Monday, May 3, 2010

NGA CÔNG KHAI TƯ LIỆU VỤ THẢM SÁT KATYN

Bọc giẻ và cái kim…

http://www.danchimviet.com/archives/8029

10 giờ 20 phút ngày 29.04.2010, mạng VNexpress đưa bài viết có tựa đề: “Nga công khai tư liệu vụ thảm sát Katyn”. Trong đó có đoạn văn thật ấn tượng:

Reuters cho hay: Phòng lưu trữ liên bang Nga hôm qua công bố trên trang web những bức ảnh chụp lại một số tài liệu liên quan đến vụ thảm sát (Katyn). Trong số này có công hàm ngày 5/3/1940 của Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Lavrenty Beria ra lệnh xử tử “những người Ba Lan theo chủ nghĩa dân tộc, phản cách mạng”. Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và ba thành viên bộ chính trị ký…“.

Tôi đã nghe nói đến sự kiện này tư mươi năm trước nhưng cơ quan truyền thông Nga phủ nhận, đổ tội cho vụ tàn sát 22.000 chiến sĩ – sĩ quan ưu tú của nhân dân Ba lan ở khu rừng Katyn gần Smolenke (thuộc Liên bang Nga, giáp biên giới Ba Lan) – là do “Bọn phát xít Hitler gây ra”, trong khi truyền thông Ba Lan khẳng định – được các báo tiếng Việt đưa lại : “…do Stalin kí lệnh hành quyết họ”.

Nghe cả hai phía Nga, Ba Lan – kẻ buộc tôi, người chối tôi, tôi đâm bán tin bán nghi, tự hỏi:

- Tin do báo chí Ba Lan đưa có phải là sự thật không?

- Nếu đúng, vì sao J.Stalin và đồ đệ của mình lại đan tâm tàn sát dã man những người đang đứng trên cùng chiến tuyến chống Phát xít Hitler?

Câu hỏi không thể nào lí giải nổi!

Bên cạnh đó, mỗi dịp kỉ niệm ngày 9.5. 1945 (Đức đầu hàng) hoặc 7.11 – kỉ niệm cách mạng Nga – báo chí của ta, chỗ này, chỗ kia, lúc này lúc khác có những bài “ngầm” bào chữa, hoặc gián tiếp ca ngợi ông “Xít…”.

Bây giờ, mọi việc đã rõ ràng sáng tỏ, sự nghi ngờ của tôi được giải toả, nhưng lại phát sinh câu hỏi mới, khi nhớ lại sự kiện do các nguồn tin không chính thức đề cập; Hồi cuối những năm 50, thế kỉ trước: Đột nhiên Bộ trưởng bộ nội vụ Liên Xô – L. Beria bị mất tích (?…), cho tới nay, vụ mất tích của ông ta vẫn chưa được nguồn tin nào làm rõ.

Đồng thời, cũng nhớ lại nội dung hai tác phẩm nổi tiếng của M. Solokhov Đất vỡ Hoang và Sông Đông Êm Đềm – đã đọc hồi còn là sinh viên, trong đó, tác gỉa kể lại chuyện Hồng quân LX thời kì đầu khi cách mạng tháng 10 Nga mới thành công, phải chiến đấu với bọn “Bạch vệ Ba Lan” đã cùng các phần tử phản cách mạng Nga điên cuồng chống lại chính quyền Xô viết. Xâu chuỗi lại các sự kiện thu nhận được qua sách báo, có thể lí giải về hiện tượng Katyn như thế này chăng:

Trong lịch sử cận đại của hai nước Nga – Ba Lan , đã có những “cấn đọng” về bang giao. Ba Lan từng mang quân sang đánh phá, quấy rối nước Nga Sa hoàng. Đầu thế kỉ 20 khi cách mạng tháng 10 Nga thành công (1917), “Bọn Bạch vệ Ba Lan” tiếp tục lặp lại con đường chống phá nước Nga mới.

Còn một lí do chủ yếu khác nữa mới được tiết lộ: Đức phát xít đã kí hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau với LX, Đức lợi dụng các điều khoản của hiệp ước này mặc cả, mượn tay LX tiêu diệt Nghĩa quân Ba Lan – lực lượng đáng gờm khi Đức muốn thôn tính Ba Lan nhanh chóng , làm bàn đạp mở rộng chiến tranh sang phía đông. Vì lợi ích cục bộ, và có thể cũng muốn “trả thù” – thanh toán món nợ trong qúa khứ, diệt trừ hậu hoại trong tương lai, người đứng đầu Đảng và Chính phủ LX thời đó – J. Stalin – đã thực hiện thoả ước “ngầm” với Đức quốc xã, hi vọng Đức không tấn công đất nước mình để có thêm thời gian chuẩn bị chiến tranh (thời điểm vụ tàn sát Katyn tháng 3.1940). Cuối cùng thảm họa Katyn đã diễn ra!

Khi đã thanh toán xong Ban Lan, Phát xít Đức bội ước: Đêm 22.6.1941 – lặng lẽ tấn công LX. Cuốn sách – Bộ tổng tham mưu Xô viết trong chiến tranh của đại tướng Stê men cô (khi đó làm cục trưởng cục tác chiến trong BTTM) , ngoài việc ca ngợi quân đội và Nguyên soái Stalin – đã viết tỉ mỉ bào chữa cho sự “mất cảnh gíac” – để Đức tấn công bất ngờ…

Nếu đọc lại cả cuốn : Suy nghĩ và nhớ lại của Nguyên soái Giu cốp nữa, chúng ta nhận ra: Hai viên tướng này là những người gần gũi, gắn bó với J.Stalin. Từ sau khi “vụ Katyn” kết thúc, không thấy 2 tác giả đả động, nói gì về sự kiện này trong tác phẩm dầy hàng nghìn trang của 2 người , chỉ thấy toát lên niềm cảm phục và ca ngợi “Đại” Nguyên soái của mình, mặc dù cả 2 ông với cương vị đang giữ trong quân đội, rất có thể họ tham gia tổ chức, thực hiện chỉ thị của thượng cấp: Tàn sát 22.000 sĩ quan, binh lính Ba Lan (số liệu của BL đưa ra)! Có thể bị sức ép về tổ chức, đảm bảo uy tín cho Đảng CSLX và Nguyên soái Stalin… nên họ đành lảng tránh, im lặng! (sau khi kết thúc chiến tranh, Giu cốp giữ chức Bộ trưởng quốc phòng LX, còn Stê men cô là Tổng tham mưu trưởng).

Tôi lại có một câu hỏi khác nữa: Vì sao, lúc này – khi sự kiện TT Ba Lan cùng đoàn tùy tùng 95 người tử nạn trong vụ rơi máy bay – Tổng thống D. Medvedev lại có thể “dám” bạch hóa – công khai vấn đề tối quan trọng, có ảnh hưởng đến uy tín của nước Nga Xô viết và người hùng – hình tượng một thời đã được nhân dân LX tôn kính, hiện vẫn đang được nhiều thế lực “ngầm” phản đối việc công bố tư liệu này, sợ sẽ tiêu hủy uy tín của J. Stalin – người được xem là “anh hùng số 1″ trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô!

Lại nữa: Trong cuộc biểu tình, tuần hành hôm 1.5 vừa qua trên quảng trường (đỏ), có rất nhiều cờ đỏ, biểu ngữ ghi ngày sinh của V.Lenin và J. Stalin, tuồng như nhóm người này vẫn khẳng định thành qủa của học thuyết, đường lối do Lénin sáng lập, uy tín của Stalin với nhân dân Nga!

Tổng thống D. Medvedeb đi nhanh hơn một bước trước các đối thủ, bằng cách: Ngày 28 tháng 4 – trước 1.5 – 3 ngày, công bố tư liệu xác thực về vụ Katyn cho nhân dân Nga biết rõ về hành động tội ác của người đứng đầu LX tay dính đầy máu – là có thực! Phải chăng, đây là đòn đánh “’dập đầu”’ thế lực vẫn muốn bào chữa cho tội ác của J. Stalin hòng đưa đảng CS Nga tham gia chính trường Nga, quay trở về vị trí lãnh đạo?

Dù dưới bất cứ mục đích nào, hành động của Tổng thống D. Medvedev cũng thật đáng kính, đáng biểu dương vì đã thể hiện lòng dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật cho dù sự thật đau lòng! Đó còn là nghĩa cử cao đẹp của thế hệ trẻ của nước Nga đối với lỗi lầm trong quá khứ của cha ông mình.

Hành động tích cực đó thực sự đầy thiện chí “hòa giải, hoà hợp” nhằm hàn gắn đổ vỡ với người bạn láng giềng, bấy lâu nay vẫn để sự kiện Katyn dày vò trong lòng, nuôi chí hận thù truyền kiếp…

D.Medvedev đã làm vơi đi, đến xóa bỏ nỗi căm thù của nhân dân Ba Lan, nhất là dòng giống, thân nhân những người đã bị giết hại bởi bàn tay của kẻ “tiểu nhân” mà vì lòng hẹp hòi, ích kỉ dân tộc đến cực đoan, che lấp lương tri, bất chấp đạo lí, đạo nghĩa, không còn nhân tính của con người chân chính, trong cư xử, quan hệ. Nó bộc lộ lòng dạ xấu xa của kẻ cầm quyền , núp dưới danh hiệu “Bảo vệ quyền lợi tổ quốc” , đi đến hành động của những kẻ sát nhân, diệt chủng !

Ông D.Medvedev đang lấy lại thăng bằng trong quan hệ của nhân dân và hai chính phủ Nga – Ba Lan.

Một điều khiến tôi cảm phục nữa: Khi mà Việt Nam vẫn đang dương cao ngọn cờ “Chủ nghĩa xã hội”, tuyên truyền rầm rộ cho ngày 30.4, khoét sâu cái hố thù hận (chứ không hề có tinh thần hòa giải), tác gỉa Hải Minh và Báo mạng vnexpress.net đã đưa tin này kịp thời (1) . Bài viết đã chính thức đào mồ chôn hình tượng J . Stalin mà ở Việt Nam một số người vẫn cố chấp tôn sùng danh hiệu cùng mô hình XHCN do Stalin thừa kế rồi bổ sung, được thực hiện ở LX suốt 66 năm (kể từ khi V.Lenin chết – 1924), Việt Nam trong thời gian dài rập khuôn, làm theo…

Đọc thông tin của Hải Minh cung cấp, liệu những nhà lí luân, tuyên huấn, nhà báo của chúng ta có thấy “đỏ mặt” vì đã viết bài bào chữa cho một đao phủ giết người hàng loạt? Cũng như đã từng ca ngợi đại hội Đảng CS Đông Đức do E.Honecker lãnh đạo – khi họ họp đại hội . Mấy tuần sau DDR sụp đổ, đảng cộng sản Đông Đức tiêu vong (1990) , Tổng bí thư Đảng bị đưa ra tòa vì tôi “dung túng” cho thuộc hạ giết hại gần 150 người dân lành vượt bức tường Berlin từ Đông sang tị nạn bên Tây Berlin. Nhưng chính phủ và nhân dân Đức đã “bỏ qua hận thù” tha cho ông ta và trục xuất khỏi quê cha đất tổ, đến sống và chết bên tận nam Mĩ…

Điều quan trọng nhất: Qua thông tin này, nhân dân ta đã biết cụ thể, tường tận – J. Stalin là ai? Cái chủ nghĩa mà ông ta thừa hưởng từ người tiền nhiệm V. Lenin, rồi bằng trình độ, kiến thức của một học sinh chủng viện nhà dòng, nghe các quân sư xáo xào, vẽ ra học thuyết Xã Hội Chủ Nghĩa để nhân dân LX gánh chịu trong suốt 67 năm (1991 – 1924) , kết quả là đói nghèo, thiếu thốn, tụt hậu rồi hạ màn – hạ cờ (2) – tiêu vong vào đêm 25.12.1991…

Tôi lại nghĩ về câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“… Thương cha thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương ông thương mười…”

Tác gỉa viết bài thơ này khi nghe tin J.Stalin vừa mất (1953). Chúng ta không nên trách Tố Hữu. Bởi vì theo trào lưu của thời bấy giờ, ca tụng vị ’’Đại’’ Nguyên soái đã trực tiếp “bẻ gẫy cổ gã thợ Sơn (Hitler)” – là tất nhiên: Chẳng những ông TH mà tất cả những người cộng sản trên thế giới đều dành cho “đồng chí nguyên Tổng bí thư Quốc tế công sản thứ 3″ – những tình cảm kính trọng, chân thành, thắm thiết…

Nhưng có ai ngờ : Hôm nay – Cái mặt (bề ngoài) và con Tim (bên trong) lại khác xa nhau đến thế ?

Dân ta có câu thành ngữ:

“Cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng (lòi) ra“.

Bọc giẻ (vải vụn, cũ nát) bọc cây kim nhọn, dưới sức éo, cọ sát bên ngoài, mũi kim tòi ra đâm vào da thịt kẻ giữ kim!

Còn dân Trung Hoa có câu thành ngữ khác:

“Giấy không thể gói được lửa”.

Chưa cần tác động nào từ bên ngoài kích thích, Lửa đã bùng lên, đốt cháy cuộn giấy rồi!

Sự thật – Lịch sử dù có bị bưng bít, che chắn đến thế nào, cuối cùng cũng sẽ được phơi ra ánh sáng.

Chỉ là sớm muộn mà thôi!

© Trương Đạm Thủy
© Đàn Chim Việt Online

———————————————————————–

(1) – Bài viết này đi trên mạng vnexpress.net lúc 10 giờ 20 sáng hôm 29.4.2010. Sáng 30.4 đã bị gỡ bỏ.

(2) – Cách mạng tháng 8 năm 1990 – khiến nhà nước Liên bang Xô viết, đảng CSLS sụp đổ. Trước lễ giáng sinh – 25.12.1991, chính phủ LB Nga (mới thành lập), chính thức làm lễ công bố trước quốc dân đồng bào: Cờ búa liềm trên đỉnh tháp điện Kremlin được hạ xuống, cờ LB Nga kéo lên thay thế!

-------------------------------

.

PHỤ LỤC:

NGA CÔNG KHAI TƯ LIỆU VỤ THẢM SÁT KATYN

(vnexpress – thứ năm -10h20 ngày 29.4.2010 GMT +7)

Matxcơva lần đầu tiên công bố những tư liệu liên quan đến vụ thảm sát hàng nghìn sĩ quan Ba Lan trong một động thái chia sẻ sau cái chết của tổng thống nước này.
>
Nga, Ba Lan gần nhau hơn qua thảm kịch

Cố tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng vợ và 94 quan chức đã tử nạn hôm 10/4 trong một tai nạn máy bay ở Smolensk, miền tây nước Nga. Đoàn quan chức đến đây để dự lễ tưởng niệm 22.000 sĩ quan Ba Lan bị mật vụ Liên Xô bắn chết năm 1940 tại cánh rừng Katyn.

Reuters cho hay Phòng lưu trữ liên bang Nga hôm qua công bố trên trang web những bức ảnh chụp lại một số tài liệu liên quan đến vụ thảm sát. Trong số này có công hàm ngày 5/3/1940 của Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Lavrenty Beria ra lệnh xử tử “những người Ba Lan theo chủ nghĩa dân tộc, phản cách mạng”. Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và ba thành viên bộ chính trị ký.

Động thái này được đánh giá là một tín hiệu nữa cho thấy căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ba Lan đang dần được giải tỏa. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mô tả hành động này là một “nghĩa vụ”.

“Hãy để mọi người thấy chúng, để họ biết ai đã ra quyết định giết những sĩ quan Ba Lan”, Tổng thống Medvedev phát biểu tại Đan Mạch hôm qua. “Tất cả đều rõ ràng trên các văn kiện. Mọi chữ ký còn đó và người ký thì ai cũng biết là ai”.

Medvedev nói thêm rằng ông đã yêu cầu giao cho Ba Lan một số tài liệu về Katyn mà Nga còn nắm giữ. Tuy nhiên, Kremlin vẫn phản đối việc Ba Lan kêu gọi gắn cuộc thảm sát Katyn với “tội ác diệt chủng”.

Trong một cuộc họp báo ở thủ đô Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hoan nghênh những phát biểu của Medvedev. “Tai nạn máy bay ở Smolensk cần sự thật, không phải lời nói… Tôi tự hỏi phía Nga có tận dụng cơ hội mà thảm kịch này đem lại để cải thiện quan hệ giữa hai nước”, ông nói thêm.

Trong nhiều thập kỷ sau Thế chiến II, Nga đổ lỗi cho phát xít Đức thực hiện vụ thảm sát Katyn. Mãi đến năm 1990, Nga mới thừa nhận trách nhiệm. Các nhà sử học, chính trị gia và gia đình những người bị giết đều đã biết đến những tư liệu mới công bố này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hầu hết người Nga có thể tiếp cận bản chụp những tài liệu gốc.

Cánh rừng Katyn nằm ở phía tây thành phố Smolensk, cách biên giới Nga-Belarus khoảng 60 km. Tại đây, người ta tìm thấy một số mộ tập thể của những nạn nhân vụ thảm sát.

Hải Minh

.

Bài liên quan:

Nga công bố tài liệu mật về vụ thảm sát Katyn

.

Biểu tình nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 tại Nga: “Putin là Stalin!” »

.

.

.

No comments: