Sunday, May 2, 2010

NHẠC LÍNH

Nhạc lính

Trần Hữu Thục

30.04.2010

http://damau.org/archives/12005

Xin nói ngay, dù sử dụng từ “nhạc lính”, tôi không có ý định (và khả năng) để bàn về là nhạc lý mà chỉ bàn về lời ca. Và lính ở đây là lính Việt Nam Cộng Hòa.

Qua 70 năm âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, chúng ta có nhiều loại nhạc khác nhau, tùy cách phân định, tùy thời kỳ, hay tùy xu hướng: nhạc tiền chiến, nhạc kháng chiến, nhạc xanh, nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc tình, nhạc hùng, nhạc lính, nhạc bộ đội, nhạc sến, nhạc sang, nhạc chiến đấu, nhạc cách mạng, vân vân. Nói cho đúng, phải gọi là nhạc và lời. Đó là những “bài hát” = bài để hát. Hoàng Ngọc-Tuấn, trong một bài phỏng vấn của đài phát thanh Úc, gọi chung là “nhạc phổ thông” (popular music)(1).

Nếu những câu ca dao, nhờ vần điệu, dễ nhớ, dễ dàng đi vào tâm hồn con người (hò ru em chẳng hạn) thì ca khúc phổ thông, nhờ các giai điệu đơn giản được lập đi lập lại, dễ dàng thấm sâu vào tâm cảm. Qua đài phát thanh, qua các băng đĩa nhạc, ca khúc được phổ biến rộng và sâu hơn tất cả mọi hình thái nghệ thuật khác. Nhờ âm điệu mà lời (kể cả những lời ngây ngô nhất) cũng trở thành sinh động. Những câu văn, câu thơ bóng bẩy, đầy ẩn dụ, bỗng trở thành trơn tru, dễ hiểu. Khi hò, người ta cần những câu có vần có điệu; nhưng khi hát, có vần thì tốt, không vần cũng chẳng sao. Nhạc đã chuyển văn, thậm chí chuyển những câu nói, thành “vần”.

Ngày nao em đến chơi tặng tôi một chiếc hình/Ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau/ Năm tháng dài ngày sau ghi nhớ mãi/Hình em tóc ngang vai lượt giắt với hoa cài… Đây là một trong những ca khúc mà tôi rất thích vào những năm còn học Đệ Tứ, Đệ Tam (lớp 9, lớp 10), vào lứa tuổi 14, 15 lúc mới bắt đầu tập tễnh biết “cua” (tán) gái. Nếu đọc, bốn câu trên chỉ là một loại văn xuôi khá bình thường. Nhưng khi hát, ta có cảm tưởng chúng có vần điệu. Như thơ. Chữ, câu trở thành dính, kết với nhau như trong những câu ca dao. Có thể nói, giai điệu nhạc trở thành phương tiện chuyên chở tuyệt hảo. Tuyệt hảo đến nỗi, không những làm cho loại lời ca đơn giản mộc mạc như bài “Tấm ảnh ngày xưa” nói trên, mà còn làm cho loại câu cấu trúc khác lạ như “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” hay “Vết lăn trầm/Từ hoang xưa dấu thân anh rã mềm/Như mắt thầm” cũng biến thành trơn tru, dễ nghe mặc dù…khó hiểu/hay có khi không hiểu gì cả.

Lời ca được sự hỗ trợ của nhạc tác động rất mạnh trên các sinh hoạt văn hóa, nhanh và nhạy hơn cả văn lẫn thơ. Chúng sớm trở thành một công cụ phát triển văn hóa, đồng thời cũng là một công cụ tuyên truyền hữu hiệu, gây ảnh hưởng lâu dài. Chính vì thế, mà ca nhạc góp phần mạnh mẽ hình thành nếp sống tinh thần của người dân, nhất là thế hệ mới lớn. Không những thế, có khi chúng còn uốn nắn cả tư tưởng và tình cảm con người. Chúng gần như trở thành món ăn tinh thần cho cả một thế hệ. Chẳng hạn trường hợp Trịnh Công Sơn và Phạm Duy. Nếu cả hai mà là nhà văn hay nhà thơ thì chắc chắn cũng nổi tiếng, nhưng sẽ thua và thua rất xa một Trịnh Công Sơn hay một Phạm Duy viết nhạc. Nhạc của họ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến nỗi họ luôn luôn là đề tài tranh cãi nóng bỏng mỗi khi được đề cập đến.

Thơ thì tôi cũng thuộc, nhưng chỉ nhớ lơ mơ. Nhớ câu trước quên câu sau, hay chỉ nhớ vài đoạn mình thích. Vả lại, thơ thì chỉ đọc thầm. Lời nhạc thì hát lên, hát to. Hát cho người khác nghe. Tôi lớn lên trong âm hưởng của những “Khúc ca ngày mùa”, “Gạo trắng trăng thanh”, “Ngày trở về”, “Trăng thanh bình”, “Tình anh lính chiến”, “Ai lên xứ hoa đào” hay “Duyên kiếp”, “Tấm ảnh ngày xưa”… Lớn hơn chút nữa, là những “Nỗi buồn gác trọ”, “Nửa đêm ngoài phố”, “Đêm đô thị”…Các ca khúc vang vang qua các đài phát thanh, qua những đêm ca nhạc ngoài trời, qua những sáng Chúa Nhật thi hát ở rạp Quốc Thanh được trực tiếp truyền thanh hay qua chương trình “Nhạc yêu cầu” hàng tuần ở các đài phát thanh địa phương.

Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát/Ánh trăng xanh chiếu qua làng xơ xác/Chiếu hồn về bao khúc ca ngày mùa (Khúc ca ngày mùa/Lam Phương)

Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang (Gạo trắng trăng thanh/Hoàng Thi Thơ)

Cho đến giờ này, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mà âm hưởng của những khúc hát như thế vẫn đọng lại trong tâm tưởng. Gần gũi, thân thương, nồng nàn. Thậm chí cả bài ca “Xổ số kiến thiết” mà Trần Văn Trạch hát trong những chiều xổ số hàng tuần (hình như vào ngày thứ tư) cũng không rời bỏ được ký ức vốn đã chật ních hàng khối kỷ niệm buồn vui của đời người. Chúng nhắc đến những ngày tuổi thơ thanh bình và ngập tràn mơ ước. Có thể nói: chúng tạo thành những ẩn dụ mà người ta “sống trong” và “sống với”. Chúng mạnh đến nỗi (ở một mức độ nào, có thể nói) tạo nên một số quan điểm sống. Lắm khi, cả lập trường chính trị. Người ta có thể không xem tranh, không đọc sách nhưng rất dễ dàng nghe hát. Xem tranh, đọc sách là tự mình mình xem, mình đọc. Còn hát, nếu mình không hát, đã có người hát giùm cho mình nghe. Mà không nghe cũng không được. Không thích, không muốn cũng phải nghe. Nghe riết thành quen. Quen lời, quen âm điệu. Chúng thấm vào vô thức lúc nào không hay. Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Chao ôi, dù đã đọc bao nhiêu truyện, đã đọc bao nhiêu tài liệu nghiên cứu “cao cấp” về tình yêu và đã…yêu, câu hát ví von thời xa xưa đó vẫn cứ dai dẳng trở đi trở lại trong tôi. Mỗi khi suy gẫm về tình yêu đôi lứa!

.

***

.

Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa rộng, nghĩa là những gì con người để lại trong quá trình mưu sinh và tồn tại, thì nhạc phổ thông đã để lại một dấu ấn khá đậm qua mấy chục năm dài đất nước lâm vào cảnh qua phân, sống trong máu lửa và hận thù, lòng người ly tán. Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét: “So với thế kỷ 19, thế kỷ 20 đã đem đến cho chúng ta hình thức ca khúc phổ thông như một môi trường thuận lợi để diễn tả và truyền đạt những giá trị tinh thần và văn hóa. Tôi cho rằng kho tàng lời ca của chúng ta trong thế kỷ này, tính trên cả hai miền Nam Bắc, là một thứ nhật ký tập thể ghi lại mọi góc độ tâm tình và ý nghĩ của người Việt Nam đối với nhau và đối với lịch sử. Để hiểu tâm tình và ý nghĩ của người Việt Nam trong thế kỷ này, con cháu ở thế kỷ 21 có thể giở cuốn nhật ký tập thể này ra xem lại để thấy tất cả những ưu khuyết, đẹp xấu của chúng ta trong đó.” (2)

Một nhận xét xác đáng.

.

Nhạc miền Bắc, thường được gọi là nhạc đỏ (3), phủ nhận cái “bi”, thể hiện ý chí, ước muốn chiến thắng cả trong giai điệu lẫn trong ca từ. Các sản phẩm nghệ thuật nói chung và nhạc nói riêng, đều đuợc nhà nước kiểm soát một cách vô cùng chặt chẽ. Họ không chấp nhận bất cứ một sự xé rào nào, dù là nhỏ nhặt nhất. Mọi bi quan đều bị đè bẹp. Mọi tiêu cực đều bị lên án, bị triệt tiêu. Người bộ đội chỉ biết tiến lên, chỉ biết “nhắm thẳng quân thù mà bắn”. Bởi thế, nhạc đỏ không nhằm mục đích phản ảnh hiện thực, không thể hiện tâm lý của người dân trong thời chiến, lại càng không thể hiện một chút nào tâm tình riêng tư của người lính. Một số đặc điểm có thể nêu ra để giúp ta phân biệt nhạc đỏ với những dòng nhạc khác:

- Thể hiện tính đấu tranh giai cấp, sự phân biệt địch-ta và tinh thần "ta nhất định thắng, địch nhất định thua" rất rõ ràng.

- Lời ca và giai điệu luôn luôn lạc quan, tuyệt đối không biểu lộ tư tưởng chủ bại hoặc yếm thế. Không đề cập đến nỗi thương đau, sự buồn chán hay chết chóc.

Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân. Đặt cho tên gọi là chiếc gậy trường sơn. Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi, luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui. Gậy trong tay mồ hôi đã bóng, màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân. Như nhắn nhủ những ai lên đường mà lời hứa với bao người thân.(Chiếc gậy Trường Sơn, Phạm Tuyên)

Cũng cần nhấn mạnh, khác với “nhạc lính”, đối tượng của nhạc đỏ không chỉ là người lính chính quy, nghĩa là bộ đội, mà bao gồm luôn những thành phần khác như du kích địa phương hay thanh niên xung phong, tóm lại là những người chiến đấu.

Quả pháo ơi, trên đường xa có mỏi, suốt đêm ngày có đói hay chăng, đường dài sức nặng càng tăng. Cùng nhau mang nặng tình chiến đấu, khó khăn chẳng rời. Chị em ơi, mỗi trái đạn đây mang tấm lòng to.(…)Quả pháo ơi sao mà yêu như đứa trẻ, suốt đêm ngày ta bế trên vai. Đường về đô thị còn xa, cùng nhau mang nặng tình cứu nước, có ta có mình. Chị em ơi mỗi trái đạn đây mang tấm lòng ta. Cùng các anh góp lửa diệt thù. Dù bom rơi, dù bao bốt đồn, mong các anh yên lòng, từng quả pháo trên tay anh. Chị em ơi niềm tin thắng lợi thôi thúc ta lên đường. Kìa hỏa tuyến đang chờ ta.(Cô gái Sài Gòn đi tải đạn/Lư Nhất Vũ)

Nhạc đỏ gồm các chủ đề chính: thúc đẩy tinh thần chiến đấu của mọi người trong cuộc chiến đấu chống Mỹ và VNCH, ca ngợi đảng Cộng Sản Việt Nam, ca ngợi Hồ Chí Minh và các chính sách và chủ trương của nhà nước Cộng Sản. Tóm lại, đó là loại nhạc tuyên truyền. Chúng chỉ thuần túy là nghệ thuật tác động tâm lý. Có thể nói, chúng là một hình thức nghị quyết được diễn đạt bằng âm thanh. Đó là một nỗ lực thay đổi diện mạo của hiện thực. Hay nói khác đi, loại bỏ hiện thực. Nó không quan tâm đến cái cụ thể, càng không quan tâm đến cả cái hư cấu, mà quan tâm đến việc làm tê liệt khả năng nhận thức hiện thực. Người lính trong nhạc không như là một thân phận, một con người mà là một thiết bị được vận dụng bởi một bộ máy lớn lao và tinh vi. Do đó, nhạc đỏ khi nào nghe cũng rộn ràng, phấn khởi. Lời ca như chất men, kích thích niềm lạc quan, sự tiến tới. Và tạo tâm lý căm thù.

Như bao cô gái ở trên non, cô gái sông Ba đầu búi tóc thon./Tay vót chông miệng hát không nghỉ.
(…) Chim hót không hay bằng tiếng hát em./Mỗi mũi chông nhọn hoắc căm thù./Xiên thây quân cướp nào vô đây.

(Cô gái vót chông/Hoàng Hiệp)

Để bảo đảm cho hiệu quả lâu dài của lời ca tiếng hát và các sản phẩm nghệ thuật khác, nhà nước Cộng Sản có cả một chính sách rất chặt chẽ nhằm loại bỏ tất cả các yếu tố đưa đến sự nản lòng: giấu cái chết của lính, giữ toàn bộ thư từ trao đổi giữa người lính và gia đình, tạo tâm lý cảm tử, tuẫn giáo. Lời ca nói chung là những khẩu hiệu cộng thêm với một số diễn đạt tình cảm chung chung vô thưởng vô phạt, bảo đảm không bị “phạm húy”. Chúng quan tâm đến lập trường hơn là sự kiện, quan tâm đến sự thúc đẩy, động viên hơn là bày tỏ tâm tình.

Nhạc sĩ rốt cuộc chỉ là cái máy viết nhạc. Đọc qua những nhận xét rời của Nguyễn Thụy Kha hay “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải, ta sẽ thấy rõ hơn tính cách máy móc của người nhạc sĩ dưới chế độ Cộng Sản. Trong bài viết “Một thời nhạy cảm với ca từ”, Nguyễn Thụy Kha cho thấy cách kiểm soát những người sáng tác ca khúc chặt chẽ, chi li của bộ máy nhà nước chuyên chế.

“Mừng HN giải phóng và góp phần kêu gọi đồng bào miền Bắc không di cư vào Nam, Đoàn Chuẩn đã viết một tình khúc về mùa xuân HN rất đặc sắc là “Gửi người em gái miền Nam”. Bài hát đã được tài tử Ngọc Bảo thu thanh tại Đài Tiếng nói VN. Khi phát trên làn sóng điện, lập tức Gửi người em gái… nhận được những ý kiến phê bình rằng lời lẽ vừa ủy mị vừa vô chính trị(!), vì muốn có thống nhất thì phải đấu tranh, không làm gì có chuyện “rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ” viễn vông như thế. Sự phê phán này đã khiến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không còn đủ cảm xúc để tiếp tục con đường sáng tác âm nhạc nữa. Ông đã dừng hẳn sáng tác.

Cũng thời kỳ này, sau Hoàng Việt, Phạm Tuyên viết hợp xướng “Miền Nam anh dũng và bất khuất” cho Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói VN trình diễn trên làn sóng hồi mùa thu 1960. Một hợp xướng hừng hực tinh thần cách mạng như vậy mà có cán bộ lãnh đạo khi nghe ca từ “Máu thắm máu kêu trả máu/ Đầu oan kêu trả đầu” cũng đặt ra câu hỏi: “Cái ấy định đòi ai để trả nợ máu đây?” May cho Phạm Tuyên, ca từ nói trên là lấy từ diễn ca 30 năm đời ta có Đảng của Tố Hữu.

Cũng vì những nhận định “lửng lơ” về ca từ như thế mà “Tình em” của Huy Du sau công diễn cũng “bỏ xó” hơn chục năm. Cũng vì những ám chỉ ác nghiệt như vậy mà những sáng tác của Vũ Ngọc Quang như “Nón bài thơ”, “Gửi người em gái An-giê”, hay của Thái Quý như “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc” đều bị liệt vào loại có vấn đề.

Vũ Ngọc Quang vì uất quá mà bỏ hẳn đam mê âm nhạc, chuyển sang dịch tiếng Pháp. Thái Quý thì từ đó ít cảm hứng đi, không thể thăng hoa như “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc” được nữa.

Cũng vì những cái án không thành văn như thế mà “Bài ca tâm tình người thủy thủ” của Hoàng Vân – thơ Hà Nhật, đã bị cấm như cấm nhạc vàng. Hoàng Vân đã lao đao, Hà Nhật sống ở Quảng Bình còn lao đao hơn nữa suốt một thời chống Mỹ.” (4)

Nhưng có lẽ không có tác giả nào vẽ lên một cách cặn kẽ và sống động thực trạng âm nhạc miền Bắc trong bộ máy kềm kẹp của nhà nước bằng Tô Hải. Khác với cách viết nhẹ nhàng của Nguyễn Thụy Kha, Tô Hải nói thẳng, nói ngay, nói không giấu giếm, không úy kỵ, không cần rào trước đón sau về “bản lai diện mục” của nền âm nhạc đó. “Hồi ký của một thằng hèn” chất ngất sự kiện, chất ngất đắng cay, chất ngất phẫn nộ của một người trong cuộc. Sau đây là một vài trích đoạn:
Nổi đình đám và ồn ào nhất, nhưng cũng sớm mất dạng nhất là hàng loạt bài hát với đề tài đào mương, chống hạn, làm thủy lợi. Những Cờ Ba Nhất, Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong ra đời một cách…rình rang, với mục đích “trình làng” – đúng ra là trình Đảng! Sự “tiến bộ” trong tư tưởng của nhạc sĩ, sau khi thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, đều được “ép” ra đời…ông ổng!

Riêng tôi, về nông nghiệp, tôi đã “rặn” ra một …đống, nào Nước Đã về Đồng, Bài Ca Của Đội Thủy Lợi được giải của…bộ Thủy Lợi! Về công nghiệp, chỉ riêng đề tài hòn than thôi, tôi đã viết tới…6 bài! Nào Mỏ Đẹp Mỏ Giàu, Bài Ca Từ Trong Lòng Đất, Hành Khúc Công Nhân Mỏ…nào Mai Đây Con Lại Lên Tầng, Lên Đèo Ngang…Về điện, về xi măng, về tất cả…những gì đi thực tế cũng có ngay tác phẩm, tôi cũng được đề cao, khen thưởng, ít nhất cũng do cấp bộ!

Tóm lại tao, mày, nó, chúng tôi, các anh, chúng nó…đều làm dối, nói dối, khen nhau dối…” (5)

Sống hay chết trong âm nhạc hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là do ba cái khẩu hiệu “Giết, giết, giết! Chiến thắng!” hoặc “Muôn năm Bác Hồ, muôn năm Đảng Cộng Sản Việt Nam”, hoặc “Người về đem tới ngày vui…Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng”, còn âm nhạc thì đúng là…”bố ai biết được” tôi nói gì ở cái nước Việt Nam ù ù cạc cạc về âm nhạc này! Thời chống Mỹ, giới âm nhạc miền Bắc cứ như trứng mùa… đẻ non. Đủ kiểu bài hát nôm na chưởi cha mách qué, viết ra chỉ sau khi động viên 15 phút là…hoàn thành!”(6)

“…không phải ít người từng se lòng mủi dạ trước thực tế đau thương bầy ra trước mắt. Tôi đã thấy…cả một xã không còn bóng đàn ông, trắng xóa khăn tang của các chị, các mẹ…Cả một đơn vị, một chuyến phà, một đoàn xe, một gương mặt, thậm chí một bà mẹ già còng lưng chở lính qua sông, mẹ Suốt, một tiểu đội con gái đêm đêm san đường, lấp hố bom, mới gặp mặt hôm trướng thì hôm sau đã thành tro bụi.”(7)

Đặc biệt về các anh hùng ở miền Nam thì có…trời mới biết các ông ấy đã anh hùng thế nào! Điều này giải thích vì sao, các bài hát ngợi ca các vị ấy cứ ra ông ổng (…) nhưng cuối cùng, tất cả đều “xì hơi”…Cái kiểu viết “người thật” để xây dựng điển hình rồi cuối cùng nhân vật điển hình đó không như thế, thậm chí không hề có, hoặc có nhưng không quá đỗi anh hùng như thế, đã được chứng minh bằng chính những nhân chứng lịch sử (…) đó là những nhân vật chẳng …thật tí nào” (8)

.

***

.

Trong lúc đó, là một xã hội mở hơn nhiều so với xã hội đóng kín của miền Bắc Cộng Sản, người miền Nam có cơ hội để bày tỏ chính mình. Qua văn, thơ, hội họa, nhiếp ảnh và qua nhạc. Trong suốt những tháng năm dài chinh chiến, người lính là hình ảnh nổi bật trong cuộc sống của xã hội miền Nam. Hình ảnh đó gắn chặt với cuộc chiến, diễn ra từng ngày từng giờ trên khắp đất nước. Gia đình nào, không ít thì nhiều, cũng đều có thân nhân nằm trong quân đội. Vả lại, ngay cả nếu không có thân nhân (điều này khá hiếm), thì cũng có bạn bè, người hàng xóm hay người yêu là lính. Những thắng, bại trên chiến trường của người lính đều nhất nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Và bi kịch của chiến tranh gắn liền với bi kịch cá nhân của từng người lính. Do đó, có nhiều, khá nhiều những bài hát đề cập đến người lính hoặc dành riêng hẳn cho đề tài người lính, gọi là “nhạc lính”.

.

Nhạc lính, trước hết, nói về người lính, đã hẳn. Mà cũng là nói về chiến tranh. Về một xã hội vùng vẫy để tồn tại, để thích nghi với hoàn cảnh bom đạn. Và mơ ước. Nếu gạt qua một bên vấn đề kỹ thuật, trình độ, chuyên môn, gạt qua một bên chuyện phản chiến hay trợ chiến, bình dân hay cao cấp, nghĩa là “sến” hay “sang”, lời ca trong nhạc lính (cùng với các sản phẩm văn chương khác) phản ảnh một cách khá trung thực xã hội và tâm tình người miền Nam, đặc biệt là những ngưòi ở thành phố. Những gian khổ, nhọc nhằn, vất vả, tiếc nuối, buồn chán, thất vọng, cay đắng , tủi nhục cùng với ước mơ – những gì vô cùng đời thường, vô cùng dân dã -, tất cả đều được bày tỏ qua lời ca mà không cần phải sử dụng một ẩn dụ xa xôi nào. Nói chung, nhạc lính đầy tính cách nỗi niềm và mang tính nhân bản rõ nét. Tất nhiên, nhạc lính miền Nam không thiếu những bản nhạc ca ngợi đời sống quân ngũ, ca ngợi tinh thần hy sinh của người lính với nhịp điệu hùng tráng, thúc giục. Lời ca động viên tinh thần chiến đấu, tạo niềm lạc quan, sự tin tưởng cho người lính xông pha ngoài chiến trường hay vinh danh những gương anh hùng, hy sinh trong cuộc chiến đấu. Nhưng số lượng những bài hát như thế không nhiều so với loại nhạc tâm tình.

.

Có khá nhiều tác giả viết về người lính: Y Vân, Trần Thiện Thanh,Nhật Ngân, Nguyễn Văn Đông, Lê Dinh, Anh Bằng, Minh Kỳ, Hoài Linh, Huỳnh Anh, Phạm Thế Mỹ, Đinh Miên Vũ, Phạm Đình Chương, Tuấn Khanh, Lam Phương, Trúc Phương, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Nguyên Đàm, Nguyên Diệu, Phan Trần… Trong số đó, Trần Thiện Thanh là nhạc sĩ viết nhiều nhất. Không những nhiều nhất, Trần Thiện Thanh còn là người viết sống động nhất, mô tả rất đa dạng nhiều khía cạnh của người lính và đời lính. Có thể nói sự nghiệp của ông gần như gắn liền với nhạc lính, từ đầu cho đến cuối. Ông ca ngợi đời lính, ca ngợi người lính và cũng không giấu giếm tâm trạng bi lụy của người lính về tình yêu, về mơ ước bị đổ vỡ, về tương lai vô vọng…

.

Ta ghi nhận một vài đặc điểm của nhạc lính:

- Lời ca nhạc lính, phần lớn hay hầu hết, chủ yếu mô tả đời lính, nghiệp lính, những gian khổ của đời lính, mô tả sự chia cách, nhớ nhung, mơ ước ngày đoàn tụ, mơ ước hòa bình.

- Nhạc lính có tính cách động viên hơn là tuyên truyền; có tính tâm sự hơn là thúc đẩy, có tính cách chia xẻ hơn là lên án; có tính cách than thở nhưng không chủ bại.

- Đặc biệt, khác với nhạc đỏ, nhạc lính không nhằm gây căm thù. Không những thế, trong một số trường hợp, còn kêu gọi xóa bỏ căm thù, kêu gọi tình thương, kêu gọi hòa bình. Ngược lại với mục đích và nhiệm vụ hàng đầu của người lính là bắn giết kẻ thù, thì nhạc lính nói chung lại “hiền”, thậm chí rất hiền. Lời ca phần lớn và chủ yếu nói về nhiệm vụ, về lòng hăng say, sự hy sinh, ca ngợi sự chịu đựng gian khổ và lòng quả cảm của người lính. Đề cập đến kẻ thù, ta tìm thấy những câu như “Diệt thù bên rừng sâu”, “Súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó” (Phạm Thế Mỹ), “tiêu diệt thù”, “giặc tràn qua”, “súng căm hờn vẫn đổi trao” (Lam Phương), “Thép súng đang còn xây máu thù” (Nhật Ngân); “tiếng súng trong quân tàn tham đang rền vang ngoài bờ cõi” (Hoài Linh). Tóm lại, lời ca chỉ nói về kẻ thù một cách rất chung chung. Ngay cả một trong những bài hùng ca ca ngợi chiến công chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị, ta chỉ thấy có mấy chữ “sạch bóng thù”. Còn toàn bộ nội dung nói lên niềm vui chiến thắng và xây dựng lại quê hương:

Cờ bay, cờ bay tung trời trên thành phố thân yêu/Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu (…)Niềm vui rồi này mẹ này cha, trong đêm đen tìm thấy ánh mặt trời.(Cờ bay/Lê Kim Hoa)

Và ngay cả khi đề cập đến cái chết anh hùng của những người sĩ quan chỉ huy trên chiến trường, ta cũng không hề thấy khêu gợi chút căm thù nào. Chỉ nói về cái chết, về sự hy sinh và nỗi tiếc thương:

Ôi! Vết đau nào đưa anh đến
Ngàn đời của nhớ thương
Hỡi bức chân dung trên công viên buồn
(Người ở lại Charlie/ Trần Thiện Thanh)

- Nhạc lính đồng thời cũng là nhạc tình. Cũng là nhạc quê hương. Nói về lính cũng chỉ để nói về tình. Mặt khác, trong một số bản tình ca thuần túy, hình ảnh người lính cũng hiện diện. Có lẽ vì đời lính, tự bản chất, chứa đựng sự xa cách, nhớ mong, niềm tuyệt vọng và bi kịch tình yêu.

.

Thành thật mà nói, không phải ai cũng nghe được nhạc lính. Để thưởng thức nhạc lính, trước hết phải là …lính. Và là người yêu của…lính. Không là lính hay không mang tâm cảm của một người đêm ngày đợi chờ tin từ chiến trường, thì không thể nào thâm cảm được cái tâm trạng “Tôi ở miền xa, trời quen đất lạ/Nhiều đông lắm hạ/nối tiếp đi qua/thiếu bóng đàn bà”. Hay “Chào xuân đến súng xa vang rền/Xác hoa tàn rơi trên báng súng”. Chỉ khi đã đi hành quân rồi, chỉ khi đã từng ở giữa cái sống và cái chết rồi, ta mới có thể thấm thía được cái giai điệu và lời ca của nhạc lính. Nhạc lính không thể là nhạc thính phòng. Không phải là nhạc để ngôi nhâm nhi từng cốc cà phê hay cốc rượu Tây. Cao xa quá, trừu tượng quá, và điêu luyện quá không thích hợp với thực cảnh và tâm tình người lính. Giữa bom rơi đạn nổ, giữa sự xa cách, nhớ mong, giữa cái mịt mù của một kiếp người, người lính cần cái gì cụ thể, gần gũi, trực tiếp, đơn giản và thậm chí…sến!

.

***

.

Sau hiệp định Genève, tuy bị chia đôi, nhưng đất nước được trải qua một thời gian yên bình. Ở miền Nam, việc đi lính – dù là hiện dịch, trừ bị hay quân dịch – là nhiệm vụ bình thường của những trai tráng vừa đến tuổi trưởng thành. Hình ảnh của người lính được xây dựng từ những năm đầu của thời Đệ I Cộng Hòa vẫn là hình ảnh chung cho dòng nhạc lính cho đến trước tháng 4/1975. Đó là hình ảnh của một người ra đi để “bảo vệ xóm làng, quê hương”. Họ được gọi là “chinh nhân” hay “lính chiến”. Bước chân họ đi thi hành nhiệm vụ là “gót chinh nhân” hay “bước chinh nhân”. Cuộc sống rày đây mai đó là “đời lính chiến”. Một trong hình ảnh sắc nét và hoàn chỉnh nhất về chân dung người lính trong thời gian đầu có lẽ là hình ảnh được xây dựng trong “Anh đi chiến dịch”:

Anh đi chiến dịch xa vời/Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than/Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy/Thấy nỗi xót xa của kiếp đọa đày/Anh đi…(Phạm Đình Chương)

Một số khái niệm lý tưởng về người lính hầu như được gói trọn trong bản nhạc lính ra đời khá sớm này. “Lòng súng nhân đạo”, một cụm từ mới mẻ diễn tả về vai trò của một quân nhân: súng là vũ khí bắn, giết nhưng chỉ bắn, giết nhằm bảo vệ dân lành. Ngoài ra là những hình ảnh khác gắn liền với đời quân ngũ: đời trai, sa trường, gió sương, nhịp quân hành, tiễn đưa, đợi chờ, ngày về quang vinh. Những cụm từ đó hầu như gói trọn hết tính cách “lính tráng” của một thanh niên thời chiến: nhập ngũ, chấp nhận một cuộc sống gian nan, xa cách gia đình, xa cách người yêu, trực tiếp chiến đấu và mơ ngày chiến thắng, chấm dứt chiến tranh để trở về đoàn tụ.

Cũng trong thời điểm này, một bài hát khác được phổ biến rộng khắp, đề cập đến những người thanh niên thi hành quân dịch:

Nói rằng nước non đang mong/Đi quân dịch là thương nòi giống/(…)Lạy trời tròn năm tròn tháng/Nợ làng ơn nước đã đền xong/Xóm làng hát câu thanh bình/Về nơi cũ tìm vui duyên lành (Bức tâm thư/Lam Phương)

Bài hát có tính cách động viên. Lời ca không phong phú và nhiều hình ảnh bằng “Anh đi chiến dịch”, nhưng nội dung thì cũng từa tựa. Chia xa, làm trọn nhiệm vụ và đoàn tụ. Chân dung lý tưởng của người lính như thế được hầu hết các nhạc sĩ chia xẻ khi viết về người lính.

- Đời tôi quân nhân, chút tình riêng gửi núi sông(…) Những người trai đi giúp núi sông. (Nguyễn Văn Đông)

- Tôi bước đi theo tiếng gọi của người trai hay/ Vai súng lên đường cùng hiên ngang viết sử xanh (Anh Bằng)

- Anh về đây xây dựng miền quê hương/Còn tôi năm tháng giữ biên cương (Ba người bạn/Minh Kỳ)

.

Người lính không những đẹp, oai hùng mà còn tràn đầy lãng mạn:

Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến/Đời lính chiến xui gặp nhau đây/Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay/Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường/Rồi ngày mai ra đi/Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy/Có bao giờ anh nhớ chăng/Đêm nào nằm gần nhau/Hồn xây mộng ước mai sau (Tình anh lính chiến/Lam Phương)

Ta để ý thấy nhiều bản nhạc sử dụng từ “biên cương”, “biên thùy”, “biên khu” để mô tả nơi người lính được điều đi phục vụ. Có lẽ hồi đó, trong những năm sau khi hiệp định hòa bình Genève, công việc chính của người lính là bảo vệ các vùng biên giới, nơi có núi non hiểm trở, cách xa các vùng dân cư. Chẳng thế mà Tuấn Khanh mô tả:

Chiều nao anh đứng gác ngoài biên khu/Gió xa về dâng sương khói mịt mù/(…) Đây núi đồi âm u/Suối rừng vi vu/
Khói lam u huyền lửng lờ buông trên thôn vắng (Chiều biên khu)

Buồn và đẹp!

Anh Bằng mô tả cảnh biên cương không khác mấy với Tuấn Khanh:

Mẹ ơi . . . biên cương giờ đây
Trời không . . . mưa nhưng nhiều mây
Nửa đêm nghe chim muông hú trong rừng hoang
Nghe . . . gió rung cây đổ lá vàng
Sương xuống mênh mang
(Nửa đêm biên giới)

Ngoài ra, còn có “sa trường”, một từ cổ xưa chỉ nơi có chiến trường: Dấn bước chân trên sa trường. Về sau, xuất hiện từ “tiền tuyến”. “Tiến tuyến” nghe mới, cụ thể hơn, rộng hơn vì chiến trường không chỉ là vùng biên cương mà là ở khắp nơi, núi rừng, đồng ruộng, làng mạc và cả thành phố. Đối lại với “tiến tuyến” là “hậu phương”, chỉ chung những khu vực an ninh, xa các chiến trường đẫm máu. Như tựa đề một bài hát của Minh Kỳ “Anh tiền tuyến, em hậu phương.”

.

Anh hưởng văn thơ cổ, các nhạc sĩ dựng nên hình ảnh “chí làm trai”. Người lính mang phong thái của kẻ giang hồ lãng tử, những người không ngại xông pha ngoài sương gió. Đi lính, nói như Lam Phương, “Chốn biên thùy anh sá chi gian nguy”. Nguyễn Văn Đông đi xa hơn, “tang bồng hồ thỉ” hơn:

Anh như ngàn gió, ham ngược xuôi, tóc tơi bời lộng gió bốn phương

Một ví von thật đẹp, thật hào khí!

Cũng thế, Tuấn Khanh ví người lính với “cánh chim bằng”:

Đời anh như cánh chim bằng theo gió

Người lính của Lam Phương còn đáng yêu hơn: nghệ sĩ. Bên cạnh cây súng là cây đàn.

Để rồi một năm nơi biên cương dấn bước thân trên sa trường/Ngày thì tìm vui bên chiếc súng khi đêm anh vui với đàn. (Chiều hành quân/Lam Phương).

Nhưng có lẽ không có bản nhạc nào vẽ ra hình ảnh của một người lính đẹp, trong sáng, lạc quan như trong “Thư người chiến binh”:

Giờ chia tay tôi ra chốn biên cương/Anh đi sa trường/Tình ngàn phương đời vui với phong sương/Lãng quên ngày tháng (…) Nhớ lúc chiến tuyến/Những đêm nhìn trăng lên trên đồi hoa sim/Kê chung ba lô nằm canh giữa rừng già/Chuyện trò vu vơ (…) Hẹn mùa xuân về vui giữa thôn trang/Cắm hoa đầu súng…

(Nguyên Đàm & Nguyên Diệu)

Tôi cho đây là một trong những bản nhạc lính điển hình của thời chiến tranh chưa mở rộng. Dù lời ca đầy tính cách “lính tráng”: biên cương, sa trường, tình ngàn phương, phong sương, chiến tuyến, ba lô, cắm hoa đầu súng… nhưng lại chẳng khác gì diễn tả một buổi đi cắm trại trong rừng! Không có bom rơi đạn réo, không nghe lính chết trận, không có góa phụ. Những người lính “ra chốn biên cương” chỉ là những người đi công tác xa nhà. Sa trường, chiến tuyến không phải là nơi hiểm địa, mà là một khung cảnh thanh bình. Đi lính là để “lãng quên ngày tháng” và đợi chờ ngày trở về. “Cắm hoa đầu súng”, một hình ảnh rất đẹp, biểu tượng cho vinh quang, chiến thắng. Chính vì thế, niềm vui của một ngày đoàn tụ dường như không phải là một nỗi niềm canh cánh bên lòng hay một ước mơ bất trắc mà chỉ là chuyện thời gian. Ngày đoàn tụ luôn nằm trong tầm tay:

Chiều nay khi nghe xóm làng xôn xao/Đón anh mừng vui ôi phút nghẹn ngào/Ngồi bên lửa bếp gia đình êm ấm/Lặng nghe anh kể cuộc đời buồn vui (Chiều biên khu/Tuấn Khanh)

Đi để về. Xa cách để đoàn tụ. Lính, trong khung cảnh trên, là một cuộc phiêu du đầy hứng thú.

Một trong những bản nhạc khác tô vẽ nên hình tượng phiêu du hứng thú đó là “Trăng tàn trên hè phố”. Tôi nói “tô vẽ” vì bản nhạc được diễn tả như một bức tranh: hai người bạn – một người là lính vừa từ chiến trường về phép và một người bạn ở thành phố – gặp lại nhau, cùng nhau đi dạo trên hè phố trong một đêm trăng sáng vô cùng đẹp. Họ trò chuyện (chắc là rất rôm rả) suốt đêm về cuộc sống, về chiến đấu cho đến khi trăng tàn, mới chia tay. Để rồi sau đó, người lính trở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu chống quân thù, không băn khoăn, lo lắng. Người đi và kẻ ở không quá khác biệt. Giữa thành phố và chiến tuyến, không là một biên giới sinh tử. Vì thế, cuộc chia tay không là “tráng sĩ một đi không trở lại” như của Kinh Kha ngày nào trên sông Dịch.

Tôi gặp lại anh người trai nơi chiến tuyến, súng trên vai bước lê qua hè phố /Tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ (…) Anh sống đời trai giữa núi đồi (…) Bờ tre quê hương/Cây súng anh gìn giữ (..) Súng thù từ rừng sâu vẫn còn đó/Đừng lưu luyến gì đây /Thôi bọn mình chia tay/Thôi bọn mình chia tay (Trăng tàn trên hè phố/Phạm Thế Mỹ)

Lời ca có mấy điểm đáng lưu ý: thứ nhất, cuộc sống thành phố rất thanh bình; thứ hai, chiến tranh đã có mặt, nhưng chỉ diễn ra trong “rừng sâu” (người Cộng Sản chỉ mới đánh du kích từ rừng núi); và thứ ba, thái độ lạc quan của người lính: “tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ”. Dù đề cập đến người lính chiến, dù có nhắc đến sự chiến đấu – súng thù – nhưng bài hát là một bức tranh thanh bình.

Cảnh một người lính từ chiến trường trở về đầy “phong thái” như thế, cho nên cảnh lên đường tòng chinh của một thanh niên không có gì sầu não, bịn rịn. Trong buổi tiệc tiễn hành, tâm trạng người ra đi khá hưng phấn:

Bạn ơi, quan hà xin cạn chén ly bôi/Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi(…) /Bạn ơi ! khi nào ai hỏi đến tên tôi/Đời tôi lính chiến cánh chim tung trời/Ngày nào khi đất nước hết binh đao /giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu/trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau. (Biệt kinh kỳ/Minh Kỳ-Hoài Linh)

Đời lính là một cái gì vươn lên, bay bổng: cánh chim tung trời. Tương lai là một viễn ảnh rạng rỡ: cuộc chiến nhất định sẽ chấm dứt, người đi nhất định sẽ trở về trong chiến thắng. Điều này khiến ta nhớ đến hình ảnh những kẻ lãng du trong nhạc tiền chiến. “Dừng bước phiêu du về thăm nhà” (Cô láng giềng/ Hoàng Quý). Đi lính là một cuộc lãng du. Tất nhiên là anh hùng hơn, lẫm liệt hơn! Nói như Trần thiện Thanh, “Anh đi anh lại về …Anh đi anh lại về” (Không bao giờ ngăn cách/Trần Thiện Thanh).

Nếu “Trăng tàn trên hè phố’ hay “Chiều hành quân” hay “Biệt kinh kỳ” vân vân… cho ta hình ảnh lãng mạn (và đầy hứa hẹn) của đời quân ngũ, thì cũng xuất hiện trong thời kỳ này, lúc chiến tranh còn đang giới hạn, “Phiên gác đêm xuân” của Nguyễn Văn Đông. Bản nhạc vẽ nên một hình ảnh khác, nếu không muốn nói là hoàn toàn khác, về đời lính:

Đón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi.

Không có cảnh “hồn xây mộng ước mai sau”, “cánh chim tung trời”, “vui với phong sương”, “lãng quên ngày tháng”…, lại càng không “tuổi ba mươi mà ngỡ như trẻ thơ”. Mà là “súng xa vang rền”, “xác hoa tàn rơi trên báng súng”. Tâm sự và nỗi lòng của người lính nghe như một tiếng thở dài:

Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu/Vì mơ ước trắng như mây chiều/Tủi duyên người năm năm tháng tháng/Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi/Chốn biên thùy này xuân tới chi?/Tình lính chiến khác chi bao người/Nếu xuân về tang thương khắp lối/Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi!

Bản nhạc này, theo Du Tử Lê trong một bài viết (đăng hai kỳ trên nhật báo Người Việt) về Nguyễn Văn Đông[ix] (9), được sáng tác đêm giao thừa 1956, khi tác giả đang đóng quân ở Khu 9, Ðồng Tháp Mười. Có thể nói, sự xuất hiện của “Phiên gác đêm xuân” là dấu mốc đầu tiên đánh dấu tính hiện thực trong các ca khúc về lính, mở đầu cho những bản nhạc lính đặc thù sau này của nền nhạc miền Nam. Nó e ấp tiên báo sự lan rộng của cuộc chiến, trong đó người lính mang tính cách của một thân phận. Anh không còn là kẻ lãng du. Không còn là niềm hưng phấn. Mà là kẻ gánh vác khổ nạn. Người lính đối diện với súng đạn, tuy còn “xa” nhưng đã “vang rền”. Trong khung cảnh đó, mọi mơ ước trở nên “trắng như mây chiều”, vì bóng “đêm cứ đi”.

Sau “Phiên gác đêm xuân”, Nguyễn Văn Đông cho ra đời thêm hai bản khác, mở rộng ý nghĩa và đi sâu hơn vào thân phận người lính: “Chiều mưa biên giới” được sáng tác khi ông đóng quân gần biên giới Việt-Miên và “Mấy dặm sơn khê,” khi đồn trú ở vùng cao nguyên Trung phần. Khác với hình ảnh người lính chỉ như là một nét phác thảo có tính biểu tượng và một vài mơ ước chung chung, Nguyễn Văn Đông đã đưa ra một cái nhìn trực diện vào đời lính tráng: sự bất trắc. Mở đầu bản nhạc “Chiều mưa biên giới” là một câu hỏi khá “nỗi niềm”:

Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?/Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu/Kìa rừng chiều âm u rét mướt

Tự hỏi và tự trả lời:

Đêm đêm chiếc bóng bên trời (…) Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng (…)/Người đi khu chiến thương người hậu phương/Thương màu áo gởi ra sa trường/Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/Thì đường trần mưa bay gió cuốn.

“Chiều mưa biên giới” mới chỉ đề cập đến sự cô đơn, xa vắng. “Mấy dặm sơn khê” đi xa hơn: cái chết.

Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng/Ngoài mưa khuya lê thê/Qua ngàn chốn sơn khê.
Mấy ai ra đi hẹn …về dệt nốt tơ duyên /Chít lên vành tang trắng,/Cầm tay nhau đi anh /Tơ trời quá mong manh.
(10)

Về giai điệu thì nhạc Nguyễn Văn Đông chưa có sắc thái gì mới so với những bản nhạc cùng thời. Nhưng lời ca thì trau chuốt hơn, nhiều ẩn dụ và đầy “tâm trạng”. Với những cụm từ rất gợi hình như “đứng ngóng”, “chiếc bóng”, “vành tang trắng”, “mưa khuya lê thê”, “mong manh”…, Nguyễn Văn Đông vẽ nên một khung cảnh buồn về người lính phục vụ ở các tiền đồn. Lời ca vừa khinh bạc vừa chán nản. Ông dựng nên hình tượng một người lính miền Nam khá nghịch lý: một kẻ phiêu lãng, gắn bó với đời quân ngũ đồng thời lại là một kẻ cô đơn, khắc khoải về tương lai. Giấc mộng “khanh tướng” được đổi chác bằng một cuộc chơi sinh tử đầy “mưa bay gió cuốn”. Đọc kỹ hơn lời ca, ta tìm thấy tâm trạng rối rắm của tác giả: vừa nhận rõ và chấp nhận trách nhiệm và vai trò của mình trong quân ngũ lại vừa than thở về chính trách nhiệm và vai trò đó. Vừa “bèo trôi theo xóm đưa”, lại “nghìn sau nối nghìn xưa”; vừa “Nước non còn đó một tấc lòng, không mờ xóa cùng năm tháng” lại “Chít lên vầng tang trắng, cầm tay nhau đi anh”; vừa “Anh hỡi anh, đường xa vui đấu tranh” lại “nghìn sau tiếc nghìn xưa”. Vừa chấp nhận lại vừa khước từ. Như đã nói ở trên: một nghịch lý. Hãy gọi là nghịch lý Nguyễn Văn Đông! Bên cạnh những “Chiều mưa biên giới”, “Mấy dặm sơn khê” hay “Anh trước tôi sau”, ta lại có “Khúc tình ca hàng hàng lớp lớp” hay “Hải ngoại thương ca” chất ngất một niềm lạc quan hiếm thấy: “đời dâng cho núi sông”, “lòng này thách với tang bồng”, “cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa”…Một nghịch đảo hoàn toàn với “Đêm đêm chiếc bóng bên trời” hay “Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu”.

Qua ba bản nhạc, ra đời trong thời điểm chiến tranh đang còn diễn ra đâu đó xa xôi, ta tìm thấy hình ảnh người lính vừa bi hùng lại vừa bi tráng. Và không ngạc nhiên gì khi cả ba, đặc biệt là hai bản “Chiều mưa biên giới” và “Mấy dặm sơn khê” (và tác giả của chúng), phải trải qua nhiều “gian khổ”[xi] (11) trước khi đuợc phổ biến một cách rộng rãi. Nói như Du Tử Lê, Nguyễn Văn Ðông là người nhạc sĩ “đứng chông chênh giữa hai đầu tả, hữu”. Có lẽ Du Tử Lê muốn nói: “tả” là bi quan, tiêu cực; “hữu” là lạc quan tích cực. Theo tôi, không chỉ Nguyễn Văn Đông là kẻ đứng chông chênh. Mà nhạc lính về sau này, nói chung, đều đứng chông chênh như thế. Có thể xem đó là một trong những đặc tính của nhạc lính miền Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh.

.

Trong khoảng thời gian chừng bốn, năm năm sống trong hòa bình thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người lính chỉ có một nỗi buồn là đồn trú nơi chốn biên phòng heo hút, xa gia đình. Gian khổ thì gian khổ, nhưng chưa có mối hiểm nguy thực sự. Khi Cộng Sản miền Bắc bắt đầu phát động chiến tranh, thì cái đích đầu tiên chẳng ai khác hơn là những người lính biên phòng. Về sau, chiến tranh càng mở rộng, càng khốc liệt và lúc đó, mọi người thanh niên đều có thể phải vào quân ngũ do lệnh động viên, do tình hình đôn quân để phục vụ chiến trường, thì tính “tả” trong nhạc lính lại càng nhiều. Nói cho đúng ra, không phải là “tả” hay “hữu”, bi quan hay lạc quan. Nhạc lính, trong lúc vẫn ca ngợi đời lính, nói lên tinh thần trách nhiệm và hy sinh để bảo vệ quê hương, chống lại cuộc tấn công liên tục của Cộng Sản, thì đồng thời cũng phản ảnh khá sinh động hiện thực đời lính và qua đó, hiện thực chiến tranh. Có bản đầy trách móc. Có bản thì thương thân trách phận. Có bản sướt mướt, bi lụy, là những tiếng kêu xé lòng, đứt ruột. Có bản là nỗi khao khát hòa bình.

Đây là điều ta không thể tìm thấy trong nhạc đỏ của miền Bắc Cộng Sản.

.

Hình ảnh giang hồ, phong sương và tinh thần trách nhiệm của người người lính trong những năm đầu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa vẫn là hình ảnh lý tưởng của những người cầm súng. Vẫn là nguồn động viên, là dưỡng chất của một quân đội ngày đêm xông pha trong lửa đạn mịt mù của một cuộc chiến tranh không thấy ngày kết thúc. Ta có thể tìm thấy những hình ảnh đó qua những lời ca đơn giản và trong sáng:

- Tôi có người yêu tuổi ngọc vừa tròn/Vì chinh chiến ngược xuôi ít về để hẹn hò

(…) Trách tôi yêu tay súng hơn nàng/Vì sao yêu sa trường hiểm nguy
Hơn phố phường với bao chiều lang thang (Lính xa nhà
/Nhật Ngân)

- Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm /Muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm
Khi lính đã yêu rừng tàn núi lở,/Tình còn vững bền muôn thuở
Bao la như lòng đại dương
. (Ai nói với em/Minh Kỳ-Hoài Linh)

- Sa trường anh say /Hoa cài khắp trên đầu súng
Anh cười tiễn lên oai hùng /Vì lòng anh nguyện lòng
Một tâm trí vì núi sông
(Hôm nào anh đi/Lê Dinh)

Một trong những bản nhạc mô tả sống động nhất về đời lính là bài “Tình thư của lính”. Các chi tiết về đời lính rất sống thực, ngôn ngữ dung dị, không sáo ngữ màu mè, lại nhiều chất thơ.

Từ khi anh thôi học/ và từ khi anh khoát áo treilli/ Đồn anh bên sông cạn/ và hoàng hôn ướt đẫm đáy sông thưa.

(…) Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước dâu em /Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa da tình/ Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay/ Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

Trong một số tác giả, lời ca của họ luôn luôn lạc quan về người lính và đời lính. Anh Bằng chẳng hạn. “Huynh đệ chi binh” cổ vũ tinh thần huynh đệ trong quân ngũ. “Nửa đêm biên giới” bày tỏ tấm lòng yêu nước không lay chuyển của người lính chiến:

Thời gian không phai lòng son/ Trường Sơn không ngăn tình con/ Ngày nao con ra đi nhớ câu mẹ

khuyên/Yêu nước như yêu mẹ hãy còn /Giữ trong linh hồn
Nhưng cùng trong lúc đó, hiện thực chiến tranh và những bi kịch của nó vẫn được phản ảnh hết sức trung thực trong nhạc lính. Chính điểm này đã khiến cho nhạc lính, trở thành một “nhật ký tập thể” (12), ghi lại một cách trung thực dấu tích bi thảm về một giai đoạn đau thương của lịch sử đất nước. Điều khó thể tìm thấy trong nhạc tuyên truyền của miền Bắc Cộng Sản. Vể điểm này, ngôn ngữ trong nhạc lính là ngôn ngữ trực tiếp, cụ thể, diễn tả về người lính và đời lính: dài và gian khổ.

Đời tôi chinh chiến lâu năm(…)/Kiếp chúng tôi như kiếp sông dài trôi đi miệt mài …(Mùa xuân lá khô/Trần Thiện Thanh)

Rôi tôi vào quân đội gian khổ ngập chiến trường (Chuyện tình người con gái ao sen/Anh Bằng)

Các ca khúc trong giai đoạn này chất ngất một trời tâm sự. Tâm sự về sự gian khổ, về sự cô đơn, tâm sự với mẹ, với người yêu và với…chính mình. Đồng thời cũng là những gửi gắm. Đến gia đình, quê nhà, thành phố, nơi có cuộc sống êm ấm, thanh bình. Tóm lại, từ tiền tuyến gửi gắm về hậu phương!

.

Để hình dung trở lại khung cảnh xã hội miền Nam trong khói lửa chiến tranh lúc cao điểm, không gì bằng nghe lại “Đưa em vào hạ” của Trầm Tử Thiêng. Tôi nhớ là đã nghe bản nhạc này lần đầu tiên khi đang ở một trong những vùng khá heo hút của sông nước miền Tây, tỉnh Chương Thiện (xưa là khu Trù Mật Vị Thanh-Hỏa Lựu), vào mùa hè năm 1967. Lúc này, chiến tranh Việt Nam đang ở thời kỳ cao điểm, máu lửa ngụt trời từ rừng núi đến đồng bằng. Những người thanh niên tiếp tục lên đường ra chiến trường. Cuộc sống bất an, lòng người xao xuyến.

Mùa hè năm nay, anh sẽ đưa em về phố chợ đôi ngày

Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá

Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói
Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào
(…) Bạn bè em giờ đây người sương người gió
Chí cả trót mang nên chẳng cần về thăm trường cũ
Có đứa từ lâu nay vẫn còn đi biệt chưa về
(…) Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em vòng khắp cả hý trường
Nghe người ca bài ca lời thương lời nhớ
Chén tiễn chén đưa cho rã rời một đêm hẹn ước
Rước áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù
(Đưa em vào hạ/Trầm Tử Thiêng)

Giai điệu trầm buồn, da diết. Lời ca phác họa ra khung cảnh bùi ngùi của những tiễn đưa, chia biệt, của những đợi chờ. Của những cuộc tình mong manh, bất trắc. Của hậu phương và tiền tuyến. Của những nơi an bình và vùng lửa đạn hiểm nguy. Tiếng nỉ non vì kẻ còn người mất sau khi một trận đánh dữ dội kết thúc – chiến trường nằm im thở khói -, nỗi “rã rời hẹn ước” của thêm/rồi thêm/rồi thêm… một người nữa sắp ra đi! Bạn và thù. Đó là tất cả những gì mà người lính gánh vác. Gánh trọn, gánh hết bằng tất cả sinh lực của đời mình. Hãy lắng nghe tâm sự của một người lính vừa trở lại đơn vị sau ba tháng dưỡng thương (tuy chưa lành hẳn) ở vùng hậu cứ:

Tôi trở lại vùng hành quân vùng xa xôi đá sỏi biết buồn (…)/Đời tôi chinh chiến lâu năm, yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân / Kiếp chúng tôi như kiếp sông dài trôi đi miệt mài chẳng cần ai biết cho ai. /Tôi đến đơn vị lại đi, nhọc hơi đâu đếm mỏi tháng ngày (Mùa xuân lá khô/Trần Thiện Thanh).

Lời ca cho ta những hình ảnh đầy ấn tượng: “yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân”, “kiếp sông dài trôi đi miệt mài”, “Nhọc hơi đâu đếm mỏi tháng ngày”. Tất cả cho ta cái cảm giác về những tháng ngày hành quân dài lê thê của một người lính chiến. “Vùng xa xôi sỏi đá biết buồn”, đối với lính, là khắp nơi. Và là những địa danh hoàn toàn xa lạ:

Toumorong, Dakto, Krek, Snoul
Ôi Dambe, Đức Cơ, Krek, Snoul
Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu
(Người ở lại Charlie/Trần Thiện Thanh)

Không những lạ mà còn hung hiểm:

Vùng cao nguyên đất đỏ, trời lạnh với sương mù

(…)Khi đôi chân vẫn chưa mòn trên núi cao /Khi đêm đêm súng căm hờn vần đổi trao
Anh vẫn đi đi giết thù
(Đêm tiền đồn/Lam Phương)

Đinh Miên Vũ , trong Sương trắng miền quê ngoại, diễn tả nỗi khắc khoải của người lính đang ở trận tiền, nghĩ đến quê nhà và tương lai. Một cố gắng nối kết giữa rừng sâu và quê nhà, giữa hố nhỏ (cá nhân) và mẹ, giữa thép súng và “chuyện ngày mai”. Giai điệu và lời ca tuy nhẹ nhàng, không nhiều bi lụy, nhưng âm vọng của nó nghe thật tê tái:

Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm /Sương trắng rơi vai tôi buốt lạnh mềm /Chim muông buồn rủ nhau bay về đâu /Ngẩn ngơ lũ vượn gọi nhau/ (…) Nào những khi ôm thép súng tê tay /Đắm mắt theo bao hư ảo thở dài/(…)Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi /Dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về (Sương trắng miền quê ngoại/Đinh Miên Vũ)

Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi. Tôi thích hai từ “lớp tuổi”, một mô tả khá chính xác tình hình động viên thời chiến. Hết “lớp tuổi” này đến “lớp tuổi” khác ra đi. Và bùi ngùi với “dăm đứa thân nghe tin chẳng trở về”. Ngồi ngẫm lại, chẳng ai mà không có “dăm đứa thân” bỏ xác ngoài chiến trường! Bao nhiêu năm chiến tranh đã trôi qua, mà mỗi lần nghe Quang Lê hát “Sương trắng miền quê ngoại”, tôi vẫn có cái cảm giác bùi ngùi của ngày tháng cũ khi nghĩ đến những người bạn cùng xóm hay cùng trường cùng lớp:

Bận hành quân nên chắc khó thăm nhau.

Bận hành quân! Nghe như bận …việc nhà, bận…học bài. Trời ơi, khói lửa ngụt trời thì khi nào mới hết bận để ghé thăm nhau đây, hả Thụ, Khôi, Tiến, Hân, Sùng, Khánh…? Thằng nào sẽ về, thằng nào cứ bận dài dài và thằng nào sẽ hết bận, nhưng …không thấy trở về?

Nói về gian khổ của đời lính một cách sống động, theo tôi, ngoài Trần Thiện Thanh, còn có Trúc Phương. Qua hai bản “Trên bốn vùng chiến thuật” và “Kẻ ở miền xa”, lời ca của Trúc Phương đã diễn tả một cách sống động thân phận của người lính chiến miền Nam. Giai điệu trầm buồn, lời ca bình dị, cụ thể , rất gần gũi với những người lính – nhất là những lính trơn, không quân hàm, không chức tước. Một phác thảo vô cùng hiện thực về chân dung của người lính trận.

Lính, trước hết, là đi. Nói theo một cụm từ cùa Anh Bằng: gót chinh nhân.

Tôi thường đi đó đây /Bùn đen in dấu giày /(…)Chân nghe lạ từng khu chiến thuật/áo đường xa không ấm gió phương xa (Trên bốn vùng chiến thuật).

“Thường đi đó đây”, nghe như đi…du lịch. Thực ra, bước chân người lính giẫm lên mọi miền đất nước. Do sự hiện diện của kẻ thù, nơi nào cũng trở thành hiểm địa:

Mây mù che núi cao
Rừng sương che lối vào
Đồng ruộng mông mênh nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù

Ngưới lính có mặt ở vùng hỏa tuyến, nơi phân chia hai miền Nam Bắc: “Gió Linh đón thây giặc về”; đóng quân ở cao nguyên: Pleime gió mưa mùa”; tiến về miền Đông: “Tây Ninh nắng nung người, mà trận địa thì loang máu tươi”; xuống vùng sông nước miền Tây: “Đồng Tháp vắng bóng hồng”.

Lính, là đi xa, thật xa. Lâu, rất lâu. Và rất lâu chẳng gặp người khác phái, một nỗi buồn rất đàn ông, nhất là đối với những anh lính trẻ:

Tôi ở miền xa/Trời quen đất lạ /Nhiều đông lắm hạ/Nối tiếp đi qua /Thiếu bóng đàn bà.

Người lính thường xuyên chạm trán với kẻ thù. Đâu đâu cũng có thể là chiến trường:

Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc/ (…) Ngoài kia súng nổ/Đốt lửa đêm đen/Tầm đạn thay tiếng em

Một ý tưởng bất ngờ và vô cùng sống động: Lửa thù no đôi mắt.

No! Một mô tả cảnh lửa đạn liên tục và ngập trời, vừa diễn tả sự chai lì của người lính giữa trận địa. Hành quân liên miên, người lính dường như mất cảm giác với tiếng nổ, với thứ ánh sáng nhuốm đầy chết chóc luôn luôn nhắm mình mà tràn tới. Riết, không còn bị kích động, không còn sợ hãi.

Giữa cái mong manh của cõi tử sinh, hình ảnh của người vợ/người tình hiện ra như một cứu rỗi:

Thèm trong hãi hùng/Tiếng hát môi em.

Khao khát duy nhất đối với người lính trận là yêu:
Xin đối diện một lần bên tôi/Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi/Đến với tôi/Hãy đến với tôi/ Đừng yêu lính bằng lời.

Đừng yêu lính bằng lời!

Tâm sự đó gợi nhớ đến “Rừng lá thấp” của Trần Thiện Thanh:

Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca:
"Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà"
Giữa rừng già vang tiếng hát thật cao
Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu?
(…) Xin thật lòng qua câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi

“Yêu lá thấp”, chỉ vì lá thấp mới mang lại cho người lính một chút cảm giác an toàn thật mong manh khi đi hành quân trong rừng sâu.

Lính, như thế, là bất trắc. Với lính, thương tật và chết chóc là điều thấy trước. Thương tật hay cái chết tự nó là bi kịch, đã đành! Bi kịch lớn hơn lại dính dáng đến một người khác: người vợ/người tình. Và ta tìm thấy lại hình ảnh người chinh phụ ngày nào trong những áng cổ văn. Nơi phía Nam giữa núi mờ/Ai bế con mãi đứng chờ/Như nước non xưa đến giờ (Lê Thương). Trong “Cho người vào cuộc chiến”, người chinh phụ thời nay dự đoán đến những điều rủi ro ngay từ buổi vừa tiễn chân người chinh phu lên đường vào cuộc chiến:

Mai kia anh trở về, anh trở về/Dẫu rằng …. dẫu rằng không còn vẹn như xưa/Dù anh trở về trên đôi nạng gỗ/Dù anh trở về bằng chiếc xe lăn/Hoặc anh trở về bằng chiến công đầy (Cho người vào cuộc chiến/Phan Trần)

Một tấm lòng, một lời hứa! Và sau đó là những tháng năm dài khắc khoải chờ đọc tin chiến trận. Dù sao, người chinh phụ trong “Cho người vào cuộc chiến” vẫn còn có chút lạc quan: người chinh phu sẽ về. “Kỷ vật cho em” thì khác, nói đến cái tận cùng của những tận cùng: chết.

Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã/Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa/Anh trở về trên chiếc băng ca/ trên trực thăng sơn màu tang trắng./(…) Anh trở về chiều hoang trút nắng/ Poncho buồn liệm kín hồn anh./Anh trở về bờ tóc em xanh/ chiếc khăn sô lên đầu vội vã, em ơi. (Để trả lời một câu hỏi/thơ Linh Phương/Phạm Duy phổ nhạc)

Lính, chết, góa phụ và khăn sô! Có thể tóm gọn tất cả bi kịch của chiến tranh bàng mấy chữ đơn giản và lạnh lùng đó.

Ngày anh đi, anh đi/Anh đi từ tổ ấm
Anh ơi, địa danh nào thiếu dấu chân anh ?
Đợi anh về /Chỉ còn trên vầng trán đứa bé thơ/tấm khăn sô bơ vơ
Người góa phụ cầu được sống trong mơ
(Người ở lại Charlie/Trần Thiện Thanh)

Cũng như “Kỷ vật cho em”, trong “Tưởng người chết đi”, Trần Thiện Thanh có một cách diễn tả khác, không kém bi thảm:
Tưởng là chết đi, /Nhưng không anh lại về, /Anh lại về, anh lại về. /Vành khăn tang, ôi! tình tứ
(…) Tình trăm năm cho tình ngắn trên trần gian,
Tình trọn nghĩa yêu đương.
Tình thiên thu cho người chết
(Tưởng người chết đi/Trần Thiện Thanh)

Khác với cái chết của “Người ở lại Charlie”, xác tiêu tán, mất tích, người vợ lính ở đây được đoàn tụ với chồng. Anh về, anh lại về. Vâng, anh về để nối lại cuộc tình. Không phải là thứ ‘tình ngắn” trên trần gian, mà là “tình thiên thu” của một ra đi vĩnh viễn. Cuộc đoàn tụ được biểu tượng bằng vành khăn tang “tình tứ”. Một diễn tả cực kỳ thống thiết!

Nhưng thống thiết, tang thương hơn cả là khung cảnh “ngày mai đi nhận xác chồng”. Bài hát là một tiếng kêu xé lòng, đứt ruột:

Ngày mai đi nhận xác chồng Say đi để thấy mình không là mình Ngày mai đi nhận xác anh Cuồng si thuở ấy, hiển linh bây giờ Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ Như môi góa phụ nhạt mờ vết son Tình ta không thể vuông tròn Say đi mà tưởng như còn người yêu Phi cơ đáp xuống một chiều Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa Dài hơi hát khúc thương ca Thân côi khép kín trong tà áo đen Chao ôi ! Thèm nụ hôn quen Chong đèn, hẹn sẽ đêm đêm đợi chờ Bây giờ anh phủ mầu cờ Bây giờ anh phủ mầu cờ Em không nhìn được xác chàng Anh lên lon giữa hai hàng nến trong Mùi hương cứ tưởng hơi chàng Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu !

(Tưởng như còn người yêu/Phạm Duy phổ từ bài thơ “Thương ca I” của Lê Thị Ý) (13)

Có người lính, nhận biết thân phận mình chẳng khác gì “đồng tiền sấp ngữa”, anh không muốn người tình thành người vợ. Đơn giản là vì anh không muốn người tình sớm trở thành góa phụ, một “góa phụ ngây thơ.” “Góa phụ ngây thơ”, một cụm từ khá mới mẻ, là tựa đề một bản nhạc lính khác của Trần Thiện Thanh, phổ từ bài thơ cùng tên của Hà Huyền Chi, cũng là một người lính.

Thượng Đế xa vời, thiên đàng đóng cửa
Tiếng cười chưa tan, nước mắt ròng ròng
Số phận con người , đồng tiền sấp ngửa
Em, em ơi, em có hiểu gì không
Nên đơn cưới, một tờ đơn xin cưới
Anh viết rồi, rồi anh lại xé em ơi
Không, anh không muốn thấy người yêu anh nhỏ bé
Một sớm nào thành góa phụ ngây thơ

Nếu có người lính từ chối ký tờ đơn xin cưới, thì ngược lại, cũng có người lính trở thành anh hùng bất đắc dĩ vì bị tình phụ, trong một bản nhạc của Trầm Tử Thiêng:

Hay tin Huyền phụ anh một đêm mưa gió
Anh băng mưa giữa đêm khuya mà trời buốt giá
Anh đi để trả thù người em phụ phàng
Anh lên đường. Anh lên đường đầu quân
(…) Anh hiên ngang như thần tượng
Anh hăng say trông lạ thường
Anh xuyên sâu qua lòng giặc
Anh lao thân trong tầm đạn
(Người hùng cô đơn/Trầm Tử Thiêng)

Và rồi anh chết trên chiến trường!

Cái chết trở thành thân quen và đơn giản, đến nỗi dường như không còn là biến cố, là bi kịch. Nó có thể chỉ là một mẩu tin trong bản tin chiến sự hàng ngày. Thân phận của người đi trước nằm trong “dự phóng” của người đi sau. Chẳng lạ gì, những anh chàng sinh viên đến tuổi “đôn quân”, nhận giấy gọi nhập ngũ, bèn “trả lại” cho người yêu những ngày vui tuổi trẻ nơi cõi yên bình sẽ không bao giờ còn nữa:

Trả lại em yêu, khung trời Đại Học/Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát/Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
(…) Trả lại em yêu con đường học trò /Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó /Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt

Anh “trả lại” để “ra đi”:

(…) Anh sẽ ra đi về miền cát trắng /Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông /Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
(Trả lại em yêu/Phạm Duy)
Sau khi trả hết mọi thứ cho em như là những di vật để lại, lời ca chùng xuống:

Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.

Chùng xuống mà nghe vẫn thản nhiên. Một thản nhiên kinh khiếp!

Bài hát có cái gì trớ trêu. Nó đưa ra hình ảnh khá lạ lùng của xã hội miền Nam thời chiến: chiến tranh khốc liệt nhiều nơi, nhưng ở các thành phố/thị trấn, cuộc sống vẫn bình thường. Là nơi người ta có thể tận dụng thời gian để sống, để biết mình còn tồn tại. Mai ta đụng trận, ta còn sống/Về ghé sông Mao phá phách chơi/Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui (thơ Nguyễn Bắc Sơn).

Đối với lính, những ngày phép là phần thưởng duy nhất cho những người lao thân vào vòng lửa đạn, là thời gian bù đắp và hưởng thụ. Là lúc “mua vội” một/và những “ngày vui”

Một trăm em ơi một trăm phần trăm…Một giây về phép anh xin dành cho em đó (Một trăm phần trăm/Vũ Chương)

Hôm nao anh về phép
Hai đứa đi dạo chơi
Vi vút len chân trong rừng người.
(Lính độc thân/Minh Kỳ-Vũ Chương)

Từ xa tôi về phép hai mươi bốn giờ
Tìm người thương trong người thương
Chân nghe quen từng viên sỏi đường nhà
Chiều nghiêng nghiêng nắng đổ

(…) Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về
Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi

Ta đưa ta đến đỉnh tuyệt vời
(Hai mươi bốn giờ phép/Trúc Phương)

Đỉnh tuyệt vời! Một bù đắp xứng đáng cho nhũng gian khổ chiến trường.

Đã nhất là về Sài Gòn nghỉ phép. Sài Gòn xôn xao bát phố. Tất bật hẹn hò. Với người em gái Gia Long. Với cô nữ sinh viên Văn Khoa. Vẫn trường học, chợ búa, phòng trà, cà phê. Vẫn tưng bừng phố xá. Vẫn cây dài bóng mát. Vẫn mây trời xanh ngát. Một nơi an toàn để người lính trở về sau khi giáp mặt từng phút từng giây với cái chết ngoài trận địa. Sài Gòn, hậu phương thanh bình, nơi không nghe tiếng đạn nổ, lửa cháy. Cũng là nơi nghe hát những khúc ca bi hùng về người lính – cái không thể tìm thấy nơi chiến trường. Ngay cả sau này khi chịu đựng một số cảnh đặt bom do đặc công Cộng Sản thực hiện hay sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, Sài Gòn rốt cuộc vẫn là nơi an toàn nhất, bình yên nhất và đáng yêu nhật để người lính trở về.

Những ngày cuối tuần ở khu chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, đường Tự Do, vân vân, người ta có thể gặp rất nhiều lính. Từ các chiến trường, từ các quân trường. Hoặc là đi phép thường niên hoặc là đi phép đặc biệt sau một chiến dịch nào đó. Có người bạn vừa gặp nhau trên hè phố chiều thứ bảy tuần này, thì giữa tuần sau, bỗng nghe tin anh đã tử nạn trên chiến trường.

Sài Gòn/chiến trận. Trắng/đen. Sinh/tử.

Hai cõi nhân sinh mong manh tiếp giáp. Thoắt bên này, thoắt bên kia.

Người đi chưa đợi sáng
Ðưa nhau cuối đường sợ làm đêm vui rủ xuống
(Hai mươi bốn giờ phép/Trúc Phương)

“Đêm vui rủ xuống”, một hình ảnh bất ngờ và đẹp. Ngậm ngùi đẹp!

Chính vì thế mà hơn ai hết, những người lính ngoài mặt trận và vợ con/người yêu của lính là những người khao khát hòa bình, ước mơ đoàn tụ.

Nguyễn Văn Đông cầu xin:

Mẹ ơi cầu xin cho xóm làng quê hương xóa mờ chiến trường
Đồng bào ta cùng thương nhau.. xóa hận thù đi.. lấp đi đường ranh giới

(Lá thư người lính chiến)

Nhật Ngân chia buồn:

Xin chia buồn cùng người cha đêm con chào đời đã không có mặt
Xin chia buồn cùng người em trong đêm tân hôn
nồng ấm chưa quen đã vội chia tay
Xin chia buồn cùng mẹ già có đứa con trai chết trận chiều nào
mới vừa trở về quốc kỳ bỗng thấy
Xin chia buồn cùng người đi khi quay trở lại tấm thân bất toàn
(…)Quê hương tôi là thế đó bao năm trường rồi chém giết vô duyên
anh em tôi là thế đó đi nghe người ngoài giết nhau quá nhiều
xin ngưng tay một giây phút
xin nghe một lần tiếng khóc bi thương

(…) xin chia buồn cùng Việt Nam quê hương nhục nhằn máu xương chất chồng
Xin chia buồn cùng Việt Nam bao nhiêu năm qua đạn với bom rơi
trên ruộng trên nương …

(Xin chia buồn)

Trầm Tử Thiêng đưa ra một lời nguyện cầu sâu lắng:

Người về một giờ một đông thêm
Người đi càng giây càng không còn
Một thời điêu linh. Một phen hoạn nạn
Còn lại hôm nay những lời kinh tình yêu đầy nhiệm mầu

(Kinh khổ)

Trong khi còn chiến tranh, nhạc lính được hát như một bày tỏ nỗi lòng, có khi như một bù đắp, của những người khoát chiến y.

Hết chiến tranh rồi, nhạc lính vẫn được hát. Như một hoài niệm. Và có khi như một vết thương chưa hề lành. Đối với lính, đã hẳn. Mà cũng còn đối với hàng triệu hàng triệu người đã từng chia xẻ những gian khổ, hy sinh, mất mát, đau thương của họ.

.

***

.

Thay lời kết
Trong lịch sử nhân loại, có lẽ không có hình tượng nào bi hùng, lắm khi oan khiên, bằng hình ảnh của người lính. Khi nhân loại bắt đầu có cái gọi là chiến tranh thì người lính trở thành trung tâm điểm, là sức mạnh, là yếu tố gắn liền với sự tồn vong của một quyền lực. Lính là con người, và điều nghịch thường là, họ phải làm những công việc vượt ra ngoài khả năng và trái tim của một con người. Họ phải chịu đựng những gì gian khổ nhất, đau đớn nhất. Không những thế, phải thực hiện những điều phi lý nhất, những điều chống lại chính bản tính của mình: chém/giết, bắn/giết. Và chấp nhận cùng đích của một chiến sĩ: cái chết. Bất đắc kỳ tử. Da ngựa bọc thây! “Chiến tranh là sự bắn giết nhau của những người không quen biết nhau để phục vụ cho những người quen biết nhau nhưng không hề bắn giết nhau”. Chí lí biết bao! Tôi rất tâm đắc với cái định nghĩa về chiến tranh này của một tác giả mà (tiếc thay) tôi quên mất tên.

Lính tráng xưa nay đều thế. Và là thế.

.

Lính thú đời xưa:

Ngang lưng thì thắt đai vàng
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai.
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên.
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thời canh điếm tối dồn việc quan.
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai.
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những dang cùng nứa biết ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng. (Vô danh)

.

Lính chiến ngày nay:

Ngày ướt vớ, đêm mang giày ngủ võng

Sáng, trưa, chiều, tối cũng lấm bùn hôi

Đêm chờ sáng, Poncho trùm chống muỗi

Ướt triền miên, đời lính cực thì thôi!


Máu lại đổ trên bụi cây, khóm lá

Đêm đổi quân, ngày đánh chốt, phá kiềng

Pháo, đạn, bom, mìn bẫy nổ liên miên

Địch cố thủ, hạ quyết tâm chống đỡ .


Mùi tử khí theo khói đưa, lửa quyện

Xác phơi mình chờ đêm xuống mang đi

Bài vọng cổ. Trời ơi! Ai cất tiếng!

Xuống câu Xề nghe não nuột, lâm ly !


Bịch gạo sấy một tuần chưa nhai hết

Thuốc vàng tay, cổ rát, nứt môi khô

Máu còn rơi, người còn quấn Poncho/
Ôm ghì súng, mắt cay nhoà mỏi mệt .

(Trích đoạn thơ: Chuyến hành quân đầu đời (tháng 10/1973)/Huy Văn ) (14)

Hiện thực đến thế thì thôi!

.

Dẫu vậy, có khi người lính được dựng nên một cách khác. Trong một bài viết về người lính, Nguyễn Thị Thảo An chua chát nhận xét:

Người lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, uống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá. Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mặc đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi anh ca bài ca mời gọi ái tình. Và người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là anh trai tiền tuyến, em gái hậu phương.

Đặc biệt, Nguyễn Thị Thảo An ghi nhận hình ảnh vô cùng trung thực về những người hiếm khi được bàn về/lắm lúc bị quên lãng: vợ lính

Trong khi đó, ở ngoài đời những người vợ lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.

Ðó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hóa rẻ tiền, với đôi guốc vông kẻo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Ðó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Ðó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.

Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà người lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối người lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước. Người vợ lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Ðó là những người đàn bà mà sau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô. (Chân dung người lính VNCH/Nguyễn Thị Thảo An)[xv] (15)

Lính, là tiếc thương! Là chinh phu của chinh phụ. Lính, là bi tráng! Lính, có khi là oan trái. Lính, có khi là dứt bỏ, là tận cùng.

Bảo Ninh, phía thắng trận, viết:

Một người ngã xuống để những người khác sống, điều đó chẳng có gì mới, thật thế. Nhưng khi anh và tôi thì sống còn những người ưu tú nhất, tất đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết quyền sống trên cõi dương này đều gục ngã, bị nghiền nát, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày đọa, bị bạo lực tăm tối hành hạ, làm nhục rồi giết chết, bị chôn vùi, bị quét sạch, bị tuyệt diệt, thì sự bình yên này, cuộc sống này cảnh trời êm biển lặng này là cả một nghịch lý quái gở.
(…) Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi.

(Nỗi buồn chiến tranh/Bảo Ninh)(16)

Có một nỗi buồn của người chiến thắng! Tôi ghi nhận. Nhưng một nỗi buồn…quá chậm! Quá muộn màng (17). Chẳng qua chỉ là một cách làm dịu đi niềm kiêu ngạo ngất trời của người chiến thắng. Lại càng chẳng dính dáng gì đến bất hạnh của người chiến bại. Họ, những người chiến bại cùng giòng máu ấy, sau khi, “tiếng ồn ào của những cuộc xung sát đã im bặt” (cách nói của Bảo Ninh), tiếp tục hứng chịu khổ nạn: khổ nạn hòa bình. Người lành lặn thoát chết thì đi ở tù, người tàn tật thì, cho đến bây giờ, 35 năm sau, vẫn còn là những công dân …không-có-hạng trên đất nước của mình! Và những người đã chết phải chết thêm một lần nữa! Kể cả một bức tượng!

Sau chiến tranh, người chiến thắng vẫn tiếp tục tiến hành một cuộc chiến khác: cuộc chiến chống những người chiến bại.

Đến bao giờ?!!!

.

Trần Hữu Thục

3/2010

.

Lời cuối: Tất cả các lời ca được trích trong bài viết đều được ghi lại từ nhiều trang mạng khác nhau kết hợp với trí nhớ (không mấy tốt) của tác giả. Nếu có gì sai sót, kính mong tác giả những bài hát cũng như độc giả thông cảm và, nếu có thể, bổ túc thêm. Trân trọng cám ơn.

.

Ghi Chú:

1. Hoàng Ngọc-Tuấn, Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20, Minh Nguyệt (Đài phát Thanh Úc) phỏng vấn.

Xem: http://ktx.vnuhcm.edu.vn/diendan/showthread.php?t=213. . “Nhạc phổ thông” (popular music), theo Hoàng Ngọc-Tuấn, là loại “âm nhạc không đòi hỏi người sáng tác phải nỗ lực đưa ra những phát kiến mới về kỹ thuật và mỹ học âm nhạc” và do đó, khác với “nhạc nghệ thuật” (art music) là loại nhạc “đầy tính độc sáng, mới lạ, và khó khăn”, “là một thử thách to lớn về nhiều phương diện đối với cả người sáng tác lẫn người nghe.” Qua bài phỏng vấn này, Hoàng Ngọc-Tuấn đã bàn khá kỹ về nhạc phổ thông và nhạc nghệ thuật, đặc biệt nhấn mạnh đến những ưu điểm và khuyết điểm của loại nhạc phổ thông. Để hiểu rõ quan điểm của HN-T, đề nghị quý độc giả quan tâm đến âm nhạc Việt Nam nên vào thẳng trang mạng nói trên để đọc toàn văn. Những trích dẫn được sử dụng trong bài viết này chỉ để dùng như một khái niệm và nhằm đến một mục đích khác.

2. Hoàng Ngọc-Tuấn, bài đã dẫn.

3 Nhạc đỏ, theo http://vi.wikipedia.org/wiki/Nhạc_ đỏ, là một dòng của tân nhạc Việt Nam gồm những bài hát sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở miền Bắc và vùng giải phóng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và cả sau năm 1975 sau khi Việt Nam thống nhất. Trong bài viết này, khi dùng từ “nhạc đỏ”, tôi có ý nói đến chỉ loại nhạc được sử dụng ở miền Bắc và ở các vùng do Cộng Sản kiểm soát ở miền Nam từ 1954-1975, với mục đích so sánh với nhạc lính VNCH cùng một thời.

4. Nguyễn Thụy Kha, Một thời nhạy cảm với ca từ, xem ở trang mạng:

http://vietbao.vn/Van-hoa/Mot-thoi-nhay-cam-voi-ca-tu/70017296/181/

5. Tô Hải, Hồi ký của một thằng hèn, nxb “Tiếng Quê Hương”, Virginia, Hoa Kỳ, 2009, trang 238

6. Tô Hải, sách đã dẫn, trang 270

7. Tô Hải, sách đã dẫn, trang 279

8. Tô Hải, sách đã dẫn, trang 280, 281

9. Du Tử Lê, Hình ảnh người lính khác, trong nhạc Nguyễn Văn Đông, nhật báo Người Việt 25/11/2009

(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104676&z=97) và

Nguyễn Văn Ðông và, điểm đứng chông chênh giữa hai đầu tả, hữu , nhật báo Người Việt 2/12/2009

(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104937&z=97)

10. http://www.maiyeuem.net/vlyric-vl-mye78794d9669f76d8b18e47c8942a80d438net.html

http://lyricenter.com/viewvietlyric-3669-maydamsonkhe.php . Có bản ghi khác: “Khoát lên vòng hoa trắng” thay vì “Chít lên vầng tang trắng”. Đồng thời, có bản ghi “Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông, kết trong lòng thế hệ” thay vì “Non nước ơi, bèo trôi theo xóm đưa, hiến thân đời gió bụi”. Hai ca sĩ Hà Thanh và Thái Thanh đều hát theo lời đã đổi này. Ngoài ra, “xóm đưa” hay “gió đưa”? “Gió đưa” thì có nghĩa hơn.

11. Xem bài viết của Du Tử Lê

12. Mượn chữ của Hoàng Ngọc-Tuấn (bài đã dẫn)

13. Xem Phỏng vấn Lê Thị Ý về bài thơ: http://dactrung.net/Phorum/tm.aspx?m=55370&mpage=30

14. Đây là bài thơ tôi tình cờ tìm thấy trên mạng lưới và chép lại.

15. Xem ở: http://thuducnamdinh.tripod.com/chandung1.html

16. Xem ở: http://w1.60s.com.vn/truyen/779546/15112007.aspx

17. “Nỗi buồn chiến tranh” xuất bản lần đầu tiên vào năm 1987 (với tên “Thân phận của tình yêu”), 12 năm sau khi chiến tranh kết thúc (1975).

.

.

.

No comments: