Wednesday, May 19, 2010

SẮC TỘC RAGLAI BỊ LÃNG QUÊN

Sắc tộc Raglai, Ninh Thuận: Những con người bị lãng quên

Phương Thảo (riêng cho Người Việt)

Tuesday, May 18, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=113084&z=157

NINH THUẬN - Người Raglai cũng như đại đa số các sắc tộc khác đang tồn tại trên đất nước Việt Nam, có đời sống chủ yếu dựa vào... rừng.




Một gia đình Raglai, lúc nhàn rỗi. (Hình: Phương Thảo)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113084-raglai_04.jpg

.

Từ lâu, người Raglai, cũng như các sắc tộc thiểu số khác, thiết lập cho mình một văn hóa, đời sống khác với người Kinh sống nơi đồng bằng. Họ khai khẩn, trồng trọt trên những thửa rừng trong thời hạn nhất định. Sau khi đất tại nơi đó bạc màu, họ lại di dời sang những cánh rừng khác, để tiếp tục khai khẩn. Rồi sau một thời gian nhất định, họ quay lại nơi ban đầu mà bộ lạc mình đã khai khẩn. Bấy giờ, nơi này đã trở thành một cánh rừng với nhiều cổ thụ, và đất đai cũng phì nhiêu hơn. Ðó là phương cách “luân canh,” được khoa học chứng minh là vô hại với môi trường và môi sinh.

Bác Ái - một huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận, nơi quần tụ rất đông những người sắc tộc Raglai, có những đặc điểm nổi bật của sự “luân canh.”

Căn chòi, nơi trú ngụ của người Raglai. (Hình: Phương Thảo)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113084-raglai_01.jpg

.

Tính ham muốn khám phá, tìm hiểu đã đưa tôi đến với nơi đây, vùng đất của rừng núi, đầy nắng gió và hoang vu. Nhưng dấu ấn tồn đọng lại trong tôi không phải vì cảnh vật hoang dã, nơi có ngọn thác Cha-Panh hùng vĩ thèm thuồng những giọt nước từ trời hay tiếng đàn Cha-pi đã đi vào trong bài hát “Giấc Mơ Cha-pi” của nhạc sĩ Trần Tiến, mà là những con người Raglai thống khổ đang hằng ngày vật lộn với miếng ăn.

Nơi đây, người dân trú ngụ trong những nơi không thể gọi là “nhà,” vì không có gì để chứng minh rằng, đó là “nhà” của họ.

Từ điển tiếng Việt định nghĩa “nhà” là “chỗ ở được dựng lên có tường, có mái,” nhưng chỗ ở của người Raglai thì không được dựng lên bằng tường mà bằng những tấm vách làm bằng lá cây hoặc bằng đất trộn với rơm rạ. Ðó là những căn chòi theo đúng nghĩa.

Căn chòi này có cả thảy năm người sống bên trong. (Hình: Phương Thảo)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113084-raglai_02.jpg

.

Vật dụng, của cải trong những căn chòi này, ngoài vài ba cái chén bể, những cái xoong, thau méo mó được chắp vá chằng chịt thì chẳng có gì đáng nói thêm. Tuy thế, trong làng thưa thớt vẫn có những căn chòi có... radio. Còn có cả chiếc tivi do chính quyền địa phương trao tặng để “nhân dân nghe, xem... chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước.”

Thật khó có thể tin rằng, căn chòi chỉ chừng khoảng 8 mét vuông mà chỉ cần một cơn gió to cũng có thể nghiêng ngả, lại là nơi sinh tồn của 5 con người.

Những đứa trẻ đen đúa, dơ bẩn đang nô đùa quanh chòi nhìn chúng tôi với ánh mắt hiếu kỳ, dò xét. Chúng vận trên người những chiếc áo cũ kỹ, rách tươm, nhàu nát. Chúng hồn nhiên vui đùa, cười nói nhận từ chúng tôi những viên kẹo mang trong người, dành riêng cho chúng. Dường như chúng chẳng bao giờ bận lòng với nỗi thống khổ mà chúng đang hứng chịu.

Dù đã qua thế kỷ 21, văn minh, khoa học kỹ thuật vẫn không xuất hiện nơi đây. Người Raglai vẫn phải giã gạo bằng cái cối, cái chày, những cái cần giã tận dụng sức người.

Giã gạo. (Hình: Phương Thảo)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/113084-raglai_03.jpg

.

Trong căn chòi dùng để tích trữ thức ăn, chúng tôi thấy đầy những trái bắp đã được phơi khô, và người Raglai phải ăn thứ thực phẩm này hầu như quanh năm. Họ chỉ được biết gạo và nếp vào dịp Tết, ngày lễ lớn, khi chính quyền “thương” tặng cho vài ký để hưởng ân lộc.

Hằng năm, người Raglai chỉ có thể làm được một mùa bắp trên những đồi nương trải qua bao nhiêu năm trồng trọt, vì thế hoa lợi thu về chẳng được bao nhiêu. Ðể có thêm thu nhập, người dân phải lén vào rừng, chặt cây tre, chặt củi, đốt than, bán cho người miền xuôi. Công việc này càng ngày càng khó khăn vì sự kiểm soát từ phía kiểm lâm vì rừng ở đây được xếp vào loại nguyên sinh, chịu sự quản lý chặt chẽ từ chính quyền.

Thanh niên, trai tráng thì đi làm thuê cho người Kinh, và ở đó, họ chịu sự khinh khi, kỳ thị, phân biệt đối xử, trả đồng lương còm cõi, cho dù làm cùng một công việc với người Kinh.

Thật khó có thể nói hết những cơ cực mà người dân ở đây phải gánh chịu. Họ dường như bị lãng quên trong quá trình phát triển, tiến bộ của xã hội. Chính quyền đã bỏ quên họ trong những chính sách phát triển. Và thật khó có thể tìm thấy một quyết sách hợp lý nào cho người sắc tộc ở Việt Nam nói chung và cho người Raglai ở Bác Ái nói riêng.

Trong một thời gian dài, để dễ dàng kiểm soát người thiểu số, và cũng với mục đích quản lý, triệt tiêu mọi hoạt động của tổ chức Fulro còn tồn tại ngầm trong những bộ lạc từ sau năm 1975, chính quyền Việt Nam tuyên truyền rằng, lối luân canh, du mục của người thiểu số tác hại đến môi trường sinh thái, gây xói mòn nơi thượng nguồn. Dựa vào lý luận này, chính quyền lùa người sắc tộc vào những khu vực cố định để hòng dễ bề quản lý. Từ đó, họ phải canh tác, trồng trọt trên những thửa đất mà theo cùng năm tháng, độ màu mỡ, phì nhiêu chẳng còn được là bao. Ðây cũng là một trong các lý do chính khiến đời sống người sắc tộc trở nên thiếu thốn, bần cùng, lạc hậu, và văn hóa tinh thần thì ngày càng nghèo nàn, mất dần những bản sắc riêng và dễ dàng bị đồng hóa bởi văn hóa của người Kinh.

Tình trạng suy thoái, đi đến chỗ mất dạng những nét văn hóa đặc trưng, đang từng ngày, từng giờ tiếp diễn trong cộng đồng người Raglai, ít học, kém hiểu biết. Và chính họ dường như cũng không biết trân trọng những đặc thù của văn hóa mình.

Người Raglai không còn chôn người chết trong những ngôi nhà mồ. Họ bắt đầu táng người chết theo cách chôn của người Kinh. Sự đồng hóa đang diễn ra lặng lẽ, nhanh chóng đến bất ngờ. Ngôn ngữ sử dụng hằng ngày đã có sự lai tạp, vay mượn từ ngữ tiếng Việt. Viễn tưởng một ngày nào đó ngôn ngữ Raglai biến mất trên đất nước Việt Nam không phải là điều không thể xảy ra.

Và dường như nó đang xảy ra nhanh hơn chúng ta dự tưởng.

.

.

.

No comments: