Trung Quốc gia tăng kiểm duyệt báo chí trong năm 2009
Đức Tâm
Bài đăng ngày 02/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 02/02/2010 14:48 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6725.asp
Báo chí trong nước không được cử phóng viên tới Tứ Xuyên nhân một năm sau vụ động đất làm gần 90 000 người thiệt mạng, các nhà báo không được phép tới Tân Cương, nơi diễn các cuộc bạo động làm ít nhất 200 người chết ; các thông tin về vụ này phải lấy lại từ Tân Hoa Xã. Các cơ quan truyền thông không được đề cập đến vụ con trai chủ tịch Hồ Cẩm Đào có dính líu đến một vụ tham nhũng, đút lót tại Namibia v.v.
Trên đây là một vài mệnh lệnh mà cơ quan tuyên huấn Trung Quốc chỉ thị cho các ban biên tập báo chí trong nước trong năm 2009.
Trong một báo cáo mang tựa : « Trung Quốc tiếp tục kiểm duyệt : Tự do báo chí trong năm 2009 » được công bố ngày 31/01 vừa qua, Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo, có trụ sở tại Bruxelles, Bỉ, đã thống kê được 62 mệnh lệnh, chỉ thị kiểm duyệt, ngăn chặn đưa tin mà Bắc Kinh áp đặt đối với báo chí chính thống trong thời gian từ tháng giêng đến tháng 11 năm 2009. Theo như thừa nhận của tổ chức này, thì bản danh sách nói trên chưa phải là đầy đủ.
Bản báo cáo còn cho biết chi tiết một số chỉ thị của Bắc Kinh hướng dẫn các cơ quan truyền thông đưa tin những sự kiện nhậy cảm. Về chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái của tổng thống Mỹ Barack Obama, báo chí Trung Quốc bị cấm làm các phóng sự về phản ứng của người dân đối với sự kiện này. Một số thông tin quốc tế có thể làm cho cho người dân suy nghĩ hoặc liên tưởng cũng không được đăng. Ví dụ, báo chí bị hạn chế đưa tin liên tục về các vụ biểu tình của đối lập Iran phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng sáu năm ngoái.
Với những sự kiện quan trọng, không thể bưng bít, đặc biệt là đối với thế giới bên ngoài, các cơ quan kiểm duyệt thông tin Trung Quốc cho phép báo chí đề cập đến, nhưng chỉ trên các báo giấy, viết bằng tiếng Anh và không đưa lên các bản tin trên mạng.
Theo giới quan sát, thực ra, giới truyền thông chính thống tại Trung Quốc không cần đến những chỉ thị, mệnh lệnh bởi vì họ rất ý thức được rằng họ không hề độc lập trong việc đưa tin về các chủ đề nhậy cảm. Trong bối cảnh chính quyền kiểm soát sát sao như vậy, giới truyền thông Trung Quốc buộc phải tiến hành tự kiểm duyệt để tồn tại.
Các mệnh lệnh của chính phủ, thông thường đi kèm những cảnh báo, đe dọa kỷ luật, trừng phạt của ban tuyên huấn trung ương, chỉ là một trong số hàng trăm những chỉ thị của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngăn chặn tự do báo chí. Đó là chưa kể đến những cấm đoán mà chính quyền địa phương đưa ra.
Theo Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo, internet cũng là đối tượng mà các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc rất quan tâm. « Việc kiểm soát trên mạng được gia tăng. Các trang web bị đóng cửa hoàn toàn hoặc từng phần. Các mạng xã hội bị ngăn chặn, báo chí mạng bị kiểm duyệt. Các nhà báo trên mạng và blogger bị câu lưu hoặc giam giữ ». Vụ Google tố cáo tin tặc từ Trung Quốc tấn công hệ thống máy chủ của tập đoàn cho thấy rõ mức độ kiểm duyệt và ý đồ khống chế internet của Bắc Kinh.
Cũng trong năm qua, một số nhà báo nước ngoài là nạn nhân của các vụ bạo hành, thiết bị hành nghề bị đập phá và họ bị theo dõi, trấn áp.
Tháng mười năm ngoái, Trung Quốc tổ chức Hội nghị Thế Giới về Truyền thông với sự tham dự của đại diện nhiều hãng thông tấn báo chí quốc tế. Tại Hội nghị này, chủ tịch Hồ Cẩm Đào cam kết là chính phủ Trung Quốc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của các hãng thông tấn ngoại quốc và tiếp tục tạo thuận lợi để họ có thể đưa tin về Trung Quốc, phù hợp với luật pháp nước này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lãnh đạo Trung Quốc không hề đưa ra những bảo đảm tương tự đối với giới báo chí trong nước.
Khi công bố bản báo cáo về tự do báo chí 2009 tại Trung Quốc, tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế các Nhà báo, Aidan White, kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp đề ra một chuẩn mực nguyên tắc chung chống lại mọi hình thức hạn chế quyền hành nghề của các nhà báo tại Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment