Tuesday, May 11, 2010

"BBC TIẾNG VIỆT" ĐANG ĐỨNG Ở "LỀ BÊN PHẢI"

Thêm một bằng chứng cho thấy “BBC tiếng Việt” đang đứng ở “lề bên phải”

Lê Lão Trượng

Đăng bởi bvnpost on 11/05/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/05/11/thm-m%e1%bb%99t-b%e1%ba%b1ng-ch%e1%bb%a9ng-cho-th%e1%ba%a5y-bbc-ti%e1%ba%bfng-vi%e1%bb%87t-dang-d%e1%bb%a9ng-%e1%bb%9f-l%e1%bb%81-bn-ph%e1%ba%a3i/#more-6240

Sau sự kiện cho phổ biến hai bài viết của “Tiến sĩ” Đỗ Ngọc Bích, xin mời quý độc giả đọc bài sau đây của “BBC Việt Ngữ” (tôi xin đính kèm nguyên văn trọn bài để quý độc giả có thể đánh giá chính xác và khách quan):

Nhớ về một ngày 30/4

BBC

Cập nhật 08: 44 GMT – Thứ Sáu, 30 tháng Tư, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100430_30april_faces.shtml

Chính quyền TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức buổi lễ long trọng vào sáng thứ Sáu 30/4 để kỷ niệm 35 năm ngày kết thúc của cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam, thống nhất đất nước.

Đài BBC đã hỏi chuyện một số nhân chứng lịch sử, những người từng có mặt tại Sài Gòn ngày 30/4/1975.

Ông Triệu Quốc Mạnh, Luật sư, từng giữ chức Chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn-Gia Định:

Trước giải phóng tôi là Thẩm phán dưới chế độ Sài Gòn, suốt 12 năm, từ 1963 tới 1975. Khoảng 14 ngày trước ngày 30/4, ông Dương Văn Minh ngỏ ý mời tôi nắm lực lượng cảnh sát quốc gia. Ông ấy tìm người phù hợp các tiêu chuẩn: biết luật, biết chỉ huy và trong sạch. Tôi mới nói với ổng là khi nào ông làm Tổng thống, thì tôi sẽ nhận trách nhiệm này.

Tình hình lúc bấy giờ diễn biến hết sức nhanh chóng và phức tạp. Người đầu tiên trong nội các Dương Văn Minh được bổ nhiệm là tôi.

Lực lượng cảnh sát miền Nam có tiếng là ác độc, cực kỳ nguy hiểm với cách mạng, người dân cũng rất căm ghét. Nên khi có quyết định thay chỉ huy mới, thì đáp ứng nguyện vọng của nhiều người lắm. Nói thực tình khi lãnh trách nhiệm chỉ huy cảnh sát, tôi có hai ông Tổng thống: Dương Văn Minh và chính bản thân tôi, nghĩa là tôi hành động theo ý tôi.

Tôi không muốn cho cảnh sát cầm súng chiến đấu nữa và ra lệnh cho họ không được nổ súng trước với lý do đó là thời gian còn đang thương thuyết. Thứ hai, tôi lập danh sách các tù chính trị và ký lệnh phóng thích hết. Thứ ba, tôi quyết định giải tán toàn bộ lực lượng cảnh sát đặc biệt, còn gọi là các F.

Các quyết định trên đã giúp giảm thiểu thương vong, xáo trộn, cướp bóc trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Cảnh sát hồi đó dữ dằn lắm, dùng cả đại liên.

Tôi gia nhập Đảng Cộng sản vào tháng 6/1966, đơn giản là vì theo tôi, để theo con đường giành độc lập thì đi với Đảng lúc bấy giờ là có lợi.

Gần 10 năm sau giải phóng, khi có một bài báo do một người có chức vụ rất quan trọng viết, ông ấy mới tiết lộ tôi là người của cách mạng. Chứ còn gia đình tôi, ngay cả vợ tôi, mẹ tôi, anh chị tôi, tuyệt đối không ai biết.

Dĩ nhiên chính quyền trước Dương Văn Minh và cả ông Dương Văn Minh đều không biết điều này mà chỉ biết tôi là một Thẩm phán trong sạch, có năng lực, có khả năng một ngày chỉ huy việc chuyển giao quyền lực mà chắc chắn sẽ gây ra xáo trộn rất lớn trong thành phố.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:

Tôi vốn là sinh viên Sài Gòn, hoạt động bí mật trong lòng thành phố, bị cơ quan cảnh sát chế độ cũ truy nã cho nên buộc phải rời Sài Gòn. Ngày 30/4/1975, tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng các cán bộ chiến sỹ tiến vào Sài Gòn.

Khi nhân dân Việt Nam đối mặt với cuộc chiến tranh xâm lược Mỹ, đó là một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất và phi lý nhất. Do vậy chiến thắng 30/4 là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam, chứ không có người Việt Nam thua, hay người Việt Nam thắng.

Chính phủ Việt Nam cố gắng làm tất cả những gì có thể để mọi người hiểu nhau hơn, hòa hợp, đoàn kết với nhau hơn nhằm phát triển đất nước.

Bà Nguyễn Thanh Tùng, cựu biệt động Sài Gòn, anh hùng lực lượng vũ trang:

Lúc Tổng tấn công năm 68, biệt động Sài Gòn bị thiệt hại nhiều, bị bắt, bị giết. Tôi nhận nhiệm vụ xuống xây dựng lực lượng, bám trụ địa bàn quận 9, phân nửa quận 1 và phân nửa quận Tư, ven sông Bạch Đằng.

Năm 75, chúng tôi chờ lệnh chốt ở địa bàn, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch như lương thực, hậu cần, cả y tế nữa vì rút kinh nghiệm năm Mậu Thân thương vong rất nhiều.

Sáng 30/4, chín giờ kém 15 tổ vũ trang của biệt động chúng tôi cắm cờ ở tòa hành chánh.

Tôi có hai đứa con trai, hy sinh tháng 2/1975. Chiến tranh như vậy, nếu mình không hy sinh thì ai hy sinh cho mình? Gia đình mình chỉ đóng góp một phần nhỏ bé thôi, nhưng cũng an ủi được phần nào khi cả nước giành chiến thắng.

Tôi nghĩ là nhân dân Việt Nam bây giờ muốn hòa hợp, đoàn kết lắm. Bàn tay có năm ngón mới kết thành bàn tay, hai bàn tay mười ngón, kết lại thành vòng tay. Anh chị em nào quý mến dân tộc Việt Nam thì xin mời siết chặt vòng tay lại.

Ông Hoàng Văn Cường, nhà báo từng làm việc cho Hãng thông tấn UPI của Hoa Kỳ:

Sáng 30/4, từ rất sớm tôi có mặt ở quốc lộ 1. Đến ngay ngã ba Vũng Tàu – Biên Hòa, tôi gặp một đoàn xe tăng T54 của Nga và linh cảm bảo tôi đó là đoàn tăng của Việt Cộng.

Tôi vội vàng bỏ hết các quân trang mà tình cờ có trên người, chỉ đeo máy hình để đón chiếc xe tăng đầu tiên. Tôi trở thành người chỉ đường bất đắc dĩ vì họ không biết đường trong thành phố. Ngay cả quãng đường từ Ngã tư Hàng Xanh vào Dinh Tổng thống họ cũng không biết nên tôi đi theo xe tăng 390 để chỉ đường cho họ.

Thực ra tôi đã từng gặp bộ đội Bắc Việt rồi nên không quá bỡ ngỡ. Năm 1972, tôi đã được đưa vào mật khu Hố Bò để tiếp xúc với bộ đội trong đó, xem họ sinh hoạt khó khăn vất vả như thế nào để chụp hình và viết bài.

Tháng Tư 1975, các phóng viên làm cho báo chí nước ngoài và người nước ngoài lần lượt đi nhiều, nhưng tôi quyết định ở lại vì nghĩ rằng mình là người Việt Nam.

Chiến tranh sắp chấm dứt, tôi phải có quyền ở lại, có quyền hưởng độc lập tự do.

Những năm đầu sau chiến tranh, tất nhiên tôi cũng gặp nhiều sự nghi ngờ, đố kỵ vì tôi làm cho hãng của Mỹ. Cải tạo thì chưa phải đi, nhưng mà cũng khổ lắm.

(Hết trích)

.

Sau khi đọc bài báo trên, dù không bận tâm nhiều đến nội dung mà các nhân chứng lịch sử nói như thế nào, tâm trạng của những độc giả khác ra sao, nhưng cảm nhận và thắc mắc của cá nhân tôi rõ ràng là:

1. Vừa đọc xong một bài viết của một trong số hơn 700 tờ báo quốc nội thuộc “lề bên phải”.

2. BBC có dụng ý gì khi thực hiện bài báo này? Chỉ xét riêng về thành phần “nhân chứng lịch sử được hỏi chuyện” có lẽ không ai không nhận ra dụng ý rõ rệt của BBC Tiếng Việt: “trao micro” cho những người đang đứng ở lề bên phải, những người đang hưởng nhiều đặc ân của chế độ và có “quyền ăn quyền nói” tại Việt Nam. Phỏng vấn họ cũng được thôi, có thể là cần thiết nữa, song chả lẽ “nhân chứng lịch sử” chỉ có thuần những con người thuộc “típ” trên? Còn những người dân đang đổ mồ hôi sôi nước mắt để mưu sinh hàng ngày, những người đang rơi vào tình cảnh bị mất ruộng vườn, nhà cửa, hoặc đang chịu những oan khuất, những bất công vô lý do chính sách Nhà nước không thỏa đáng gây nên, và những người đã phải bỏ quê hương xứ sở để sống kiếp tha hương… không còn là con người để xứng đáng được làm “nhân chứng lịch sử” và được BBC “hỏi chuyện” hay sao?

3. Trong bốn “nhân chứng lịch sử” được “hỏi chuyện” mà đã có đến ba đảng viên cao cấp của Đảng CSVN, quả thực BBC Tiếng Việt “khách quan” đấy chứ, và không hiểu cái lịch sử mà BBC muốn đề cập và “dựng nên” là thứ lịch sử nào? Hy vọng rằng BBC đã “hỏi chuyện” không chỉ bốn con người trên, có thể họ đã “hỏi chuyện” nhiều người hơn nhưng các ý kiến trả lời “không đúng lịch sử” hoặc “nghe như thuộc lề trái” thì đều đã được biên tập cắt bỏ. Và trong trường hợp này, BBC Tiếng Việt cũng chẳng giấu được cái “mặt thật” đã trở nên không mấy khách quan – đứng giữa và nói thật, chẳng ngả về bên nào – của mình, so với cái khuôn mặt đáng trân quý vốn có của mình trước kia.

4. Trước đây, nhận ra sự thiên lệch của nhà đài, tôi đã có lần từng phản ứng bằng cách viết bài phản biện khi ông Nguyễn Giang viết trên BBC Tiếng Việt ngày 18/6/2008 trong bài “Thủ Tướng Việt Nam tới Mỹ ngày 24/6/2008” (lẽ dĩ nhiên bài phản biện này đã bị BBC lờ đẹp, không thèm trả lời).

Vụ bắt hai nhà báo gần đây và cách xử lý đám tang cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thấy vẫn có khác biệt lớn giữa Việt Nam và Phương Tây, trong đó có Mỹ, về cách nhìn nhận vai trò của truyền thông.

Sự khác biệt này đến từ hai triết lý cầm quyền khác nhau chứ không thuần túy là va chạm ý thức hệ” (Hết trích).

Đọc những dòng trích trên, có lẽ chúng ta sẽ lấy làm lạ và khó hiểu: một thành trì nổi tiếng của “thế giới tự do” như BBC mà vẫn cố “làm thầy cãi không công” khi đưa ra một luận điểm nhằm “nói hay” cho thể chế toàn trị – ở Việt Nam hay ở bất cứ nước toàn trị nào khác trên thế giới thì cũng thế?

Có chăng một triết lý cầm quyền đi ngược lại những chuẩn mực văn minh phổ quát của nhân loại và không đếm xỉa gì đến tự do và hạnh phúc của người dân?

5. Tóm lại, từ “sự kiện Đỗ Ngọc Bích” và những nhận xét tản mạn trên đây, cảm giác của cá nhân tôi là ngao ngán cho BBC tiếng Việt nói chung và ông Trưởng ban Nguyễn Giang nói riêng (có thể phía sau ông Nguyễn Giang còn có một gương mặt nào đấy “bản lĩnh” hơn và cũng ẩn hiện kín đáo hơn nữa kia?). Có chăng, có một cách nào đó kêu gọi họ thực sự thức tỉnh lương tâm để làm trọn nhiệm vụ của những nhà báo đích thực và đứng về phía đa số người dân Việt đang chịu bao nhiêu ràng buộc – những nhân chứng thực sự của lịch sử? Tôi không tin BBC Việt ngữ và những con người ở đó đang bị “cuốn trôi theo dòng lịch sử”. Xin hãy cho tôi và rất nhiều con người thấp cổ bé miệng một chút lòng tin để tiếp tục sống trong cái thời buổi nhiểu nhương, trong cái đất nước nhiều khổ đau này, hỡi ông Nguyễn Giang và những người con Việt trong BBC Việt ngữ!!!

LLT, gởi đi từ Sài Gòn.

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

.

.

.

No comments: