http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=2&nid=159063
Hôm Thứ Ba 11-5-2010, nhà nước CSVN lại khẳng định quyền lực trấn áp qua phiên tòa phúc thẩm 4 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam. Một vở tuồng tư pháp có vẻ như trình diễn có xét xử, nhưng thực ra là đã sẵn bản án và qua đó đã hiển lộ bản chất chế độ chuyên chính, không xa lạ gì với người dân Việt Nam, những người đã sống nhiều thập niên dưới một chế độ -- đã chuyển biến từ chuyên chính vô sản sang chuyên chính tư bản đỏ này.
.
Bản tin đài RFI ghi nhận:
“Trong phiên xử phúc thẩm hôm nay, 11/05/2010, Tòa án Thành Phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên bản án 5 năm tù đối với luật sư Lê Công Định, người được quốc tế biết đến qua những lần biện hộ cho các đồng nghiệp tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam. Đồng thời, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức cũng bị y án 16 năm tù. Người thứ ba là ông Lê Thăng Long được giảm án từ 5 năm xuống 3 năm rưỡi.
Theo AFP, phiên tòa diễn ra trong một ngày, phóng viên và các nhà ngoại giao quốc tế không được phép tham dự.
Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm biện hộ cho ông Lê Thăng Long, thì ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức không đưa ra “những yếu tố mới” để xin giảm án. Còn ông Lê Thăng Long thì sau khi chỉ trích bản án trong phiên xử sơ thẩm là “bất công” đã thừa nhân có “vi phạm“ luật và xin khoan hồng.
Trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng giêng, ngoài ba nhân vật kể trên còn có thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung bị án 7 năm tù nhưng anh không kháng án.
Chính quyền Việt Nam quy cho 4 thanh niên này tội “vi phạm an ninh quốc gia”, hợp tác với các tổ chức “phản động” là đảng Việt Tân và đảng Dân Chủ Việt Nam, sử dụng công nghệ thông tin điện tử internet âm mưu lật đổ chế độ bằng biện pháp “bất bạo động”.
Trước khi mở ra phiên tòa phúc thẩm, Tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ Human Rights Watch đã kêu gọi trả tự do cho 4 tù nhân. Ông Brad Adams, đặc trách vùng Á châu của HRW nhận định là “tiến trình pháp lý dành cho tù nhân chính trị tại Việt Nam là ngõ cụt” , và “bản án tù nặng nề chứng tỏ Việt Nam thiếu bao dung đối với các công dân phát biểu ý kiến một cách ôn hòa”.
Theo AFP, giới ngoại giao tại Hà Nội và các nhà bảo vệ nhân quyền tố giác tình trạng suy thoái về nhân quyền tại Việt Nam trong những tháng qua. Họ không loại trừ tình trạng này có liên quan đến việc chuẩn bị đại hội Đảng Cộng Sản vào năm tới.”
.
Sử dụng Internet để lật đổ chế độ bằng phương tiện bất bạo động? Nghe thực là tức cười. Bởi vì họ đồng nhất thể chế với đảng cầm quyền. Tại Hoa Kỳ, Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa thay phiên nhau để lật đổ lẫn nhau, nhưng là bằng phương pháp bất bạo động, bằng lá phiếu; nhưng chế độ dân chủ Hoa Kỳ vẫn trường tồn, bất kể người cầm quyền là ai, thuộc đảng nào.
.
Đài RFA hôm Thứ Ba đã phỏng vấn hai bà mẹ -- bà Lê Thị Minh Tâm, mẹ của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung (người đã bị án tù 7 năm), và bà Lê Thị Mai, mẹ của LS Lê Công Định:
“Bà Lê thị Minh Tâm: Phiên phúc thẩm thì gia đình chúng tôi không được tham dự nên không biết. Nhưng vừa rồi chị Ngọc Khánh, vợ LS Lê Công Định, có nhắm tin, cho biết diễn biến trong phiên tòa cũng vẫn câu hỏi cũ, cũng vẫn những vấn đề như cũ, không có gì thay đổi cả. Nên không thể có hy vọng được.
Trong khi đó mẹ của LS Lê Công Định, bà Nguyễn thị Mai, bày tỏ nỗi niềm của mình:
Bà Nguyễn thị Mai: Ngày hôm qua tôi mới đi thăm con Lê Công Định, đi thăm thì tôi cũng không dám nói gì hết, vì khi mình thăm cũng có “tụi nó” ngồi đó nên không dám nói gì hết. Nhưng thấy Định cũng vui vẻ, phấn khởi. Định nói mẹ đừng có buồn, đừng lo, con sẽ về với mẹ. Nó nói thì tôi hay vậy thôi, chứ tôi biết nó an ủi tôi vậy thôi. Nhưng tới đâu hay đó chớ bây giờ biết làm sao ? Thì bây giờ tôi cũng mong cái ngày của nó...Chớ bây giờ tôi chỉ còn một mình nó (khóc).”(hết trích)
.
Cũng cần ghi rằng, trước đó một cơ quan taị Hoa Kỳ baỳ tỏ ý muốn bảo trợ cho 2 nhà dân chủ VN, theo lời Đài VOA. Đài này loan tin hôm Thứ Hai:
“Trước phiên phúc thẩm xét kháng cáo của 3 nhà dân chủ trẻ Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long vào ngày 11/5 tại TPHCM, người đứng đầu Trung tâm Dân chủ Lập Hiến tại Hoa Kỳ (gọi tắt là CCD) đã gửi thỉnh nguyện thư đến giới lãnh đạo cấp cao Việt Nam xin được bảo trợ cho Tiến Trung và Công Định sang học tại Trường Luật Maurer của Đại học Indiana. Giáo sư David C. Williams là người sáng lập và điều hành Trung tâm CCD, một cơ quan chuyên nghiên cứu về tình hình Miến Điện, Liberia, và Việt Nam, với sứ mạng chính là đào tạo các nhà lãnh đạo cải cách về các khía cạnh hiến pháp của tiến trình cải cách dân chủ, tạo điều kiện cho các xã hội đa nguyên mang lại quyền tự trị cho mọi công dân một cách ôn hòa.
Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA, giáo sư Williams cho biết trước khi gửi thư đến giới chức Hà Nội, ông đã đệ đơn này lên Tổng thống Mỹ, Barack Obama. Và trong thư phản hồi hôm 26/4, chính quyền Obama đã đề nghị ông viết thư trực tiếp đề xuất với Đại sứ quán Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Dân chủ Lập Hiến thuộc Đại học Indiana, David Williams, cho biết thêm về nguyên nhân của bức thư:
Giáo sư David Williams: Chúng tôi biết Định và Trung là những người tốt. Cho nên, chúng tôi hy vọng là chính quyền Việt Nam sẽ có khuynh hướng tỏ ra khoan hồng đối với trường hợp của họ và cho họ ra nước ngoài để được học hỏi, đào tạo và giúp xây dựng đất nước vì tôi biết rằng đó là khát khao của cả hai nhà dân chủ này. Việc làm của tôi vừa xuất phát từ mối liên hệ cá nhân với họ, nhưng cũng vừa là một hy vọng cho tương lai của Việt Nam, cũng như cách thức mà họ có thể đóng góp cho tương lai ấy. Đề nghị bảo trợ của tôi mang những ý nghĩa như sau. Thứ nhất, dĩ nhiên chúng tôi sẽ bảo trợ họ vì các mục đích ngoại giao của Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ nêu rõ trong thư mời. Thứ hai, chúng tôi bảo trợ họ tới đại học này. Đôi khi một giảng viên của trường sẽ đứng ra cam kết cho một sinh viên nào đó, bảo đảm rằng sinh viên ấy sẽ thành công trong chương trình giáo dục tại đây. Khi đó, luôn luôn có sự viện trợ cho sinh viên ấy được nhập học tại trường và điều này bảo đảm rằng đương sự sẽ được nhập học...” (hết trích)
.
Cũng cần nhắc rằng, mới hai tuần trước, Đại Sứ Mỹ Michael Michalak nói với một số người Mỹ gốc Việt tại Hoa Thịnh Đốn rằng ông tin là CSVN sẽ giảm án LS Lê Công Định. Như thế, Hà Nội không làm đúng như ý ông dự đoán. Có phải ông Michalak đoán mò, hay là dựa trên thông tin riêng nào ở Hà Nội? Không ai rõ hoàn toàn. Chắc chắn là không ai hiểu tận nguồn ngạch, kể cả ông thẩm phán phiên tòa.
.
Trong khi đó, nhiều người trẻ Sài Gòn đã quan tâm bằng cách riêng của họ, trên trang http://freelecongdinh.wordpress.com, bài viết nhan đề “Tường thuật bên ngoài phiên tòa yêu nước” đề ngày 11-5-2010, ký tên của Blogger Ngược Dòng Lịch Sử đã kể, trích:
“Nhật ký Cafe Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày ngày 11 tháng 5 năm 2010
Hôm nay, trời Sài Gòn nắng cháy da từ 6 giờ sáng, chứ không mưa rả rích cả ngày như đợt tháng 1 nọ, có kẻ tự cho rằng là người nhà anh Định lang thang hàng rào phiên tòa.
Hồi tháng 1, có 3 kẻ xưng là người nhà anh Định, nhưng đợt này 2 người không đi được, chỉ còn 1 kẻ, 2 người còn lại dặn dò kẻ đi cẩn thận, kẻ đi phớ lớ “em xông vào xem luôn, có gì thì báo ba mẹ em…”
Hàng rào tháng 5 có gì mới không nhỉ?
Quả là mới, mới là vì đợt này trời nóng quá nên thiên hạ trốn ở nhà cả, không có xôm tụ, đông đảo như đợt sơ thẩm tháng 1, đợt này chỉ có nhiều bác xe ôm cần mẫn hút thuốc ngóng trời ngay khu vực tòa mà thôi, còn có thêm vài chàng trai trẻ trẻ có máy bộ đàm hẳn hòi, gọi điện nói chuyện trông có vẻ gay gắt lắm…
Quán cafe đối diện tòa cũng không đông đảo như dạo nọ, quán lác đác người, nhưng người uống cafe lần này, dường như quen, dường như gặp hồi tháng 1 rồi….
Trước cổng tòa thì sao, ngay chốt ngã 4 có nhiều bác cảnh sát giao thông, còn ngay cổng chính tòa thì nhiều anh thanh niên xung phong đứng nói chuyện rôm rả…
Khác với hồi tháng 1, tháng 5 này, có nhiều người dân thứ thiệt ra ra vô vô tòa một cách bình thản… điều đó làm mình tưởng rằng, mình có thể đương nhiên tham dự phiên tòa.. hic nhưng ứ phải.
Người nhà của ai ngóng hàng rào?
Mỗi bị cáo chỉ có 2 người nhà được vào tham dự phiên tòa, còn lại thì đứng hàng rào,
Người nhà anh Long, có vài người, nhìn thấy quen quen…
Người nhà Mr. Trần (Trần Huỳnh Duy Thức) thì có ai, có cô chị già nua, ngồi nhìn đối diện cổng tòa… hic chị đó là chị kế Mr. Trần, chị ấy so với lần trước nhìn già đi 10 tuổi, mắt cứ hóng nhìn tòa, trông tội gì đâu….thảm lắm, nếu ai có thời gian, bây giờ vòng xe ngay tòa án thì biết ngời nhà Mr. Trần liền, người nhà ấy, ai cũng giống ai, một nét mặt nên nhìn là biết.
Người nhà thì ít, mà xe ôm thì nhiều, nghịch cảnh…
Hôm qua, lên mạng lướt nét, thấy nhiều diễn đàn nói nhiều bloggers sẽ ra tòa uống cafe, hờ hờ có ai đâu nhỉ? hay là mình không thấy nhỉ? tự nhiên nghĩ đến điều đó, nghĩ đến blogger nào nói đến phiên tòa hoặc đến hàng rào phiên tòa mà không đến….
Tự nhiên nghĩ buâng quơ, đành rằng thì đến đó có gì hay ho đâu, nhưng nếu đã hứa thì nên đến, chứ kêu la đến đó làm gì rồi lại không đến… dĩ nhiên, mình đến đó mình chả làm gì, mình lang thang, mình ngó ngó cũng chả ai làm gì mình đâu… ..tự nhiên nghĩ đến câu ca dao rằng “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”… dĩ nhiên câu ca này chẳng ăn nhập gì so với hoàn cảnh này, nhưng nó làm mình đặt câu hỏi “ai cũng muốn lội nước theo sau.. vậy ai là người đi lội nước trước đây…?”(hết trích)
.
Lịch sử sẽ nhìn lại phiên tòa này như thế nào? Chắc chắn, sẽ không phải như đảng cầm quyền hiện nay mong muốn, bất kể họ có bóp méo, sửa đổi lịch sử thế nào đi nữa.
Những người trẻ đứng trước phiên tòa hôm Thứ Ba đã có một chỗ riêng trong lịch sử, và cả dân tộc trân trọng với những hy sinh như thế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment