Tuesday, May 18, 2010

HÒA GIẢI DÂN TỘC (Nguyễn Hưng Quốc)

Hòa giải dân tộc

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai 17 Tháng 5 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/hoa-giai-dan-toc-05-17-2010-93949919.html

Lâu nay, trong lãnh vực chính trị, một trong những chữ chúng ta, nhất là những người đang sống ở hải ngoại, thường nghe nhiều nhất là chữ “hoà giải”. Đó cũng là một trong những chữ gây tranh cãi nhiều nhất. Một số người đồng ý. Nhưng một số người khác lại chống đối kịch liệt. Không có kết quả điều tra nào cụ thể, nhưng tôi tin là con số những người chống đối cao hơn hẳn. Cứ nhìn vào các cuộc biểu tình đây đó hay trên báo chí và diễn đàn trên internet thì thấy ngay.

Nhưng tại sao người ta lại chống đối một điều dễ ngỡ là tốt đẹp như thế?

.

Trước hết, cần lưu ý: không phải chỉ có người Việt chúng ta mới nói đến chuyện hoà giải. Trên thế giới, trong mấy thập niên vừa qua, người ta cũng bàn nhiều đến vấn đề hoà giải. Lý do rất dễ hiểu: không có thời đại nào trong lịch sử, nhân loại lại bị chia rẽ một cách dữ dội và đối xử với nhau một cách độc ác như trong thế kỷ 20 vừa qua. Đệ nhất thế chiến. Đệ nhị thế chiến. Chiến tranh lạnh. Chủ nghĩa apartheid. Chủ nghĩa cộng sản. Xung đột sắc tộc. Hàng trăm triệu người bị giết chết. Hàng mấy trăm triệu người bị thương tật. Vết thương dai dẳng. Thù hận chồng chất. Đối diện với thực trạng ấy, hầu như ai cũng thấy hoà giải là một điều cần thiết. Không thể xây dựng một xã hội hoà bình và giàu mạnh và không thể an tâm hướng tới tương lai khi thương tích trong tâm hồn hàng triệu nạn nhân hay con cháu nạn nhân chưa được lành lặn, khi cảm giác nghi kỵ và thù hằn chưa được xoá bỏ. Bởi vậy, từ khoảng đầu thập niên 1990 đến nay, giới lãnh đạo nhiều quốc gia ráo riết đẩy mạnh quá trình hoà giải. Hoà giải giữa các quốc gia từng có thời thù nghịch và tàn sát nhau như giữa Nhật Bản và Trung Hoa, giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa Indonesia và East Timor, giữa Đức và một số quốc gia Bắc Âu. Hoà giải trong nội bộ từng nước như giữa người Mỹ và người gốc Phi châu từng bị bán hoặc đày sang châu Mỹ làm nộ lệ thế kỷ trước, giữa người Úc và thổ dân, người Tân Tây Lan và người Maori, giữa người Nam Phi và người da trắng từng thống trị và đàn áp họ, v.v…

.

Nếu hoà giải là xu hướng chính của thời đại, tại sao nhiều người Việt ở hải ngoại lại chống đối chuyện hoà giải?

.

Lý do đầu tiên, theo tôi, là vì vết thương của người Việt Nam còn quá mới. Chiến tranh kết thúc mới 35 năm. Các trại cải tạo mới đóng cửa cách đây chưa tới 20 năm. Những người trải qua những kinh nghiệm thảm khốc trong chiến tranh cũng như những kinh nghiệm cay đắng trong các trại cải tạo, và tiếp theo, kinh nghiệm hãi hùng trong vượt biên vẫn còn sống và nhiều người vẫn còn tham gia tích cực vào các sinh hoạt chính trị, dù ở thế yếu, xa lắc ngoài đất nước.

Tuy nhiên, đây không phải là lý do không thể vượt qua được. Nỗi đau bị kỳ thị chủng tộc ở Nam Phi còn mới hơn nhiều. Mâu thuẫn giữa Indonesia và East Timor lại càng mới hơn nữa. Vậy mà ở các nước ấy, quá trình hoà giải được tiến hành khá tốt đẹp.

.

Bởi vậy, theo tôi, lý do thứ hai này quan trọng hơn: chúng ta thiếu sự tin cậy đối với nhau.

.

Nói đến tin cậy là nói đến góc nhìn từ phía các nạn nhân. Một trong những chấn thương lớn nhất của các nạn nhân là sự đổ vỡ niềm tin đối với chính quyền. Không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Đừng tin những gì cộng sản nói; hãy nhìn những gì cộng sản làm” lại trở thành cực kỳ phổ biến sau năm 1975. Như một thứ danh ngôn. Không chừng đó là câu nói để đời duy nhất của ông Nguyễn Văn Thiệu trong suốt 8 năm làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà (1967-1975). Không thể nói đến hoà giải khi niềm tin ấy chưa phục hồi. Nhưng niềm tin chỉ có thể phục hồi từ công lý. Bởi vậy, ở đâu quá trình hoà giải cũng đều bắt đầu bằng sự thừa nhận sự thực. Nước Đức không thể hoà giải với người Do Thái hay nhiều quốc gia khác từng bị chiếm đóng ở châu Âu nếu cứ khăng khăng phủ nhận các tội ác của Nazi, đặc biệt, sự tồn tại của Holocaust. Nhật Bản không thể hoà giải với nhiều quốc gia Á châu, nổi bật nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc, nếu không thừa nhận những tội ác chiến tranh của họ ở thập niên 1940.

.

Chính vì thế, quá trình hoà giải thường bắt đầu bằng một lời xin lỗi chính thức. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị thế chiến. Cũng năm 1990, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn Forest vào năm 1940 (Đàn Chim Việt: chi tiết này không chính xác, con số này là 22.000 người, chủ yếu là sĩ quan Ba Lan). Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây. Thủ tướng Anh Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Ở Nhật, năm 1993, Thủ tướng Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác mà nước Nhật đã gây nên thời Đệ nhị thế chiến. Năm 1995, Thủ tướng Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Keizo Obuchi lại xin lỗi lần nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc. (1) Riêng ở Úc, đầu năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ.

.

Những lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và thiện chí của các chính phủ nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại hầu hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác. Đó là yếu tố đầu tiên cần có để tạo nên sự tin cậy.

.

Ở các nước, mọi lời xin lỗi đều đi liền với sự đền bù. Trong hoàn cảnh Việt Nam, tôi không nghĩ sự đền bù là cần thiết, nhất là đối với những người Việt hiện đang sống ở hải ngoại. Thành thực mà nói, họ đã được đền bù. Không phải Việt Nam đền bù. Mà là quốc tế đền bù khi cứu vớt họ từ trên các chiếc thuyền vượt biển mỏng manh hoặc khi chấp nhận cho họ định cư ở các quốc gia tự do, từ đó, bản thân họ và con cháu họ được hưởng một cuộc sống an lành và no ấm, được hưởng các điều kiện giáo dục và an sinh xã hội thuộc loại hoàn hảo nhất thế giới. Họ không cần đền bù. Nhưng họ cần một lời xin lỗi, hoặc ít nhất, một sự nhìn nhận sai lầm từ chính phủ, như một điều kiện đầu tiên xác lập lại niềm tin cậy đã bị đánh mất.

.

Nhìn nhận sự thực, trong đó có việc nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ, chỉ là bước đầu. Một sự tin cậy thực sự chỉ có thể được hình thành qua hành động. Và bằng những chính sách cụ thể. Nhiều người nêu lên yêu sách giải tán đảng Cộng sản hoặc xoá bỏ điều 4 trong Hiến pháp liên quan đến việc độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng Cộng sản. Tôi cho những yêu sách như thế là lý tưởng nhưng rất ít có tính khả thi. Không bao giờ có chuyện một đảng cầm quyền tự động giải tán hay từ bỏ quyền lực khi chưa bị đẩy vào thế ở đường cùng cả. Mà trong tình hình chính trị quốc nội cũng như quốc tế hiện nay, có lẽ còn lâu đảng Cộng sản mới bị đẩy vào cái thế đường cùng ấy. Bởi vậy, thực tế hơn, chúng ta chỉ đặt ra một yêu sách: vì đất nước. Vấn đề đảng nào cầm quyền không quan trọng bằng vấn đề lý tưởng xây dựng một đất nước thực sự giàu mạnh, tự do và bình đẳng. Cơ sở để nhìn nhận và đánh giá lý tưởng ấy là các chính sách.

.

Nhưng vấn đề là: hiện nay đảng Cộng sản có thực sự vì đất nước hay không? Có rất nhiều bằng chứng cho thấy là không. Ít nhất, với họ, đất nước không quan trọng bằng quyền lợi của chính họ. Có ai đó tóm tắt cái thế tiến thoái lưỡng nan của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay một cách rất tài tình: “Theo Trung Quốc thì mất nước; theo Mỹ thì mất Đảng”. Theo ghi nhận của nhiều người, dường như đảng Cộng sản đang chọn: thà mất nước còn hơn mất Đảng.

.

Tuy nhiên, điều này đã được nhiều người phân tích, tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm: ít nhất với cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chính quyền Việt Nam hoàn toàn không quan tâm đến lý tưởng xây dựng đất nước. Ý định hoà giải với cộng đồng người Việt chỉ xuất phát từ mưu đồ biến cộng đồng thành công cụ của họ, nhằm phục vụ cho lợi ích của chính họ mà thôi. Có thể thấy rõ điều này qua bức thư Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn gửi Dân biểu Mỹ Cao Quang Ánh ngày 31 tháng 3 vừa qua. Trong thư, ông Nguyễn Thanh Sơn viết:

“Chúng tôi tin tưởng rằng với thiện chí của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, với vị trí và uy tín của Ngài trong Chính quyền Mỹ cũng như trong cộng đồng người Việt sở tại… với những gì Ngài đã tận mắt chứng kiến và thực sự cảm nhận qua chuyến về Việt Nam vừa rồi, tôi huy [sic] vọng Ngài sẽ cùng hợp tác với chúng tôi để chúng ta có những cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn nhằm đem lại lợi ích thiết thực góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung thành cộng đồng người Việt ở hải ngoại thực sự đoàn kết vì Quê hương đất nước ruột thịt của mình.” (2)

Xin hãy lưu ý đến mệnh đề cuối: “nhằm đem lại lợi ích thiết thực nhằm xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ nói riêng và trên thế giới nói chung…”

Mục tiêu của hoà giải, như thế, chỉ nhằm “xây dựng cộng đồng người Việt Nam” ở hải ngoại. “Xây dựng” theo chiều hướng nào? Theo chiều hướng “đoàn kết” với chính quyền trong nước! Nghĩa là, nói cách khác, để biến thành công cụ của chính quyền!

Vậy mà cũng gọi là “hoà giải” sao?

À, tự nhiên sực nhớ chuyện năm 2005 chính quyền Việt Nam đã vận động chính quyền Indonesia và Malaysia đập bỏ tấm bia tưởng nhớ những người bị chết trên đường vượt biển ở đảo Galang và đảo Bidong, nơi dừng chân của cả hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam trước khi được định cư ở một quốc gia thứ ba nào đó.

Chỉ có hai tấm bia nhỏ nhoi ở hai hòn đảo heo hút như vậy mà họ cũng không chịu nổi. Thì nói đến chuyện hoà giải làm gì cho mệt.
————————————————————
Chú thích:

1. Xem “Reconciliation in the Asia-Pacific” do Yoichi Funabashi biên tập, United States Institutes of Peace Press xuất bản tại Washington, D.C. năm 2003, tr. 4-5.
2. Xem toàn văn bức thư trên ở http://josephcao.house.gov/UploadedFiles/Nguyen_Thanh_Son_request.pdf và thư trả lời của ông Cao Quang Ánh ở http://josephcao.house.gov/UploadedFiles/Letter_to_Deputy_Minister_Nguyen_Thanh_Son.pdf

.

.

.

No comments: