Sunday, May 2, 2010

LỄ VINH DANH NGƯỜI VIỆT TỰ DO TRÊN HÀNG KHÔNG MẪU HẠM MIDWAY

Lễ vinh danh người Việt tự do trên Hàng không Mẫu hạm Midway

Việt Long, phóng viên RFA

2010-05-02

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Ceremony-on-uss-midway-vlong-05012010125554.html

Môt buổi lễ long trọng đánh dấu 35 năm ngày 3073 người Việt Nam được di tản từ Sài Gòn ra hàng không mẫu hạm Midway được tổ chức đúng ngày 30 tháng tư năm 2010.

Việt-Long tường trình từ San Diego, California.

.

Hàng không mẫu hạm Midway chiếm hẳn một khoảng trời rộng lớn khi người ta đi bộ trên bờ vịnh San Diego sát bên chiếc tàu neo đậu, và nhìn lên con tàu khổng lồ này. Chiếc tàu từng tung hoành trên Thái Bình Dương nay trở thành một viện bảo tàng của hải quân Mỹ, hôm nay là nơi tổ chức lễ vinh danh tự do cho 3073 người Việt Nam được trực thăng Mỹ đưa từ Sài Gòn ra, đáp trên boong chiếc chiến hạm cách nay đúng 35 năm trước. Họ là những người may mắn nhất trong đợt di tản đầu tiên của những người Việt Nam đầu tiên hình thành cộng đồng Việt Nam hải ngoại 3 triệu người hôm nay.

.

Ý nghĩa buổi lễ

11 giờ sáng 30 tháng tư 2010, khoảng 2000 người đã có mặt trên boong tàu Midway, xem xét và quan sát những phi cơ đủ loại, từ trực thăng đến phản lực chiến đấu, được trưng bày nơi đây, trong tiếng hát tập dượt của ban hợp xướng Ngàn Khơi trong khi chờ giờ khai mạc đúng 12 giờ trưa.

Chúng tôi hỏi chuyện trưởng ban tổ chức buổi lễ hôm nay, quản trị viên Scott McGaugh của viện bảo tàng nổi Midway. Ông nói về ý nghĩa buổi lễ hôm 30 tháng tư năm nay:

“Hôm nay 30 tháng tư là một ngày đầy vinh dự, ngày tưởng nhớ, ngày tôn kính không những đối với cộng đồng Việt Nam mà cả người Hoa Kỳ, đặc biệt là thủy thủ đoàn của chiếc HKMH Midway với chiến dich Frequent Wind, Liên Phong. Đó cũng là một ngày giống như ngày Quốc Khánh, ngày Cựu Chiến Binh, ngày Chiến Sĩ Trận Vong… mà ta có mặt nơi đây để vinh danh những người Việt Nam mà nay đã trở thành những công dân Hoa Kỳ.”

Người Mỹ nghĩ gì về cuộc di tản của người Việt Nam hôm 30 tháng tư 1975:

“Những ý tưởng đau buồn khi hằng chục ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình cho tự do của Việt Nam nhưng không thành công, đối với thủy thủ đoàn của tàu Midway thì vào cuối ngày ấy khi họ đã cố gắng hết sức nhưng biết phải bỏ lại và không thể di tản tất cả mọi người. Tôi nói chuyện với các thủy thủ ấy và họ hết sức đau lòng. Đó là một ngày mất mát nhưng đồng thời cũng là ngày mở ra một cơ hội tốt đẹp cho nhiều người Việt Nam”.

Hỏi ông cho rằng cảm nghĩ của người Mỹ ra sao đối với sự hiện hữu của một cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ và trên thế giới, quản trị viên Scott Mc Gaugh nói:

“Trong những ngày chuẩn bị cho ngày lễ hội hôm nay, tôi phải ngạc nhiên khi thấy nhiều người Mỹ tình nguyện giúp, phát xuất từ sự tôn trọng đối với những người Việt Nam đã đến xứ sở này, trở thành một phần của cộng đồng Hoa Kỳ trên khắp xứ sở này. Hôm nay sẽ có những viên chức lãnh đạo chính quyền San Diego đến đây để vinh danh những người Việt Nam đã đến Mỹ để làm giàu thêm cho hình ảnh của cộng đồng Hoa Kỳ trên khắp xứ sở này.”

Một người Mỹ khác, một cựu thủy thủ của HKMH Midway cho biết ông làm việc cật lực suốt đêm 29 và ngày 30 để giúp người Việt di tản khỏi Sài Gòn. Một ngày vất vả chưa từng thấy, nhưng ông rất hãnh diện về những điều ông và chiếc chiến hạm Midway đã làm ngày hôm đó.

Người Mỹ này tự giới thiệu là cựu trung tá chỉ huy trưởng phòng kiểm báo không lưu HKMH Midway Vern Jumper. Nhắc đến cộng đồng người Việt tại Mỹ, ông nói đó là những người Mỹ chăm chỉ, chịu khó và ông hãnh diện về họ.

.

Diễn tiến buổi lễ

12 giờ. Lễ khai mạc với nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ, hai bài quốc thiều được trình tấu do ban nhạc diễn hành của hai trường trung học ở quận Cam đông học sinh Việt Nam nhất trên đất Mỹ, Bolsa Grande và La Quinta. Lần đầu tiên lá cờ Việt Nam Cộng Hòa được kéo lên song song với lá quốc kỳ Hoa Kỳ phất phới trên ngọn cao chót vót của chiếc HKMH.

Giám đốc viện bảo tàng nổi Midway bày tỏ lòng hân hoan được đón tiếp các cựu chiến binh phục vụ trên chiến hạm Midway vào ngày này 35 năm trước cũng một số người Việt có mặt trong đoàn người di tản vào hôm ấy. Giới lãnh đạo chính quyền thành phố San Diego ca ngợi tinh thần tìm tự do của người Việt Nam từ năm 1975 cho đến nhiều năm sau này. Giám sát viên San Diego tuyên bố Hội đồng thành phố chấp thuận ngày 30 tháng tư là Ngày Tự do của San Diego.

Cựu hạm trưởng HKMH Midway, đô đốc hồi hưu Larry Chambers được hoan hô nhiệt liệt khi lên diễn đàn.

Ông nói đối diện với 4000 người Việt nơi đây còn gay go hơn là chỉ huy hằng ngàn quân nhân trẻ tuổi của chiến hạm Midway 35 năm về trước. Ông tỏ ra xúc động khi nhắc lại ngày 30 tháng tư năm ấy, qua bài diễn từ được MC Thụy Trinh lược dịch.

Bài nói chuyện được hoan nghênh nhiều nhất là của cựu thiếu tá không quân Lý Bửng, người lái một chiếc máy bay quan sát cổ lỗ chở vợ và 5 con từ Côn Sơn bay đại ra biển Đông tìm đường lánh nạn.

Ông nói lúc cất cánh được chừng nửa giờ thì thấy nhiều trực thăng bay từ đất liền ra cùng một hướng. Ông bay tới hướng đó thì thấy HKMH Midway. Máy bay của ông không có máy liên lạc, ông chớp đèn cánh xin đáp nhưng tàu chớp đèn đỏ từ chối. Ông lượn sát boong tàu ném giấy buộc vào dao, vào cây sắt ba lần đều bị văng xuống biển, lần thứ tư buộc điệp văn vào súng ngắn ném xuống, cho biết có bảy mạng người trên phi cơ, may quá thủy thủ nhặt được và hai phút sau họ dọn dẹp boong tàu và chớp đèn xanh cho đáp. Ông đáp xuống thành công, đang sợ mất luôn bằng lái máy bay sau khi đã mất nước thì lại được gắn bằng phi công hải quân Mỹ, dành cho những phi công lái máy bay của hàng không mẫu hạm.

.

Chúng tôi vẫn không quên

Trong tiếng hát của ban hợp xướng Ngàn Khơi, chúng tôi hỏi ý kiến chủ tịch Hiệp hội người Việt San Diego, bác sĩ Lê Thế Dũng, một người di tản ra tàu Midway hôm 30 tháng tư năm ấy, về ý nghĩa buổi lễ trên tàu này, ông nói:

“Tôi là Bác sĩ Lê Thế Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Người Việt San Diego. Buổi lễ hôm nay rất có ý nghĩa vì như anh thấy ở đây, đồng bào chúng ta sau 35 năm vẫn tấp nập đến tham dự buổi lễ và quan trọng hơn nữa là họ đến cầm lá cờ Việt Nam, cờ vàng ba sọc đỏ. Như vậy thái độ của họ đối với cộng sản ở nước nhà rất rõ rệt. Chúng tôi muốn mang thông điệp về cho đồng bào nước nhà là họ phải tin rằng 35 năm sau, người Việt tự do ở nước ngoài vẫn còn nhớ đến đồng bào. Lần tới chúng tôi sẽ tổ chức ngày tưởng niệm tại nước nhà.”

Một cư dân San Diego tham dự buổi lễ, ông Vũ Công Dân, cho rằng:

“Tôi thấy ngày 30 tháng 4 là ngày quan trọng trong năm, và ngày 30/4 – phải nói là 30/4 đen, là một ngày buồn tủi cho lịch sử và đất nước Việt Nam nên năm nào đến ngày 30/4 dù tổ chức ở đâu đi nữa thì tôi cũng có mặt.”

Việt Long: Thưa ông, xin cho biết ý nghĩa của buổi lễ hôm nay.

Ông Vũ Công Dân: Trong buổi lễ hôm nay, thực sự lần đầu tiên tôi thấy người Mỹ involved vào việc tổ chức ngày 30/4, và tôi nghĩ buổi lễ này, thứ nhất riêng đối với chiếc Midway này, là để tưởng nhớ hoạt động của nó trên vùng Biển Việt Nam, chứ đối với người Việt Nam thì tôi không nghĩ rằng buổi lễ này quan trọng bằng buổi lễ do người Việt Nam tổ chức riêng trong những cộng đồng Việt Nam.

Ban Hợp xướng Ngàn Khơi đã trình diễn để kết thúc buổi lễ gọi là vinh danh chiến dịch Liên Phong, vinh danh tự do của người Việt trên Hàng không Mẫu hạm Midway.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: