Tuesday, May 18, 2010

MÔI TRƯỜNG BỊ ĐẦU ĐỘC VÌ LOẠN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Môi trường bị đầu độc vì loạn khai thác khoáng sản

Thứ Bẩy, 15/05/2010 - 09:48

http://dantri.com.vn/c20/s20-395936/moi-truong-bi-dau-doc-vi-loan-khai-thac-khoang-san.htm

(Dân trí) - “Đầu nguồn sông Đà đang bị tận thu vàng sa khoáng bằng hóa chất độc hại. Cá, tôm biến mất. Trong khi đó, đây là nguồn nước mà Hà Nội dùng để ăn uống, sinh hoạt”.

Đó là thông tin giật mình mà đại biểu tỉnh Lai Châu đưa ra tại buổi Hội thảo trực tuyến xin ý kiến các địa phương về Dự thảo Luật khoáng sản sửa đổi (lần thứ 6) do Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tổ chức ngày 14/5.

Đại biểu Lai Châu khẳng định, tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi đang gây bức xúc vì những tác hại khôn lường ở nhiều nơi. Thực tế đã diễn ra, hễ địa phương nào có khoáng sản, môi trường xuống cấp cực nhanh. Trong khi kinh tế địa phương đó càng nghèo đi thì lại có những thứ phát triển rất nhanh, đó là hàng loạt tệ nạn xã hội như: mại dâm, ma túy, HIV…

Đại biểu này cho rằng, điều cần thiết là Luật khoáng sản phải làm rõ quyền và trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý và khai thác khoáng sản.

Về vấn đề này, đại biểu TPHCM cũng đưa ra bức xúc: hiện nước ta đang rơi vào tình trạng cấp phép và khai thác khoáng sản bừa bãi. Xin cấp phép dễ nên khắp nơi người dân đổ xô đi khai thác tài nguyên thô rồi đem bán giá rẻ ra nước ngoài hoặc sử dụng tài nguyên cực kỳ lãng phí, không có hiệu quả, do phát triển kỹ thuật trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu trong xử lý tài nguyên dạng này.

“Nên nhớ rằng tài nguyên khoáng sản như của để dành. Nếu thế hệ này khai thác cạn kiệt thì thế hệ sau chẳng còn gì để sử dụng. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ nên hay không việc bán “lúa non” ào ào như hiện nay”- đại biểu TPHCM chia sẻ.

Đại biểu Tây Ninh cho rằng, đây đã là lần thứ 6 dự thảo về Luật khoáng sản được đưa ra mà vẫn gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, điều cốt lõi phải thể hiện rõ trong Luật là việc quy hoạch tốt quá trình khai thác khoáng sản. Trên thực tế, hiện việc cấp phép khai thác khoáng sản do nhiều bộ ngành cùng nắm giữ. Chính vì vậy, tình trạng ào ào cấp phép, vội vã khai thác khoáng sản thô đem bán xổi đang hoành hành, phá nát cảnh quan thiên nhiên ở nhiều địa phương.

Đại biểu Tây Ninh nhất trí với ý kiến của nhiều địa phương cho rằng, cần thu hồi quyền quản lý và cấp phép tài nguyên khoáng sản về một đầu mối là Bộ TN-MT. Theo đó, Bộ này có thể tham khảo thêm ý kiến và kinh nghiệm của những đơn vị liên quan khác để việc quản lý hoàn thiện, rõ ràng hơn. Chỉ cần sử dụng một loại cấp phép là đấu giá quyền sử dụng và khai thác khoáng sản. Tất nhiên, trước đó, Bộ TN-MT phải xác định được giá trị nguồn khoáng sản để Nhà nước dựa vào đó thu phí (kiểu giao mỏ có thu tiền).

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo đưa thêm ý kiến, hiện trong Luật vẫn chưa có quy định về thuế khoáng sản (thuế khai thác, thuế tài nguyên, môi trường). Đại diện một số địa phương cho rằng, nếu là nguồn thu thuế từ đất thì địa phương phải được hưởng 100%. Cùng đó, luật phải quy định rõ trách nhiệm của đơn vị khai thác phải trình kế hoạch bảo vệ môi trường, hoàn nguyên sau khi khác thác…

Một thực tế khác, tình trạng đơn vị này xin cấp phép khai thác khoáng sản rồi bán lại quyền cho doanh nghiệp khác cũng là một trong những nguyên nhâ dẫn tới cảnh loạn khai thác như hiện nay. Vì vậy, các đại biểu cùng cho rằng trong luật phải quy định mức thuế cao trong việc sang nhượng quyền khai thác…

Phạm Thanh

.

.

Nạn khai thác cát “mài mòn” dòng sông Hương di sản

.

.

.

No comments: