Friday, May 14, 2010

NƯỚC NGA KHÔNG NGẠI KỂ SỰ THẬT VỀ CHIẾN TRANH (1&2))

Dmitry Medvedev - Chúng ta không phải ngi ngùng k s tht về chiến tranH (1)

.

Dmitry Medvedev: “Chúng ta không phải ngại ngùng kể sự thật về chiến tranh, sự thật mà vì nó chúng ta đã chịu quá nhiều đau khổ”

.

Nguồn: Báo Izvestia

.

theviewingplatform, X-Cafe chuyển ngữ và chú dẫn

http://www.x-cafevn.org/node/277

Vitaly Abramov phỏng vấn Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev
Thành viên TheViewingPlatform dịch và chú dẫn

Nếu nói thẳng, thì chế độ được xây dựng ở Liên Xô không thể gọi cách khác, ngoài độc tài. Đáng tiếc, đó là một chế độ chà đạp các quyền và tự do cơ bản. Và không chỉ đối với các công dân của mình (sau chiến tranh một bộ phận nhân dân, là những người chiến thắng, đã bị đưa đến tù giam tại các trại tập trung). Ở các nước XHCN khác cũng như vậy. Và, tất nhiên, không thể xóa bỏ điều đó khỏi lịch sử.

Vitaly Abramov (V.A): Dmitry Anatolievich kính mến! Trước đây chúng ta quen nói: ở Liên Xô không có một gia đình nào mà chiến tranh không chạm tay vào. Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã để lại dấu ấn gì trong gia đình ngài?

Dmitry Medvedev (D.M): Tôi cũng cho câu nói đó hoàn toàn chính xác. Đó không phải câu nói mỹ miều, sáo rỗng. Chiến tranh đã động chạm tới mỗi gia đình Xô Viết ở mức độ khác nhau. Đối với một bộ phận nhân dân rất đông đảo - chiến tranh đi kèm sự mất mát người thân, đối với những người khác – là những khó khăn mà tất cả những ai sống ở Liên Xô thời kỳ đó đều phải đương đầu.

Họ hàng cả nội ngoại của tôi đều chịu tác động của chiến tranh. Cả hai ông nội (Afanasy Fiođorovich) và ngoại (Venhiamin Sergheevich) đều tham gia chiến tranh, cả hai đều trải qua những thử thách chinh chiến khác nhau. Lúc tôi còn nhỏ, mỗi lần về chơi nhà ông nội Afanasy ở Krasnodar, ông đều kể chuyện chiến tranh, khiến tôi xúc động mạnh. Ông nói chân thật, không giấu nước mắt. Ông kể những chuyện thời đó ít ai dám nói. Ông chiến đấu ở nhiều nơi, bị thương nặng, đã được tặng các huân và huy chương khác nhau. Tôi ghi nhớ các câu chuyện của ông, bởi tôi tiếp nhận chúng từ chính người ruột thịt của mình.

Và ông ngoại Venhiamin cũng kể cho tôi nghe nhiều về chiến tranh, về những cảm xúc của ông lúc đó. Tôi vẫn nhớ rõ: ông kể cho tôi nghe chuyện phải khó khăn lắm mới quen với việc bắn vào con người, những cảm giác nặng nề như thế nào khi phải hành động như thế, mặc dù hiểu là để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ những người thân khỏi kẻ thù xâm lược đất nước chúng ta, giết đồng bào của chúng ta, đốt cháy các thành phố và làng mạc của chúng ta. Đó là câu chuyện rất riêng tư mà lúc còn trẻ tôi ít nghĩ tới. Song với tuổi tác tôi hiểu ra - trận nghĩa là gì, khi mặt đối mặt với kẻ thù.

Cha mẹ tôi đi sơ tán. Mẹ tôi từng sống ở Tadzikistan, lúc đó còn nhỏ, vẻn vẹn vài tuổi, khi xảy ra chiến tranh. Mẹ tôi cùng bà ngoại sống nơi sơ tán, các ông nội ngoại ra trận. Kỷ niệm gia đình, tất nhiên, luôn tạo ra bầu không khí đặc biệt, mỗi khi chúng tôi kỷ niệm 9 tháng năm. Ví dụ, tôi luôn nhớ năm 75, khi tôi lên mười. Năm đó kỷ niệm 30 năm ngày kết thúc chiến tranh. Các cựu chiến binh phấn khởi, ai nấy đeo huân huy chương. Nhạc được bật lên, họ ôm nhau, lúc đó họ còn rất đông. Chỗ nào chúng tôi đến, bất kể tượng đài Chiến thắng hay nghĩa trang Piscariov, chỗ nào cũng thấy rất đông các cựu chiến binh, và không khí ngày hội. Kỷ niệm về những ngày đó đọng lại mãi trong trí nhớ của tôi.

.

V.A: Ngài sinh ra hai mươi năm sau chiến tranh. Có nghĩa, chiến tranh đối với Ngài là một bộ phận của lịch sử, chứ không phải lý lịch. Thái độ của Ngài về lịch sử chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại đã thay đổi như thế nào với thời gian? Ai đã có thể ảnh hưởng tới sự thay đổi đó và như thế nào?

D.M: Nó không thay đổi một cách tận gốc. Về các tiêu chí cơ bản thái độ đó vẫn như trước.

Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại có ý nghĩa gì với chúng ta? Đó là sự tấn công của cả một bộ máy xâm lược khổng lồ, những kẻ mang đến nỗi đau và chết chóc. Ở đây không thể thêm hay bớt điều gì, bất chấp thời gian bao lâu đã trôi qua. Mặc dù tôi sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc rất lâu và thế hệ ngày nay biết về chiến tranh chỉ qua sách vở, phim ảnh, chuyện các cựu chiến binh kể, song điều này, theo tôi, là hoàn toàn hiển nhiên với tất cả những ai sống ở nước Nga.

Vì lẽ đó, chiến tranh là một phần lịch sử, song đồng thời là một phần lịch sử diễn ra cách đây không lâu, điều tôi muốn nhấn mạnh. Có thể bàn cãi rằng sự kiện này khác có thể diễn ra theo các cách khác. Song riêng về các sự kiện chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – thì đến tận bây giờ vẫn còn sống một số lượng khổng lồ những người từng tham gia chiến đấu và là nhân chứng sống cuộc chiến đã xảy ra. Đây không phải chuyện xảy ra 200, 300 năm trước, mặc dù lúc đó cũng xảy ra các thảm họa toàn cầu, những cuộc chiến tranh lớn.

Vì thế thái độ của tôi với các sự kiện thời gian đó thay đổi một cách không tận gốc.

Tất nhiên, không ai lý tưởng hóa vai trò của Liên Xô thời kỳ sau chiến tranh. Song không bao giờ được phép gọi nạn nhân là đao phủ. Những ai đặt vai trò của Hồng Quân và phát xít Đức lên cùng một thớt là phạm tội ác đạo đức.

Tất nhiên, nhiều tài liệu chỉ được công khai hóa vào cuối những năm 80, khi các tài liệu lưu trữ bắt đầu được đăng, khi chúng ta có khả năng tiếp cận một phần các nguồn từng là tuyệt mật. Một thời gian dài chiến tranh chỉ được tung hô như chiến thắng vĩ đại của nhân dân Xô Viết và Hồng Quân. Song chiến tranh còn là một khối lượng khổng lồ các nạn nhân và những tổn thất khổng lồ mà nhân dân Liên Xô phải hứng chịu cùng các nước châu Âu khác. Có thể, về phần này, thì tất nhiên có một số thay đổi.

.

V.A: Cách đây không lâu Ngài tuyên chiến tệ nạn viết lại lịch sử bằng việc thành lập một ủy ban chuyên môn. Những hành động viết lại lịch sử nào thúc đẩy Ngài làm việc đó?

D.M: Cách xử sự đáng xấu hổ của một số nhà chính trị, những người để đạt được những mục đích nhỏ mọn, thậm chí tôi có thể gọi là tiểu nhân, của mình, bắt đầu áp dụng những cách diễn giải khoa học giả hiệu khác nhau để đơn giản gặt hái uy tín chính trị. Song sự việc không chỉ ở chỗ bác lại các nhân vật cụ thể, mà còn ở chỗ họ có quyền có ý kiến riêng của mình. Vấn đề ở tương lai của chúng ta, chúng ta sẽ để lại kỷ niệm gì về mình, con cháu chúng ta sẽ nghĩ gì, họ sẽ biết gì về chiến tranh và các bài học nào từ cuộc chiến tranh này.

Đối với thế hệ tôi và các anh, đối với những người trưởng thành và còn trẻ, những từ như “phát xít”, “đảng viên quốc xã” chỉ có thể mang ý nghĩa tiêu cực. Song, đáng tiếc, bây giờ điều đó đối với tất cả không phải như vậy. Ở nhiều nước châu Âu đang diễn ra việc phục hồi phát xít. Thậm chí ở Nga cũng có một số quái thai sử dụng biểu tượng Đức quốc xã và tụ tập lực lượng dưới những khẩu hiệu như thế. Vì thế đây không còn là vấn đề nhàm tản. Song điều quan trọng nhất – chúng ta phải đưa được sự thật đến cho con người. Vậy sự thật về cái gì?

Nhân dân chúng ta không có cuộc lựa chọn khác. Họ là những người sống vào thời điểm đó ở nước ta, - họ có thể hoặc chết hoặc trở thành nô lệ. Không có khả năng thứ ba. Và đây là một sự thật hiển nhiên. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là câu hỏi ai khởi chiến và ai có tội trong chuyện đó? Đây cũng là một điều hoàn toàn hiển nhiên. Nó được công nhận không chỉ bằng hồ sơ vụ án Nuremberg Trials, trong các văn kiện, mà còn trong ký ức một số lượng người khổng lồ. Mưu toan đánh tráo các sự kiện lịch sử trông giống một ác ý.

Chúng ta phải đưa ra sự thật. Và điều này không có nghĩa phải đấu tranh với các cách diễn giải khác nhau các sự kiện chiến tranh hay với các học thuyết. Xin mời nêu ra và chứng minh những giả thiết mới, song có những bằng chứng không cần chứng minh – hoặc do tính hiển nhiên của chúng, hoặc do chúng được xác nhận bởi các văn bản quốc tế, như được tôi nhấn mạnh là các biên bản vụ án Nuremberg Trials. Về những vấn đề này thì tranh luận là không thể, bởi chúng được tiến hành theo hướng rất tồi tệ.

Nếu vào một lúc chúng ta sẽ cho rằng công việc đã kết thúc ở đây, thì ủy ban chuyên môn sẽ chấm dứt hoạt động.

.

V.A: Các sự kiện ở các nước cộng hòa Baltic, Ucraine, Gruzia nói lên việc lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai được lý giải theo cách có lợi cho một số thế lực chính trị. Tuy nhiên, không thể không tính tới sự thật lịch sử các dân tộc. Lịch sử đó khác nhau. Phải làm gì để những người hy sinh trong chiến tranh chống Đức Quốc xã được tưởng nhớ với lòng biết ơn ở mọi nơi?

D.M.: Tất nhiên, mỗi nước mỗi lịch sử. Và không thể nói rằng các sự kiện thời sau chiến tranh đều mang lại phồn vinh cho tất cả các nước được giải phóng. Tuy nhiên ở đây có một điều láu lỉnh. Chúng ta phải hiểu: nếu Liên Xô không cùng các nước khác thuộc khối chống Hitle giải phóng châu Âu, châu Âu đã hoàn toàn khác. Đó có thể chỉ là một trại tập trung khổng lồ làm việc cho một quốc gia. Đa số người châu Âu đang sống đơn giản có thể không bao giờ được sinh ra trên đời. Tôi từng nói về chuyện đó mới đây, khi chúng tôi cùng đồng nghiệp Slovakia kỷ niệm ngày giải phóng. Song, mặt khác, các sự kiện sau chiến tranh đã là phần khác của lịch sử, nó bị tư tưởng hóa tuyệt đối, và thật dễ hiểu là Liên Xô, như một nhà nước, đã theo đuổi những mục đích của mình. Liên Xô là một quốc gia rất phức tạp. Nếu nói thẳng, thì chế độ được xây dựng ở Liên Xô không thể gọi cách khác, ngoài độc tài. Đáng tiếc, đó là một chế độ chà đạp các quyền và tự do cơ bản. Và không chỉ đối với các công dân của mình (sau chiến tranh một bộ phận nhân dân, là những người chiến thắng, đã bị đưa đến tù giam tại các trại tập trung). Ở các nước XHCN khác cũng như vậy. Và, tất nhiên, không thể xóa bỏ điều đó khỏi lịch sử.

Song nghệ thuật của nhà sử học, một mặt, sự tỉnh táo lý trí của người bình thường, mặt khác, chính ở chỗ tách biệt sứ mạng của Hồng Quân và nhà nước Xô Viết trong giai đoạn chiến tranh vơí cái xảy ra sau đó. Đúng vậy, trong cuộc sống chuyện đó được phân chia rất phức tạp, song cần thiết phải làm để một lần nữa nhấn mạnh: nếu không có vai trò của Hồng Quân, nếu không có sự hy sinh khủng khiếp mà nhân dân Xô Viết phải gánh chịu vì chiến tranh, châu Âu đã hoàn toàn khác. Ai cũng hiểu là một châu Âu hiện đại, phồn vinh, thịnh vượng, giàu có, phát triển tốt có thể không có. Và tôi nghĩ, chỉ người điếc mới không nghe thấy những luận cứ này.

Tôi nghĩ, ở đây chỉ cần chúng ta đơn giản, không phải ngại ngùng gì, kể về điều đó, không phải ngại ngùng trở về những sự kiện thời kỳ đó, nói về điều đó ở khắp các diễn đàn khác nhau nhất: cả ở Nga, cả ở các nước láng giềng, các quốc gia châu Âu, cả từ diễn đàn Liên Hợp Quốc, và trong bất kỳ cuộc gặp gỡ, hội thảo nào. Không nên ngại kể sự thật về chiến tranh, sự thật mà vì nó chúng ta chịu quá nhiều đau khổ. Tôi nghĩ, như thế sẽ trung thực và đúng sự thật hơn cả.

Anh nhắc tên các nước, nơi diễn ra việc anh hùng hóa bọn tội phạm Đức Quốc xã. Điều đó rất đáng buồn. Tất nhiên, không ai lý tưởng hóa vai trò của Liên Xô thời kỳ sau chiến tranh. Song cương quyết không được gọi nạn nhân là đao phủ. Những ai đặt vai trò của Hồng Quân và phát xít Đức lên cùng một thớt là phạm tội ác đạo đức.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng về mặt này người Đức xử sự xứng đáng hơn nhiều đại diện các quốc gia Cận Baltic, mặc dù đối với họ đây là đề tài rất nhạy cảm. Mặt khác, có những bản án sau chiến tranh chưa hề bị ai hủy (và tôi tin là chúng sẽ không bao giờ bị hủy), kể cả các bản án của The Nuremberg Trials . Chính ở đó các tội ác của Đức Quốc Xã được chỉ định là tội ác chống nhân loại. Những tội ác này không có thời điểm hết hạn, và trách nhiệm về chúng phải là vô thời hạn.

V.A: Sau những vụ án ầm ỹ mới đây xử các nguyên đảng viên Đức Quốc Xã ở châu Âu, trong xã hội xuất hiện tranh luận: có nên xử mấy người già nua hay không? Đã đến lúc ân xá tất cả những ai còn sống, thậm chí tội phạm Đức Quốc Xã, để giai đoạn đáng sợ đó mãi chìm vào quá khứ?

D.M: Anh ngụ ý những tội ác mà vì chúng người ta xử Demianhiuk bây giờ ai cũng biết? Song sự việc không chỉ ở các tên cụ thể. Những tội ác như thế không có thời điểm hết hạn, bất kể người phạm tội là ai. Đây là vấn đề trách nhiệm đạo đức của chúng ta trước các thế hệ tương lai, và, nếu bây giờ chúng ta nhắm mắt làm ngơ những tội ác này, trong tương lai chúng có thể được lặp lại, bằng cách này hay cách khác, dưới hình thức này hay hình thức khác, ở các quốc gia khác nhau. Vì thế, điều này có thể nghe tàn nhẫn, song những tội ác này quả không có mốc hết hạn, thì những ai phạm những tội ác đó, phải bị trừng phạt, bất kể họ bao nhiêu tuổi.

(Còn tiếp)

Dmitry Medvedev - Chúng ta không phải ngi ngùng k s tht về chiến tranh (2)

Dmitry Medvedev: “Chúng ta không phải ngại ngùng kể sự thật về chiến tranh, sự thật mà vì nó chúng ta đã chịu quá nhiều đau khổ”

Nguồn: Báo Izvestia

.

theviewingplatform, X-Cafe chuyển ngữ và chú dẫn

http://www.x-cafevn.org/node/283

.

Tiếp theo phần trước

.

Vitaly Abramov (V.A.): Trong lúc ở Nga người ta viết những sách giáo khoa ít thành công nhất về lịch sử, xã hội phương Tây kịp quen với truyền thống đặt vòng nguyệt quế xuống đài tưởng niệm chiến thắng nước Đức phát xít cho quân đội đồng minh. Về việc Hồng Quân từng tiếp quản Berlin, về những tổn thất khổng lồ của Liên Xô trong chiến tranh, ở đó người ta nếu biết, cũng chỉ là các nhà sử học và chính trị. Chúng ta đang mất dần Chiến thắng của mình...

Dmitry Medvedev (D.M.): Tôi cho rằng ở Nga về mặt này tương đối bình thường và, mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau như tôi đã nói, nhìn chung không sức mạnh nào có thể thay đổi quan điểm của chúng ta về Chiến thắng.

Sự thật là quân đội Hitler chịu gần ba phần tư tổn thất là ở hướng Đông, ở Liên Xô. Gần bảy mươi phần trăm tổn thất vật chất, vũ khí là do quân đội Liên Xô gây nên cho phát xít Đức. Sự thật chính ở chỗ đó!

Hay nói chung có thể làm phim về đề tài này. Hiển nhiên, nếu đủ trình độ làm việc này (mà người Mỹ làm việc này rất giỏi), thì kết quả sẽ là chiến thắng thuộc về phương Tây và chân lý cuối cùng sẽ là phim “Saving Private Ryan”. Đây là một bộ phim hay. Song điều đó không có nghĩa là nó nói sự thật. Đây là một blockbuster về chiến tranh, mặc dù các tác giả phim có thể còn theo đuổi các thiện ý nào khác. Song chúng ta phải luôn nhớ chuyện thực xảy ra như thế nào.

Tiện đây tôi muốn nói nền điện ảnh của chúng ta, cả Xô Viết và Nga hiện đại, về mặt này, theo tôi, có trình độ rất cao. Vào thời Liên Xô, mặc dù điện ảnh bị chính trị hóa nặng và không phải lúc nào cũng chịu được thử thách thời gian, song phim thời kỳ đó tuyệt vời về chất lượng: “Đàn sếu bay”, “Nhà ga Belorusy”, “Họ chiến đấu vì Tổ quốc”. Thậm chí cả bộ phim phiêu lưu như “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”. Song đây đồng thời là bộ phim về chiến tranh, được làm một cách tài năng. Và chúng ta càng chiếu nhiều những bộ phim này bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.

Phải làm những bộ phim mới. Với công nghệ điện ảnh mới. Nói chung không nên sao chép cái đã có. Tôi cho rằng ở đây cho phép các thử nghiệm. Điều quan trong để họ đạt được đích, để họ kể sự thật.

Với sách giáo khoa cũng thế. Đây là một đề tài riêng, một lúc nào đó có thể tiếp tục câu chuyện về nó. Tôi nghĩ thái độ với Chiến tranh Thế giới thứ Hai quả thực được hình thành bởi sách, ở giai đoạn, khi trẻ bắt đầu đọc. Về mặt này sứ mệnh của sách giáo khoa, sách lịch sử là hoàn toàn quan trọng. Hiện nay có nhiều công trình về Chiến tranh Vệ quốc đã được in. Những công trình này được đổi mới và bổ sung: xuất hiện các nghiên cứu mới, những chứng cớ được chứng minh, nảy sinh các đề tài tranh luận.

Song thiết nghĩ, tinh túy của các công trình dạng đó phải được đưa vào sách giáo khoa, hơn nữa phải tính tới cái mà tôi và anh vừa nói tới, tính tới khả năng không cho phép việc đánh tráo các sự kiện hiển nhiên. Bởi trẻ em, bất kể chúng sống ở đâu, ở Nga hay các nước khác, như trang giấy trắng sẵn sàng tiếp nhận kiến thức mới. Nếu ngay từ lúc bé, chúng hấp thụ thông tin không đúng, sau đó rất khó thay đổi quan điểm. Như chúng ta đều biết là nhiều công dân Nga đã bị sốc như thế nào sau một số sự kiện, khi họ được chỉ cho thấy những trang lịch sử nước nhà hoàn toàn nặng nề, đầy kịch tính, liên can tới hoạt động của một số nhà lãnh đạo nhà nước Xô Viết.

.

V.A.: Trong nhiều thập kỷ con số thương vong chính thức của Liên Xô trong chiến tranh được thay đổi nhiều lần. Liệu thống kê đau buồn này sẽ trở thành chính xác và dứt điểm một lúc nào đó?

D.M.: Đây là một chủ đề khó. Tôi còn nhớ rõ tập cuối của anh hùng ca điện ảnh “Giải phóng” kết thúc bằng một dòng chữ chạy – ai tổn thất gì trong thời gian Thế Chiến thứ Hai. Những con số đáng sợ. Và dòng cuối cùng về những thiệt hại của Liên Xô: “Số người dân Xô Viết chết là hơn hai mươi triệu”. Tất cả các con số: mười bốn triệu hay hai mươi triệu hoặc giả hai mươi bảy triệu – đều là những con số khổng lồ, nằm ngoài sức chịu đựng. Song chúng ta không thể giản lược hóa tình huống. Chúng ta phải tiến hành công việc này đến nơi đến chốn.

Đây là công việc gì? Phải xác định chính xác, chúng ta đang nói về những mất mát nào. Có những tổn thất trực tiếp trong chiến tranh – đó là những người đã hy sinh ngoài mặt trận. Có những người chết vì bị thương (cả trong và sau chiến tranh). Có những người chết trong trại tù binh, chết vì đói, vì bom, ở nơi chiếm đóng. Tất cả điều này đòi hỏi một công việc rất chính xác và công phu. Bây giờ tất cả các kho lưu trữ đã mở công khai, ở đây không còn vấn đề gì. Công việc tương tự cũng đang được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu, nơi có hẳn một tổ công tác đặc trách. Tôi hy vọng nó sẽ hoàn thành trọn vẹn công việc. Song chúng ta phải làm việc đó một cách thận trọng tối đa.

.

V.A.: Gần đây nhiều người hỏi ngài về vai trò của Stalin trong chiến thắng. “Izvestia” cũng không bỏ qua cơ hội đó. Trong ngữ cảnh nào? Đúng là Stalin đã lãnh đạo một đất nước chiến thắng phát xít. Song điều dó không cho quyền biến bạo chúa phạm tội ác chống nhân loại thành anh hùng?

D.M.: Có những sự thật hiển nhiên – người chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại là nhân dân chúng ta, chứ không phải Stalin và thậm chí không phải các tướng lĩnh với tính quan trọng của việc họ làm. Đúng thế, vai trò của họ hiển nhiên rất nghiêm túc, song chiến thắng chiến tranh chính là nhân dân bằng giá của những nỗ lực phi thường, giá sự sống của một số lượng người khổng lồ.

Còn về vai trò của Stalin, thì có thể đánh giá nó nhiều cách khác nhau. Có người cho vai trò của Tổng tư lệnh Tối cao là tuyệt đối, có người không cho như vậy. Vấn đề không phải ở đó, mà ở chỗ chúng ta đánh giá bản thân Stalin nói chung như thế nào. Nếu nói về sự đánh giá cấp nhà nước, về việc chính quyền chính thức nhà nước đánh giá Stalin như thế nào trong những năm gần đây, kể từ thời điểm khai sinh nhà nước Nga mới, thì ở đây có sự đánh giá rõ ràng – Stalin đã phạm vô vàn tội ác chống nhân loại. Và mặc dù ông ta làm việc nhiều, mặc dù dưới sự lãnh đạo của ông ta đất nước đạt được các thành tựu, song tội ác ông ta phạm chống nhân loại không thể được tha thứ. Đây là điều thứ nhất.

Điều thứ hai là những người yêu Stalin hay ghét Stalin đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Và không có gì đáng ngạc nhiên việc nhiều cựu chiến binh, những người thuộc thế hệ những người chiến thắng có thái độ tốt với Stalin. Tôi cho rằng đó là quyền của họ. Mỗi người có quyền đánh giá riêng. Song những đánh giá riêng đó không có quyền ảnh hưởng tới những đánh giá của nhà nước. Và tôi một lần nữa vừa đưa ra những đánh giá đó.

Đôi khi có cảm giác đề tài này bị khai thác quá tải. Nếu nói về thái độ về Stalin và một số nhà lãnh đạo khác, thì ngay những năm 90 có không ít những người sủng bái nhân vật này, song không ai nói về sự khôi phục chủ nghĩa Stalin. Song bây giờ người ta rộ lên nói. Đúng thế, các nhân vật lịch sử có thể trở thành đối tượng ngưỡng mộ, thần thánh hóa. Đôi khi người làm việc đó là chính thanh niên, đặc biệt thanh niên Tả khuynh. Song đó suy cho cùng là việc riêng của họ. Còn hiển nhiên đối với tuyệt đại đa số con người trên thế giới hình ảnh Stalin là rõ ràng, nó không gợi nên bất cứ tình cảm ấm áp nào.

Song không bao giờ có thể nói rằng chủ nghĩa Stalin đang trở lại đời sống hàng ngày của chúng ta, rằng chúng ta khôi phục lại biểu tượng chế độ cũ, rằng chúng ta chuẩn bị sử dụng những khẩu hiệu nào đó, và bao nhiêu thứ nữa. Tất cả những cái đó sẽ không bao giờ có. Điều đó tuyệt nhiên bị loại bỏ. Và đây, nếu các anh muốn, chính là hệ tư tưởng nhà nước hiện nay và sự đánh giá của tôi như Tổng thống Liên bang Nga. Vì thế trong vấn đề này tôi luôn tách rời đánh giá chính thức của nhà nước khỏi những đánh giá cá nhân.

.

V.A.: Đmitry Anatolievich, Ngài, như một nhà chính trị, có thể giải thích như thế nào việc Stalin suốt cả một năm làm ngơ nhiều cảnh báo về âm mưu xâm lược của nước Đức?

D.M.: Anh biết tôi không phải nhà sử học. Mặc dù như bất kỳ nhà chính trị nào, như bất kỳ người nào đứng ở vị trí lãnh đạo nhà nước, tôi tất nhiên rất quan tâm tới lịch sử đất nước.

Tôi không thể tự ý khẳng định tại sao ông ta làm ngơ, mặc dù về đề tài này người ta đã viết không ít sách và làm không ít phim. Tôi nghĩ, ông ta đơn giản muốn là không thể xảy ra nguy cơ đó. Ông ta tin rằng những hiệp ước này nọ của ông ta sẽ không bị bội ước bởi Arthur Neville Chamberlain và Édouard Daladier , khi ký hiệp ước Munich Agreement. Song, như đã biết, họ ký cái họ không có ý định thực hiện. Sir Winston Leonard Spencer-Churchill từng có câu nổi tiếng về việc họ kén cá chọn canh giữa một bên là nỗi nhục bội ước với một bên là chiến tranh, song họ thoạt tiên nhận nỗi nhục bội ước, và sau đó vẫn là chiến tranh.

Với Stalin cũng thế - cuộc lựa chọn đầy khó khăn. Ông ta tính trì hoãn ngày xảy ra kết quả nặng nề này. Ở đâu đó, có thể, ông ta đã tính sai. Song rõ ràng là do hậu quả của đánh giá sai lầm đó đã buộc phải trả giá. Và cái giá thì khủng khiếp: đó là sinh mạng của đồng bào chúng ta. Dù sao chăng nữa, như chúng ta biết, lịch sử không biết giả định thuyết.

Đây là đề tài rất tinh tế. Tôi nhấn mạnh, đây đã không phải là sự đánh giá Stalin như một cá nhân chịu trách nhiệm trước nhân dân Nga và lúc đó là Liên Xô, mà là sự đánh giá Stalin như nhà lãnh đạo thời kỳ đó. Ông ta có những giải pháp yếu, cũng như có những giải pháp rất mạnh, trong đó có cả thời kỳ chiến tranh. Không thể bác bỏ điều này được.

Mặt khác, đúng là ai cũng hiểu, để đề phòng chiến tranh với Hitler nước ta có thể chuẩn bị trước, kỹ lưỡng hơn, nếu không diễn ra việc thanh trừng các nhà lãnh đạo quân đội, nếu không nuôi ảo tưởng rằng Hitler không đời nào tấn công Liên Xô giai đoạn đó.

.

V.A.: Bất cứ cuộc chiến tranh nào suy cho cùng là bài học khó khăn cho cả người thắng lẫn kẻ thua. Tương lai của đất nước phụ thuộc nhiều vào việc các nhà chính trị lĩnh hội bài học đó như thế nào. Cá nhân Ngài, vị Tổng thống thứ Ba của nước Nga, rút ra những bài học gì từ lịch sử chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại?

D.M.: Bài học quan trọng nhất là ở chỗ chúng ta phải cùng các nước khác, các thành viên khác của cộng đồng thế giới cố gắng loại bỏ những nguy cơ như thế. Ý tưởng thuyết phục kẻ xâm lược, nhà độc tài từ bỏ dã tâm, như một quy luật, không bao giờ mang lại kết quả tích cực, đặc biệt khi tên độc tài này đã có đủ sức mạnh và đang say men hiếu chiến. Vì thế nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là xây dựng một hệ thống an ninh quốc tế ổn định. Nhiệm vụ đó là gì? Là tiếp xúc thường xuyên với thế giới và xây dựng những khuôn khổ quốc tế cho việc giải quyết những vấn đề như thế.

Loài người đã rút ra những bài học đầy thích đáng sau Thế chiến thứ Hai, và chúng ta có một công cụ quốc tế rất quan trọng. Ví dụ, tổ chức Liên hợp Quốc. Chúng ta có các tòa án quốc tế. Chúng ta có nhiều công ước quốc tế nhằm mục đích trừng phạt tội chống nhân loại gây nên bởi tội phạm quốc tế.

Song mặt khác, hệ thống an ninh quốc tế hiện nay không hoàn thiện, điều tôi nhiều lần buộc phải nói đến. Chính vì thế mới xuất hiện đề nghị của chúng ta xây dựng một cấu trúc an ninh châu Âu mới – Hiệp ước an ninh châu Âu. Tính tức thời của nó đã trở nên rõ như ban ngày, mặc dù nó gây phản ứng khác nhau. Ai đó cho rằng đây là trò bịa đặt láu lỉnh của những người Nga láu lỉnh nhằm mục đích làm Mỹ suy yếu, chia rẽ Mỹ và các nước châu Âu, chơi trò chơi nào đó của mình. Còn tôi đã nhiều lần nói rằng hiệp ước này theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác. Chúng ta đơn giản phải tìm được một mặt bằng nơi có thể tựu trung tất cả các vấn đề khác nhau. Chúng ta phải tìm được phương thức giải quyết mâu thuẫn.

Rõ ràng là nếu chúng ta có những cơ cấu an ninh châu Âu hữu dụng, thì, có thể, những sự kiện xảy ra tháng Tám 2008 đã có thể tránh được. Có thể, một tòa án quốc tế nào đó đã diễn ra giữa các tỉnh của Gruzia muốn tự trị và Gruzia còn lại. Có thể, các cơ chế quốc tế đã được đưa vào sử dụng. Tất cả chuyện đó đã không xảy ra. Xảy ra cái khác, cái đau buồn – người chết, xung đột vũ trang, buộc phải giải quyết nó.

Vì thế, nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên lục địa Âu không phải trừu tượng và không mang tính xã giao, nó hoàn toàn thực tế. Tôi nghĩ, những người đi trước chúng ta đã nghĩ về điều tương tự vào những năm 30, song họ không đủ dũng cảm thông qua các quyết định thích hợp. Kết quả ai cũng biết – cuộc chiến tranh khốc liệt, đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Chính vì thế chúng ta phải xây dựng các cơ chế quốc tế hiện đại.

Như chúng ta biết, sau chiến tranh, năm 1975, đã xuất hiện Hiệp ước An ninh và cộng tác Helsinki ở châu Âu. Song thời gian không dậm chân tại chỗ. Nhiều thời gian đã trôi qua từ thời đó. Phải làm gì? Phải xây dựng những khung mới, không bác bỏ cái cũ, vận dụng kinh nghiệm hiện đại.

(Còn tiếp)

.

.

.

No comments: