Wednesday, May 12, 2010

NGHĨ về CHẤN (đăng lại để vinh danh TRẦN HUỲNH DUY THỨC)

(Đăng lại để vinh danh Trần Huỳnh Duy Thức)

Nghĩ về Chấn
Thanh Hương
Đăng ngày 4-9-2009
http://danchimviet.com/articles/1441/1/Ngh--v--Chn/Page1.html

1.
Cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi bài thơ Chấn lạc Hồng (1) viết dưới dạng tuyên ngôn của tác giả Trần Đông Chấn được đưa lên mạng đã nhanh chóng lan rộng trong giới trí thức, học sinh và sinh viên thành phố Hồ Chí Minh, rồi cả nước. Sau đó, “bác” Trần Đông Chấn càng trở nên nổi tiếng bởi các bài viết phân tích sâu sắc về kinh tế Việt Nam, được đánh giá chẳng thua kém là bao so với các chuyên gia kinh tế tầm cỡ của trường đại học Harvard lừng danh. Lúc bấy giờ, khi đọc các entry với dọng văn già cỗi, chín chắn của Trần Đồng Chấn trên Blog cùng tên, nhiều comment đã chọn cách xưng hô bác, cháu với tác giả.

Tôi còn nhớ, cuối năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đang căng phồng như bong bóng. Vào thời điểm đó, mãi lực chứng khoán lần đầu tiên đã len lỏi vào hầu hết các tầng lớp dân chúng Việt Nam. Ngoài công chức, doanh nhân, trong các phiên giao dịch chưa chính thức (OTC) và sàn chứng khoán, người ta thấy sự có mặt của không ít bà nội trợ, các bác nông dân lam lũ. Sự xuất hiện kịp thời bài viết “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ về đâu” (2) của bác Trần Đông Chấn như là một liều thuốc có công dụng giải “say” cho nhiều người đang bị mãi lực chứng khoán cuốn hút. Bên cạnh kiến thức sâu sắc về tài chính và tiền tệ, người đọc còn cảm nhận sự tinh túy của bác Chấn trong việc sử dụng 02 câu sấm Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) (3) để cảnh báo dân chúng về hiểm họa của những cái vòi Bạch Tuộc tài chính quốc tế khi quyết định đầu tư vào chứng khoán. Vì vậy, bài viết của bác Chấn đã vinh dự được sử dụng trong chương trình thời sự của đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) cảnh báo dân chúng vào thời điểm ấy.

Cứ thế, bác Trần Đông Chấn âm thầm trở thành sự kỳ vọng về một ngọn cờ của phong trào dân chủ Việt Nam trong tương lai. Lớp trẻ cầu mong Chấn sớm xuất hiện, đọc vang tuyên ngôn Chấn Lạc Hồng, quy tụ mọi người tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho Dân chủ Việt Nam.

2.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945 là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, ngày 19 tháng 8 vừa qua là một ngày đáng nhớ của phong trào dân chủ Việt Nam. Ngày đó, lần đầu tiên, dân chúng được tận mắt nhìn thấy 04 nhà dân chủ, gồm luật sư Lê Công Định, anh Nguyễn Tiến Trung, cựu quân nhân Trần Anh Kim và cả bác Chấn - doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức - xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia Việt Nam trong chương trình thời sự quan trọng. Mọi người đã tận mắt nhìn thấy, nghe các anh nói về những hành vi vi phạm pháp luật và xin được khoan hồng. Dĩ nhiên, có không ít người đã thất vọng về thần tượng của mình, khi các anh tuyên bố rằng các hoạt động dân chủ của mình trong thời gian vừa qua là phạm pháp. Bù lại, qua những gì các anh nói, mọi người hiểu được những gì các anh đã nghĩ, đã làm cho dân chủ Việt Nam. Có thể nói, ý kiến về thời điểm, phương pháp, nhận định lực lượng chính sẽ tạo ra động lực cho sự thay đổi ở Việt Nam của bác Chấn đã gây được chú ý nhiều nhất.

Lần theo bản tự khai của bác Chấn, chúng ta thấy bác ấy chịu ảnh hưởng nhiều bởi sấm Trạng Trình, đã từng chỉ đạo nhân viên dưới quyền của mình lập ra nhóm Chấn để nghiên cứu. Rất có thể, bác ấy dựa vào những câu sấm sau đây để xác định thời điểm đại khủng hoảng kinh tế sẽ diễn ra ở Việt Nam là khoảng tháng 10 năm 2010:
Phân phân tùng bách khởi

Nhiểu nhiểu xuất đông chinh
Bảo sơn thiên tử xuất
Bất chiến tự nhiên thành


Tôi được biết, năm 2010 là năm mộc, ứng với cây Tùng (Tùng bách khởi); phân phân là lúc thu chuyển sang đông, ứng với khoảng tháng 10 đất nước sẽ rối loạn (nhiểu nhiểu xuất đông chinh). Đó là thời điểm sẽ xuất hiện Minh Quân (Thiên tử) bảo vệ đất nước (bảo sơn). Về phương pháp thay đổi, thiển nghĩ, bác Chấn dựa vào câu bất chiến tự nhiên thành (không cần đánh nhau), tức là kích động nội bộ đánh nhau, sử dụng kế sách dùng Đòai đánh Đoài.

Hoặc, bác Chấn dựa vào 03 câu sấm: “Đào viên đỉnh phất quần dương tranh hùng, cơ nhị ngũ thư hùng vị quyết, đảo Hoàn Sơn tam liệt ngũ phân”. Bởi vì “quần dương” là đánh nhau lớn trên Đại dương, “nhị ngũ” có nghĩa 2 (nhị) lần 5 (ngũ) là 10, ứng với năm 2010; đảo Hoàn sơn ám chỉ Hoàng Sa và Trường Sa. Riêng việc xác định lực lượng dân chủ của bác Chấn, chắc chắn sẽ gây bất bình cho nhiều người. Bác Chấn khẳng định lực lượng quyết định làm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là những người cấp tiến trong đảng CSVN kết hợp với những trí thức ngoài đảng có tâm huyết với vận mệnh đất nước, gọi là lực lượng dân tộc.

Riêng tôi cho rằng, anh Thức đã có cái nhìn rất thực tế, công bằng và đầy đủ hơn so những nhà bất đồng chính kiến như Lê Hồng Hà, Phan Đình Điệu, Lê Đăng Doanh,… Bởi, khác với bác Chấn, họ cho rằng đảng CSVN sẽ tự vỡ, những người cấp tiến trong đảng CSVN sẽ mang lại dân chủ đích thực cho nhân dân. Sứ mạng của phong trào dân chủ là làm sao tác động để quá trình tự vỡ diễn ra nhanh hơn. Rõ ràng, so với anh Thức, họ chưa có cái nhìn thấu đáo về lực lượng trí thức yêu nước không tham gia đảng CSVN như các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long,… Họ là lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng trong sứ mạng đưa đất nước hội nhập vào thế giới.

3.
Càng phân tích, càng thấy bác Chấn - doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức đã nghiên cứu sâu sắc, kết hợp thật hay giữa khoa học tự nhiên với tâm linh, sấm Trạng Trình; giữa cổ và kim; giữa Việt Nam và thời đại, mà cụ thể là Mỹ. Ngay cái tên Trần Đông Chấn, đã chứng tỏ anh Thức có vẻ am tường về tâm linh. Trần là họ, Đông là phương đông là Việt Nam, miễn bàn. Chấn là một trong 8 cung: Chấn, càn, khôn, đoài, ly, tốn, cấn, khảm. Trong đó, Chấn là sấm sét, biểu tượng cho sự thay đổi; Đoài là ao hồ, biểu tượng cho sự bảo thủ, chậm tiến. Về khoa học tự nhiên, sự tân tiến, ngoài việc phân tích các chỉ số sắc sảo về tài chính, tiền tệ, ta thấy bác Chấn rất nhạy bén khi sử dụng khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng của luật sư Barack Obama: Change We Need (Thay đổi - chúng tôi cần) để đặt tên cho Blog của mình. Và rất có thể bác Chấn chịu ảnh hưởng cuốn sách nổi tiếng của ông Barack Obama có tựa đề là Hy vọng táo bạo (The Audacity of Hope) khi quyết định viết sách “Con đường Việt Nam”. Nếu giả thiết này đúng (tôi tin chắc là đúng), quả thực bác Chấn là người cực kỳ nhạy bén về chính trị, tham vọng trở thành Bộ trưởng kinh tế khiên tốn quá. Nếu như Hy vọng táo bạo đã đưa luật sư Barack Obama vào nhà Trắng, trở thành vị Tổng thống da mầu đầu tiên trong lịch sử Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, thì Con đường Việt Nam chưa ra đời đã vội đưa bác Chấn vào trại giam B34.

Thật đáng tiếc. Càng viết, càng nghĩ về Chấn, tôi càng mến mộ doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, tiếc cho anh ấy sớm sập bẫy của những kẻ tiểu nhân đã ráp tâm đẩy anh vào chốn lao tù. Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng, sau sự kiện ngày 19 tháng 8 vừa qua, phong trào dân chủ sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chữ tâm trong đấu tranh dân chủ, về phương pháp và lực lượng quyết định tạo ra sự thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Các anh đã lựa chọn đúng hướng đi, nhưng chưa chọn đúng điểm rơi dân chủ, nên tạm thời thất bại. Thất bại cay đắng của các anh hôm nay, chắc chắn sẽ tạo ra chuyển biến cho những “nhà dân chủ Internet”, những kẻ dân chủ cơ hội đang len lỏi trong phong trào dân chủ. Theo đó, phong trào dân chủ Việt Nam như được tiếp thêm sức sống mới.

---------------------------------------------------

(1) Nam Quốc Mộc tinh Chấn Lạc Hồng: Vận thiêng khí hội kiến hòa nhân/ Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ/ Ngoại quốc lân bang kính phục giao
(2) Bài viết đã xuất hiện trên nhiều trang web
(3) Phú qúy hồng trần mộng/ Bần cùng bạch phát sinh

Bài do tác giả gửi đăng. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm cùa BBT Đàn Chim Việt

.

.

Trần Huỳnh Duy Thức ơi, chế độ cộng sản không tồn tại đến 16 năm để tù anh!

Lê Diễn Đức

Tháng Năm 11, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/05/11/tr%e1%ba%a7n-hu%e1%bb%b3nh-duy-th%e1%bb%a9c-%c6%a1i-ch%e1%ba%bf-d%e1%bb%99-c%e1%bb%99ng-s%e1%ba%a3n-khong-t%e1%bb%93n-t%e1%ba%a1i-d%e1%ba%bfn-16-nam-d%e1%bb%83-tu-anh/

Ngày 11/05 Toà phúc thẩm Toà án Nhân dân Tối cao TP. Hồ Chí Minh đã giữ y án đối với hai nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm tù và 5 năm quản chế), Lê Công Định (5 năm tù và 3 năm quản chế).

.

Lê Thanh Long, doanh nhân, được giảm án từ 5 năm tù xuống còn 3 năm rưỡi và 3 năm quản chế.

Nguyễn Tiến Trung, không kháng án (7 năm tù), nên chỉ xuất hiện trước tòa với tư cách nhân chứng.

Bốn người trên đã bị xét xử sơ thẩm hôm 20/01/2010 về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

.

Về Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, tôi đã có đánh giá trong bài “Những hiệp sĩ thực thụ và những “anh hùng” ngã ngựa!

.

Nguyễn Tiến Trung với chức danh là Tổng thư ký một đảng chính trị (Đảng Dân Chủ), hoạt động, quảng bá ầm ĩ, nhưng khi đứng trước toà lại tự phủ nhận chính mình, cho rằng những hành động của mình là “nông nỗi”, là “vi phạm pháp luật”, rồi xin được khoan hồng, thì thiết nghĩ chẳng còn gì để nói.

.

Trường hợp Lê Công Định, khi đứng trước toà tuy khôn khéo hơn, nhưng cũng đã tự phủ nhận những quan điểm, nhân sinh quan của mình về dân chủ và nhân quyền. Rằng, bị lôi kéo, bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây. Rằng, Định vi phạm luật pháp CHXHCN Việt Nam. Và cũng xin khoan hồng. Cũng trong vai trò của một người làm chính trị, thành viên chủ chốt của Đảng Dân chủ.

.

Bản án hôm nay càng cho các anh Định và Trung thấy rằng, các anh đã bị nhà cầm quyền đe doạ, uy hiếp, rồi gạ gẫm và dụ dỗ. Các anh đã bị mắc mưu, bị nhầm lẫn và ảo tưởng. Bản chất của những người cộng sản không bao giờ thay đổi. Lòng vị tha, nhân bản và chủ nghĩa nhân đạo đối với họ chỉ là thứ xa xỉ. Thái độ tráo trở, vô ơn, bội nghĩa và đê tiện của họ không chỉ đối với riêng các anh mà còn đối với cả các vị công thần lập quốc, những cán bộ cách mạng lão thành, những bà mẹ anh hùng từng cưu mang họ trong hai cuộc kháng chiến, và ngay cả các chiến sĩ đã bỏ mình chống lại quân xâm lược Trung Quốc.

Các anh đã chẳng được họ rủ lòng thương, khoan hồng như mong đợi. Ngược lại, các anh đã đánh mất đi niềm tin và lòng cảm phục của biết bao người yêu dân chủ và tự do.

.

Đành rằng, trong chốn lao tù, không phải ai cũng có thể chịu đựng đòn thù và không khuất phục. Tôi đã từng ngưỡng mộ các anh. Như một con người bằng xương bằng thịt yếu đuối, tôi không thể trách các anh, ngược lại tôi chia sẻ các quyết định của các anh về cuộc đời của mình. Tôi cầu mong các anh mạnh khoẻ, qua được những ngày tù nghiệt ngã và sớm trở về với gia đình. Tuy nhiên, tôi buồn và thất vọng về hai anh. Bởi vì trong hàng chục các nhà bất đồng chính kiến, bị giam hãm và tra tấn giống như các anh trong khoảng hơn một thập niên nay, ba trường hợp Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim dường như ngoại lệ.

.

Tôi tâm đắc và trân trọng câu nói của Lê Thị Công Nhân trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài quốc tế Pháp RFI hôm 7 tháng Tư 2010, khi vừa mới ra khỏi nhà tù: “Muốn có tự do phải chấp nhận hy sinh”.

Nhưng trong phiên toà hôm nay, cũng có người đứng ngay bên cạnh các anh, đã làm bao trái tim xúc động: anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Khi Toà tuyên án Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, tôi chỉ còn biết gầm lên: một lũ quan toà mất dạy và khốn nạn. Hay là lịch lãm hơn, xin phép bạn đọc, tôi sẽ mượn từ ngữ của nhà thơ Giang Nam đã dành cho Toà án của chính quyền Sài Gòn trong phiên toà xử Võ Thị Thắng vào năm 1968, để nhổ vào mặt quan toà cộng sản hôm nay: “Một lũ quan toà mặt ngựa đầu trâu”!

.

Chờ phiên toà phúc thẩm ngày 11/05, tôi đã không mong đợi và hy vọng gì ở Toá án cộng sản. Tôi biết rất rõ ngành tư pháp cộng sản bôi bác và đểu cáng ra sao. Tôi biết chắc họ sẽ không tha anh, sẽ không nhân nhượng một chút nào. Họ sẽ tỏ ra cho anh biết họ là ai và sẵn dịp dằn mặt tất những ai dám đương đầu. Bản mặt của họ là vậy. Dã tâm của họ là vậy. Mục tiêu của họ là vậy!

.

Cho nên, Trần Huỳnh Duy Thức ơi, anh thấy không, họ cũng om sòm biểu diễn một phiên toà có luật sư biện hộ, cũng cho anh được nói, được phản biện… Nhưng anh thấy không, mọi luận chứng cứng rắn của anh về việc thiếu cơ sở áp đặt tội “lật đổ chính quyền”, đề nghị đối chứng với Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát – quan toà đã bỏ ngoài tai hết. Bản án của anh đã để sẵn trên mặt bàn. Mọi thứ chỉ là trò đùa, một màn hài kịch tởm lợm.

.

Anh không có tội gì cả! Trước dư luận yêu chuộng tự do và công lý trên toàn thế giới, trước các Tổ chức nhân quyền quốc tế, trước hàng triệu người Việt có lương tri.

Trần Huỳnh Duy Thức! Anh đừng sợ! Cuộc dấn thân nào cũng phải trả giá và sẽ được tri ân bởi dân tộc. Thậm chí nếu phải chết, anh sẽ là bất tử. Sự tiếp diễn của con người anh trong cuộc sống này chính là niềm tự hào về lòng dũng cảm và yêu nước của gia đình, của con cháu anh, của bạn bè và các thế hệ tương lai. Di sản của anh sẽ vĩnh cửu. Không phải ai xuống mồ cũng có được điều đó. Tiền bạc nhiều đến đâu cũng không mua được điều đó!

.

Khi tôi còn là học sinh, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tôi đã cắt hình Võ Thị Thắng kẹp vào sách giáo khoa. Tấm hình mà nhà báo Nhật đã chớp được Võ Thị Thắng trước phiên toà. Nụ cười chiến thắng của một nữ sinh trẻ đẹp.

Lúc bấy giờ, cả bộ máy tuyên truyền của miền Bắc đã vận hết công suất lên án phiên toà Sài Gòn hôm ấy.

Với tội “phản nghịch”, “phá rối trị an”, “cố sát”, thái độ ngoan cố, Toà án Sài Gòn đã xử Võ Thị Thắng 20 năm tù khổ sai.

Có thể sự so sánh sẽ khập khiễng, nhưng tôi cay đắng trong cảm tưởng rằng, phiên toà hôm nay ở thành phố đã được đổi thành tên Hồ Chí Minh có cái gì đó giống với phiên toà của Sài Gòn năm 1968 mà chính chế độ cộng sản miền Bắc đã to mồm phỉ báng.

Báo chí thuật lại rằng, sau khi nghị án, quan toà nói với Võ Thị Thắng: “Vậy là cuộc đời cô nữ sinh kể từ đây chôn vùi trong khám tối”.

Anh Trần Huỳnh Duy Thức ơi, anh biết Võ Thị Thắng đã trả lời như thế nào không?

- “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?” – Võ Thị Thắng đanh thép vặn lại.

Và chế độ Sài Gòn đã không có cơ hội để giam Võ Thị Thắng đến mãn hạn tù!

Hôm nay anh hãy nói thật lớn cho chế độ cộng sản nghe thấy: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 16 năm để cầm tù tôi hay không?”.

Xin xiết chặt tay anh!

Ngày 11/05/2010

.

.

.

No comments: