Monday, May 17, 2010

ĐI QUA VÙNG ĐẤT CHẾT MIỀN BIÊN VIỄN

Đi qua những « vùng đất chết » miệt biên viễn

Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên

Cập nhật lúc 05:52, Thứ Tư, 12/05/2010 (GMT+7)

http://www.vietnamnet.vn/psks/201005/Clip-1-Trang-dem-theo-ngua-tho-quang-lau-vuot-bien-909333/

Con đường dẫn vào xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng là nơi mà người ta vẫn đồn thổi là có một cung đường vận chuyển quặng lậu sang biên giới Trung Quốc. Thế nhưng, để lần tìm được con đường đó là điều không dễ đối với những người mới đến.

Lần tìm mãi nhưng vẫn không tìm được địa chỉ mà mình cần đến, chúng tôi quyết định bám theo một chiếc xe máy chở vài bao tải cáu bẩn chạy trên con đường liên huyện từ Trùng Khánh sang huyện Trà Lĩnh. Linh tính mách bảo, đó là chiếc xe chở quặng lậu đang đi tới điểm tập kết!

Vượt quãng đường dài gần 20km sang đến địa phận huyện Trà Lĩnh, chiếc xe máy rẽ theo hướng vào xã Tri Phương.

Tri Phương là xã vùng sâu – xa nhất của huyện Trà Lĩnh nằm tiếp giáp với huyện Trùng Khánh. Đây cũng là hai xã có đường biên tương đối dài, địa hình núi đá rất thuận tiện cho dân buôn quặng trái phép khai phá những đường mòn để đưa quặng lậu vượt biên

Sau khi chắc chắn Tri Phương là địa điểm “tuồn” quặng thô bằng hàng ngàn lượt ngựa mỗi đêm sang biên giới Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, chúng tôi quyết định lên phương án thâm nhập vào đường dây tải quặng bằng ngựa thồ và được biết, chừng 19h tối là thời điểm đường dây chở quặng bắt đầu hoạt động.

Địa điểm tập kết quặng có tên Nà Dốc, cách trụ sở UBND xã Tri Phương chừng hai cây số. Từ đây, quặng được đưa lên ngựa sau khi đóng vào các bao tải, mỗi bao ngót nghét một tạ. Số quặng này được các tư thương vận chuyển từ các điểm thu gom nhỏ lẻ bằng xe máy, hoặc thuê xe tải Jiulong 3 – 4 tấn chở quặng đến.

20h, có hàng chục con ngựa chờ sẵn ở các điểm tập kết quặng. Những đống quặng to như những đống đá ban ngày được phủ bạt kín, bây giờ được kéo bạt ra và người ta xúc vào bao tải. Con ngựa thồ khỏe được 4 bao, trên dưới hai tạ. Con yếu hơn chừng một tạ rưỡi. Tiền công vận chuyển chủ quặng trả cho chủ ngựa là 20 đồng (tệ) cho một tạ quặng.

Sau khi đã xếp các bao tải quặng lên lưng ngựa, đàn ngựa cứ vậy men theo con đường tiểu ngạch, cắt núi sang đổ hàng tại phía bên kia Trung Quốc. Quãng đường từ điểm tập kết quặng tại xã Tri Phương sang Trung Quốc chỉ cỡ khoảng 2-3 km.

Điều lạ lùng nhất, đấy là buổi sáng hôm sau chúng tôi quay ngược lại con đường chở quặng nhộn nhịp đêm qua mới nhận thấy cách đó không xa là trụ sở UBND xã Tri Phương, cũng nằm ở phía mặt đường.

Không hiểu, con đường vận chuyển quặng lậu bằng ngựa thồ sôi động suốt đêm, và có thể hoạt động công khai trong nhiều ngày tháng qua, chả lẽ chính quyền xã không hề biết?

Ước tính, mỗi đêm Tri Phương đưa sang biên giới hàng chục tấn quặng thô bằng đường tiểu ngạch. Vì sao con đường xuất quặng này ngang nhiên tồn tại? Nguồn quặng thô này từ đâu ra, khi Nhà nước đã có chủ trương cấm xuất quặng thô để khai thác tối đa hiệu quả kinh tế của những tài nguyên khoáng sản quý giá nhưng có hạn này...?

Câu trả lời này xin nhường cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền tỉnh Cao Bằng.

Nhóm PV Điều tra

.

.

Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày

Cập nhật lúc 06:51, Thứ Năm, 13/05/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/psks/201005/Clip-2-Cho-quang-hop-giua-ban-ngay-909572/

Có thể nói, ở xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, cơn sốt quặng đang len lỏi vào khắp các ngóc ngách, khi nhà nhà làm quặng, người người làm quặng.

Tại một hộ dân ở ngay cầu treo, cách ủy ban nhân dân xã Tri Phương một đoạn đường, một ngôi nhà ba tầng khang trang, bề thế. Nó là một hình ảnh hiếm hoi khiến chúng tôi ngạc nhiên, vì Tri Phương vẫn là một xã nghèo, người dân vẫn phải cứu đói vào những ngày giáp hạt.

Ngay tại sân, một đống bạt che kín mít những bao tải buộc đầu. Xé vài bao tải, thật bất ngờ, bên trong toàn quặng. Đây là một trong số những điểm đầu nậu thu gom quặng chờ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Dọc hai bên đường, những đống quặng thô được chất thành từng đống trong các bao tải, chứa trong các bồn xây gạch ba-vanh quây kín.

Còn đây là “chợ” thu mua quặng lậu có tên là Bãi Sàng, nằm giữa trục đường chính dẫn vào xã Tri Phương, cách UBND xã Tri Phương khoảng 2 km. “Chợ quặng” mở tại một bãi đất trống và khá bằng phẳng, nhìn tuy hoang sơ nhưng khá nghiêm ngặt.

Những cây nứa tép được rào xung quanh, dù sơ sài nhưng cũng như ngầm đánh dấu ranh giới với bên. Hai thanh niên ngồi trên xe máy “chốt” ngay lối vào. Bên phải, một dãy xe máy vài chục chiếc dựng cạnh nhau.

Các đầu nậu cả đàn ông, phụ nữ… đều nhấp nhổm chờ “quặng” từ trên núi đi xuống, hay từ các ngã đường chở quặng bằng xe máy đi vào.

Liền kề chợ quặng, mỏm núi bên cạnh cũng là “công trường” khai thác quặng lậu của người dân địa phương.

Mỏm núi lổm nhổm đá tai mèo, xen giữa màu xám xịt của đá là màu đất gan gà bị khoét thủng từ hốc núi. Phải để ý rất kỹ mới có thể nhận thấy những nhóm người đang miệt mài đào bới… Đa số là phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Với họ, việc đào quặng lậu giống như là “nghề phụ” vào những ngày nông nhàn.

Cuối ngày là thời điểm các “thợ quặng” đưa hàng từ trên núi đưa xuống, bán cho các tư thương.

Một người làm việc miệt mài, mỗi ngày họ cũng gom được 50 – đến gần 1 tạ quặng. Tính với giá xấp xỉ 3 ngàn đồng/1kg, mỗi ngày họ thu nhập được vài ba trăm ngàn đồng.

Từ điểm thu mua này, quặng sẽ được các đầu nậu vận chuyển đến các địa điểm tập kết và đến tối lại tuồn sang bán cho các tư thương Trung Quốc.

Nếu chỉ tính con số mỗi đêm, dân buôn quặng trái phép đưa sang Trung Quốc qua đường mòn biên giới của Tri Phương chỉ khoảng chục tấn quặng, thì mỗi năm, Cao Bằng đã để chảy máu một khối lượng khoáng sản khổng lồ. Đó là chưa kể đến, còn rất nhiều những đường mòn tiểu ngạch khác nằm dọc biên mà dân buôn quặng lậu luôn tìm cách “khai thông”!

Các điểm tập kết quặng và thu mua đều diễn ra công khai, giữa thanh thiên bạch nhật. Điều ấy ai cũng biết. Hình như, chỉ có chính quyền là không hay?

.

.

Clip 3: Đi qua những « vùng đất chết » miệt biên viễn

Cập nhật lúc 07:23, Thứ Sáu, 14/05/2010 (GMT+7)

http://vietnamnet.vn/psks/201005/Clip-3-Di-qua-nhung-vung-dat-chet-miet-bien-vien-909815/

Cao Bằng là tỉnh miền núi đang đau đầu nhất trong việc đối mặt giải quyết những hậu quả nghiêm trọng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tại địa phương khi hàng loạt những hậu quả về phá vỡ môi sinh, môi trường, cảnh quan – cuộc sống bị đảo lộn…

.

Những hình ảnh này được nhóm PV VietNamNet ghi tại Bản Nùng (thôn Pắc Pó, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Vùng đất này có thể gọi tên là những "vùng đất chết", bởi nó tan hoang hơn những gì mà các phương tiện thông tin đã từng phản ánh.

Và, càng khó có thể tin được rằng, trước đấy, nó là một thung lũng bằng phẳng và đẹp.

Chính những người dân nơi đây đã giết chết thung lũng phì nhiêu này. Chính tay họ lật tung, đào xới mảnh đất trước kia họ trồng cấy lương thực, hoa màu… để mót, đãi, đào, hút… các loại sa khoáng.

Lòng suối bị lật tung và khoét thủng với những hố quặng sâu hoắm. Những đống đất đá thải khổng lồ chất đống và che lấp con đường độc đạo. Hàng trăm người dân với các dụng cụ khai khoáng thủ công ẩn hiện dưới những hố quặng sâu hoắm, những đống đất đá ùn ùn vô tội vạ…

Tiếng máy nổ chạy dầu ùng ục đêm ngày. Những chiếc lán tạm bợ phủ vải bạt xanh là nơi cất giữ các phương tiện khai khoáng, đồng thời cũng là chỗ ngủ nghỉ của dân quặng thổ phỉ.

Kết cục của quãng thời gian nói trên, suối Nùng và thung lũng Pắc Bó biến thành một bãi chiến trường ngổn ngang những núi đất, đá thải khổng lồ. Dòng nước sền sệt đỏ quạch này tự tìm đường, len lỏi dưới chân những đống đất đá thải dồn về những vũng trũng, sâu, tạo thành những chiếc ao tự tạo.

Còn đây là những hình ảnh ghi được tại một mỏ khai thác caolanh nằm ngay cạnh khu vực rừng phòng hộ Phia Oắc, Phia Đén, cách bản Nùng chừng 30km.

Cũng tại khu vực này, UBND tỉnh Cao Bằng ký Quyết định việc xây dựng khu sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, giao UBND huyện Nguyên Bình là đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu sinh thái.

Thế nhưng, QĐ ký chưa ráo mực, cũng vẫn lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng lại phê duyệt cấp phép cho HTX Vận tải Chiến Công được phép khai thác khoảng sản tại mỏ Tài Soỏng (thuộc xã Phan Thanh) và một doanh nghiệp khác (Cty Khai thác khoáng sản Tiến Hiếu) khai thác cao lanh trên đỉnh núi, nằm liền một vệt thượng nguồn con suối cung cấp nước cho sông Năng, cũng là nguồn nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thuộc các xã Hoa Thám, Hưng Đạo, Tam Kim nằm dưới chân dãy Phia Oắc, Phia Đén.

Nước thải công nghiệp phục vụ trong quá trình khai thác cao lanh của đơn vị này, theo dòng suối và mưa rửa trôi đã lấp đầy lòng suối, và cao lanh trắng xóa đã làm hoang hóa những vạt ruộng của bà con người Mán dưới chân dốc.

Nhãn tiền, những hộ dân người Mán của xã Phan Thanh, sau khi phải chấp nhận nhận tiền đền bù của HTX Vận tải Chiến Công và đất nông nghiệp bị “cao lanh hóa” đã trở thành những “nông dân danh nghĩa” vì không có ruộng.

Và biết đâu một ngày không xa, họ lại trở thành những "quặng tặc" vì một lý do đơn giản: không có ruộng để sinh sống

Chẳng biết đến bao giờ, những vùng đất chết tại Nguyên Bình mới được hồi sinh? Có lẽ sẽ là rất lâu nêu như không nói là không thể. Và, không biết đến bao giờ Nguyên Bình mới cứu sống được những dòng suối như thế này?

Nhóm PV Điều tra

.

.

.

No comments: