Cái nghèo, cái dốt đeo đuổi dân đồng bằng sông Cửu Long
Tác giả: Sơn Văn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Bài đã được xuất bản.: 09/05/2010 06:00 GMT+7
http://tuanvietnam.net/2010-05-09-cai-ngheo-cai-dot-deo-duoi-dan-dong-bang-song-cuu-long
Nếu có ai hỏi các vị lãnh đạo (bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) của 48 thành phố trực thuộc tỉnh, 47 quận, 46 thị xã, 556 huyện, 1.366 phường, 625 thị trấn và 9.121 xã trên cả nước về tám mục tiêu thiên niên kỷ đến năm 2015 mà Việt Nam đã ký kết tham gia từ 10 năm qua, rất có thể chưa đến 10% các vị biết và hiểu đầy đủ đó là những mục tiêu gì, nội dung ra sao. Riêng về 13 tỉnh thành ĐBSCL, với chín thành phố trực thuộc tỉnh, năm quận, 10 thị xã, 106 huyện, 182 phường, 124 thị trấn và 1.306 xã , tỷ lệ này còn thấp hơn nữa và càng xuống xã thì tỷ lệ càng nhỏ. Loạt bài viết hai kỳ sau đây sẽ trình bày một số nghịch lý tại ĐBSCL.
Số liệu thống kê khó hiểu về cái nghèo
.
Nói riêng về mục tiêu thứ nhất là triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn, với nội dung ghi rõ: "trong khoảng 1990-2015, giảm một nửa tỷ lệ người có thu nhập (tính theo sức mua tương đương PPP năm 1993) dưới 1 USD/ngày", thì đến cuối năm 2009 chỉ tiêu này đối với dân nông thôn cũng như với nhiều xã, nhiều huyện ở ĐBSCL còn là một con số xa vời.
Một số lãnh đạo cấp tỉnh đang hài lòng với tốc độ tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người hằng năm gia tăng đều đặn (hoặc có gập ghềnh đôi chút) của tỉnh mình và "chưa có ai chết vì đói". Thật vậy, về tăng trưởng GDP, trong khi cả nước chỉ đạt mức 6 - 8%/năm thì tỉnh nào cũng tuyên bố đã đạt chỉ tiêu kế hoạch 14% - 15%/năm, không biết tốc độ tăng trưởng đó đi về đâu, chẳng hiểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có biết không (!).
Về GDP đầu người thì qua tổng điều tra dân số 1/4/2009 vừa rồi, dân số thật sự của các tỉnh thành là bao nhiêu cũng còn là một ẩn số thì làm sao tính; vả lại mức chênh lệch thu nhập giữa dân thành thị và nông thôn, giữa dân phi nông nghiệp và nông nghiệp là bao nhiêu lại càng... khó biết.
Thực tế là mặc dù với tiêu chí nghèo nông thôn ở mức không biết sống ra sao (200.000 đồng/người/tháng, tức 2,4 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 150 USD/người/năm theo giá năm 1994; giảm xuống còn 120 USD/người/năm theo giá 2009, tức khoảng 0,3 USD/người/ngày), mà ĐBSCL còn có không ít xã đang có mức tỷ lệ hộ nghèo lên đến 18%, cá biệt lên đến 20%. Và nếu kể cả hộ cận nghèo (240.000 đồng/người/tháng) thì tỷ lệ này lên tới 35% - 40%.
Nếu gặp một cơn bệnh trung bình, một đám lúa bị bệnh vàng lùn xoắn lá, một cơn dịch cúm gia cầm, một vụ tôm bị đốm trắng, một vài con heo bị tai xanh... thì dù có thu nhập cao hơn mức cận nghèo, nông dân cũng rơi... tự do vào vũng nghèo. Và với mức trợ cấp xã hội hiện nay, cũng không ít xã anh hùng lâm vào tình trạng mà mục tiêu thiên niên kỷ gọi là bần cùng.
Trước sự kiện nền kinh tế quốc gia năm 2009 chỉ tăng trưởng 5,32%, nhiều tỉnh ĐBSCL vẫn kiên trì tuyên bố tăng 14% và xây dựng kế hoạch năm 2010 tăng 14,5% - 15%, dù cả nước và quốc tế chỉ dám dự báo tăng 6,5%.
Bệnh thành tích chăng? Hay là các tỉnh "ước mơ" với mức tăng trưởng kinh tế cao đồng thời với mức giảm dân số (do đi làm ăn nơi khác quá sáu tháng) thì không kể trong dân số (!?), vùng ĐBSCL sẽ sớm vượt qua mức thu nhập thấp theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới và người dân sẽ sớm thoát nghèo theo mục tiêu thiên niên kỷ.
Hỡi ơi, đây có phải là một cuộc đùa giỡn con số hay là "lời nói dối chân thành"? Tại sao không như tỉnh Tiền Giang chỉ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế trên dưới 10%/năm, phải thực tế và khả thi hơn không?
Thực tế là dân ĐBSCL nhiều nơi còn nghèo lắm, dù chưa chết đói. Cứ đến vùng ven biển Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... hay vùng ruột Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười sẽ rõ. Phân tích thống kê của các tỉnh này, chúng ta đều thấy thu nhập bình quân của người dân đang sắp vượt qua hoặc đã vượt qua mức nghèo. Mừng mà lo vì không biết có thật như vậy không, nhưng dân nông nghiệp bình quân cũng chỉ mới đạt khoảng 300 - 350 USD/năm, chênh lệch thu nhập giữa dân phi nông nghiệp và nông nghiệp phổ biến khoảng 2,5 lần, một số nơi lên đến bốn lần. Theo tiêu chí "bèo" hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân khoảng 14% - 15%. Nếu tính theo tiêu chí mục tiêu thiên niên kỷ, số hộ dân còn nghèo dưới mức 1 USD/người/ngày có thể ước tính khoảng 50%.
Có người hỏi tại sao ta không định hẳn tiêu chí thu nhập 1 USD/người/ngày là ranh nghèo, như đã cam kết thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ đến năm 2015, để từ đó có mục tiêu phấn đấu và xây dựng các biện pháp đạt mục tiêu (kể cả sự trợ giúp của quốc tế). Tại sao ta cứ lẩn quẩn đi tìm một tiêu chí thấp hơn, thậm chí không đồng nhất giữa nơi này và nơi khác, để tránh né thực trạng nghèo của dân ta.
Thành tích chăng? Sĩ diện chăng? Nghèo chưa hẳn là khổ. Nghèo cũng đâu đã mất danh dự. Nghèo cũng không phải mất hạnh phúc. Chỉ sợ nghèo mà không sạch, rách mà không thơm. Chỉ sợ đã nghèo mà còn không trung thực, không minh bạch thì dễ đánh mất niềm tin của thiên hạ mà thôi.
.
Về cái dốt, ai biết xin mách giùm
Một kết luận thường được lặp đi lặp lại trong các hội nghị tổng kết về tình trạng giáo dục đào tạo vùng ĐBSCL là: "...Mặc dù ĐBSCL đứng nhất nước về sản suất và xuất khẩu gạo, thủy sản và trái cây, nhưng chỉ đứng trên Tây Nguyên về giáo dục đào tạo...". Đó là một kết luận rất lạnh lùng và làm đau lòng nhiều người. Dân ĐBSCL có khi nào tự hỏi: Tại sao mình làm ăn giỏi mà học hành lại chẳng ra làm sao?
Các số liệu thống kê đưa ra, cũng như các cuộc khảo sát thực tế tại các huyện vùng xa cho thấy mức độ chính xác của kết luận nêu trên.
Về xóa mù chữ, mặc dù đã đạt chuẩn từ mười năm nay (có tỉnh đã được xóa từ 1996) nhưng đến nay nhiều huyện cũng không biết tỷ lệ mù chữ của huyện là bao nhiêu vì có nhiều người trong độ tuổi này đang sống trên các ghe thương hồ nay đây mai đó, đi làm ăn xa, nên không điều tra được. Hỏi thì người ta trả lời là tỷ lệ người biết đọc biết viết trên 98%, đạt chuẩn xóa mù chữ. Thực tế, không ít huyện hiện có tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi 15 - 35 hơn 5%, đa số người không biết đọc biết viết đều sống ở vùng sâu, nghèo túng, thiếu đường giao thông và phương tiện đi lại, ánh sáng văn minh, hiện đại chưa soi đến, và các nhà làm giáo dục cũng... cho qua.
Không biết khi tính toán chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) của ĐBSCL, tỷ lệ người biết đọc biết viết là bao nhiêu, ai biết xin mách giùm. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết con số này năm 2005 là 94,62%.
Về bậc tiểu học, thống kê các tỉnh đều cho thấy một tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi rất đáng phấn khởi, từ 98% trở lên, thậm chí đạt sát nút 100%. Tuy nhiên khi hỏi ra thì cả ba đơn vị phụ trách (thống kê, ủy ban dân số, công an) đều đưa ra con số không giống nhau về tổng số trẻ trong độ tuổi 6-10! Thế thì làm sao có tỷ lệ huy động đúng?
Trong cuộc tổng điều tra dân số gần đây nhất (1/4/2009), số trẻ trong độ tuổi này chắc chắn sẽ thiếu sót lớn vì không điều tra những người vắng mặt tại chỗ quá sáu tháng, mặc dù không cắt hộ khẩu. Một điều thật trớ trêu là nếu dùng phương pháp chuyển tuổi để tính dân số, thì số học sinh của nhiều huyện đều vượt mức 100% số trẻ em trong độ tuổi, thậm chí có nơi lên đến gần 110%. Đó là do các em đi học trễ, ngoài độ tuổi vẫn còn theo học tiểu học, và đây là thực tế. Nhiều nơi cả mười năm nay vẫn chưa được cải thiện, điều đó cũng đồng nghĩa là tình trạng phát triển dân trí bị chậm lại. So với thống kê cả nước, tỷ lệ huy động học sinh tiểu học trong độ tuổi của vùng ĐBSCL chỉ bằng khoảng 95%.
Về trung học cơ sở và trung học phổ thông, tình trạng cũng giống như ở bậc tiểu học, nhưng so với thống kê cả nước thì tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi còn thấp hơn nữa, khoảng 85,0% và 74,0%. Riêng về số học sinh trung học phổ thông, thì lạ thay, đều do Sở Giáo dục quản lý, nhiều Phòng giáo dục cấp huyện không hề biết đến. Tắc trách chăng?
Trong những năm gần đây, khi các tỉnh bắt đầu "công nghiệp hóa", diện tích đất nông nghiệp thu hẹp lại, nhiều gia đình không còn đủ phương tiện cho tất cả con cái đi học, một số trẻ phải hy sinh cho anh chị em. Mặt khác, nhu cầu sử dụng lao động của các nhà máy cũng khiến nhiều trẻ bỏ học. Đó là hai trong số ba nguyên nhân lớn dẫn đến bỏ học, tỷ lệ này nhiều nơi lên đến 5% mỗi năm.
Về đào tạo, trong năm năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL đã tăng tốc đào tạo công nhân kỹ thuật nghiệp vụ qua các trường dạy nghề tại các huyện, mở rộng các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, mở rộng và mở mới trường đại học tại các trung tâm tỉnh. Chất lượng đào tạo có thể không đồng đều ở các nơi, nhưng riêng về số lượng thì có gia tăng đáng kể. Mỗi năm mỗi huyện thị đều có khoảng 1.000 công nhân qua đào tạo, chủ yếu là đào tạo ngắn ngày, đóng góp lớn cho phát triển chung. Tổng số lao động qua đào tạo lên xấp xỉ 30% lao động trong độ tuổi, nhưng cũng chỉ bằng khoảng 66% của cả nước, trong đó đào tạo chính quy chỉ đạt khoảng 9%, bằng khoảng 64% cả nước. Riêng số sinh viên cũng chỉ mới đạt khoảng 30% chỉ tiêu 250 sinh viên/100.000 dân do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra cho ĐBSCL vào năm 2010.
Một điều đáng nói là hình như ít có huyện nào biết được số lao động được đào tạo chính quy (học sinh THCN, cao đẳng, đại học) của huyện mình. Hỏi thì Phòng Giáo dục và Phòng Lao động trả lời là do Sở Giáo dục quản lý. Hỏi Sở Giáo dục thì được cho con số ước tính, muốn biết chính xác thì hỏi các trường. Hỏi các trường thì được báo là chỉ có con số chung, không có thống kê riêng cho từng tỉnh.
Thế là các tỉnh có trường cao đẳng, đại học cứ bê "nguyên xi" số sinh viên của cả trường làm số sinh viên của tỉnh; còn các tỉnh không có trường thì cứ... ước tính. Đến khi báo cáo lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, có lẽ Bộ cũng cứ cộng "nguyên xi" các số lại, và ĐBSCL có thể có lượng sinh viên gấp đôi con số thực!
Vậy mà vẫn còn tệ hơn bình quân cả nước!
Hỡi ơi, đã dốt về giáo dục, dốt về đào tạo, lại không biết mình dốt cỡ nào, chừng nào ĐBSCL mới "cất cánh" về giáo dục và đào tạo. Đây có lẽ là điều mà các hội nghị tổng kết cần đánh giá cho đúng, để có biện pháp xóa dốt cho vùng.
.
.
Dân ĐBSCL trước gánh nặng tiêu dùng, y tế, học hành
Tác giả: Sơn Văn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Bài đã được xuất bản.:
Trong số báo trước, tác giả Sơn Văn đã phân tích những số liệu thống kê - cả “dễ hiểu” lẫn “khó hiểu” - về cái nghèo và cái dốt của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để có một cái nhìn thực chất về những vấn đề nhức nhối ấy của một vùng đất trù phú. Bài viết sau đây đề cập những nhu cầu cụ thể của người dân khu vực này, để thấy gánh nặng cho tiêu dùng, học hành, y tế đổ xuống người dân là rất lớn.
>> Kỳ 1
Đời sống người dân: Chưa có một cái nhìn tổng thể
Con người có tám nhu cầu căn bản: ăn uống, mặc, ở, đi lại, học hành, trị bệnh, giải trí và làm việc. Hằng năm, các tỉnh ĐBSCL đều có thực hiện các cuộc điều tra mẫu về thực trạng của một số nhu cầu trên, nhưng chủ yếu là về mặt làm việc (sản xuất nông lâm ngư nghiệp) và nhà ở, vì gắn liền với thành tích của địa phương; các nhu cầu khác thường không được điều tra, hoặc có điều tra thì cũng 5-7 năm một lần, đôi khi chép lại kết quả điều tra của lần trước. Nhìn chung, ĐBSCL chưa có được một cái nhìn tổng thể về đời sống của người dân và sự tiến triển của đời sống đó qua các năm hoặc từng giai đoạn phát triển kinh tế.
Trước đây khoảng hai năm, Viện Chiến lược phát triển nông nghiệp có làm một nghiên cứu về tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) quy tụ nhiều tiến sĩ, nhiều chuyên gia..., nhưng chủ yếu là đề cập đến các mối quan hệ để đưa ra một chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn. Còn chủ thể của hai vấn đề này là nông dân, đặc biệt là nông dân ĐBSCL - một vùng nông nghiệp rộng lớn và đa dạng nhất nước - trong đó cuộc sống của họ hiện nay ra sao để từ đó có giải pháp thăng tiến cuộc sống của họ, lại rất ít được đề cập, vì thiếu các dữ liệu điều tra, và nhất là vì hình như rất ít trong số các vị tiến sĩ, chuyên gia đó chưa hoặc ít sống thực với nông dân, ít tìm hiểu thấu đáo về đời sống nông dân. Nhiều kết luận và giải pháp còn chung chung, nên đến nay cũng chưa giúp ích gì cho các tỉnh ĐBSCL trong định hướng và thực hiện.
Một cuộc khảo sát gần đây của các chuyên viên Trung tâm Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho thấy, đồng thời với sự gia tăng thu nhập bình quân đầu người từ khoảng 250 USD năm 1999 lên khoảng 350 USD năm 2009 (giá so sánh 1994), cùng với những đầu tư của Nhà nước về điện, giao thông nông thôn, khu cụm công nghiệp, nông dân ĐBSCL cũng đã có những chuyển biến căn bản trong tiêu dùng cho cuộc sống. Tỷ lệ tiêu dùng/thu nhập giảm từ khoảng 94,2% còn trên dưới 88%, cho thấy nông dân đã tăng được khả năng tiết kiệm để đầu tư từ khoảng 5,8% lên đến 12%.
.
Những chuyển biến trong nhu cầu
Cơ cấu tiêu dùng bình quân của nông dân đã chuyển biến khá rõ nét ở một số tám nhu cầu căn bản:
Trong cơ cấu nêu trên, trong khi tỷ trọng chi tiêu cho ăn uống có khuynh hướng giảm nhanh, chi tiêu cho ở có khuynh hướng tăng chậm, thì tỷ trọng chi tiêu cho học hành, trị bệnh và đi lại tăng nhanh.
Về chi tiêu cho ăn uống, mặc dù thường bị mang tiếng là thích ăn nhậu, ngày nay nông dân đã bớt nhiều thói quen giữ lúa mà bán lúa mua gạo để ăn, lại bớt ăn gạo để chuyển sang ăn lương thực chế biến như bún tươi, bún khô, mì, mì ăn liền, miến, hủ tiếu khô..., thực phẩm cũng chuyển dần sang dùng thực phẩm chế biến. Điển hình là trong ba năm gần đây, nông dân giảm bớt uống rượu trắng pha chế từ cồn mà uống rượu Phú Lễ chuối hột, rượu Long An đóng chai... có chất lượng hơn, an toàn hơn. Hay như dầu ăn đã thay thế dần cho mỡ heo... Đây là cơ hội cho các ngành chế biến lương thực thực phẩm phát triển. Làm thế nào để đưa hàng về nông thôn với giá rẻ, chất lượng đảm bảo vệ sinh, an toàn, không phải chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp mà còn là của Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những đơn vị có trách nhiệm đối với phát triển nền kinh tế và xuất khẩu, phát triển "tam nông". Giảm tỷ trọng nhanh trong ăn uống đồng nghĩa với giảm tệ nạn nhậu nhẹt, tăng tiết kiệm cho đầu tư sản xuất, đầu tư cho học hành thuốc men, tăng chất lượng cuộc sống.
Về chi tiêu cho ở, tỷ trọng và giá trị tuyệt đối tăng đều. Trong 10 năm qua, tỷ lệ nhà tạm (giá trị sử dụng dưới 10 năm - nhà ba xác lá) đã giảm từ khoảng 45% xuống khoảng 20%, nhiều huyện chỉ còn 10%. Tại các xã vùng ven biển, các loại nhà ngói (nhà lúa), nhà đỏ cam (nhà tôm), nhà xanh lá cây đậm (nhà cua) được xây dựng ngày càng nhiều. Tại các thị trấn, các khu dân cư mới được hình thành với đa số là nhà kiên cố (trên 20 năm), một số nhà bán kiên cố (dưới 20 năm). Nhiều khu dân cư vượt lũ, với đầu tư lớn của Chính phủ, đã được xây dựng, tuy còn nhiều điều đáng nói, nhưng đã bắt đầu thay thế được các ngôi nhà tạm bợ (nhà đá, nhà đạp). Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là đầu tư trong dân cho nhà ở. Mơ ước ngàn đời của nông dân ĐBSCL là ngôi nhà ngói, mục đích gần nhất là hứng được nước trời mưa sạch trong cho ăn uống. Do đó, khi thu nhập tăng thì họ lo dành dụm để cất nhà ngói, dù là khung sườn gỗ cũng được. Tệ lắm cũng là khung gỗ lợp tôn. Đáng buồn là hiện nay vẫn chưa có tín dụng nhà ở cho nông dân để tăng nhanh số lượng nhà bán kiên cố, kiên cố. Giảm nhà tạm, tăng chất lượng ở, đồng nghĩa với an cư cho lạc nghiệp.
.
Học hành và trị bệnh thực sự là gánh nặng!
Về chi tiêu cho học hành, tuy tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ở các cấp vẫn còn thấp hơn bình quân của cả nước nhưng mức chi tiêu cho con cái học hành ở ĐBSCL vẫn ngày càng tăng, do chủ trương "xã hội hóa" (dù cũng có chính sách miễn giảm học phí, miễn giảm đóng góp cơ sở vật chất). Không ít hộ nông dân, nhất là tại các xã nghèo, đã phải cho một số con nghỉ học bớt, hoặc để giảm chi tiêu, hoặc để tăng thêm lao động, nhưng mức giảm chi tiêu không theo kịp mức tăng của học phí và chi phí học khác. Báo chí cũng đã từng nêu nhiều trường hợp cha mẹ phải bán ruộng vườn để cho con ăn học. Kết quả là chi tiêu học hành tăng cả về tỷ trọng lẫn về thực số. Do đó, "xã hội hóa" triệt để, nếu không theo sát tình hình thực tế của địa phương, thường làm gia tăng số học sinh bỏ học, làm sụt giảm trình độ học vấn của vùng so với cả nước, nhất là đối với các xã còn tỷ lệ nghèo cao. Hỏi: Thế tại sao 13 tỉnh không sử dụng ngân sách dôi dư hằng năm để tài trợ cho giáo dục đến hết cấp trung học cơ sở theo đúng ý nghĩa của hai chữ phổ cập, mà cứ phải trông chờ vào chủ trương vừa chậm, vừa cào bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Nếu không đầu tư cho con người thế hệ mai sau thì thành quả phát triển của ngày hôm nay cũng chỉ là "bong bóng".
Về chi tiêu cho trị bệnh, tỷ trọng vừa cao vừa tăng qua các năm vì ĐBSCL là nơi xảy ra nhiều dịch bệnh, ngộ độc. Cũng giống như học hành, có thể thấy qua các số liệu thống kê của các Phòng y tế cấp huyện, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi, tỷ lệ bà mẹ chết sau khi sinh... đều còn khá cao. Cũng có thể thấy tại các bệnh viện chuyên môn tại TP.HCM nhiều bệnh nhân từ ĐBSCL nằm chen chúc trên giường bệnh, nhiều thân nhân lê la ở hành lang, nhiều gia đình đã phải bán hết ruộng vườn để trị bệnh cho thân nhân, có lẽ cũng chỉ vì "xã hội hóa" quá triệt để! Ai đã từng đi trị bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế chắc cũng "nghe rõ và thấu hiểu" cảnh bệnh nhân bị các y tá bạc đãi, bác sĩ ít quan tâm hơn là trị dịch vụ. Hỏi: y đức bây giờ tệ như vậy sao, nhà thương công bây giờ mất tính xã hội của thời bao cấp rồi sao, hóa ra bao cấp mà tốt hơn sao?
Đầu tư cho học hành và trị bệnh chắc chắn không phải chỉ là trách nhiệm của người dân, mà còn phải xuất phát từ Chính phủ, từ các doanh nghiệp có mặt trên địa bàn, vì con người là chủ thể của phát triển đất nước, là lao động tiềm năng của các doanh nghiệp. Có biết bao nhiêu tiền đã đổ vào các lễ hội, chùa chiền... nhưng có biết bao nhiêu trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế vẫn chưa đạt chuẩn. Có nên chăng đừng xã hội hóa triệt để, có nên chăng các doanh nghiệp hằng năm trích quỹ phúc lợi và khen thưởng cho giáo dục và y tế cho địa phương, hoặc trực tiếp chỉnh trang, nâng cấp hoặc xây mới trường học, trạm y tế cho các xã còn nghèo như Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S. Ting đang làm cho huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre), có nên chăng ngân sách giáo dục, y tế của Chính phủ cần... rộng tay hơn cho nông dân được nhờ, theo đúng tinh thần phát triển tam nông.
.
.
.
No comments:
Post a Comment