Saturday, May 1, 2010

CÓ THỂ HỌ CỐ QUÊN ? (Trịnh Hội)

Có Thể Họ Cố Quên?

Trịnh Hội

Bài viết gửi cho BBCVietnamese.com

Cập nhật: 09:49 GMT - thứ sáu, 30 tháng 4, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100429_trinhhoi_comment.shtml

Khi ngày lễ đánh dấu 35 năm quân đội Cộng Sản Bắc Việt thôn tính Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến gần kề thì đó cũng là lúc hàng triệu người Việt Nam ngày nay chuẩn bị chương trình nghỉ lễ dài hạn cuối tuần bằng cách đi nghỉ mát ở những thành phố nằm cạnh biển, hoặc đối với những người có tiền, có tiếng thì họ sẽ sang những nước láng giềng bên cạnh để thư giãn và tự thưởng cho mình nhờ vào nền kinh tế Việt Nam đã không ngừng phát triển trong suốt một thập niên qua.

Cho đến ngày thứ Sáu 30/04 thì sẽ không còn ai ở lại thành phố mà bây giờ đã đổi tên thành Thành Phố Hồ Chí Minh để ăn mừng ngày cộng sản chiến thắng ngoại trừ các hội đoàn đã được chỉ định, những nhân vật chóp bu trong Trung Ương Đảng, và một lần nữa, một vài ký giả Mỹ còn sống và đã nổi tiếng nhờ vào chiến tranh Việt Nam.

Cách đây 5 năm họ đã trở lại nhân lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày Sài Gòn sụp đổ và lần này họ quay lại một lần nữa để nhớ về một thời cũng như để tưởng niệm 73 đồng nghiệp của họ đã bỏ mình trong cuộc chiến.

Đối với nhiều ký giả đây là quãng thời gian tuyệt vời nhất nhưng cũng đầy trắc trở nhất. David Lamb, ký giả đại diện một thời cho nhật báo Los Angeles Times tại Hà Nội từng thú nhận là cho dù bao năm đã trôi qua nhưng ‘rất nhiều người trong chúng tôi những người từng sang để tường trình về cuộc chiến đã không thể nào thoát khỏi Việt Nam. Không có sự kiện nào, cuộc chiến nào có thể so sánh được.’

Ừ, phải chi cũng nói được như thế đối với chính những người Việt Nam trong cuộc. Vì đối với họ những gì họ phải trải qua trước cuộc chiến, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến tệ hại hơn nhiều. Đã có ít nhất một triệu người Bắc lánh nạn vào Nam khi đất nước bị chia cắt qua hiệp định Geneva vào năm 1954. Từ 3 cho đến 5 triệu người Việt đã phải bỏ mình hy sinh từ lúc ấy cho đến năm 1975. Và hàng trăm ngàn người khác trong các trại tù tập trung trên đất nước mới (nhưng nay đã thống nhất), trong những khu kinh tế mới kinh hoàng và khắp Biển Đông lúc họ trên đường mong tìm được tự do.

Tôi tự hỏi không biết có ai trong nhóm ký giả chiến tranh nổi tiếng này, khi nhìn thấy hình ảnh trên TV của những người dân miền Nam đang tuyệt vọng và cố đào thoát trên những chiếc thuyền mong manh, có bao giờ họ tự hỏi: chiến tranh đã chấm dứt nhưng sao họ lại phải chạy trốn hòa bình?

Tôi cũng tự hỏi không biết có ai trong nhóm ký giả kỳ cựu này thường tự gọi mình là ‘Những Kẻ Viết thuê Già Việt Nam’ (Vietnam Old Hacks) sẽ có thể tường trình trực tiếp từ Sài Gòn trong tuần này mà không bị cắt xén hoặc kiểm duyệt như điều mà họ đã làm được cách đây gần 35 năm trước khi họ làm phóng sự cho những bản tin nóng nhất của một thời.

Tuy tôi không muốn đánh giá trước khả năng tôn trọng sự thật và sự chính trực của họ đã từng được chứng minh, nhưng tôi e rằng họ sẽ bị ngạc nhiên đến bất ngờ. Vì kể từ đầu năm nay, Hà Nội đã ra lệnh cho các công ty internet ngăn không cho nối trang mạng Facebook, dùng kỹ thuật để đánh sập những trang mạng bị cho là phản cách mạng và cho vào tù những người tài giỏi nhất với tội danh ‘âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân’ hoặc ‘tuyên truyền chống đối nhà nước’.

Cũng cần nói là trong tất cả các lần ra tòa chỉ trong 1 hay 2 ngày với mức án từ 3, 5 cho đến 16 năm tù chưa kể thời gian quản thúc tại nhà đã không có một nhân viên sứ quán ngoại quốc hay nhà báo nào được cho vào tham dự. Nhưng tôi thấy cũng lạ là từ lúc ấy cho đến bây giờ đã không có một bài báo nào viết về hiện trạng đất nước Việt Nam và những vi phạm nhân quyền trầm trọng từ bất kỳ phóng viên nào trong nhóm ký giả kỳ cựu này.

Có thể vì kể từ lúc ấy đã không còn giao tranh, người dân Việt Nam không còn bị giết trên chiến trường và vì thế chúng ta nên tưởng niệm. Cũng có thể đối với nước Mỹ, thế giới, và những người còn sống sót trong nhóm ‘Vietnam Old Hacks' từng trải, phân đoạn cuối đã thật sự kết thúc cách đây 35 năm về trước và họ cần chuyển sang một nơi khác. Như Lebanon, Afghanistan và vũng lầy mới có tên Iraq.

Nhưng để cho là đất nước và người dân Việt Nam đã tìm được tự do và sự công bằng vào năm 1975 thì đấy một là sự lãng quên có cố ý hay, tệ hơn, là một sự thờ ơ sao lãng bổn phận trong công việc.

.

Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, một luật sư gần đây đại diện cho tổ chức VOICE khiếu kiện chính phủ Việt Nam với cáo buộc "vi phạm luật quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của công dân".

.

.

.

Hội ngộ Sài Gòn

Hồng Nga, BBC

Cập nhật: 09:23 GMT - thứ bảy, 1 tháng 5, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100501_oldhacks_reunion.shtml

Đợt kỷ niệm ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam lần này, các phóng viên nước ngoài năm xưa lại có dịp hội tụ tại Sài Gòn, nơi họ từng sống và làm việc. Hồng Nga đã tham gia cuộc gặp mặt.

Carl Robinson là một người năng động.

67 tuổi, người cựu phóng viên hãng Associated Press (AP) của Hoa Kỳ vẫn đứng đằng sau các cuộc hội ngộ của giới phóng viên chiến trường Việt Nam và Campuchia những năm 60-70 thế kỷ trước.

Chuyến đi Campuchia và Việt Nam lần này, lúc nào cũng có thể thấy ông Robinson, đầu đội nón rộng vành, mắt đã phải dùng kính lão, nhưng vẫn đi đi lại lại như con thoi, gặp gỡ, ghi chép, trò chuyện và... trả lời phỏng vấn.

Nhóm các cựu phóng viên chiến trường Việt Nam (gọi là các Old Hacks theo tên nhóm trên Google) nay có trên 250 thành viên, nhưng đợt hội ngộ Sài Gòn lần này chỉ có 33 người.

Có người đã mất, như Hugh Van Es của hãng UPI, người từng chụp bức hình di tản bằng trực thăng từ nóc tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, hay các đồng nghiệp Kate Webb và David Halberstam. Có người bệnh tật không thể tham gia chuyến đi xa, như nhiếp ảnh gia Horst Faas.

Phần lớn lớp phóng viên chiến trường Việt Nam xưa đều đã không còn trẻ.

Nhiều tuổi thì hay đa cảm. Thế nhưng những gì làm các phóng viên một thời vào sinh ra tử kia xúc động đến nghẹn lời, thì lại không phải là tuổi tác.

"Việt Nam đã lấy trọn một phần trái tim tôi"

Tim Page quay lại Việt Nam lần này là lần thứ 61.

Sinh năm 1944 tại Kent, Anh quốc, ông Page từng làm việc cho UPI tại Việt Nam và Campuchia những năm 1960. Bị thương vào đầu năm 1969, ông đã lỡ cơ hội tường thuật những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.

Thế nhưng, thú nhận rằng "Việt Nam đã lấy trọn một phần trái tim tôi", ông nói: "Đáng ra tôi phải sống ở Việt Nam mới đúng".

"Mỗi lần về Việt Nam, tôi lại một lần ngỡ ngàng vì cuộc sống ở đây thay đổi quá nhiều."

Giống như những người bạn phóng viên khác, Việt Nam đối với Tim Page là hiện thân của một thời thanh xuân cuồng nhiệt đuổi theo tin tức, một quãng đời lửa đạn khủng khiếp nhưng lại đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mỗi người.

Ngày 30/4/1975, Carl Robinson đang ở trên chiếc tàu chiến USS Mobile của Hạm đội 7, Hoa Kỳ sau khi sơ tán khỏi Việt Nam bằng trực thăng.

"Khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, tôi tìm một góc vắng trên tàu và ngồi khóc."

"Tôi ở Việt Nam tổng cộng 11 năm, và tôi thấy mình như mất đi hẳn một phần lớn của cuộc đời."

Không ai có thể phủ nhận là một cuộc chiến thuộc loại tàn khốc nhất lịch sử loài người là cơ hội trong đời chỉ có một lần đối với các nhà báo.

Nhiều phóng viên chiến trường thời đó đã làm nên tên tuổi khi tường thuật về cuộc chiến Việt Nam: Tim Page, Carl Robinson, Peter Arnett, Neal Ulevich, Richard Pyle, Kate Webb, Hugh Van Es, Horst Faas, David Halberstam, Nick Ut...

Thế nhưng chiến tranh không thể là một bức tranh tươi sáng, và đối với nhiều phóng viên đã kinh qua cuộc chiến Việt Nam, đây là một trải nghiệm gây thương tổn.

"Mất niềm tin"

Mike Morrow, người sáng lập ra Dispatch News Service, nhóm dịch vụ tin tức đầu tiên đưa tin về vụ thảm sát Mỹ Lai, bị chính quyền Sài Gòn trục xuất khỏi Việt Nam năm 1970.

Ông Morrow tiếp tục tường thuật về Việt Nam ngay cả những năm sau chiến tranh, và tham gia tích cực trong tiến trình vận động bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Làm việc cho tạp chí Far Eastern Economic Review và Washington Post tại Hong Kong, ông là nhà báo nước ngoài đầu tiên phỏng vấn ông Nguyễn Cơ Thạch khi ông Thạch trở thành Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam năm 1980.

Mike Morrow bị bắt tại Đà Nẵng năm 1990 và sau đó giam giữ gần một tháng tại TP Hồ Chí Minh vì nghi tổ chức gián điệp.

Sau khi được trả tự do vào tháng 5/1990, ông đã từng thề không bao giờ quay trở lại Việt Nam.

Thế nhưng, ông đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh trong chuyến đi của các Old Hacks lần này và nói rằng ông "mừng vì đã quay trở lại".

"Việt Nam và cuộc chiến Việt Nam, những gì tôi chứng kiến đã khiến tôi mất niềm tin vào con người, kể cả bản thân tôi."

"Tôi đã mang trên mình quá nhiều gánh nặng. Hy vọng sau chuyến đi này, tôi có thể rũ bỏ chúng."

Trước Việt Nam, các cựu phóng viên cũng đã tới Campuchia, nơi ít nhất 37 đồng nghiệp của họ còn mất tích khi tường thuật tình hình chiến trận tại nước này những năm đầu 1970.

Một đài tưởng niệm nho nhỏ được dựng lên tại Campuchia để ghi nhớ các nhà báo đã ngã xuống trong chiến tranh và họ mong muốn có một tượng đài tương tự ở Việt Nam.

Tổng cộng gần 80 nhà báo nước ngoài thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam tại ba nước Đông Dương, không kể con số các phóng viên Việt Nam mà tới giờ vẫn chưa có con số chính xác.

Carl Robinson cũng kêu gọi mọi người không quên công lao của các nhà báo Việt Nam.

"Họ là những người dũng cảm và thiệt thòi nhất."

"Khi làm việc cho hãng tin nước ngoài, tên tuổi của họ thường không được ghi nhận cho dù nhiều lúc, chính họ mới là người thu thập được nhiều thông tin quý giá."

.

.

.

No comments: