Thursday, May 20, 2010

CÔ GIÁO VIỆT ĐƯỢC VINH DANH "THE TEACHER OF THE YEAR"

Chiếc áo dài độc nhất không lẻ loi giữa khán phòng Sở Học Chánh Paramount

http://www.danchimviet.com/archives/9052

Sáu giờ chiều Thứ Ba 11 tháng Năm, 2010, Sở Học Chánh Paramout, Nam California làm lễ vinh danh các giáo sư “The Teacher of the Year” của 20 trường trung tiểu học trực thuộc. Khán phòng đông nghịt, không còn đủ ghế ngồi cho người tham dự. Dòng người đứng chen chúc chật kín cả hành lang.

Trong số gần 300 người hiện diện, độc nhất chỉ có một chiếc áo dài của cô Vũ Bạch Cúc, vị giáo sư người Việt hiếm hoi ngồi trên hàng ghế danh dự buổi vinh danh. Bên cạnh những tên tuổi gốc Mỹ, Mễ, Latinh: Danette Elaine Lane, Larry V. Houston, Michael Luckey, Bonnie Jean Slater, Janet L. Garcia… chỉ một cái tên gốc Việt duy nhất của cô Becky Bach-Cuc Vu.

Trước đó hơn 1 tháng, gần 60 vị giáo sư của trường Paramount High-school West đã bỏ phiếu kín chọn The Teacher of the Year của họ trong năm 2010. Một ngày sau, trên các bảng thông cáo của trường xuất hiện tin tức cho biết kết quả cuối cùng của cuộc bầu phiếu, kể cả bảng thông tin điện tử. Các đồng nghiệp đề cử cô nhảy cẩng lên vui mừng. Thư chúc tụng tràn ngập trên bàn của cô giáo Việt Nam duy nhất của trường Paramount High-school West.

.

Cô Becky Bach-Cuc Vu

http://www.danchimviet.com/wp-content/uploads/2010/05/Co-BCuc21.png

http://www.danchimviet.com/wp-content/uploads/2010/05/Co-BCuc-1.png

.

Phần thưởng danh dự dành cho cô giáo Việt

Năm ngoái, cô Vũ Bạch Cúc đã được đề cử nhưng không được chọn. Năm nay, một số đồng nghiệp lại tiếp tục đề cử và “năn nỉ” cô không từ chối để khỏi phụ lòng tin cậy của họ. Cô vui vẻ chấp nhận nhưng không nghĩ mình đạt được danh hiệu “cô giáo dạy giỏi” của trường Paramount High-school West năm 2010.

Cô tâm sự: “Tôi đã dạy ở trường này 9 năm nay và hoàn toàn không mơ tưởng đến việc được bầu chọn làm The Teacher of the Year. Năm nay, tôi có tên trong danh sách được đề cử và bảy “đối thủ” của mình đều là những người rất giỏi về chuyên môn. Họ gồm một giáo sư Trưởng bộ phận Toán, một Trưởng bộ phận Văn, một trưởng bộ môn thể dục, một vị dạy trẻ tàn tật… Còn lớp tôi dạy toàn học trò học kém, nói tiếng Anh không giỏi. Tôi không bao giờ nghĩ mình được chọn cho lần này”.

Tin cô trở thành “cô giáo giỏi” lan nhanh khắp học khu. Nhiều bậc phụ huynh điện thoại hoặc đích thân đến gặp cô giáo để chia sẻ niềm vui. Một em học trò gốc Mễ trao tận tay cô một cây nến và hình một quả tim để tỏ lòng tri ân cô.

Cô Vũ Bạch cúc nói thêm: “Năm ngoái, lúc các đồng nghiệp đề cử, tôi nhất quyết từ chối. Năm nay, họ rào đón trước, nói rằng “chúng tôi sẽ đề cử, cô nhận lời đi, đừng để chúng tôi thất vọng”. Viên chức lãnh đạo nghiệp đoàn trong ban kiểm phiếu kể cho tôi biết rằng ban kiểm phiếu không hồi hộp chút nào vì sau khi phân loại, chưa đếm phiếu đã biết “cô sẽ thắng”.

“Nhưng quả tình là tôi chỉ biết dạy học trò thôi, chứ không có gì xuất sắc hết. Một hôm sau ngày được đề cử, họ ghi tên tôi trên bản tin chúc mừng. Tôi lặng người không nói được câu nào trong khi một đồng nghiệp của tôi, người da đen, nhảy tưng tưng. Các đồng nghiệp truyền nhau email chúc mừng nồng nhiệt.

Em học trò tặng tôi cây nến và trái tim nói “cám ơn cô tử tế chỉ bảo cho em”. Tôi chọn mười mấy em học sinh đại diện lớp để chụp ảnh kỷ niệm. Tôi nói với các em: “Cô được giải này nhờ thực tập hàng ngày với các em, cho nên các em cũng là phần thưởng của cô”.

Nhà trường chiếu trên bảng thông tin điện tử hình cô giáo đoạt giải The Teacher of the Year chụp chung với các học trò suốt một tháng trời sau đó. Rồi các vị phụ huynh nghe tin tìm đến với mình. Những điều mà tôi không bao giờ ngờ đến đã xảy ra”.

Có lẽ trừ các giáo sư đã đề cử cô, cả trường Paramount High-school West đều ngạc nhiên trước tin này. Đó là một ngôi trường không có học trò Á châu từ nhiều năm nay. Năm ngoái, trường có một học trò châu Á duy nhất gốc Cambốt nhưng năm nay em đã chuyển đến thành phố khác. Hầu hết học sinh của trường đều là người gốc Mễ hoặc Mỹ latinh. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu chọn The Teacher of the Year năm 2010 đem lại vinh dự chưa từng có cho một cô giáo gốc Việt trở thành một sự kiện bất ngờ cho cả trường.

.

Tính chất Việt ở một ngôi trường chỉ có một người Việt Nam duy nhất

Có thể nói, trường Paramount High-school West chỉ có cô Vũ Bạch Cúc là người Việt Nam độc nhất. Cô nhấn mạnh nhiều lần: “Thật sự tôi chỉ biết dạy học thôi, chứ không có gì nổi bật”. Cô cho biết, lớp học của cô có khoảng 28 học sinh, tất cả đều là người gốc Mễ, và buổi học nào cũng có ít nhất 5 em vắng mặt.

Cô nói: “Học trò gốc Mễ ở đây hỗn lắm, nhất là tại trường tôi có đông học sinh. Hôm nay, một bà mẹ được tôi mời đến lớp để lưu ý về tình trạng học tập của con em. Cô bé cãi nhau với mẹ “xon xỏn” trước cả lớp. Hôm qua, tôi đã mời bố của một nam sinh khác đến. Vì tội nghiệp học trò, tôi chú ý dạy các em thật kỹ như hồi còn dạy ở trong nước. Tôi chịu cực kèm các em học kém sau giờ học. Vào giờ nghỉ trưa, tôi ăn sơ thật nhanh rồi mở cửa lớp để đón học trò đến kèm thêm ít phút. Với những em “bất trị”, tôi mời cha mẹ đến gặp để bàn với họ cách phối hợp, giúp đỡ. Và ở trong lớp học, mình vẫn phải tôn trọng, đối xử tử tế, dịu dàng với nó, lại càng không bao giờ la mắng. Tôi luôn khuyên các em ráng học, ráng làm bài tập này, bài viết kia để “cô cho con điểm cao thì con mới đậu được”.

Có em ngồi vắt chân lên bàn, tôi chỉ tử tế, nhỏ nhẹ bảo “xin em vui lòng bỏ chân xuống, đừng ngồi như thế không lịch sự”. Có em nói chuyện oang oang trong lớp, mình buộc lòng phải dời chỗ của nó bằng cách bảo “em ơi, làm ơn giúp cô việc này”. Nó sẳng giọng hỏi lại: “Cái gì?”

Tôi lại nói: “Em giúp cô, sang ngồi chỗ kia để cô dạy cho nhanh, cô cám ơn em nhiều lắm”. Nó lại hét lên: “Không, tôi không đi đâu hết”. Tôi nói mãi, nó buộc phải đứng dậy sang chỗ bên kia sau khi “hấy” tôi một cái. Cô bé vất cặp táp xuống bàn cái phịch, hướng về phía tôi mà la lên: “Chịu chưa?” Mình giận ghê lắm, nhưng phải nén lại, không thể tỏ ra ngoài mặt”.

Một điều không ai biết trừ các đồng nghiệp của cô Bạch Cúc: cô luôn sẵn lòng đến dạy thế giờ cho các đồng nghiệp bận rộn bất ngờ. Khi được nhờ, nếu không bận thì cô lập tức ngồi vào xe, đến trường ngay tức thì. Cô không nghĩ đến việc trước đây luôn bị từ chối mỗi khi nhờ người khác với lý do “phải nói trước 2 – 3 tuần”. Còn cô thì không, chỉ cần báo trước 30 phút, thời gian đủ để cô thay trang phục và lái xe đến trường. Có lẽ vì thế mà mỗi lần thiếu thầy cô giáo, ban điều hành trường nhớ ngay đến cô Vũ Bạch Cúc và lập tức bắt điện thoại lên.

Một số đồng nghiệp xác nhận rằng cô là nhà giáo tiêu biểu cho tấm lòng hy sinh vời vợi. Có vị giáo sư nói thẳng với cô điều họ nghĩ: “Mỗi lần thấy cô đóng cửa lớp thì biết ngay cô đang dạy học trò ở bên trong. Cô tận tụy làm việc không phải để lấy điểm, không phải để phô trương mà vì lòng tâïn tụy đối với học trò”.

Thời gian quan tâm đến học trò của cô thật vô bờ bến. Cô thăm một nữ sinh sinh con, tặng quà và nhắc em đừng bỏ học. Có lần, cô đến tận nhà thăm một nam sinh ở gần Sở Học Chánh, cạnh trường Lincoln bị lạc đạn trọng thương. Hai nam sinh khác bị bắn chết tại chỗ trong vụ này. Anh ruột của em là thành viên băng đảng bị bắt để điều tra. Lúc cô đến, phía trước nhà họ còn đầy hoa, đèn cầy tưởng niệm hai nam sinh thiệt mạng. Cô chúc cậu bé, lúc đó 14 tuổi, mau lành bệnh, tặng quà cho em. Những ngày sau, cậu học trò trở vào lớp học, mặt đăm đăm, lầm lì, không nói không cười.

Cô tâm sự: “Đối với những em học trò bê tha, dễ bị lôi kéo vào băng đảng, mình phải an ủi, nói lời nhẹ nhàng, đừng trách móc”. Cô dịu dàng nhắc em cầm bút chì, cố làm bài tập để cô cho điểm. Cô nói: “Nó chịu ngồi yên để mình dạy các em khác là may mắn rồi”.

Và rồi, điểm tốt của cô giúp cho cậu học trò vừa trải qua bi kịch ghê gớm trong đời thi đậu tốt nghiệp không khó khăn. Bất ngờ vài năm sau, cậu học trò cũ đột ngột trở vào trường cùng với một ông giám thị. Cô mừng rỡ gọi tên. Cậu học trò cũ chạy đến. Thì ra cậu đến trường để thuyết trình về đề tài nhức nhối: “Tai họa của băng đảng ở trường học”. Cậu thanh niên mừng rỡ khi gặp lại cô giáo cũ, rối rít cám ơn cô đã tận tụy giúp đỡ trong thời gian bị sốc nặng. Cậu còn móc túi lấy ra gói kẹo được trường thưởng sau buổi thuyết trình để tặng lại cô giáo Vũ Bạch Cúc.

.

Một chút đời riêng

Chúng tôi đọc được ánh mắt xúc động của cô Vũ Bạch Cúc khi được các đồng nghiệp, học trò và người thân nói lời chúc tụng chân thành. Cô cho biết đã học được từ mẹ của mình những đức tính hy sinh cao cả, luôn nghĩ đến người khác, biết đến người khác. Bố mẹ của cô đã quá vãng, đều là tấm gương quý báu cho đàn con khi còn sống. Cô nói: “Gia đình chúng tôi theo khuôn mẫu văn hóa Việt, sống giản dị, không cầu kỳ, giúp được gì cho người khác thì giúp ngay. Còn các sắc dân khác ở đây không gắn bó tình gia đình như mình, cũng không thúc đẩy các con cố gắng học hành như các gia đình Việt Nam”.

Billy Vũ Lâm, con trai út của cô Vũ Bạch Cúc tham dự buổi lễ vinh danh mẹ cho biết: “Tôi rất sung sướng nhìn thấy mẹ được người Mỹ vinh danh. Họ nói mẹ dạy 9 năm nhưng được coi như dạy đến 42 năm. Ai cũng kêu lên khi nghe nhận xét của hội đồng quản trị trường Paramount High-school West. Lúc nào mẹ cũng dạy chúng tôi phải quan tâm đến người khác, nhất là người lớn tuổi hơn mình. Mẹ khuyên chúng tôi cố gắng làm thật nhiều điều tốt, điều hay để dễ gặt hái được thành công trong mọi chuyện”.

Niềm vui của cô chưa dứt sau ngày lễ vinh danh. Cuối tuần này, giáo sư Vũ Bạch Cúc còn được tham dự Hội Nghị Các Nhà Giáo Dục Cơ Đốc Nam California kéo dài ba ngày. Cô được đài thọ tất cả chi phí ăn ở tại khách sạn. Trước đó, vào ngày Chủ Nhật 9 tháng Năm, ngày lễ Mẹ, cô được 12 đồng nghiệp khoản đãi tại một tiệm ăn Ý.

Bước lên đài vinh quang trong nghề nhà giáo trên đất Mỹ, cô giáo gốc Việt vẫn không quên nguồn cội của mình. Trên ngực áo dài cô mặc trong ngày được vinh danh có cài chiếc phù hiệu bằng sắt của ngôi trường nữ trung học Gia Long, Sài Gòn – nơi cô đã học và trở lại đứng trên bục giảng. Hình như tình cảm của cô dành cho ngôi trường xưa mãnh liệt hơn bao giờ hết trong ngày cô bước lên đài vinh quang ở Sở Học Chánh Paramount, Nam California.

© Phụng Linh

.

.

.

No comments: