Saturday, February 13, 2010

VAI TRÒ QUÂN BÌNH của ĐÀI LOAN trong QUAN HỆ MỸ-TRUNG

Vai trò quân bình của Đài Loan trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc
Taiwan News
Cymbidium, X-cafe chuyển ngữ
13-2-2010
http://www.x-cafevn.org/node/2709

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Obama, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) của Đảng Cộng sản bước vào một sân khấu mới dựa trên thực tế sau khi Washington loan báo bán vũ khí trị giá 6.4 tỉ đô la cho Đài Loan vào hôm 29 tháng Giêng và Bắc Kinh dọa dẫm trả đũa sau đó.

Ngay sau khi nhậm chức vào tháng Giêng 2009, Obama và ban chính sách Á Châu của ông đã bắt tay vào việc nâng cao Trung Quốc vào trong nhóm các nước có tầm vóc quốc tế và lót đường cho chuyến công du Trung Quốc của ông vào tháng 11 năm trước.

Để bảo đảm sự hợp tác của Bắc Kinh với đề xướng về thay đổi khí hậu của Hoa Kỳ tại Copenhagen vào tháng Chạp năm ngoái, Obama dùng đến cách tiếp cận đơn giản để hoàn tất một hợp tác chiến lược mới với Bắc Kinh qua ký kết một thông báo chung với Chủ Tịch và Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào.

Bản thông cáo tuyên bố “Hai quốc gia tái khẳng định rằng nguyên tắc căn bản về tôn trọng chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của mỗi bên là tâm điểm của ba thông báo chung làm kim chỉ nam cho quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc.” Câu này được hiểu rộng như là có tai hại vô cùng cho vị trí quốc tế của Đài Loan, một cảm tưởng được củng cố thêm bởi sự quyết tâm đơn phương của Bắc Kinh là “Vấn đề Đài Loan có liên quan đến chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của họ.”

Sau chuyến công du của Obama, giới lãnh đạo Bắc Kinh hình như tin rằng việc Washington mong mỏi tìm hợp tác với Trung Quốc trên nhiều vấn đề quốc tế có nghĩa là Trung Quốc có thể làm bất cứ gì họ muốn và vì thế họ cảm thấy bị “lường gạt” cho rằng khi loan báo bán vũ khí cho Đài Loan, Washington đã nuốt lời hứa không bán trước đó.

Hơn nữa, nhà cầm quyền Bắc Kinh có lẽ không để ý rằng chính việc to mồm chỉ trích của họ về chương trình bán vũ khí cho Đài Loan của Obama và cuộc hội kiến của ông với Đức Đạt Lai Lạt Ma, vụ Google phản đối Trung Quốc kiểm duyệt mạng Internet, sự thiếu hợp tác sốt sắng của họ với khởi xướng của Hoa Kỳ ở hội nghị Copenhagen, và việc Trung Quốc tẩy chay phong trào trừng phạt Iran mới do Hoa Kỳ dẫn đầu, tất cả đã tích tụ và xui khiến Washington quyết định “chơi khó”.

Giới lãnh đạo Bắc Kinh còn sai lầm hơn nữa khi đe dọa ngưng hợp tác quân sự với Washington, phạt các công ty Hoa Kỳ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan và có thể hủy cuộc viếng thăm Hoa Kỳ của Hồ Cẩm Đào vào cuối năm nay. Thật ra, món hàng vũ khí trị giá 6.4 tỉ đô la hầu như chỉ tượng trưng ý định của Washington tiếp tục thi hành Luật Quan Hệ Với Đài Loan được ký vào năm 1979 và điều món hàng không bao gồm phản lực chiến đấu F-16 và tàu ngầm tối tân có nghĩa là Obama chủ ý không chọc giận Bắc Kinh quá mức hay ngăn cản cái gọi là “hoà giải” qua eo biển khởi xướng bởi Tổng Thống Mã Anh Cửu của phe cánh hữu Quốc Dân Đảng.

Một cơn gió mới đang thổi đến.

Những thay đổi trong không khí quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đem đến một tiếng chuông thức tỉnh rất cần cho chính phủ của Tổng Thống Mã. Thứ nhất, rõ ràng là giới lãnh đạo Trung Quốc càng trở nên tự đại thay vì cảm thấy có thêm trách nhiệm quốc tế khi sức mạnh quân đội, kinh tế, và ngoại giao của họ đang lên.

Lời tuyên bố của Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Dương Huệ Chi vào tuần trước lên án việc Washington bán vũ khí cho Đài Loan như là một “vi phạm luật lệ cư xử giữa các quốc gia” đã phản ảnh sự ngạo mạn của Bắc Kinh cùng với chủ trương rõ ràng của họ là không thể có chỗ cho “suy diễn riêng biệt” nào khác ngoài Đài Loan là một phần tử của Trung Quốc.

Thứ nhì, chính phủ Obama rốt cuộc hiểu ra thông điệp rằng cộng đồng dân chủ thế giới không nên có ý tưởng hão huyền khi giao tiếp với Bắc Kinh và họ đã khôn ngoan chọn một thế đứng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc như là một biện pháp thực tiễn “tránh rủi ro”.

Điều đáng lo ngại hơn ở đây là chính phủ của Tổng Thống Mã không nhìn ra những thay đổi trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tổng Thống Mã và ban lãnh đạo Quốc Dân Đảng chưa bao giờ tố cáo Trung Quốc tiếp tục gia tăng đặt 1,500 hỏa tiễn có đầu đạn nhắm vào vùng biển Đài Loan hay ép buộc Bắc Kinh từ bỏ vũ lực đối với một Đài Loan dân chủ. Quan trọng hơn nữa, trong khi chính phủ Obama đang tính toán một chiến lược cẩn thận hơn với Trung Quốc, Tổng Thống Mã và Quốc Dân Đảng lại theo đuổi ảo tưởng đạt đến “thỏa thuận hợp tác kinh tế xuyên eo biển” mà không cần hay không biết đến cái giá phải trả cho vị thế quốc tế và sự độc lập kinh tế của Đài Loan.

Thay vào đó, Tổng Thống Mã nên tỏ ra cương quyết gia tăng khả năng tự vệ của Đài Loan bằng cách giục Washington nhanh chóng cứu xét bán them nhiều máy bay chiến đấu và tàu ngần tối tân hơn cho Đài Loan. Hơn nữa, Tổng Thống Mã trước hết cũng nên tránh gửi những tín hiệu sai lầm đến Washington như ông đã từng làm vào mùa hè năm ngoái khi tuyên bố “Thiên tai mới là kẻ thù số một của Đài Loan, không phải lục địa Trung Quốc.”

Đúng ra, khi Tổng Thống Mã từ chối thi hành những thủ tục minh bạch và có trách nhiệm dân chủ để quyết định thỏa thuận xuyên eo biển, điều đó có nguy cơ khuyến khích Bắc Kinh tiếp tục tin rằng họ có thể làm bất cứ gì họ muốn với Đài Loan và làm tổn hại đến giá trị của một Đài Loan dân chủ trong cộng đồng quốc tế trước một thể chế độc đoán Trung Quốc. Thay vì “ngả theo một bên” về hướng Trung Quốc, con đường hay nhất cho Đài Loan là đóng vai một quốc gia dân chủ trung hòa trước sự trỗi dậy của một Trung Quốc độc đoán với chủ nghĩa bành trướng và việc giảm dần sự hiện diện trong vùng của Hoa Kỳ và hợp tác một cách chặt chẽ với Washington và Tokyo để bảo đảm vai trò tham gia sốt sắng vào phương tiện kinh tế và thương mại với họ.

Nguồn:
Taiwan News


No comments: