Thursday, May 20, 2010

ÔNG CHỜ LÚN

ÔNG CHỜ LÚN

Tạ Phong Tần

May 19, '10 6:57 AM

http://suthatcongly.multiply.com/journal/item/53

Khác với các nước phát triển ở Âu, Mỹ người ta đặt tên đường theo số, theo cụm (nếu là tên người), tên các loài hoa, loài cây… thì ở Việt Nam có “truyền thống bất khuất” là đặt tên đường bằng tên danh nhân. Đi hết 64 tỉnh thành cả nước, tỉnh nào bạn cũng sẽ thấy các vị Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt hay Lê Duẫn, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Phú, Nguyễn Tất Thành...

Thời gian gần đây, nhiều con đường, công trình công cộng ở Việt Nam thường cắm bảng tên “ĐƯỜNG CHỜ LÚN”, “CÔNG TRÌNH CHỜ LÚN”. Có người thắc mắc, căn cứ theo kiểu đặt tên đường ở Việt Nam thì chắc hẳn “Chờ Lún” là một vị “danh nhân” nào đó họ Chờ tên Lún mà bấy lâu nay chưa được ghi danh vào sách giáo khoa, nên không ai biết ông Chờ Lún có công trạng gì với đất nước mà được lấy tên đặt cho rất nhiều con đường. Duy ngành Giao thông công chánh khoái ông Chờ Lún nên toàn dùng tên ông đặt cho các con đường mới.

Vào Google search cụm từ “chờ lún”, bạn sẽ thấy một kết quả nhiều đến bất ngờ: 7.860 lượt tìm kiếm “chờ lún” trong 0,16 giây.

Lần theo những đường dẫn của Google, chúng ta mới thấy bắt đầu từ năm 2007, từ “chờ lún” gây xôn xao lẫn bức xúc trong dư luận, được nhắc đến lặp đi lặp lại nhiều lần từ sự kiện cầu Văn Thánh 2 đang gặp nhiều “sự cố”. Được đà “tát nước theo mưa”, nhiều công trình giao thông mới xây dựng ở Sài Gòn cũng “ăn theo” “người nổi tiếng” với danh hiệu dài hơn là “giải pháp đường bù lún”, “Đường theo dõi lún”. (Chắc “bù lún”, “theo dõi lún” là con cháu gì đó của ông “Chờ Lún”).

Từ quận 4 vượt cầu Tân Thuận 2 qua quận 7, chễm chệ tấm bảng màu xanh dương kẻ chữ in trắng đậm nét (đúng quy cách bảng tên của ngành Giao thông): “ĐƯỜNG CHỜ LÚN” cạnh dốc cầu. Từ quận 4 vượt cầu Kênh Tẻ qua quận 7 cũng có cắm một tấm bảng “ĐƯỜNG CHỜ LÚN” y chang như vậy. Cả hai công trình trên vừa mới đưa vào sử dụng năm 2005, đang tiếp tục thi công phần vỉa hè.

“Đường xuyên Á (quốc lộ 1A) từ giao lộ trạm 2 (Thủ Đức) đến ngã tư An Sương (quận 12) - mới đưa vào sử dụng cách đây vài năm - dù được trải thảm bêtông nhựa nhưng mọi người đều thấy rõ trên làn đường ôtô, mặt đường bị nứt nẻ với tổng chiều dài vài kilômet. Trong đó, có những đoạn đã được giặm vá nhưng mặt đường vẫn bị nứt, tập trung nhiều là ở khu vực phường Linh Trung (Thủ Đức), khu phố 1 và khu phố 3 phường An Phú Đông, quận 12. Chủ đầu tư dự án đã cho gắn một tấm bảng “Đoạn đường đang theo dõi lún” trên con lươn giữa quốc lộ 1A.”

“PGS-TS Đặng Hữu Diệp cho báo chí biết không riêng gì ở Sài Gòn, hiện nay cả nước có nhiều công trình thi công theo kiểu “đường lún và đường chờ lún”. Đó là biểu hiện bất thường trong xây dựng các công trình giao thông, vì hiện nay trên thế giới không có quốc gia nào hoàn thành xây dựng công trình mà còn gắn biển báo “đường chờ lún” như ở VN. Ông Diệp nói thêm.

Anh Nguyễn Tiến Trình (Kỹ sư quản lý công trình) nói với báo Tuổi Trẻ: “Tôi là người dân sống ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Từ khi cầu Bình Triệu 2 thi công xong và đưa vào sử dụng, hằng ngày khi đi làm ngang qua cầu tôi đã có cảm giác cầu bị lún ở mố cầu phía đông - hướng đi Bình Dương.

Qua hai năm theo dõi đến nay đã rõ nét cầu bị lún. Không biết các cơ quan quản lý đường bộ đã biết tình trạng của cầu này hay chưa? Khi sửa chữa các khe giãn nở, hình như các cơ quan quản lý chỉ biết thay thế chứ hầu như không tìm nguyên nhân. Mong các cơ quan quản lý có trách nhiệm xem xét và có biện pháp xử lý vì nếu để lâu ngày sẽ khó sửa chữa hơn”.

Tháng 7/2009, báo Đà Nẵng đưa tin tuyến đường nối Nam hầm Hải Vân - Túy Loan có chiều dài gần 18km, chỉ sau vài tháng đưa vào sử dụng (từ tháng 4-2008) đã xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt đường. Từ tháng 11-2008 đến nay, có nhiều đoạn phải rào chắn, đào mặt đường lên để sửa chữa. Người dân đi ngang qua lắc đầu, bức xúc trước cảnh đường mới hoàn thành bị đào lên làm lại, đặc biệt là 2 biển báo ở hai đoạn đường dẫn lên cầu Nam Ô Thượng và Thủy Tú ghi: “Đoạn đường chờ lún”…

Đầu năm 2010 đã có thông tin đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương- con đường được báo chí trong nước ca ngợi là “con đường hiện đại nhất Việt Nam” với 40km đường cao tốc, chỉ sau 2 tháng thông xe tạm đã bắt đầu có hiện tượng lún cục bộ, tạo thành các gờ cao thấp và lồi lõm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Trả lời báo Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận, chủ đầu tư - cho rằng, hiện tượng lún trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các tuyến nối là “hoàn toàn bình thường”.

Ngược lại, ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - nhận xét, việc đường cao tốc mới đưa vào khai thác hơn 2 tháng mà đã lún, chứng tỏ việc thiết kế, thi công có thiếu sót. Theo ông Sanh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do không khảo sát địa chất kỹ, không đảm bảo được thời gian ổn định đất (phải chờ đến 2 - 3 năm đối với công trình lớn) và ứng dụng chưa tốt các công nghệ hiện đại để xử lý nền đất yếu. Hiện nay, không chỉ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà rất nhiều công trình khác đang bị "giú ép", thời gian hoàn thành cấp bách dẫn đến sau khi đưa vào sử dụng còn nhiều khiếm khuyết, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. "Tiến độ là thời gian cần thiết để thực hiện một phần việc theo trình tự và chất lượng tương xứng, do đó việc cắt giảm thời gian một cách tùy tiện sẽ cho ra đời những sản phẩm không hoàn thiện, giống như ăn trái chín cây thì bao giờ cũng ngon lành hơn trái giú ép", ông Sanh nói.

Không chịu “thua chị kém em”, tuy mới thông xe được gần hai năm, đoạn đường dẫn lên cầu từ Pháp Vân vẫn chưa làm xong nhưng trên mặt cầu Thanh Trì đã xuất hiện nhiều vệt lún kéo dài cả trăm mét…

Ngày 23/04/2010, báo trong nước lại tiếp tục cho hay rằng “đã xảy ra nhiều điểm sụt lún lòng đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên- Huế). Tại Km 285-300, lòng đường bị sụt lún dài hàng chục mét, rộng 2-3 mét. Đơn vị quản lý, duy tu và sửa chữa tuyến đường đã phải lấy thân tre làm cọc tiêu và chắn taluy để cảnh báo các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường không đi vào vùng bị sụt lún”.

Tôi hỏi nhiều người quen đang sinh sống ở Âu, Mỹ rằng “ở bển” đường xá người ta có trưng cái bảng “đường chờ lún” như ở Việt Nam hay không, thì mọi người đều trả lời là “chưa bao giờ thấy”.

PGS-TS Đặng Hữu Diệp khẳng định một công trình giao thông được xem là hoàn thành xây dựng thì không được để xảy ra lún và nếu lún thì độ lún phải nằm trong tầm kiểm soát theo tiêu chuẩn qui định để độ lún đó không gây hư hại công trình lân cận. Nói một cách khác là không thể chấp nhận một công trình xây dựng giao thông mà chỗ nào cũng gắn bảng “chờ lún”.

Cư dân mạng bức xúc rằng lúc làm đường sao không xử lý “lún” mà làm xong đường thì lại “chờ lún”. Sao nhà phố, nhà biệt thự của các bác, các bác hổng xây “nhà chờ lún” cho nó “đồng bộ”. Hay là chỉ có đường của nhà nước, làm bằng tiền của dân thì các bác làm “đường chờ lún” còn nhà các bác thì “đố dám lún”? Sau “Đường chờ lún”, “Hầm nứt kỹ thuật”, “Cầu nứt do thời tiết” nay chúng ta đã có thêm “Lún trong tầm kiểm soát”. Không biết ngành xây dựng của chúng ta đang ở đâu nhưng kỹ xảo dùng ngôn ngữ trong xây dựng thì chúng ta có lẽ sắp vô đối thật rồi”. (“Vô đối” là tiếng lóng của giới “giang hồ mạng”, nghĩa là không có đối thủ, “đả biến thiên hạ vô địch thủ”).

Đọc đến đây thì chắc ai cũng hiểu ông Chờ Lún là một bậc “ranh nhân” cùa ngành Giao Thông Vận Tải mới xuất hiện đầu thế kỷ 21 và là “hàng độc” “chỉ có ở Việt Nam” (“ranh nhân vô đối”).

Tạ Phong Tần

.

.

Bài đã đăng Thời Báo (Canada)

.

.

.

No comments: