Friday, May 14, 2010

NGA, TRUNG QUỐC, VIỆT NAM, MỘT THỜI ANH EM MỘT THỜI THAM NHŨNG

Nga, Trung quốc, Việt Nam một thời anh em, một thời tham nhũng

Lê Diễn Đức

Tháng Năm 14, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/05/14/nga-trung-qu%e1%bb%91c-vi%e1%bb%87t-nam-m%e1%bb%99t-th%e1%bb%9di-anh-em-m%e1%bb%99t-th%e1%bb%9di-tham-nhung/

Đọc bài “Hơn nửa số người Nga nói hối lộ giải quyết được các vấn đề” trên Tuần báo “Newsweek” ngày 13/05/2010, tôi liền xem lại bản phúc trình hàng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Tranparency International) về chỉ số tham nhũng của các nước trên thế giới.

.

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy rằng, mức độ tham nhũng của mỗi quốc gia tỷ lệ thuận chặt chẽ nhất với mức độ tự do báo chí trong quốc gia đó. Nơi nào báo chí truyền thông càng bị bóp nghẹt, bị kiểm duyệt càng gay gắt, nơi đó nạn tham nhũng càng hoành hành.

.

Ngoài ra, để cân đối cho việc đánh giá tham nhũng, chúng ta nên tham khảo thêm một yếu tố quan trọng khác, đó là mức độ dân chủ của mỗi quốc gia.

.

Trong bảng chỉ số tham nhũng gồm 180 nước của “Tranparency International”, Nga ở vị trí 146, Trung Quốc 79, Việt Nam 120.

.

Về mức độ dân chủ chúng ta có thể theo dõi phúc trình hàng năm của Tuần báo Anh quốc “The Economist”, tờ báo có uy tín hàng đầu thế giới (với hơn 1 triệu ấn bản cho 1 số phát hành). “The Economist” lấy 10 điểm cho mức độ dân chủ cao nhất và chia làm 3 loại:

1Dân chủ toàn diện (Full Democracy);

2Dân chủ chưa hoàn mỹ (Flawed democracy);

3Chế độ còn lai tạp (Hybrid regime);

4Chế độ chuyên chế, độc tài (Authoritarian regime).

Trong năm 2008, có 30 quốc gia thuộc nhóm “Dân chủ toàn diện”, chiếm 18% số nước trên thế giới và 14,4% dân số thế giới. Nhóm “Dân chủ chưa hoàn mỹ” có 50 quốc gia, chiếm 29,9% số nước trên thế giới và 35,5% dân số thế giới. Nhóm “ Chế độ còn lai tạp” có 36 quốc gia, chiếm 21,6% số nước trên thế giới và 15,2% dân số thế giới. Nhóm “ Chế độ chuyên chế, độc tài- có 51 quốc gia, chiếm 30,5% số nước trên thế giới và 34,9% dân số thế giới.

.

Trong bảng 167 quốc gia, 10 quốc gia dẫn đầu về mức độ dân chủ (năm 2008) theo thứ tự là: 1. Sweden (9,88 điểm), 2. Norway (9,68), 3. Iceland (9,65), 4. Netherlands (9,53), 5. Denmark (9,52), 6. Finland (9,25), 7. New Zealand (9,19), 8. Switzerland (9,15), 9. Luxembourg (9,10), 10. Australia (9,09).

.

Trong các chế độ chuyên chế, những nước mà chúng ta thường quan tâm nhất thì: Nga hạng 107 với 4,48 điểm, Trung Quốc hạng 136 với 3,04 điểm và Việt Nam hạng 149 với 2,53 điểm.

.

Báo chí tự do là một trong những công cụ xã hội quan trọng góp phần ngăn chặn tham nhũng hiệu quả nhất. Tất cả các chế độ chính trị độc tài, chuyên chế sợ nhất báo chí tự do, một Quyền lực thứ Tư của xã hội sau ba quyền Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp.

.

Trong năm vừa qua, bản phúc trình 2009 của tổ chức “Freedom House” xếp Việt Nam vào 5 quốc gia bóp nghẹt báo chí tự do nhất thế giới, hạng 83, kém Nga chút đỉnh với hạng 80, nhưng nhích hơn chút chút Trung Quốc hạng 85. Tức là cùng hội cùng thuyền, có lẽ xuất phát từ gốc gác anh em một thời trong khối xã hội chủ nghĩa.

.

Vấn nạn tham nhũng của chế độ cộng sản Việt Nam và của đàn anh Trung Nam Hải hiện nay đã được nói đến rất nhiều trên báo chí với những điểm tương đồng của hai kẻ ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Tuy nhiên, khi cần phải lấy dê tế thần để dẹp yên phản ứng của dư luận, Trung Quốc thẳng tay hơn Việt Nam và Nga. Một số quan chức địa phương ở Trung quốc đã lãnh án tử hình. Rất có thể vì điều này mà Trung Quốc được xếp hạng tham nhũng đỡ tệ hơn Nga và Việt Nam chăng?

.

Ờ nước Nga, tiếp tục di sản của Liên Xô từ năm 1991, mặc dù xu hướng có vẻ tiến tới dân chủ nhưng các định chế nhà nước còn rất nhiều vấn đề không phù hợp với các tiêu chuẩn dân chủ phổ quát, nhất là từ khi Vladimir Puin lên nắm giữ quyền lực, có tham vọng phục hồi đế chế Xô Viết. Kremlin đã tái quốc hữu hoá các cơ quan truyền thông và nhiều tập đoàn kinh doanh tư nhân.

Trong bộ máy quản lý đất nước cao nhất, hơn 70% số người nắm vai trò chủ chốt có liên hệ với an ninh Xô Viết (KGB). Tâm lý xin-cho và được ban ơn huệ truyền thống từ thời cộng sản vẫn ngự trị năng nề. Do đó, vấn nạn tham nhũng đang là căn bệnh tàn phá sự phát triển mà nhiều lần Tổng thống Nga Dmitry Mevedev đã đề cập công khai trong các tuyên bố của mình.

.

Tuần báo “Newsweek” hôm thứ Năm ngày 13/05/2010 đã đưa tin về cuộc thăm dò xã hội mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Leveda của Nga. Theo Trung tâm Leveda, 55% người Nga tin rằng, việc đưa hối lộ cho các quan chức là cách tốt nhất để “giải quyết vấn đề”.

Trung tâm nghiên cứu tiết lộ rằng, người Nga vẫn phải trả tiền hối lộ cho chăm sóc y tế tốt hơn, họ thích “mua” bằng lái xe hơn là đi thi hợp pháp, họ hối lộ cho công an khi bị giữ vì vi phạm quy tắc giao thông và cùng cách đó “chạy” cho con cái không phải đi nghĩa vụ quân sự, hoặc được nhận vào một trường học tốt hơn. Thậm chí đến 10% số người được hỏi thừa nhận rằng, họ đã phải hối lộ để có đất chôn người thân bị chết; 10% khác cho rằng, những quan chức tham nhũng là những tên lưu manh và tội phạm, trong khi 30% những người bình thường đã không có cách nào khác để giải quyết các vấn đề của họ.

Thế mới biết tác hại của cơ chế nhà nước phi dân chủ và chế độ độc quyền, đặc lợi của hệ thống cộng sản đã tác động tiêu cực lên tâm lý, suy nghĩ và hành động của người dân khủng khiếp như thế nào.

.

Từ đầu năm 1990 đến nay, các nước cựu cộng sản chuyển hoá sang dân chủ tự do tuy đã thực thi tự do báo chí như: Estonia (hạng 15), Czech Republic (18), Lithuania (18), Hungary (21), Latvia (23), Slovakia (22), Poland (24), Slovenia (24), nhưng tâm lý và cách giao tiếp, ứng xử của thời kỳ cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại, mặc dù mức độ ngày mỗi giảm dần.

Những chuyển biến tích cực của các quốc gia này nhìn thấy rõ rệt trong 20 năm qua. Các chỉ số tham nhũng của họ nằm rất xa trước Trung Quốc, Nga và Việt Nam: Estonia (27), Slovenia (27), Hungary (46), Poland (49), Czech Republic ( 52), Lithuania (52), Latvia (56), Slovakia (56).

Riêng Cộng hoà Dân chủ Đức may mắn được sát nhập vào Tây Đức, một cường quốc kinh tế và dân chủ. CH Liên bang Đức luôn đứng trong Top 20 các nước trên thế giới về mức độ trong sạch (hạng 14 năm 2009) và tự do báo chí (hạng 13 năm 2010).

Bản đồ 2009: Xanh, Xanh lá mạ là mức cao trong sạch. Đỏ máu tới Đỏ đậm, Huyết dụ chỉ mức tham nhũng càng cao. http://ledienduc.files.wordpress.com/2010/05/800px-world_map_index_of_perception_of_corruption_2009-svg.png?w=455&h=230

Nguồn: PAP/Newsweek 13/05/2010.

.
* Bạn đọc có thể tham khảo thêm:
1) Chỉ số tham nhũng năm 2009 của “Tranparency International” tại link:
http://en.wikipedia.org/wiki/Corruption_Perceptions_Index
2) Chỉ số tự do báo chí 2010 của “Freedom House” tại link: http://en.wikipedia.org/wiki/Freedom_of_the_Press_%28report%29
3) Chỉ số về mức độ dân chủ của “The Economist” cho năm 2008 tại link: http://en.wikipedia.org/wiki/Democracy_Index

.

.

.

No comments: