Sunday, May 16, 2010

BÁN VÉ SỐ và NHỮNG PHẬN NGƯỜI

Bán vé số và những phận người

Nguyễn Ðạt/Người Việt

Saturday, May 15, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112970&z=1

Những người bán vé số mời chào người mua ở khắp các quán tiệm, bến xe, rạp hát, các địa điểm vui chơi giải trí, trên đường phố, vào từng nhà... nói chung những nơi có đông người, là hình ảnh diễn ra hàng ngày ở khắp các tỉnh thành phía Nam của đất nước, nhiều nhất tại Sài Gòn.

.

Hầu như ai cũng có thể bán vé số, bởi đây nếu gọi là “nghề” cũng không đòi hỏi “tay nghề” và bất cứ một điều kiện nào khác, đơn giản chỉ cần mang xấp vé và cuốn sổ dò kết quả xổ số đi mời người mua. Vốn liếng chẳng đáng kể, lại có thể nhận trước vé số đi bán, trả tiền sau cho đại lý, nơi lấy vé số. Thế nên thành phần bán vé số chúng tôi đã thấy là những đứa bé, những thanh niên - trung niên cả nam lẫn nữ - thường đem theo đứa con nhỏ hoặc suy dinh dưỡng hoặc tàn tật bẩm sinh - những ông già bà lão, những người khỏe mạnh và những người tàn tật, lê lết trên đường hoặc chống nạng, hoặc ngồi trên xe lăn... tới chỗ đông người, mời mua vé số. Chúng tôi cũng thường gặp, đặc biệt trong các quán nhậu đông khách ở Sài Gòn, những phụ nữ bán vé số rất quen mặt, phục sức đỏm dáng, có nhan sắc và đầy sức sống. Sau đó được biết, hầu hết những phụ nữ này đều rời bỏ chồng con thường là ở chốn quê nghèo, tới Sài Gòn bán vé số để tìm cơ hội gặp gỡ những tay “đèo bòng,” những “ông già chơi trống bỏi” có nhiều tiền lắm bạc. Tuy nhiên nói chung, đa phần trong số người bán vé số đông đảo ở Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam chúng tôi đã đi qua, là những người “sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu,” bán vé số là bước đường cùng để kiếm miếng cơm manh áo.

.

Buổi sáng mỗi ngày ra đường, chúng tôi đều gặp bà già khoảng trên 75 tuổi, còng lưng chống gậy đi trên đường Bình Thới, quận 11, bán vé số. Bà già có gương mặt rất giống người Tàu - người Sài Gòn phát âm là Tào - nhưng lại là người Việt, nên bà con quen biết gọi đùa thân mật là “Bà Tào Lao.” Từ nhiều năm nay bà sống một mình, bán vé số để có tiền ăn cơm, tối ngủ nhờ trong khuôn viên nhà máy thủy tinh Tiền Phong ở đầu đường Bình Thới. Chủ nhà máy thủy tinh là người Hoa, nhân công cũng đa số là người Hoa, nên có nhiều người vẫn nghĩ “Bà Tào Lao” đích thực là người Tàu. Già yếu, chống gậy cũng còn run rẩy, không đi bán vé số được bao nhiêu, có nhiều buổi bà chỉ mua chén cơm chan nước tương. Tiệm cơm định chan nước thịt, thêm chút đồ ăn, bà luôn thoái thác, nói cần ăn chay tịnh như vậy để niệm Phật. Có lẽ vì giữ lòng tự trọng như vậy, sức khỏe của bà càng sớm sa sút, lưng mau còng xuống thêm thấy rõ. Thấy tình trạng của bà hiện nay, ít người biết trước 30 tháng 4, 1975 bà từng là cô giáo dạy học tại một trường tiểu học công lập ở Sài Gòn. (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/112970-big_VN_BanVeSo_BaCu_ND.JPG)

.

Chúng tôi vào gửi thư ở Bưu điện Lữ Gia, gần khu Trường đua Phú Thọ và đường Bình Thới, gặp ông già bán vé số cũng khoảng tuổi bà già ở đường Bình Thới. Ông đang gửi thư bảo đảm, kèm theo chút tiền cho đứa cháu ở một làng quê thuộc tỉnh Bình Ðịnh: “Có hơn trăm ngàn dành dụm gần một năm nay gởi cho thằng cháu, nó vẫn thường tìm mua rượu Bàu Ðá thứ thiệt cho ông nội uống trước đây...” Chúng tôi hỏi chuyện, được biết ông vào Sài Gòn từ trận bão lụt ngoài đó cách đây gần một năm. Nhà cửa, nương rẫy của gia đình ông bị tiêu tan, ông quyết định tự mưu sinh để đỡ gánh nặng cho con cháu. Ông ở nhà trọ do người đứng đại lý vé số tổ chức, ăn ở tại chỗ và lãnh vé số đi bán, đóng tiền cho chủ đại lý vé số cũng còn dư một hai chục ngàn đồng một ngày. Nhìn ông già ốm yếu, lưng còng, đi dật dờ từng bước, chúng tôi hỏi sao ông có thể tiếp tục đi bán vé số ở Sài Gòn? Ông già nói: “Tui tính ở đây luôn. Trở lại ngoài đó, đau bịnh, rồi chết, càng làm phiền con cháu, chúng nó sống cũng khổ cực lắm!” (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/112970-big_VN_BanVeSo_OngGia_ND.JPG)

.

Trong dịp đi Búng - Lái Thiêu, Bình Dương - cách đây hơn nửa tháng, ngồi uống cà phê trong quán quen, một cậu bé nói năng rất lễ phép, mời chúng tôi mua vé số. Chúng tôi hỏi cậu bé, chắc hẳn còn đang đi học? Vẻ mặt cậu bé chợt buồn, nói: “Con mới nghỉ học năm rồi.” Liền sau đó cậu bé chào chúng tôi và rời quán. Bà chủ quán cho biết: “Tôi nghiệp thằng nhỏ, nó học giỏi lắm. Bị nhà nghèo, quá đông anh em, chị nó phải nghỉ học từ lâu, phụ cha mẹ đi bán vé số mà cũng không thoát nổi khó khăn. Nó đang học lớp 7 cũng phải nghỉ học, đi bán vé số luôn. Tức là hai chị em đi bán vé số, cha thì đau bịnh rề rề có làm được chi, mẹ ngồi bán ba thứ hành ngò sả ớt ngoài hông chợ, làm sao đủ tiền nuôi 8-9 miệng ăn... Thiệt tội nhe, tui thấy thằng nhỏ tránh bán vé số ở những chỗ có thể gặp bạn học, nó biểu gặp bạn học thấy tủi lắm. Nó rất ham đi học, học lại giỏi nữa, năm nào cũng lãnh thưởng, bi giờ đành phải nghỉ học chớ còn biết làm sao đây?!... Chị em chia nhau khu vực bán vé số, mà nơi nào cũng người bán đông hơn người mua. Chị nó bán ở Lái Thiêu, tui đi ngang qua tiệm Hưởng Ký, đối diện chợ Lái Thiêu, lần nào cũng thấy chị nó bán vé số cho khách quen ở trỏng...” (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/112970-big_VN_BanVeSo_BeGai_ND.JPG)

.

Trên đường trở lại Sài Gòn, tới Lái Thiêu chúng tôi lại vào quán Hưởng Ký, một quán nước Hoa Kiều lớn rộng, đông khách, nhận ra ngay chị của cậu bé bán vé số ở Búng. Cô bé vừa cho chúng tôi biết mình lớn hơn em hai tuổi, quay sang bán cặp vé số cuối cùng cho một người ở bàn bên cạnh, rồi tất tả đi qua chợ Lái Thiêu ở đối diện quán. Chúng tôi thôi nhìn theo cô bé khi một người bán vé số khác, lần từng bước theo chiếc gậy dò đường, vào quán. Người đàn ông khoảng trên 50 tuổi, tay trái bị cụt từ trên cổ tay, xấp vé số được cột dây thun ở chỗ cụt đó. Tay phải cầm chiếc gậy dò đường, vì hai mắt bị mù. Ở tình trạng như thế này, bán vé số là công việc duy nhất có thể làm để kiếm miếng ăn mà tiếp tục sống trên đời. Người ngồi chung bàn nói với chúng tôi: “Sống trong bóng tối triền miên mà ổng dzô quán này rất đúng giờ nhe, ngày nào cũng đúng rét giờ này đó... Có lẽ ổng nhận biết thời gian qua thính giác hay xúc giác chăng?... Thiệt là xui xẻo, ổng đạp trúng mìn trước ngày “hòa bình” đâu có một tuần. Bị trúng mìn của mấy ông “cách mạng” ở Long Nguyên, vùng xôi đậu của tỉnh Bình Dương đó...” Chúng tôi quên hỏi người khách cùng bàn, khi bị trúng mìn, người đàn ông này có phải là quân nhân? Chúng tôi có ý nghĩ: nếu từng là quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tìm cách liên hệ được với tổ chức như một hội cựu quân nhân, thương binh ở hải ngoại, biết đâu có thể hy vọng được giúp đỡ.

(http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/112970-big_VN_BanVeSo_MuMatCutTay_ND.JPG)

.

Sáng hôm sau, ở quán cà phê góc đường Bà Hạt-Nguyễn Tiểu La, quận 10, chúng tôi gặp một người bán vé số cũng trạc tuổi người đàn ông cụt tay, mù mắt ở Lái Thiêu. Người đàn ông này bị cụt đều hai chân, chỗ cụt ngay dưới đầu gối một chút. Chúng tôi hỏi chuyện, được biết ông bị thương phải cưa cả hai chân, từ một trận đụng độ với Việt cộng ở mặt trận Long Khánh, một tháng trước 30 tháng 4, 1975. Về nhà, gia đình tan nát, ông trở thành tứ cố vô thân... “Tui bị cụt cả hai chưn, chẳng lo đi bán vé số thì làm được chi bây giờ để kiếm miếng ăn?...” Người thương binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói, trước khi chống nạng đưa thân mình lên, hai đầu gối có hai miếng lót chế biến từ đôi giày ba-ta, tiếp tục đặt từng bước trên hè đường chật chội mấp mô của Sài Gòn. Xế chiều, đi qua một con đường thuộc quận 11, sẵn có máy ảnh trong túi, chúng tôi ghi hình ảnh một bà già đang chống gậy nâng đỡ một bên chân hụt hẫng, đi bơ vơ với xấp vé số trong tay, giữa phố thị đông người. (http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/112970-big_VN_BanVeSo_ThuongBinhCutChan_ND.JPG)

.

.

.

No comments: