Monday, May 3, 2010

NỘI CHIẾN CHỨ KHÔNG PHẢI GIẢI PHÓNG

Nội chiến chứ không phải giải phóng

Lê Phan

Friday, April 30, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112252&z=97

Vào dịp 30 tháng 4 cách đây năm năm tôi đã tự nhủ, 30 năm rồi, một thế hệ đã qua, đã đến lúc chấm dứt nhắc lại chuyện cũ. Nhưng cũng như cảnh cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, hôm giữa tuần đọc được những lời tuyên bố của các nhân vật trong chính quyền Hà Nội, tức quá lại phải phản ứng.

Lời tuyên bố làm tôi nóng mặt nhất là từ ông Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch thường trực của Ủy Ban Nhân Dân Sài Gòn. Trong một lần mà tờ Vietnamnet bảo là “gặp gỡ báo chí quốc tế nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam,” sau khi nói đãi bôi “không có người Việt Nam chiến thắng hay người Việt Nam thua. Ðây là chiến thắng chung của cả dân tộc Việt Nam,” ông hăng hái khẳng định, “Dân tộc chúng tôi đã phải đối mặt với một cuộc chiến tranh xâm lược phi lý và tàn bạo nhất. Nhiều người Việt Nam đã ngã xuống. Do vậy, hòa bình và giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước -những thành quả mà chiến thắng vĩ đại ngày 30 tháng 4 năm 1975 mang lại - chính là mong muốn chung, là chiến thắng chung của cả dân tộc chúng tôi. (sic)”

Xin lỗi ông quan cộng sản nhưng xin hỏi ông thế nếu đó là chiến thắng chung của dân tộc tại sao vào được Sài Gòn chưa đầy một tháng ông đã lừa đảo bắt mấy trăm ngàn người mà chính các ông gọi là “ngụy quân, ngụy quyền” nói là đi học tập mang theo 10 đến 20 ngày cơm ăn rồi nhốt họ có người cho đến chết.

Hơn thế, cái mà ông gọi là “một cuộc chiến tranh xâm lược phi lý và tàn bạo nhất” đó do ai khởi xướng. Nếu các ông không nhất định “thống nhất đất nước” bằng mọi giá, qui thiên hạ về một mối dưới quyền các ông, thì có lẽ Việt Nam ngày nay vẫn còn hai miền Nam Bắc và như vậy đã không có cả triệu người bỏ thân trên bãi chiến trường. Trung thực mà nói, Hoa Kỳ nào có muốn tham chiến ở Việt Nam, và miền Nam Việt Nam sẽ không bao giờ tính chuyện tham chiến với miền Bắc, như vậy cuộc chiến chỉ xảy ra vì miền Bắc muốn thôn tính miền Nam.

Ðã đến lúc chúng ta nói thật với nhau là cuộc chiến này xảy ra chỉ vì miền Bắc muốn chiếm miền Nam. Chẳng có giải phóng gì cả, bởi miền Nam nào có muốn ai giải phóng. Chính các ông cũng biết điều đó. Sau năm 1975, một số nhân vật thuộc Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, trong cố gắng tuyệt vọng để duy trì một miền Nam độc lập khỏi miền Bắc, đã mời một số những người Sài Gòn cũ đến họp. Một nhân vật quan trọng đã cho biết là Hà Nội đang chuẩn bị cuộc đàn áp ở miền Nam vì họ được chính các gián điệp của họ nói là “chỉ có 15% dân chúng miền Nam ủng hộ họ.” Nhân vật này nói là Hà Nội biết nếu không đàn áp thì sẽ không cai trị được miền Nam và do đó họ sẽ tổ chức bắt hết những phần tử nào mà họ coi là có khả năng lãnh đạo các cuộc nổi dậy chống lại họ.

Tưởng cũng xin mở ngoặc để nói là cố gắng tuyệt vọng đó đã thất bại. Chính các thành phần lãnh đạo của Mặt Trận, vốn chẳng còn có lực lượng vì đã tiêu tan sau cuộc chiến Tết Mậu Thân, đều bị tước quyền. Một số bị thủ tiêu, tất cả phần còn lại bị đưa ra Bắc. Trong lúc trà dư tửu hậu sau này, họ còn nhớ lúc đó sống ở ngoài Bắc cũng như là bị giam lỏng.

Cuộc chiến do miền Bắc khởi xướng đó đã trở thành một cuộc chiến tương tàn, một cuộc nội chiến đúng nghĩa của nó. Trong gia đình tôi chẳng hạn, tôi có một ông chú trong quân đội miền Bắc, một ông chú trong quân đội miền Nam. Dầu chế độ ngày nay và đảng cộng sản có muốn mặc cho nó cái áo hào nhoáng nào chăng nữa thì đó cũng vẫn là một cuộc nội chiến. Sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ, cũng như sự đóng góp của Trung Cộng và Liên Xô, đã chỉ làm cho cuộc nội chiến Bắc Nam thêm cay đắng vì nó bị lồng vào trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Cho đến ngày nay, trong suốt các lãnh đạo từ ba thế hệ nay của đảng cộng sản, chỉ có mỗi ông Võ Văn Kiệt, về cuối đời, ngồi nghĩ lại, đã dám công nhận “một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn.” Nhưng lời nói đó của ông Kiệt chỉ là của cá nhân ông, và cho đến hôm nay, 35 năm sau, chưa có một ai khác trong hàng ngũ của đảng cộng sản dám chấp nhận sự thật đó.

Báo chí trong nước mấy hôm nay đầy những bài nói đến “đoàn kết xây dưng đất nước, không phân biệt quá khứ.” Các bài báo không ngừng nói đến “khúc ruột ngàn dặm” tức là khối người Việt hải ngoại mà ngày nay, trong hoàn cảnh khó khăn, chính quyền lại muốn chiêu dụ về để lợi dụng. Nhưng không thấy một bài báo nào dám nói thật là cuộc chiến mà các ông quan cộng sản đã đổ xương máu và tinh hoa của hơn hai thế hệ người Việt thực ra chỉ là một cuộc nội chiến.

Và cuộc nội chiến chỉ có thể có được hòa giải hòa hợp khi người ta chấp nhận đó là một cuộc nội chiến, khi kẻ thắng không kiêu căng và người thua không bị hạ nhục.

Trên website Bauxite Việt Nam, ông Hoàng Hưng đã đưa ra bài của Wikipedia viết về thái độ của miền Bắc Hoa Kỳ với miền Nam sau khi miền Nam bại trận. Xin đơn cử một vài đoạn. “Khi (Tướng) Lee ra khỏi và lên ngựa, quân sĩ của (Tướng) Grant reo hò mừng chiến thắng, nhưng (Tướng) Grant lập tức ra lệnh cho họ ngưng ngay. Ông nói “giờ đây người của Liên Bang (Confederacy) là người cùng một nước, chúng ta không muốn hân hoan trước sự sụp đổ của họ.” Ngày 12 tháng 4 năm 1985, lễ hàng của miền Nam được chính thức tổ chức. Tướng Joshua L. Chamberlain được trao cho nhiệm vụ chỉ huy nghi lễ đó. Ông kể lại là ông coi đó “không gì khác hơn là một cuộc duyệt binh.” Sau khi tả lại một cách thán phục “sự anh hùng” của đoàn quân thất trận, Tướng Chamberlain viết về thái độ của quân đội miền Bắc, “Phía chúng tôi, không thêm một tiếng kèn, hay hồi trống; không reo hò, không một tiếng nói hay thì thầm về niềm vinh quang phù phiếm... mà chỉ một sự im lặng kính cẩn, nín thở, như trong một lễ tang!”

Nhưng ngay cả với thái độ hiểu biết và kính nể lẫn nhau như vậy, cho đến ngày nay, ở nhiều tiểu bang miền Nam, lá cờ Confederacy vẫn còn tung bay, và vẫn còn có chút nào lưu luyến. Nhưng không ai cấm treo cờ miền Nam, không ai gọi những người miền Nam là ngụy, và không ai bắt họ đi tù, chiếm đoạt tài sản của họ, và đuổi họ khiến cùng đường phải bỏ nước đi lưu vong.

Hay có lẽ tại các ông tự dối mình và nói dối mãi quen rồi, bây giờ đâm tưởng thật. Sự thật mất lòng nhưng chỉ có sự thật mới có thể giải tỏa được mối hận thù đã khiến người Việt hải ngoại gọi ngày 30 tháng 4 là ngày quốc hận và tháng 4 là Tháng Tư Ðen. Cũng chỉ có sự thật mới có thể đem lại được thực sự hòa hợp và hòa giải dân tộc.

.

.

.

No comments: