Tuesday, May 11, 2010

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG, ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN ?

Bạo lực học đường, đâu là nguyên nhân ?

Lê Nguyên Hồng
Gửi vào ngày Thứ Ba, 11 Tháng 5, 2010.

http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8964

Hiện nay, sự bùng phát của nạn bạo lực học đường tại Việt Nam đang là một đề tài thời sự nóng bỏng, và tương lai của đề tài này sẽ còn kéo dài vì sự gia tăng bạo lực mỗi ngày ở các trường học, nhất là trong các trường học ở thành thị…

Vậy thì đâu là nguyên nhân và người ta sẽ tìm giải pháp nào để ngăn chặn nạn bùng phát bạo lực học đường ở Việt Nam?

Về vấn đề bạo lực học đường, đây luôn là mối quan tâm đặc biệt của không những các nhà sư pham, mà còn là mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội, nhất là đối với các phụ huynh học sinh. Trong khoảng thời gian trung bình 12 năm của cả ba cấp học thuộc hệ Phổ Thông, người ta quan tâm nhất đến quãng thời gian các em học từ lớp 5 đến lớp 12. Tức là giai đoạn các em trung bình từ 11- 18 tuổi.

Khoảng thời gian phát triển từ thiếu niên sang tuổi thanh niên- Tuổi trưởng thành- Là một giai đoan cực kỳ quan trọng trong cuộc đời con người. Chỉ trong vòng khoảng 7 năm (11-18 tuổi), nhưng yếu tố tâm lý, sinh lý của các em học sinh có sự vận động bên trong và chịu sự chi phối (một cách thụ động) từ bên ngoài rất lớn. Ở tuổi này thì đương nhiên, quá trình phát triên tâm lý của các em đều có quan hệ chặt chẽ với điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội và nền văn hoá mà thanh thiếu niên đang sống.

Về sinh lý, ở giai đoạn “tiền dậy thì”, “trong dậy thì”, và “hậu dậy thì” này, những sự chuyển hoá hữu cơ trong cơ thể các em rất mạnh mẽ, nguồn sức dồi dào, dẫn đến sự hiếu động. Với thể chất tràn đầy sinh lực, nhất là trong những hoạt động có tính thi đua, cùng với ý thức chưa đầy đủ, lòng tự tôn của “những chú gà con” sẽ tạo nên những hành động đôi khi trở nên “bất kham”. Nhiều trường hợp ứng xử của các em (có thể nói hầu hết mọi trường hợp) đều mất đi sự điều độ, thiếu làm chủ hành vị…

Nạn bạo lực học đường ở Việt Nam ngày nay cũng có xuất phát từ những nguyên nhân tâm lý nói trên. Nhưng nếu giải thích đơn thuần như vậy, thì câu hỏi đặt ra là:
Tại sao ở các nước phát triển trên thế giới (và cả ở Việt Nam trước đây), bạo lực học đường chỉ được coi là một “vấn đề”, còn ở Việt Nam ngày nay nó lại trở thành một “vấn nạn”?
Và tại sao, vẫn trong đất nước ấy (Việt Nam), vẫn nền văn hóa ấy (Việt Nam), vẫn chủng tộc ấy (Da Vàng), mà chỉ trong khoảng thời gian trên dưới 35 năm gần đây, từ “vấn đề bạo lực học đường” lại đột nhiên trở thành “vấn nạn bạo lực học đường” với những vụ việc, vụ án diễn ra hàng ngày gây kinh hoàng cho cả xã hội?

Chúng ta hãy tạm khoan, chưa vội cần thống kê ra đây những con số, những “vụ án học đường” được tin tức báo chí loan tải hàng ngày, mà thủ phạm chính là học sinh gây ra cho nhau và gây ra ngoài đời. Những bậc cha anh, chú bác của các em học sinh cấp 2 và cấp 3 ngày nay, hãy thử nhớ lại xem trước đây (nhất là trước năm 1975) nếp sống đạo đức (luân lý) trong trường học như thế nào…

Theo trí nhớ của người viết bài này, đã từng sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc và tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông năm 1979. Thì vào thời điểm đó (những năm trước năm 1979) học sinh phổ thông ở thành thị Việt Nam sống rất ôn hòa, lễ phép và biết tôn trọng người khác. Đôi khi trong trường học cũng xảy ra những xích mích dẫn đến ẩu đả, nhưng chỉ là dùng tay chân sơ sơ, và tất cả đều được bạn bè cùng lớp can ngăn kịp thời, tuyệt nhiên không có chuyện dùng vũ khí để tấn công nhau.

Đối với ngôi trường Cấp IIIA thị xã Yên Bái (nơi người viết bài này từng theo học). Hãn hữu mới có một vụ “so găng” giữa các nam sinh, nhưng với tinh thần rất… thượng võ. Tức là giải quyết mâu thuẫn sau giờ học, kéo nhau ra sân vận động và đánh tay đôi, có sự chứng kiến của bạn bè. Nếu bên nào nhận thua hoặc bị đòn đau thì bên kia dừng lại và “trận đấu” kết thúc…

Thế nhưng mọi việc đã hoàn toàn thay đổi, khi vào tháng 02/1979 một bộ phận học sinh theo dòng người di tản chiến tranh Việt Trung, từ tỉnh lỵ Lào Kai chuyển về. Đã đem về một “phong cách” mới, đó là dùng vũ khí (gậy gộc, dao búa) và dùng số đông tấn công vô cớ bạn học của mình. Tất nhiên là để trả đũa, học sinh Yên Bái cũng ngay lập tức tự trang bị vũ khí cho mình. May mắn là trường Cấp IIIA Yên Bái ngày đó không có người chết vì đánh nhau, nhưng trường hợp sứt đầu mẻ trán, phải đi bệnh viện cấp cứu thì đã xảy ra. Sau đó mới biết, “phong cách” đó là học sinh Lào Kai (vốn thường qua lại Trung Quốc) nên học được từ các bạn Trung Quốc. Sau này do có công việc đi lại nhiều, nên người viết bài này cũng đã được đến các tỉnh giáp ranh với Trung Quốc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, thì thấy nạn bạo lực học đường ở những nơi đó cũng giống như ở Lào Kai vậy...

Tuy nhiên, đó chưa đủ để đưa ra một kết luận về ảnh hưởng bạo lực từ Trung Quốc tới học đường Việt Nam. Nhưng những gì chúng ta tận mắt chứng kiến bằng sự lan tràn ồ ạt đồ chơi bạo lực cho trẻ em tại Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc. Nạn người Trung Quốc sang du lịch hoặc làm việc tại Việt Nam,
tàn bạo tấn công người Việt, thậm chí có trường hợp giết hại người Việt ngay tại Hà Nội
. Đã khiến cho công luận thấy rõ sự thả nổi tư tưởng bạo lực và khuynh hướng sử dụng bạo lực của xã hội Cộng Sản Trung Quốc. Những đề tài này có lẽ sẽ phải cần đến một cuộc điều tra có quy mô thì mới có thể kết luận đầy đủ…

Chuyện hấp thụ cái xấu trong lứa tuổi học sinh là rất nhanh, trong khi việc nhận thức được sự tốt xấu lại đòi hỏi cả một quá trình. Cho nên trách nhiệm của toàn xã hội trong việc kết hợp cùng gia đình, để giáo dục học sinh tránh học tập thói quen dùng bạo lực là mục tiêu hàng đầu.

Người ta cho rằng: Giá trị đạo đức được tiếp thu và hình thành ở mỗi em học sinh, luôn phụ thuộc vào việc các học sinh ấy được giáo dục, đồng thời tiếp nhận những tư tưởng và các chuẩn mực đạo đức nào đó của gia đình và xã hội.

Đối với Việt Nam, những giá trị đạo đức (thực) hiện nay là gì?

Có người nói rằng: Thời đại ngày nay (ở Việt Nam) là “thời đại đồ đểu” sau các thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ sắt. Nói như vậy thì hai chữ “đồ đểu” ở đây là muốn ám chỉ đến sự dối trá. Sự dối trá ngày nay trong xã hội Việt Nam đã trở thành hệ thống, dối trá đã trở thành một nghệ thuật. Dối trên lừa dưới- Bản chất của cái gọi là “Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa”- Đã được các thế hệ quan chức, cán bộ cộng sản Việt Nam nâng lên thành một ý thức hệ.

Vậy thì con em của các đảng viên Cộng Sản sẽ nghĩ gì khi nhận ra chính cha mẹ chúng cũng là những kẻ nói dối, những kẻ ăn cắp, ăn cướp, thông qua hành vi tham nhũng, trục lợi đầy mưu mô và thủ đoạn của họ?

Các em học sinh sẽ nghĩ gì khi thấy cảnh tượng cảnh sát giao thông Việt Nam mãi lộ (cũng là hành vi cướp) khách đi đường giữa ban ngày ban mặt? Các em sẽ cảm nhận gì và bức bối như thế nào khi thấy xã hội xung quanh mình toàn là rác rưởi, ô nhiễm xấu xa (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng)?.

Các em học sinh sẽ đem tâm trạng bất an đó vào đâu? Tất nhiên là vào lớp học, vào nhà trường! Vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Đó là bạo lực. Vì bạo lực thường xuất hiện ở lúc bế tắc, không có lối thoát, không có kiểm soát. Hành vi này sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi một nhóm các em như vậy cấu kết với nhau để phá bĩnh, quậy phá và vô tư… phạm tội!

Chuyện “bạo lực học đường” ngày nay ở Việt Nam không còn là “sân chơi” dành riêng cho phái nam nữa.
Học sinh nữ cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” như ai. Dư luận giật mình, không lẽ sự suy đồi đạo đức của xã hội lại tiêm nhiễm vào hành vi của cả các em gái vốn “chân yếu tay mềm”, “đào tơ liễu yếu” vậy sao? Xin thưa rằng, chưa hết đâu ạ! Nhiều học sinh nữ cấp II và III còn sớm sa vào tệ nạ xã hội như nghiện Game, nghiện ma túy, trộm cắp, trấn lột và cả mại dâm nữa…

Vậy không có lẽ các em sa ngã vì không được gia đình giáo dục? Không phải như vậy, về tâm tư, kể cả là những tên cướp chuyên nghiệp thực thụ, đến những người dân thường, ai ai cũng cố gắng dạy bảo con em mình làm những điều tốt đẹp. Nhưng điều đó hoàn toàn không dễ dàng trở thành hiện thực, khi bản thân người rao giảng đạo đức lại đang là người (thậm chí) không có đạo đức.

Đối với đội ngũ thầy cô giáo hiện nay ở Việt Nam không phải là không có người tốt. Nhưng để chạy theo “cơ chế thị trường Xã Hội Chủ Nghĩa” họ cũng phải tìm cách kiếm tiền. Tất nhiên dễ nhất (và tiện nhất) là kiếm tiền từ các em học sinh, bằng cách dạy thêm học thêm và đủ hình thức khác.

Ấy là chưa kể đến những “thầy” như Sầm Đức Xương ở Hà Giang cưỡng bức hàng chục em học sinh gái. Và còn biết bao những vụ thầy cô giáo chiếm đoạt tài sản của cha mẹ học sinh dưới hình thức “giúp đỡ” để được tăng điểm, được lên lớp vv…

Thử hỏi, từ những “chuyện thầy”, “chuyên cô” như trên, học sinh ngày nay có coi thường (thậm chí khinh thường) thầy cô giáo hay không?

Và nhắc đến chuyện bạo lực chốn học đường (Phổ Thông) ở Việt Nam thì còn là cả một câu chuyện dài: Chuyện thầy cô giáo bạo hành, đánh đập học sinh. Chuyện học sinh đánh bạn, học sinh đánh thầy cô giáo. Chuyện học sinh đưa người ngoài vào trường trả thù giúp, đánh thuê. Chuyện thanh thiếu niên bên ngoài tổ chức bảo kê, trấn lột hiếp đáp học sinh trong trường vv…Đó là người viết còn chưa đề cập đến những chuyện bạo lực trong nếp sống tại các trường đại học và trung học chuyên nghiệp. “Khu vực” này cũng hết sức lộn xộn, hết sức phức tạp và nhiều tệ nạn nhức nhối!

Nói đến vấn đề bạo lực ngoài xã hội hay trong học đường ở Việt Nam hôm nay, thì ai cũng phải quan ngại. Để dẹp được, hay khống chế được vấn nạn này là không thể một sớm một chiều. Trước hết, cần phải có ngay một cơ chế kiểm soát và tạo dựng lại một nền tảng đạo đức căn bản cho xã hội. Nhưng chế độ vô thần, độc tài độc đảng hiện nay do Đảng Cộng Sản Việt Nam đang lãnh đạo có thể làm ra một cơ chế như vậy được hay không? Vậy nguyên nhân nào dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường? Câu trả lời xin dành cho người đọc!

Lê Nguyên Hồng

.

.

.

No comments: