Friday, May 7, 2010

CHUYỆN MỘT TẤM HÌNH

Chuyện Một Tấm Hình

Trần Việt Trình

Thứ năm, 06 Tháng 5 2010 17:02
http://www.vietvungvinh.org/index.php?option=com_content&view=article&id=817:chuyen-mot-tam-hinh&catid=46:chinh-tri-vietnam&Itemid=82

Đầu tháng 4 vừa qua, tờ báo New Statement của Anh công bố 50 tấm ảnh thời sự chính trị nổi tiếng nhất (The 50 Greatest Political Photographs), trong đó bức ảnh cô bé Phan Thị Kim Phúc 9 tuổi trần truồng, bị phỏng nặng vì bom napalm do Huỳnh Công Út (tức Nick Út), phóng viên ảnh của hãng AP (Associated Press), chụp vào ngày 8 tháng 6 năm 1972 ở Trảng Bàng Tây Ninh đứng đầu danh sách. Ngay sau đó các cơ quan truyền thông cũng như báo chí trong nước liền chạy bài trên trang nhất với tiêu đề “Ảnh em bé napalm vĩ đại nhất trong lịch sử” (báo Công An Nhân Dân) và “Ảnh em bé napalm vĩ đại nhất mọi thời đại” (báo Thanh Niên).

.

Ngày ấy, hình ảnh một bé gái bị phỏng nặng, không một mảnh vải che thân, vừa chạy vừa khóc, đàng sau là những cột khói đen bom napalm vươn lên cao đã đánh động tâm tư mọi người. Tấm hình đã làm cho cả thế giới rúng động. Khi tấm hình xuất hiện thì phe CS miền Bắc và Việt Cộng miền Nam đã tận tình sử dụng tấm ảnh nầy trong việc tuyên truyền cho cái mà họ gọi là tội ác của bè lũ Mỹ-Nguỵ. Đến ngày nay, chính quyền CSVN vẫn không ngừng khai thác đề tài này nhưng họ lờ đi hòan tòan sự việc bà đang sống với tư cách tị nạn chính trị ở Canada và nguyên nhân đưa bà đến sự lựa chọn đó. Bức ảnh sau đó đoạt giải Pulitzer năm 1973. Nó thay đổi không chỉ cuộc đời của Nick Út mà còn của rất nhiều người khác.

.

Chúng ta hãy đi ngược lại thời gian 38 năm trước. Quận lỵ Trảng Bàng trong giai đoạn đó là nơi giao tranh giữa các các đơn vị thuộc Công Trường 5 của Việt Cộng với binh sĩ của Sư Đoàn 25 Bộ Binh của quân đội VNCH. VC thường hay len lỏi trà trộn vào dân chúng miền Nam, dựa vào dân và dùng dân như một tấm bia, để quấy phá. Cũng như trong tất cả các trận đánh trên khắp miền Nam, dân lành trong vùng giao tranh gồng gánh cùng gia đình bỏ chạy về phía phe quân đội miền Nam VNCH. Đó cũng là hình ảnh của cô bé Phan Thị Kim Phúc trong ngày giao tranh và cô đã gặp những người lính VNCH cũng như phóng viên Huỳnh Công Út. Điều đáng nói là khi Phan Thị Kim Phúc chạy về hướng các phóng viên và những người lính VNCH cô đã được họ đưa ngay vào nhà thương quận lỵ Củ Chi, cách Trảng Bàng chừng 15 cây số để cứu chữa kịp thời. Sau 14 tháng điều trị và qua 17 lần giải phẫu da, Phan Thị Kim Phúc bình phục về nhà sinh sống bình thường với gia đình. Giả dụ như cô Phan Thị Kim Phúc lúc ấy bỏ chạy về phía VC thì thế giới đã không có tấm hình nầy. Nếu là vậy không chừng cô Kim Phúc đã chết vì VC khó mà chữa trị cho cô. Họ lấy đâu ra phương tiện? Không phải chỉ mình Kim Phúc đã chọn đúng hướng để tìm sự sống. Tất cả những người dân, từ những người sống trong vùng “xôi đậu”, cho đến dân chúng bị kẹt trong vùng lửa đạn, trong các cuộc giao tranh, ít ra họ được chu cấp cuộc sống tối thiểu, cho đến khi họ cảm thấy có thể trở lại sinh sống tại địa phương, mà trước đây vì chiến tranh họ đã phải bỏ chạy.

.

Câu hỏi đặt ra là Trảng Bàng là một địa danh của miền Nam, nằm ở miền Nam Việt Nam, tại sao lại có sự hiện diện của quân đội CS Bắc Việt vào năm 1972? Nếu Hồ Chí Minh và đảng CSVN không xâm lăng miền Nam thì thử hỏi bức hình này liệu có hay không? Khi giao tranh xảy ra, các đơn vị Cộng hòa dưới đất xác định địa điểm xâm nhập của Cộng sản và oanh tạc cơ AD6 Skyraider được phái tới yểm trợ. Bom xăng đặc được dội xuống, làm bốc lên từng cụm khói đen đặc. Khi bom đổ xuống, cả binh lính Cộng hòa lẫn thường dân đều bị thiệt hại. Do đó, Không quân VNCH mà có đội bom thì đó cũng chỉ là hành động tự vệ chính đáng mà thôi. Tấm hình không nói lên được thực chất và mấu chốt của sự việc: VC đào hầm ngay trong nhà Kim Phúc và dùng dân làm bia trên đường đào tẩu. Xét cho cùng, nếu cộng sản Bắc Việt không dùng những người dân vô tội ở Trảng Bàng, trong đó có anh em nhà bà Kim Phúc, làm bia đỡ đạn thì chắc hẳn chẳng bao giờ có một Phan thị Kim Phúc như ngày nay.

.

Nói gì thì nói, bức ảnh do Nick Út chụp đã làm đau lòng nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bức ảnh xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông và gây chấn động dư luận toàn thế giới lúc bấy giờ. Báo giới phương Tây nhận định bức ảnh đã có một vai trò thật quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào phản chiến đang dâng cao thời đó. Vào thời điểm tháng 6 năm 1972, cuộc chiến tranh VN đang ở vào một trong những giai đọan khốc liệt nhất. Cuộc hòa đàm ở Paris đang trong lúc bị bế tắc. Ở Mỹ, cũng như trên thế giới, phong trào chống chiến tranh lên cao. Cuộc chiến tranh vừa tốn kém cả về nhân mạng lẫn tiền bạc, vừa kéo dài lê thê ở VN đã làm cho nhân dân Mỹ chán ngán. Họ muốn chiến tranh chấm dứt bằng mọi giá, kể cả việc chấp nhận cho miền Nam VN bị thống trị bởi chủ nghĩa cộng sản. Cùng với một số yếu tố tâm lý khác, bức ảnh đã góp phần định hình một cảm thức chán ngán chiến tranh, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành những quyết định đưa đến việc nước Mỹ rút chân hòan tòan ra khỏi VN sau này.

.

Về phía nhà cầm quyền Bắc Việt, lúc ấy, họ không bỏ lỡ dịp sử dụng bức hình cho những mục đích tuyên truyền của mình, kể cả khi chiến tranh đã chấm dứt. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Kim Phúc được chính quyền CSVN “chiếu cố” tận tình: bảo vệ, theo dõi, sử dụng và kiểm soát. Chính quyền CSVN đã hỗ trợ cho Phan Thị Kim Phúc học lên đại học trong khi những đứa bé khác có mặt trong hình như Phan thanh Tâm (anh ruột, 12 tuổi, mặc áo trắng, chạy đàng trước), Phan Thanh Phước (em ruột, 5 tuổi, chạy đàng sau), Hồ Văn Bơ và Hồ Thị Tính (bà con trong họ, đứng phía bên phải) lại không được chế độ quan tâm vì những đứa bé này không có lợi gì cho họ cả!

.

Năm 1986, Phan Thị Kim Phúc được chính quyền CSVN cho sang Cuba du học. Năm 1992 cô lập gia đình. Trên đường hưởng tuần trăng mật từ Mạc Tư Khoa trở về Cuba, máy bay ghé lại Newfoundland Canada để tiếp thêm xăng thì cô và người chồng mới cưới rời khỏi máy bay để xin ở lại tỵ nạn chính trị và trở thành công dân Canada vào năm 1997. Việc Phan Thị Kim Phúc nổi tiếng và được chính quyền CSVN ưu ái như vậy mà sau cùng bà phải chọn con đường xin tỵ nạn chính trị tại Canada. Tại sao bà cùng chồng quyết định làm như vậy?

.

Trên tờ báo Life năm 1995, cô Phan Thị Kim Phúc tuyên bố “Tôi luôn luôn bị bắt buộc đi đây đi đó dưới sự điều khiển của Hà Nội, điều này khiến tôi muốn làm một con người có tự do và nhân quyền. Tấm hình đã làm cho tôi rất nổi tiếng nhưng nó đã không làm cho cuộc đời tôi không như ý tôi muốn”.

Sau khi miền Nam sụp đổ vào tháng 4 năm 1975, Kim Phúc và bức hình của nhiếp ảnh viên Nick Út đã bị nhà cầm quyền CSVN sử dụng như một vũ khí nhằm lên án “tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ và ngụy quân Sài Gòn”. Đó cũng là lúc Phan thị Kim Phúc bắt đầu bị khai thác triệt để bởi nhà cầm quyền CSVN. Họ buộc bà phải xuất hiện trong những cuốn phim tuyên truyền và bị quản chế không cho tiếp xúc với những nhà báo phương Tây.

.

Đối với thế giới Tây phương lúc ấy, Phan thị Kim Phúc và bức hình đóng vai trò một nhân chứng sống nói lên những gì tàn bạo, độc ác mà chiến tranh đã gây ra cho con người, những thường dân bị kẹt giữa hai lằn đạn, đặc biệt là những trẻ em vô tội.

.

Đối với những cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở VN thì bức hình ấy còn là một ám ảnh khó quên. Nó nhắc nhở họ đến một cuộc chiến gây quá nhiều tranh cãi, kẻ bênh người chống. Những người Mỹ phản chiến trong cuộc chiến VN ngày nay có chút gì mặc cảm tội lỗi sau khi chứng kiến một miền Nam quằn quại vì thù hằn, vì tù đày, vì độc tài, vì áp bức dưới chính quyền cộng sản, mà chính họ, những người phản chiến ngày xưa, đã vô tình tiếp tay để dẫn đến kết qủa bi thảm này không?

.

Nhà cầm quyền Bắc Việt ngày ấy tận tình sử dụng bức hình cho những mục đích tuyên truyền của mình, thêu dệt bao nhiêu là “luận điệu” hầu làm mất tính chánh nghĩa của miền Nam VN.

.

Luận điệu đầu tiên của CS miền Bắc là “Mỹ dội bom vào dân”. Điều đó sai vì lực lượng hai bên quần thảo với nhau lúc ấy là binh lính VNCH và CS và máy bay ném bom Napalm lúc đó là chiến đấu cơ Skyraider cánh quạt của không lực miền Nam VN.

Luận điệu thứ hai là “Mỹ sai lính Cộng hòa dội bom vào dân”. Điều đó cũng sai vì khi giao tranh, các đơn vị VNCH dưới đất xác định địa điểm xâm nhập của CS và yêu cầu Không quân phái tới oanh tạc cơ chiến thuật AD6 Skyraider để yểm trợ và tấn công các căn cứ VC trong vùng.

Luận điệu thứ ba là “Mọi việc trong cuộc chiến là do Mỹ quyết định”. Điều đó cũng không đúng vì nhiều chiến trường miền Nam do quân đội VNCH phòng ngự và bảo vệ bằng phương tiện của riêng mình.

Luận điệu thứ tư là “Oanh tạc cơ Việt Nam tấn công nhà dân, khiến gia đình Kim Phúc bị nạn”. Điều đó sai, vì oanh tạc cơ tấn công chính xác vào căn cứ ẩn náu của VC chứ không nhắm vào dân. Gia đình Kim Phúc lánh nạn trong thánh thất Cao Đài vì biết đó là nơi an toàn, sau đó trên đường lộ chạy về phía đơn vị VNCH mới bị lâm nạn. Phi công thấy có lính VC rượt theo đoàn người đang túa ra khỏi thánh thất. Chính gia đình Kim Phúc cầu cứu sự giúp đỡ của chiến binh VNCH, nhờ vậy nàng mới được cứu sống.

.

KẾT:

Bức hình Napalm Girl không những chỉ là một vũ khí hiệu quả trong thời chiến mà ngày nay, trong thời bình, tấm ảnh này lại có nhiệm vụ mời Mỹ trở lại Việt Nam.

Dưới chế độ CS, tuyên truyền là chiến lược hàng đầu. Mọi tin tức không phù hợp với chủ trương đều phải bị dấu kín thậm chí còn bị sửa đổi sai lệch bóp méo để phục vụ cho tuyên truyền, nhất là những câu chuyện có liên quan đến chiến tranh VN. Hàng năm, mỗi lần đến Tháng Tư thì những hình ảnh về cuộc chiến VN lại được khơi dậy mặc dù CS miệng lúc nào cũng rêu rao “Hãy bắt tay nhau và quên đi quá khứ”.

35 năm đã đi qua. Một lần nữa Tháng Tư Đen lại trở về với bao nhiêu kỷ niệm và ác mộng đau thương. Thường thì thời gian là liều thuốc hiệu nghiệm giúp hàn gắn mọi đau thương đổ vỡ, nhưng biến cố 30/4 năm nào vẫn như đám mây đen vây phủ ký ức và tâm tư người miền Nam. Người Cộng sản, thủ phạm gây nên nỗi đau và thù hận vẫn tiếp tục thi hành chính sách đối xử bạc đãi và tù đày đối với người miền Nam ngã ngựa. Sự oán thù dai dẳng của người miền Nam thất trận đối với phe thắng trận là hậu quả tất nhiên của những năm tháng trả thù tàn bạo mà những người miền Bắc áp đặt lên người miền Nam. Khó có thể nói chuyện “Hoà hợp hoà giải” khi những người miền Bắc thắng trận vẫn còn đầy ấp tính tự tôn và không ngần ngại trả thù phe bại trận dưới bất cứ hình thức nào, kể cả đầy đoạ, lao tù và chết chóc. Chuyện “Xoá bỏ hận thù” chưa bao giờ được thực hiện dù chỉ trên các phương tiện truyền thông trong nước. Năm tháng dù có phai nhoà nhưng lòng căm hận cuả phe miền Nam thất trận dường như vẫn y nguyên vì phe thắng trận, cho đến giờ phút này, chưa tỏ ra một thái độ hay một hành động gì tích cực, thân ái, yêu thương. Chỉ khi nào những kẻ thắng trận nhận chân được là mình có tội, là tội đồ của dân tộc, thì họa may sự hận thù mới được nguôi ngoai.

Trần Việt Trình

6 tháng 5 năm 2010

.

.

.

No comments: