Thursday, May 27, 2010

HẠT LÚA 3.000 NĂM NẨY MẦM ?

Hạt thóc 3.000 năm nảy mầm trong trí tưởng tượng?

blog Đào Tuấn

Đăng ngày: 11:01 27-05-2010

http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=2593

Rất nhiều ý nghĩa đã được đưa ra qua vài hạt mẩu đen đen- được gọi là hạt thóc Thành Dền- đào được dưới 1m đất từ các hố rác bếp tại điểm khai quật có niên đại cách đây 3.000 năm, cùng với xương cá, vỏ ốc và than tro.

Nào là chúng có ý nghĩa như một chứng cứ về nền văn minh lúa nước của tổ tiên. Rồi thì một Giáo sư Viện sĩ đã ám chỉ đến việc những hạt thóc này sẽ khắc phục được việc "chưa thành công lắm trong việc lai tạo các giống mới để phục vụ thị trường xuất khẩu sang châu Âu và Bắc Mỹ", xa hơn, hy vọng vượt qua Thái Lan. Xa hơn nữa, để chứng minh nguồn gốc cây lúa không phải từ Nhật, từ Tàu, mà có thể từ VN. Những người lạc quan đã hô hào rằng sẽ là vĩ đại nếu như 1000 chiếc bánh chưng trong đại lễ 1000 năm được làm từ những hạt gạo sinh ra từ những hạt thóc 3.000 năm tuổi này. Tất nhiên những ý nghĩa này đều phải kèm theo chứ "Nếu".

.

Cái giá của việc làm rõ chữ "nếu" theo khẳng định của Viện nghiên cứu lúa, là 2,7 tỷ đồng nếu thực hiện ở Việt Nam, và 27 tỷ đồng nếu nghiên cứu ở nước ngoài. Cái giá đó quá rẻ nếu hạt thóc Thành Dền mua được những ý nghĩa to lớn đến mức đáng nghi ngờ ở trên, nhưng sẽ là quá đắt cho việc "cứ thử rồi biết" với một sự nghi ngờ to tướng- ai cũng cảm thấy nhưng không ai muốn nói ra, nhất là trong trường hợp 2,7 tỷ đồng, hoặc 27 tỷ đồng này được lấy ra từ tiền đóng thuế của người dân, trong đó có những người sản xuất ra đến chục tấn lúa mỗi năm nhưng nghèo thì vẫn hoàn nghèo.

.

Một hạt thóc, một cái cốc thủy tinh, hay một mảnh hợp kim nhôm được tìm thấy tại một di chỉ có niên đại cách đây 3.000 năm chưa chắc đã phải là một vật cổ có tuổi thọ 3.000. Và ngay cả khi nó có tuổi thọ 3.000 cũng chẳng chút giá trị, cũng vẫn thuộc hàng "chưa sinh" so với tuổi thọ, sự tồn tại của cây lúa trên thế giới, ước cách đấy 16 ngàn năm và ở Việt Nam, cũng đã 7 ngàn năm. Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hạt thóc, được cho là 3.000 năm đó không "bỗng dưng nảy mầm" dù cho đến thời điểm hiện nay, việc 8 hạt thóc nảy mầm chưa thấy có dấu hiệu gì khác những hạt thóc mà người nông dân vẫn đang gieo cấy mỗi ngày.

.

Nếu gene của cây lúa (từ hạt thóc này) khác hoàn toàn với 44.500 gene hiện có thì chắc chắn việc tìm ra hạt thóc sẽ là một phát hiện khảo cổ. Bởi vì thế nào nó cũng được khoác thêm một ý nghĩa là "sức sống của cây lúa Việt". Bởi vì, hạt giống lương thực được bảo quản trong điều kiện bình thường, tức có không khí, nước, oxy như tại cái hố sâu 1m ở Thành Dền, thì chúng chỉ tồn tại được chưa tới 5 năm. Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ cũng khẳng định: Ngay cả những máy móc, phương tiện, công nghệ hiện đại nhất hiện nay (thậm chí là bảo quản bằng Nitơ lỏng ở nhiệt độ -150 độ C) cũng chỉ bảo quản được những hạt giống có thể nảy mầm sau tối đa là 50 - 100 năm. Và cho dù đặt ra khả năng: Những hạt thóc này được bao bọc bởi một môi trường đặc biệt, có thể là yếm khí hoàn toàn mà con người chưa biết đến. Đây là một hiện tượng hy hữu, cũng giống như trường hợp mộ kết, hay chuyện một người không ăn uống trong mấy chục năm trời vẫn có thể sống khỏe mạnh bình thường mà khoa học vẫn chưa giải thích được", vị chuyên gia đầu ngành về lúa vẫn cho rằng: "Về mặt sinh học thì không ai tin được lại có chuyện hạt thóc nảy mầm sau 3.000 năm nằm dưới lòng đất. Vì hạt thóc là vật chất hữu cơ, trong điều kiện bình thường nó sẽ bị phân hủy ngay".

.

Việc các nhà khoa học tưởng tượng ra những "khả năng mộ kết" hoặc "trường hợp yếm khí" để lý giải cho tính xác thực của sự kiện "hạt thóc 3000 năm vẫn có thể nảy mầm", là hoàn toàn bình thường, bởi, như ông Vũ Ngọc Phương, người tự giới thiệu là CTV Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, em trai GS- Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng: "toàn bộ các phát minh và hiểu biết của khoa học thế giới mới chỉ có 5% sự thật của tạo hóa, 95% là chưa biết". Bình thường như những ý kiến tỏ ý nghi ngờ, dựa trên khả năng chứng minh của khoa học hiện tại mà họ, một cách cẩn trọng và trách nhiệm gọi là "khả năng quá hy hữu". Khả năng quá hy hữu này phải được chứng minh bằng những luận cứ khoa học, chứ không phải là phỏng đoán. "Tôi không bao giờ tin các nhà khảo cổ học khi họ nói tầng nọ, tầng kia. Vì tầng nọ tầng kia có sự dịch chuyển cực kỳ ghê gớm trong không gian"- TS Nguyễn Văn Hoan, GĐ Viện Nghiên cứu lúa- ĐH Nông nghiệp Hà Nội nói.

.

Nhưng ngay cả khi đây là phát hiện khảo cổ vĩ đại, thì hiệu quả của nó vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi từ hạt thóc nảy mầm có thể sinh ra hai khả năng, hoặc trở thành cây lúa hoặc trở thành cỏ dại. Theo TS Hoan, chỉ tính trong 20 loài lúa ở VN, có tới 9 loài được xếp vào nhóm hoang dại. Nếu hạt thóc Thành Dền cho ra một nguồn gene hoàn toàn khác thì TS Hoan vẫn coi đây chỉ là một "khám phá". Một khám phá có ý nghĩa đóng góp thêm cho loài người một nguồn gene mới, dù chưa rõ hiệu quả, bên cạnh 44.500 nguồn gene đã hiện có "Nó giống như một giống lúa dại mới được thu thập trong tự nhiên"- Lời TS Hoan.

.

Và nếu như khả năng nào cũng có thể xảy ra thì tại sao không ai đặt ra khả năng trước những năm 70- năm phát hiện di chỉ khảo cổ này- một người nông dân không bỗng dưng nổi cơn đói bất tử nướng nắm thóc vừa giật trộm để nhét tạm vào dạ dày. Nhất là khi di chỉ này nằm rất gần những cánh đồng lúa và hố khai quật 3000 năm chỉ sâu cỡ 1m.

.

.

Hạt lúa 3.000 năm nẩy mầm ?

Nguyễn Văn Tuấn

http://nguyenvantuan.net/online-gdkh/735-hat-lua-3000-nam-nay-mam

.

.

.

No comments: