18/4), còn có sự đóng góp của cựu Đại sứ VNCH Bùi Diễm, tổ chức. Trước buổi thuyết trình, mọi người đã quá bộ đến Tượng Đài đặt vòng hoa tưởng niệm. Giáo sư Lê Tinh Thông bộc lộ, ban tổ chức sẽ cho phát hành băng đĩa ghi lại cuộc hội luận giá trị này.

.

Tối 29 tháng 4, còn có buổi Tưởng niệm 30/4 của sinh viên VN ở Đại học UCLA, cách Quận Cam khoảng một tiếng lái xe về hướng Bắc.

.

Tất cả những sinh hoạt sôi nổi từ đầu tháng tại Nam Cali sẽ đạt cao điểm vào đúng dịp tưởng niệm 30 tháng Tư 1975 – ngày quốc hận đau thương, hay vui mừng thống nhất đất nước?

.

Trên đường tới sở làm, 8:30 sáng, nghe được trên đài Little Sàigòn giọng nói của bốn vị đại diện bốn tôn giáo (thiếu mất một vị) trong Hội đồng Liên Tôn thay phiên cầu nguyện cho đất nước hết cs, mọi người thương yêu nhau để cùng phát triển và bảo vệ tổ quốc thân yêu, đồng thời cũng cầu cho những người đã nằm xuống vì Tự Do, hoặc đang đấu tranh và chịu tù đày vì Dân Chủ, Nhân Quyền cho VN. Các ngài cũng nguyện cầu Ban Đại diện Cộng đồng mới đắc cử được hăng say và sáng suốt, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng hầu trợ giúp hiệu quả đồng hương và tiếp sức phong trào dân chủ hoá quê hương. Sau đó, giọng Chị Khánh Ly vang vang: “Mẹ VN ơi, chúng con vẫn còn đây.”

.

Lợi dụng giờ ăn trưa, chúng tôi lên freeway chạy vội về khu vực Tượng Đài để dự lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư, do Giám sát viên Quận Cam, Cô Nguyễn Janet tổ chức. Đây là cuộc tưởng niệm “buổi sáng,” từ 10:30 sáng tới 6 giờ chiều.

.

Trên xe, chúng tôi nghe đài Little Sàigòn trực tiếp phát thanh cuộc thăm viếng Hàng không Mẫu hạm USS Midway của đồng hương – đang neo tại San Diego – cách quận Cam hơn một giờ lái xe về hướng Nam. Mẫu hạm đã vớt khoảng ba ngàn người Việt tị nạn năm 75. Cựu Thiếu tá Lý Bửng lên tiếng cảm tạ đất nước Hoa Kỳ và thuỷ thủ đoàn Chiến hạm Midway rộng lượng cứu giúp đồng bào ta. Sau đó, Bác sĩ Lê Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Người Việt San Diego đã phát biểu cảm tưởng. Ông hy vọng rằng một ngày gần đây cũng trên Chiến hạm này, thay vì quốc hận, sẽ là ngày mừng VN thanh bình, không còn cs.

.

Khi chúng tôi tới nơi, đồng hương đã tề tựu đông đảo, khoảng hơn 5 trăm người. Bà Rice, Thị trưởng Thành phố Westminster và Nghị sĩ Tiểu bang Cali, Lou Corea, lần lượt lên phát biểu. Sau đó, đến phiên Giám sát viên Quận Cam, Nguyễn Janet. Cô đã cố gắng lên tiếng bằng tiếng Việt trước, nói rằng là con của một chiến sĩ VNCH, nên cô cũng đau cái đau chung của dân tộc. Sau đó, phát biểu bằng tiếng Mỹ thông thạo hơn.

.

Từ sáu giờ chiều là cuộc Tưởng Niệm “buổi chiều” của Cộng đồng Người Việt, Nam Cali.

Tưởng cũng nên nhắc lại. Trước đây, Giám sát viên Janet xin phép thành phố Westminster cho tổ chức lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư. Thành phố đã chấp thuận. Khi Cộng đồng xin phép thì đã trễ. Hội đồng thành phố, gồm ba nghị viên gốc Việt là các ông Andy Quách, Tạ Đức Trí và Diệp Miên Trường, cùng hai nghị viên Mỹ là bà Thị trưởng Maggie Rice và ông Frank Fry phải họp để quyết định. Đồng hương Việt đến tham dự đông đảo. Có ý kiến cho rằng hai Ban tổ chức nên kết hợp làm một để sinh hoạt cùng ngày. Ai cũng muốn đôi bên nhượng bộ nhau nhằm kết hợp việc chung. Không bên nào chịu bên nào, tưởng đã không xong. Cuối cùng, Hội đồng Thành phố quyết định: Bên Giám sát viên Janet được sinh hoạt từ 10:30 sáng tới 6 giờ chiều. Bên Cộng đồng tưởng niệm từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm.

Hú vía! Xin cảm tạ và dành cho Hội đồng Thành phố Westminster một bó hồng tươi. Thế là… “ta lẫn bạn” đều thắng, tha hồ tưởng niệm từ sáng đến đêm!

.

Chiều về, chúng tôi vội vã chạy đến khu vực Tượng Đài. Đồng hương kéo đến tấp nập, đông gấp ba buổi sáng.

Khởi đầu là các hội đoàn tiến lên đặt vòng hoa tưởng niệm trước bàn thờ tổ quốc, có di ảnh các Tướng lãnh VNCH đã hy sinh tử tiết theo thành. Sau đó là lễ Tưởng Niệm với một Cụ Chủ lễ và bốn Cụ phụ lễ rất trang nghiêm. Từng hồi chiêng trống vang lên như tiếng lòng thổn thức của con dân Việt ly hương hướng về đất nước thân yêu. Đây đó có tiếng sụt sùi, nức nở. Biến cố 30 tháng 4 năm 75 đẫm máu lệ con dân VN. Bên tai tôi như vang lên khúc nhạc trìu mến:

Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây!

Sau đó, Hội đồng Liên Tôn tiến đến niệm hương trước bàn thờ tổ quốc.

Các quan chức Việt Mỹ lần lượt được mời lên phát biểu ý kiến. Chúng tôi thấy có nữ Dân biểu Liên bang, Loretta Sanchez, người tranh đấu không mỏi mệt cho VN, đã được đồng hương vui mừng tán thưởng; có Thượng nghị sĩ Tiểu bang, Lou Corea, người luôn sát cánh với cộng đồng VN; rồi Dân biểu Tiểu bang Cali, Trần Thái Văn – người sẽ tranh chức vụ dân biểu liên bang với bà Sanchez. Ông lên tiếng chúng ta phải đồng lòng, cùng dân chúng trong nước tranh đấu giành Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho VN. Ông cũng mong rằng với sức mạnh đoàn kết cộng đồng, đưa nhiều người Việt vào quốc hội Mỹ, chúng ta có thể góp phần vào việc dân chủ hoá đất nước nay mai. Bài phát biểu của Dân biểu Văn được đồng hương nhiệt liệt vỗ tay ủng hộ cổ võ.

.

Gần 8 giờ tối, chúng tôi lên đường tới toà soạn Nhật báo Người Việt, định tham dự buổi gặp gỡ của một người Mỹ tốt bụng, bà Betty Tisdales, người đã tranh đấu mãnh liệt và rất khó khăn mới di tản được 219 em bé dưới 10 tuổi, tại Cô nhi viện An Lạc sang Mỹ năm 75. Riêng bà đã chọn 5 bé gái VN để tự tay nuôi nấng.

Trên xe, cũng bản nhạc Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây, với tiếng hát vượt thời gian, Cô Thái Thanh, đang vang lên não nuột.

Tới nơi thì bà Tisdales đang trên đường ra tham dự lễ Tưởng niệm 30/4 cùng đồng hương, để cộng đồng VN tuyên dương tấm lòng nhân hậu của bà.

Chúng tôi đành cáo biệt toà báo để còn kịp làm bản tường trình cùng quý vị.

Giọng Thái Thanh vẫn mượt mà êm ái, như nhắn như gửi tất cả chúng ta:

Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây… Những đứa con, cùng một giống da vàng…Mang dòng họ của Lê, Lý, Nguyễn, Trần…

Vâng, thưa Mẹ vô vàn yêu mến. Chúng con vẫn còn đây! Còn đầy đủ lắm, Mẹ ạ! Cả đôi bên.

Nhưng sao chúng con vẫn đoạn lìa, vẫn phân ly cách trở? Chúng con nào phải người dưng đâu Mẹ. Cũng máu chảy ruột mềm và đều là anh em một bọc năm xưa, Mẹ ơi! Lòng chúng con vẫn thổn thức, vẫn đau thương và quặn thắt trong ngày 30 tháng Tư. Có phải tại lỗi chúng con hay do ai vậy Mẹ?

Bao giờ thì chúng con – mỗi năm trong dịp này – một bên không còn vui mừng với niềm vui chiến thắng; và một bên, sẽ không còn canh cánh nỗi uất ức quốc hận đau thương?

(Bài và ảnh: Tạ Dzu)

© Tạ Dzu

© Đan Chim Việt

XEM HÌNH : http://www.danchimviet.com/archives/7863/2

.

.

.

No comments: