Saturday, May 22, 2010

Giới thiệu tập thơ "KHI KẺ THÙ TA BUỒN NGỦ" của LÝ ĐỢI

Khi tánh linh bị lu mờ. Khi kẻ thù ta buồn ngủ

Liêu Thái

22/05/2010 7:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=20549

Những dòng sông như mạch máu trong cơ thể đất đang dần cạn khô, đang dần chết đi bởi những giấc mơ bé tẹo có giấy khai sinh từ lòng tham, từ sự vô cảm và sự đánh mất ý thức về căn phận, giống loài cũng như hơi thở cộng đồng, hơi thở sinh linh… Có thể nói rằng chưa bao giờ tôi phải buồn và thấy lo lắng khi đứng trước những dòng sông như lúc này. Mùa xuân, vậy mà dòng nước chẳng xanh trong, chẳng thanh thoát, từ nam chí bắc một màu ngầu đục lờ đờ, mệt mỏi. Tự dưng, tôi liên tưởng đến những cánh rừng chảy máu, những phận người lầm lụi, những trang sử mốc meo, những câu chuyện riêng chung nghẹn ngào cơm áo và những câu thơ… Và cũng rất tự nhiên, cái tựa tập thơ ám vào tôi, quấn riết lấy tôi: Khi kẻ thù ta buồn ngủ – một tập thơ của Lý Đợi vừa được nhà xuất bản Giấy Vụn, Sài Gòn, ấn hành tháng Tư năm 2010.[1] Lại một câu hỏi, vậy kẻ thù của ta là ai? Thế nào là buồn ngủ? Kẻ thù và buồn ngủ mang hàm ý, ẩn dụ gì? Có lẽ cũng nên đọc to một vài câu, một vài bài!

Mười sáu ngày tuổi bị giật mình bởi tiếng súng trong doanh trại quân đội gần nhà

Mười sáu tuần tuổi bị thay sữa bằng bia hơi

Mười sáu tháng tuổi bị hiếp lần 1 bởi tay chủ nhà trẻ muốn chiếm lấy hin

Mười sáu tuổi bị hiếp lần 4 bởi thầy giáo dạy công dân

Từ mười bảy trở đi, sách kỷ lục ghi thành tích như sau:

- Mười sáu lần bị từ chối nhập trường học vì ăn mặc hở hang

- Mười sáu năm lưu lạc, hành nghề đứng đường

- Mười sáu lần lấy chồng nước ngoài, trừ châu Âu và Mỹ

- Mười sáu lần mắc bệnh về đường sinh dục

- Mười sáu lần vào tù ra trại với giấy chứng nhận phục hồi nhân phẩm

-

Vì em là con gái của xứ sở mà anh [thì] hùng, em [thì] hèn

Vì em là con gái của nơi mà chữ và nghĩa tách rời nhau

Vì em là con gái của những điều không thuộc về lễ

Vì em là con gái của tiếng súng và bạo lực

Vì em là con gái của những kẻ mù màu và huyễn hoặc

Vì em là con gái của những tiếng khóc thầm lặng…

Và vì em là con gái

Và vì em là mẹ của tất cả chúng ta

Vậy mà…

đa phần vẫn buột miệng: à há!

(“Vì em là con gái”)

Suốt bài thơ “Vì em là con gái” là câu chuyện về một cô gái có công việc kiếm sống không bình thường [như mấy triệu cô gái Việt khác đang sống, đang nếm trải cái nghề không bình thường trong một ngày rất bình thường] ở xứ sở này, có vẻ như chẳng có gì đáng bàn, điều nhà thơ nói thì ai nói cũng được, vì sống ở Việt Nam, là thanh niên, trừ những người không đủ ăn, đủ mặc và các nhà tu chân chính hoặc khắc kỷ ra, mấy ai chẳng từng một vài lần chơi gái, vì giá rẻ, vì gái cũng đẹp, vì cái thú vui ấy còn giá trị và ý vị hơn nhiều cho lựa chọn so với khối “hành động văn hóa” khác do ngành Văn hóa Thông tin tổ chức! Thực trạng đấy, và nó chẳng chừa ai! Chỉ lạ ở chỗ là cô gái mà anh Lý Đợi từng tâm tình chia sẻ nỗi niềm này lại có một dấu mốc rất đặc biệt: Mười Sáu Tuổi. Có đến chín sự kiện (toàn động trời) cùng ba dấu chấm vì kể chưa hết chuyện đi qua con số mười sáu, giai đoạn tròn trăng viên mãn của một cô gái nói riêng và con người nói chung mà trong đó đáng kể nhất là “bị hiếp lần 4 bởi thầy giáo dạy công dân”. Chuyện hiếp lần thứ tư ở đây là con số đếm được, và một khi đếm được thì hẳn nhiên phải có chủ ý đếm, phải duy lý và ít nhiều nằm trong giới hạn ý thức. Tại sao không phải là 2, 3, 5, 6, 7… mà bốn lần? Thử nhẩm lại những cái mốc đầu tiên con người sinh ra với giấy khai sinh, đến trường mẫu giáo, học đánh vần chữ mẹ đẻ và bài học công dân giáo dục đầu tiên – buổi con người tập tò định vị mình trước cộng đồng, trước đồng loại và trước tương lai. Và tại sao cô gái không bị hiếp bởi một đối tượng khác mà là thầy dạy công dân – người thầy chuyên một việc duy nhất là dạy những bài học đạo đức, bài học làm người, bài học về cách sống tử tế, về chỗ đứng của một công dân trong xã hội cho học trò? Điều này phản ánh lên vấn đề, thực trạng gì về nền tảng đạo đức của xã hội, thực trạng nền giáo dục mà cô gái đang thụ hưởng/lãnh/nhận?

Xa hơn một chút, một khi nền giáo dục đã sinh ra loại thầy giáo đạo đức như vậy thì thế hệ của cô và nhiều thế hệ khác sẽ có tương lai ra sao? Sẽ hình thành nhân cách như thế nào? Sẽ đi về đâu?

Không hiểu sao tôi lại nhìn thấy một mối tương ứng nào đó giữa con số tuổi lung linh huyền nhiệm mười sáu đã bị hiếp bởi thầy giáo dạy công dân của cô gái với mười sáu chữ vàng thể hiện tình hữu nghị gắn bó keo sơn, tình bạn Việt Nam – Trung Quốc đến lạ! Và chữ hiếp ở đây mới rắn rỏi, vững vàng, tròn vành rõ chữ, mới tượng hình một cách khó hiểu! Và hình như đâu riêng gì cô gái kia bị hiếp dâm, cả thế hệ của cô, của chúng ta và nhiều thế hệ khác sống ở Việt Nam đang bị hiếp dâm bởi một hệ thống giáo dục khép kín, cũ kĩ và nặng mùi chủ nghĩa đấy chứ!

nơi đây, là một ổ phục kích đối với thi ca

một đối thủ hung ác của sự sống, và một con rắn độc hèn mọn của loài người…

chúng ta đổ máu

chúng ta tự cắn lưỡi, trám lỗ đít và bóp cổ mình…

còn bọn hèn nhát kia vừa nghe tin dữ thì trốn chạy

thành phố thành chốn lưu chân của bọn ngoại bang-xâm lược

con cái chúng ta bị tấn công, hãm hiếp và ngược đãi

mồ mã của chúng ta bị lật lên

thi ca của chúng ta bị làm giấy chùi đít…

bọn mày tưởng tao là ai?

tao đang khạc nhổ vào mặt và lương tâm của chính tao đấy.

(“Bọn mày tưởng tao là ai?”)

Trở lại câu chuyện của những dòng sông đang cạn nguồn, đang héo hắt chảy, đang lờ đờ rạc rều phiên phiến trôi giấc đục mù tăm… Những dòng sông không còn vẻ đẹp nguyên sơ, những dòng sông trở nên chai lì, phẳng phiu một màu ủ chết, cái đẹp đã mất màu! Những câu thơ cũng chầm chậm trôi qua không gian vô sắc, không gian của một thứ ngoại giới phẳng, nội tâm phẳng, của những dãy nhà vô hồn cùng những con người không còn vẻ đẹp và diện mạo trí huệ, của con người được nhận dạng như một dạng thức tồn tại vô sinh, ngu đần và vô cảm… Điều này do đâu? Câu hỏi không còn dừng ở giới hạn thi ca mà vô hình trung rơi vào nghi vấn tồn tại, nghi vấn về chủ nghĩa và triết lý tồn tại? Do đâu… Do đâu… Do đâu? Chữ đâu đang nằm đâu đó trong con số mười sáu tổn thương hay trong một ổ phục kích thi ca, trong một tương lai bị hãm hiếp, ngược đãi, trong chất tẩy rửa não bộ hay trong bộ dạng của giống loài đang tự khạc nhổ vào lương tri/tâm của chính mình?

Mấy hôm trước, báo đưa tin, hiện có một vài học sinh phổ thông [khoảng 24 triệu đứa], nói tiếng Việt, được chẩn đoán là bị đạn bắn vào mép tim, dọc sọ và giữa háng.

Những viên đạn đã rỉ sét, gây đau đớn, khiến khó thở…; và đặc biệt, được bay một cách chậm rãi, lạnh lùng từ hơn 30 năm [mà không: hơn 60 năm] trước – và tất nhiên, đã được thông báo, định hướng cẩn thận.

Tất cả lũ trẻ nghe tin tuyên truyền là sẽ được giải phẫu để lấy đạn ra – điều đó giống như một phép màu.

Lũ trẻ sẽ có dịp cảm ơn “thiên tài” của trời phật đã giúp chúng được sống tiếp quãng đời còn lại.

Và đương nhiên rồi, điều đó chỉ có thể diễn ra [và thành hiện thực xã hội…] khi thực sự có những phép màu… Mà những phép màu ấy, phải thoát ra được cảnh tù đày của chính mình.

(“Viên đạn lịch sử – F.2”)

Một viên đạn lạnh lùng từ hơn 30 năm mà cũng không nhiều hơn sáu mươi năm trước, có định hướng cẩn thận, rỉ sét, khiến khó thở, lũ trẻ thì đã được tuyên truyền là sẽ được giải phẫu để lấy đạn ra… Xét về mặt vật lý học và sinh học thì có vẻ như khó tin điều này cho dù ai đó dễ tin nhất! Nhưng đó lại là sự thật, một sự thật của thi ca, của những vết thương rỉ máu, của những não trạng lùng bùng, của những thanh âm cô đặc và lặm dần vào câu chữ, lặm vào kí ức không loại trừ nỗi sợ hãi vây bọc, ngày đêm lần mò thoát thai, ngày đêm rình rập hóa kiếp thơ, thành dòng chảy ngược về nơi đã sinh ra nó – một tử cung buồn di căn từ ngày ấy, từ buổi miệng môi mấp máy đánh vần con chữ quê hương. Những con số: 16, 30, 60, 30/04… chảy suốt các bài thơ như một thứ kháng sinh hết hạn, một thứ bùa chú đã dính máu chó máu heo máu người xấu số… Và viên đạn vẫn còn chưa chịu dừng sau những câu thơ… chỉ biết lạy trời cầu nguyện, cám ơn… được sống tiếp quãng đời còn lại bởi một niềm tin hay tựa như niềm tin vào những… phép màu!

Khi kẻ thù ta buồn ngủ

Thì chúng ta đã ngủ

Vợ và con gái và bọn đàn bà [nói chung] đang mơ ăn thù đủ*

Đám nhà thơ nghĩ mình nằm trong hủ

Bọn chính khách thì móc đứng mình trong tủ

Bọn công an mắt bị bưng mủ

Tất cả là giấc ngủ

Quên đi chuyện ấp ủ

Nguyên đây chỉ vần… ủ!

Chúng đột kích ta từ phía sau

Mở toang cửa vào vườn rau

Đắp đường làm cầu

Diệt xong bến Văn Lâu

Giành đánh trống chầu

Hiếp dâm người hầu

[Cả trai lẫn gái]

Dĩ nhiên đương ngủ

Và ta vẫn ngủ…

Phen này thất thủ

Sọ của chúng ta

Tóc của chúng ta

Nhân cách của chúng ta

Cõi ta bà của chúng ta

Bãi tha ma của chúng ta…

Đều biến thành rơm rạ [tất nhiên, cũng của chúng].

Trước trán [cũng nghĩa là trước mũi] của chúng ta

Mở lối vào bằng những chuyến xe đẩy

Chúng chở thịt tươi của ý thức

Chở cây mùi tây xanh của ý tưởng

Chở kem trứng của tưởng tượng…

Và ta vẫn ngủ.

Bảo rằng chúng ta ngu?

Bảo rằng chúng ta đù?

… oh, NO!

(“Khi kẻ thù ta buồn ngủ”)

Khác với những bài thơ riêng lẻ anh đã đăng trên một số tạp chí, tập thơ, sinh quyển của Khi kẻ thù ta buồn ngủ mang màu sắc của nỗi chết và sự tái sinh, nỗi bất bình và viên dung, phá bỏ và tạo lập… Suốt tập thơ là nỗi đau, một nỗi đau dai dẳng, bền bỉ, có lúc sâu lắng, cô đọng bởi cách chơi ngôn ngữ: ẩn dụ, phúng dụ, đảo ngôn, giễu nhại… một cách thâm trầm, tinh quái. Nhưng cũng có lúc bùng vỡ xung năng của nỗi bất bình, phản kháng lâu nay chôn kín trong tâm hồn kẻ sĩ (đặc biệt ở đây lại là kẻ sĩ xứ Trung Việt – xứ sở của Cần Vương, Duy Tân…) với giọng điệu hùng hồn khí phách, vang vọng âm hưởng hịch Cần Vương, kèn xung trận, thấy bóng người đổ xuống bên đường, thấy tâm hồn người rã rách đau, thấy những bóng ma sử lịch lang thang đầu đường xó chợ, thấy tuổi trẻ đang chết mòn nơi góc tối thế hệ, góc tối ngu dân, thấy những sinh linh sinh ra trong buổi chiều tàn tạ của môt ý thức hệ mù mờ… Thi thoảng lại xuất hiện đôi dòng thấp thoáng bóng dáng Zarathustra, mang lời hứa về bản thể trong giờ Ngọ vĩnh hằng được xây lên bằng tâm thức tổn thương, bằng niềm hy vọng không hạn định và bằng cả cơn đốn ngộ sau nỗi chiêm nghiệm về tồn sinh khảm dấu răng của đồng loại cắn vào nhau, mang dấu ấn của một lịch sử xây dựng trên máu xương nước mắt của hôm qua, hôm nay và hình như là cả mai sau. Dường như kĩ thuật dụng ngôn, cách chơi, làm mới ngôn ngữ đã không được chú trọng lắm trong suốt tập thơ vì nó hòa tan vào tâm thức, những câu thơ lấy ra từ cơn đau của người nghệ sĩ và trở về với ngôn ngữ thuần nhiên của nó, không cần phải lắt léo dụng ngôn, bởi nỗi đau không cần sơn phết, nỗi đau không cần đánh bóng hay tân trang thêm nữa.

Tôi hỏi em tên gì?

- Em trả lời: Diễm Phượng Thu Hồng Nga Mai Kiều Vân… anh thích tên nào cũng được

Em nhiêu tuổi?

- Mười sáu mười bảy, mười chín đôi mươi… anh thích bao nhiêu em cũng chiều

Quê đâu?

- Đương nhiên miền Tây, dù thực chất em dân Hà Nội

Cá tính?

- Yêu âm nhạc, ghét thể thao, thích thẳng thắn, sợ cô đơn

Tình trạng gia đình?

- Độc thân, vui tính, ở trọ, nhưng có bé trai 3 tuổi

Nghề nghiệp?

- Tên khai thuế: Nhân viên phục hồi sức khoẻ, có cấp thẻ hành nghề

- Tên thường gọi: Chuyên viên massage

- Tên giang hồ: Mỹ nữ thổi kèn

Kinh nghiệm?

- Kỷ lục 8 năm trong nghề và không ăn lương, chỉ nhận tiền boa

Thành tích?

- Mỗi ngày thổi 8 “thằng nhỏ”, dài ngắn, to thon, mau lâu, hôi thơm đều có

- Mỗi tháng trung bình 200, nhân cho 8 năm sẽ rõ đẳng cấp

Nỗi sợ?

- Lấy chồng! Vì không biết sống sao với một “con chim”

- Tuy nhiên, để chống lại cô đơn và tuổi xế chiều, có thể test trước khi lấy

Vấp váp?

- Gặp người quá lâu ra, say rượu, bệnh hoạn… và không cho tiền boa

Ước mơ?

- Kiếm chút tiền kha khá và chuyển nghề uốn tóc

- Nếu thuận tiện, sẽ đăng ký sách kỷ lục thế giới về số lần thổi “saxô”

- Đặc biệt, khi lớn lên con trai mình đừng hỏi những câu ngớ ngẩn như vầy

Điều cuối cùng muốn nói?

- Số điện thoại của anh?

- Và bữa nay anh boa em bao nhiêu?

Cảm ơn em, tôi đã rõ!

Mà rõ cái gì nhỉ?

(“Nhân đi massage, gặp nữ lưu hào kiệt”)

Tôi còn nhớ năm 2005, tôi gặp Lý Đợi ở Sài Gòn, lúc đó nhóm Mở Miệng đang gặp khó khăn từ nhiều phía: sự chưa thích ứng bởi trào lưu cũ – mới, sự chưa dung nhập của cái mới có “nguy cơ” phản tỉnh, sự bất an của an ninh bản thân các thành viên… Nhưng tôi nhận ra ở họ một sự tĩnh tại, ý chí bất khuất và niềm hoan lạc của nòi nghệ sĩ bứt phá, của nòi vô úy, họ vẫn thản nhiên, ung dung cùng câu thơ, khám phá, tìm tòi sáng tạo và… cái đói. Chỉ có sự khác nhau dễ nhận ra giữa các năm đó và bây giờ là nếu như trước đây Lý Đợi chú tâm vào dụng ngôn, phá thể/cách/loại thì bây giờ, sự chú tâm ấy đã lặm vào trong, câu chữ đi từ nội thức đến ngoại giới bởi mối tương hợp, tương tác hình tượng, tri giác, kinh nghiệm, chứng nghiệm khoảnh khắc bên ngoài với tạng thức, tiềm thức và ngược lại, những câu thơ chảy như sông.

thanh niên thiếu nữ, cả trung niên và người già thì yếu nhược suy tàn

tất cả phụ nữ không còn sắc đẹp

đàn ông [giống đực] cũng không còn vẻ đẹp

và não thì phẳng lì và nhiều chất tẩy rửa…

trong những dãy nhà kia…

tân lang và tất cả bọn mày râu cất khúc bi ca

tân nương và tất cả bọn nhũ hoa than khóc chốn khuê phòng

đất sắp sụp [vì bọn ngu đần] sống trên đó

trời sắp rơi [vì bọn vô cảm] chứa trong đó

cả nhà và bạn bè Doi Ly nhện phải nhục nhã ê chề…

(“Bọn mày tưởng tao là ai?”)

Và mỗi bài, mỗi câu thơ trong Khi kẻ thù ta buồn ngủ là một mảnh rời tâm trạng, mảnh rời kí ức, mảnh rời nỗi thống khổ và bất bình, bất lực được phát biểu bằng ngôn ngữ đã bóc trần, lột xác. Thứ ngôn ngữ mang hình hài thế hệ, mang dáng dấp con người đang trôi lăn, đeo mang dưới vòm trời ảm đạm tật nguyền. Một vòm trời chứa những dòng sông tánh linh khô kiệt. Những dòng sông mang máu của rừng, mang một lời nguyền ném về phía kẻ đã đánh cắp, đã cướp đi sinh mệnh hồn nhiên của nó. Và tánh linh bị lu mờ trong não trạng, trong thế giới va đập những lời kêu cứu!

Bảo rằng chúng ta ngu?

Bảo rằng chúng ta đù?

… oh, NO!

Dường như nhân dạng kẻ thù ta vẫn vắng bóng, không cụ thể qua suốt tập thơ… Vậy kẻ thù mà nhà thơ muốn đề cập đến là ai? Câu trả lời nằm trong vần điệu, âm ô vần ô âm au, vần au âm u, vần u xuất hiện với tầng suất cao biểu thị cái rối mù của thế giới được mô phỏng. Câu trả lời nằm trong nỗi đau về một dân tộc đang bị ngu hóa bởi chủ trương, chủ nghĩa, chính sách, câu trả lời nằm trong sự hèn nhát, mất màu và sợ hãi đang xâm thực sinh mệnh con người, quốc gia, dân tộc. Và trạng thái buồn ngủ của kẻ thù cũng đồng nghĩa, đồng hành với trạng thái tỉnh thức của kẻ sĩ, của não bộ phát sáng và nhận chân con đường mình cần đi, cái đích mình cần đến, với giờ Ngọ vĩnh cửu!

Trước trán [cũng nghĩa là trước mũi] của chúng ta

Mở lối vào bằng những chuyến xe đẩy

Chúng chở thịt tươi của ý thức

Chở cây mùi tây xanh của ý tưởng

Chở kem trứng của tưởng tượng…

Và ta vẫn ngủ.

Trong giới hạn chỉ giới thiệu và phác họa vài nét cảm nhận, bài viết này không đề cập đến thủ pháp trong tác phẩm, vì nó đã được chuyển hóa, được phát biểu bởi một ý thức không bị giới hạn về mặt ngôn ngữ, không câu chấp tiểu tiết mà đã dấn sâu vào hiện hữu và tồn tại cũng như đường hướng nhân sinh. Một tập thơ mang màu sắc tánh linh của một thế hệ, một thời đoạn lịch sử dân tộc buồn nhiều hơn vui, đau nhiều hơn lành, âm u nhiều hơn sáng suốt, buồn ngủ và hỗn độn… Do đâu? Vì đâu? Do ai? Vì ai?… oh, NO! Và đọc kĩ tựa tập thơ: Khi kẻ thù ta buồn ngủ, chỉ có kẻ thù ta chứ ta không hề thù! Vì thơ vốn dĩ chẳng bao giờ thù hận, vậy mà có kẻ thù cả thơ đấy! Nhưng thơ vẫn đủ tỉnh thức để nhìn thấy kẻ thù ta đang buồn ngủ, vậy đấy!

© 2010 Liêu Thái

© 2010 talawas


[1] Khi kẻ thù ta buồn ngủ là tập thơ song ngữ Việt – Anh của tác giả Lý Đợi, do Nhà xuất bản Giấy Vụn – Sài Gòn, ấn hành tháng Tư năm 2010. Chuyển ngữ (Anh ngữ) bởi học giả Nguyễn Tiến Văn. Đây cũng là một trong những tập thơ nằm trong chuỗi tác phẩm: Vòng tròn sáu mặt, Xáo chộn chong ngày, Khoan cắt bê tông, 47, Tháng Tư gãy súng, Bài thơ một vần… đã được ấn hành và tạo hiệu ứng mạnh về phía độc giả kể từ những năm 2000 của nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn.

Đọc toàn văn tập thơ Khi kẻ thù ta buồn ngủ của Lý Đợi bằng bản PDF tại đây.

.

.

.

No comments: