Thursday, May 13, 2010

HY LẠP : XÃ HỘI BAO CẤP TAI HẠI

Hy Lạp: xã hội bao cấp tai hại

Ngô Nhân Dụng

Tuesday, May 11, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112766&z=7


Nói đến kinh tế bao cấp, ở Việt Nam ai cũng biết là nó tai hại. Khi các xí nghiệp và ngân hàng nằm trong tay nhà nước, nhà nước do một đảng kiểm soát từ trên xuống dưới, đời sống kinh tế đã suy sụp suốt mấy chục năm trước khi “đổi mới” để trở về với cái cũ. Nhưng sau khi “đổi mới,” đã gỡ bỏ nhiều rào cản để cho một số tư doanh được tự do làm ăn hơn trước, thì mối hại của kinh tế bao cấp đã hết chưa? Bài học của cuộc khủng hoảng nợ nần ở Hy Lạp, tác động tới thị trường tài chánh từ Âu Châu qua Mỹ, sang cả các nước Á Châu, cho thấy hai chữ “bao cấp” có thể được hiểu theo một nghĩa rộng hơn. Từ kinh tế bao cấp chuyển thành xã hội bao cấp, các tai hại vẫn còn đó.

Bao cấp không phải chỉ có nghĩa là có quá nhiều doanh nghiệp nhà nước, hay số xí nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng quá lớn trong nền kinh tế, như ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Sở dĩ kinh tế quốc doanh tai hại, không phải chỉ vì các xí nghiệp hoặc ngân hàng quốc doanh kém hiệu năng, mà còn vì nó gây ra tình trạng bất bình đẳng trong xã hội làm giảm hiệu năng chung của cả xã hội. Những người điều khiển và làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước được chế độ ưu đãi; trong khi những người làm việc bên ngoài khu vực đó phải chịu thiệt thòi, đó là một cảnh bất công được nhà nước bảo vệ. Thí dụ, ở Trung Quốc hoặc Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước đóng góp vào Tổng Sản lượng Nội Ðịa ít hơn lãnh vực tư; họ không cung cấp nhiều việc làm cho người dân bằng các xí nghiệp trong lãnh vực tư; nhưng họ lại được vay tiền từ các ngân hàng thương mại của nhà nước nhiều hơn, với lãi suất thấp hơn các nhà tư doanh. Ðó là chưa kể những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ dù đã được ưu đãi, lại phải được ngân sách quốc gia trợ cấp. Ðó là một mối bất công do chủ trương của nhà nước.

Nói chung, đặc điểm của nền kinh tế bao cấp là có một số người mà phần đóng góp cho tài sản của quốc gia thì thấp mà họ lại được hưởng thụ nhiều hơn những thành phần đóng góp nhiều. Ðó là một tình trạng bất bình đẳng được “định chế hóa” bằng chính sách, bằng luật lệ, và có khi bằng cả bản hiến pháp; các định chế đó do lối tổ chức kinh tế gọi là xã hội chủ nghĩa tạo ra. Giả thử chúng ta bỏ qua tính chất bất công xã hội của chế độ này, vì có người làm ít hưởng nhiều, còn người thì làm nhiều hưởng ít; thì trên mặt kinh tế thuần túy cách tổ chức xã hội theo lối bao cấp này cũng gây tai hại, làm cho tất cả mọi người bị thiệt, kể cả những người được bao cấp. Bởi khi tình trạng bất công được định chế hóa thành chính sách, luật lệ rồi thì rất nhiều tài nguyên của xã hội sẽ bị đem sử dụng theo cách phí phạm.

Thứ tài nguyên dễ thấy nhất là đồng tiền. Trong xã hội, mọi người gửi tiền vào ngân hàng, tích lũy chung lại để được đem dùng làm vốn đầu tư. Nếu những người được quyền sử dụng tài nguyên đó là những người có tài kinh doanh, tạo ra nhiều của cải nhất cho nhiều người dùng nhất, thì cả xã hội đã sử dụng tối ưu các tài nguyên chung đó. Trong một nền kinh tế tự do, các ngân hàng theo tiêu chuẩn tối ưu mà cho vay, tức là xí nghiệp nào có khả năng sinh lời cao nhất thì vay được nhiều nhất. Ngược lại, trong nền kinh tế bao cấp, tiền gửi ngân hàng được nhà nước đem trao cho các xí nghiệp quốc doanh, không theo tiêu chuẩn tối ưu đó. Vì vậy, một thứ tài nguyên chung của xã hội đã bị cố ý sử dụng sai, tức là phí phạm.

Nhưng tiền vốn không phải là thứ tài nguyên quan trọng duy nhất bị kinh tế bao cấp xài phí. Một thứ tài nguyên quý giá hơn nữa là sức làm việc của con người. Trong một nền kinh tế tự do thì mọi công nhân đi tìm chỗ làm nào trả lương cao nhất; xí nghiệp tuyển người sẽ “đấu giá” thu hút người giỏi nhất bằng lương bổng tương xứng. Khi vào một xí nghiệp, cơ quan rồi thì nhân viên tìm cách tăng năng suất của chính mình để được tăng lương. Trái lại, trong một nền kinh tế bao cấp thì dù một người có khả năng cao cũng không chắc được trả lương bằng một người thua kém mình; vì người kém khả năng làm cho một doanh nghiệp nhà nước có thể vẫn được hưởng lương cao nhờ tiền nhà nước trợ giúp; trong khi đó bạn đồng nghiệp trong lãnh vực tư phải chật vật mới đạt được mức lương ngang bằng. Cả hệ thống đó làm nản lòng người làm việc, kể cả những người có khả năng mà làm trong lãnh vực quốc doanh. Một hệ thống kinh tế làm nản lòng, chứ không khích lệ người làm việc, thì sẽ không tiến bộ mạnh bằng những xã hội có khích lệ phù hợp. Khi đó, cả xã hội cùng chịu thiệt thòi chứ không riêng gì những người làm ở lãnh vực tư.

Bài học rất rõ ràng: Cũng bấy nhiêu tiền vốn do dân chúng để dành tích lũy lại, cũng bấy nhiêu con người làm việc, một nước theo kinh tế bao cấp sẽ tiến chậm hơn một nước theo kinh tế tự do. Vì chế độ bao cấp mà nền kinh tế có hiệu năng thấp.

Mối tai hại của lối tổ chức kinh tế bao cấp đã thấy rõ rồi. Nhưng ngay trong một xứ kinh tế tổ chức theo lối tư bản, xã hội vẫn có thể mang tính chất bao cấp nếu có những người đóng góp ít vào nền kinh tế mà lại được hưởng nhiều hơn tỷ lệ đóng góp của họ.

Ngay trong một nước theo kinh tế thị trường từ lâu, nhưng xã hội vẫn được tổ chức theo tinh thần bao cấp, thì nguồn gốc tác hại vẫn còn đó, dù bệnh nhẹ hơn và phát tác chậm hơn. Tìm hiểu câu chuyện Hy Lạp lâm nguy là một bài học cho các nước khác, đặc biệt là cho Việt Nam.

Khi chúng ta nhìn vào những khó khăn của kinh tế Hy Lạp, hai nguyên do hiển nhiên nhất là ngân sách khiếm hụt trầm trọng và số nợ của quốc gia (chính phủ và tư nhân nợ các nguồn tài trợ ngoại quốc) quá lớn so với tài sản tạo ra mỗi năm gọi là Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP). Khiếm hụt ngân sách năm 2009 của chính phủ Hy Lạp lên tới hơn 13% GDP, còn số nợ ngoại quốc là 115% GDP. Sai lầm của cả nước Hy Lạp là họ chi tiêu nhiều hơn là số tiền kiếm được. Số tiền chi tiêu nhiều hơn đó, chính yếu là tiền mà chính phủ trả cho một số người hoặc không còn làm việc hoặc làm việc với hiệu năng thấp, tức là đóng góp ít vào nền kinh tế mà vẫn được hưởng nhiều. Sau khi được các nước Âu Châu và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đồng ý cứu giúp, Quốc Hội và chính phủ Hy Lạp đã phải đưa ra chính sách giảm bớt tiền hưu bổng (giảm 11%) và thay đổi hệ thống trợ cấp thất nghiệp (hiện nay người thất nghiệp được lãnh trợ cấp gần như không có giới hạn thời gian); đồng thời sẽ cắt bớt lương của công chức (cắt 14%), và giảm bớt số công chức, tức là tiết giảm cả bộ máy hành chánh làm việc kém hiệu năng. Chính số tiền chi cho những người không còn sản xuất và những người làm việc kém hiệu năng này là nguồn gốc chính gây ra cơn khủng hoảng ở Hy Lạp. Cả thế giới lo ngại Hy Lạp sẽ không còn khả năng đi vay nợ mới để trả các món nợ cũ - nói cách khác, chỉ có thể đi vay thêm nếu chịu trả lãi suất rất cao, mà kinh tế quốc gia suy yếu không còn khả năng trả lãi suất như vậy nữa.

Trong các nước gọi là tư bản, từ thời 1870 đã có luật lệ bảo đảm cho những người về hưu, những người bị tai nạn nên không thể làm việc hoặc thất nghiệp, ai cũng có tạm đủ tiền sống. Chế độ này được gọi là nhà nước an sinh xã hội (welfare state) rất thịnh hành ở Âu Châu và cũng được áp dụng rộng rãi ở Bắc Mỹ Châu. Nhưng trải qua thời gian, chế độ an sinh xã hội này đã bám rễ với số trợ cấp ngày càng cao hơn. Và nhiều người được hưởng các trợ cấp an sinh đó ngày càng đông hơn, chính họ tạo áp lực chính trị để bảo vệ các quyền lợi thủ đắc của họ, không còn nghĩ tới ảnh hưởng tai hại trên nền kinh tế chung. Ðó là khi nhà nước an sinh xã hội biến thành nhà nước “xã hội bao cấp.” Những người đóng góp ít mà được hưởng thụ nhiều trong nền kinh tế trở thành một gánh nặng cho cả quốc gia. Nếu những người đang hưởng lợi đó lại tự lập thành những thế lực chính trị lớn thì họ có thể “định chế hóa” việc hưởng thụ các lợi lộc của họ, bằng những chính sách, luật lệ, kéo dài tình trạng bất bình đẳng và gây tai hại cho hiệu năng của cả nền kinh tế.

Hy Lạp chỉ là một trường hợp mà cơn khủng hoảng xuất hiện sớm nhất, tiếng chuông báo động lớn nhất. Nhiều nước trong khối tư bản tiên tiến về kinh tế cũng có thể mắc vào nỗi khó khăn tương tự. Tại Âu Châu, các nước Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha đã được báo động kịp thời và đã tiến hành những biện pháp “giảm chi” cần thiết, để khỏi đi theo Hy Lạp. Ngay tại nước Mỹ, những tiểu bang như California đã được báo động là sẽ có ngày lâm vào tình trạng giống như Hy Lạp. Vì California cũng chi tiêu nhiều quá, rộng rãi quá, cho một số người được hưởng nhiều hơn phần đóng góp của họ vào nền kinh tế. Tại tiểu bang này, một số thế lực chính trị đã kéo dài tình trạng “bao cấp” cho một số người như vậy. Những nghiệp đoàn công chức lo bảo vệ quyền lợi của mình. Các chủ nhà mua nhà trước khi giá lên không muốn bãi bỏ đạo luật cấm tăng thuế thổ trạch cũ, vì họ có khi chỉ đóng thuế nhà đất thấp bằng 5% hay 10% tiền thuế mà người hàng xóm mới mua nhà phải trả. Ðó là những quyền lợi được hưởng nhờ một chính sách không công bằng, mặc dù đúng luật lệ. Luật lệ đã định chế hóa tình trạng bất công đó. (Ðể minh bạch với quý vị độc giả, xin nói rõ hiện ký giả này cư ngụ ở California, tiền thuế nhà mỗi năm đóng gấp 6, 7 lần nhà hàng xóm bên trái nhưng lại chỉ bằng một nửa nhà bên phải).

Tình trạng xã hội bao cấp ở Việt Nam hiện nay còn nặng nề và nghiêm trọng hơn Hy Lạp rất nhiều, mặc dù cuộc đổi mới kinh tế được coi là đã xóa bỏ nhiều định chế bao cấp. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước đang được chính quyền phát triển, che chở và trợ giúp bằng đủ mọi cách, có tính chất bao cấp hiển nhiên. Chính sách của Ðảng Cộng Sản vẫn đề cao khu vực quốc doanh, cho thấy chủ trương này sẽ còn được thực hiện trong hàng chục năm hay nhiều hơn nữa. Nhưng tính chất bất công nặng nề nhất là ngay trong bản Hiến Pháp đã dành quyền lãnh đạo quốc gia cho một đảng là Ðảng Cộng Sản. Ðiều 4 trong Hiến Pháp Việt Nam hiện nay giành ưu quyền cho các đảng viên cộng sản, trong thực tế là cho một số người lãnh đạo trong đảng. Ðó là một sự bất công hiển nhiên. Sau 5 năm sống dưới chế độ cộng sản, nhà văn Nguyễn Hiến Lê (một người tự nhận đã từng có cảm tình với cộng sản) đã phải nhận xét rằng chính quyền cộng sản đối xử với người dân miền Nam giống như chế độ Apartheid mà người da trắng áp đặt trên người da đen ở Nam Phi (Hồi Ký, tập III, Văn Nghệ xuất bản, 1988, trang 36). Ông viết thẳng về tình trạng bất công đã được định chế hóa này: “Giai cấp được trọng nhất là giai cấp đảng viên; giống như giai cấp quý tộc đời nhà Chu (bên Tầu) ba ngàn năm trước” (trang 85). Tình trạng xã hội bao cấp đã được định chế hóa đến mức cao nhất vì được ghi ngay trong bản Hiến Pháp!

Chế độ xã hội bao cấp dành cho một số người đó sẽ không thể đưa kinh tế quốc dân tiến lên được theo đúng tiềm năng của hơn 80 triệu người dân Việt Nam. Việt Nam, khiếm hụt ngân sách năm ngoái là 9% GDP và nợ ngoại quốc bằng 35%, thấp hơn Hy Lạp vì mức sống của người dân còn thấp hơn rất nhiều (Lợi tức bình quân của Hy Lạp cao gấp hơn 20 lần dân Việt Nam). Cán cân thương mại của Việt Nam cũng khiếm hụt không khác gì Hy Lạp. Với một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ có hơn 3% trong quý thứ nhất năm 2010, ở một nước còn nghèo như nước ta, thì rõ ràng là nền kinh tế đang tiến lên rất chậm. Những quốc gia khác ở Á Ðông như Hàn Quốc, Ðài Loan, trong những thập niên 1970 đang ở tình trạng phát triển ngang với Việt Nam bây giờ, lúc đó tỷ lệ phát triển của họ đã tới 7 hay 9%, nhờ thế họ mới vượt tiến lên được. Nếu cứ tiếp tục duy trì một xã hội bao cấp thì không biết bao giờ nước nhà mới đuổi kịp các nước trong khu vực. Mối lo lớn nhất, là sẽ bị kinh tế Trung Quốc qua mặt rất nhanh, càng ngày càng cách xa, sức nặng đó sẽ đè trên cả nước Việt Nam ta trong suốt thế kỷ 21 này!

.

.

.

No comments: