Thursday, February 4, 2010

TRIỆT AVATAR ĐỂ CỨU ... KHỔNG TỬ ?

Triệt Avatar để cứu... Khổng Tử?
Ngô Văn
Cập nhật ngày: 4/02/2010
http://www.viettan.org/spip.php?article9493
Trong lúc làn sóng bồi hồi của tin công ty khổng lồ Google muốn rút khỏi thị trường Trung quốc để phản đối chế độ kiểm duyệt của nước này còn đang tới tấp trong đầu công luận thế giới, thì chỉ vài ngày sau, giới cầm quyền Bắc Kinh lại bồi thêm một đòn "lạ". Đó là việc ra lệnh cấm không cho chiếu phim Avatar, bất chấp các ràng buộc từ hiệp ước tự do mậu dịch quốc tế mà họ đã ký. Lần này thì giới đầu tư nước ngoài là người hoang mang nhiều nhất. Họ không biết nền móng pháp luật tại Tàu mỏng đến đâu và lúc nào mình sẽ trở thành nạn nhân của cái chế độ tùy tiện này.

Lý do bán chính thức được Ban Tuyên Giáo đảng Cộng Sản Trung Quốc giải thích cho các ban ngành trực thuộc và các chủ rạp hát là vì số khán giả đi xem cuốn phim Avatar của Mỹ quá lớn và hầu như quên lãng hoàn toàn cuốn phim Khổng Tử do đảng bỏ nhiều công sức và tiền bạc dàn dựng.

Avatar là một phim khoa học giả tưởng của Mỹ do đạo diễn James Cameron thực hiện. Cameron là một đạo diễn không chỉ nổi tiếng ở Bắc Mỹ mà còn lừng danh khắp thế giới qua các cuốn phim Titanic, Terminator, Strange Days, Battle Angel, v.v… Phim Avatar nói về chuyện người địa cầu lên hành tinh Alpha Centauri chiến đấu với người hành tinh để giành lấy một loại khoáng sản rất quí. Người đóng vai chính trong phim này là tài tử đang ăn khách Sam Worthington. Phim dài 161 phút với âm thanh nổi và kỹ thuật không gian 3 chiều (3D), bao gồm nhiều xảo thuật vi tính chưa từng có trước đây. Khán giả khi xem có cảm tưởng như là mình đang theo tài tử Worthington lên Alpha Centauri để chiến đấu với người hành tinh. Phim được quay từ tháng 4/2008 đến tháng 1/2009 thì hoàn tất với tổng chi phí khoảng 237 triệu mỹ kim. Phim được chiếu đầu tiên tại Mỹ và Úc vào ngày 17 tháng 12 năm 2009 và một, hai tuần sau là cho trình chiếu khắp thế giới. Avatar chiếu ở đâu là ở đó có cảnh khán giả sắp hàng dài mua vé. Trung quốc không phải là một trường hợp ngoại lệ. Báo chí phát hành tại Trung quốc còn viết rằng khi phim Avatar mới đưa ra chiếu, mua được vé để vào xem không phải là chuyện dễ. Nhiều nơi phải xếp hàng gần cả ngày và khiến nhiều người nhớ lại cảnh sắp hàng mua nhu yếu phẩm thuở nào. Khắp nước Tàu, có khoảng 2500 rạp chiếu phim này. Mọi rạp đều đông nghẹt khán giả, phải tăng suất. Và chiếu chưa đầy một tuần lễ số doanh thu đã lên hơn 500 triệu đồng nguyên, tức khoảng 70 triệu mỹ kim.

Trong khi phim Khổng Tử do đảng và nhà nước Cộng sản Trung quốc bỏ tiền giao cho Tập đoàn Điện ảnh Trung quốc (China Film Group) thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Dưới sự chỉ đạo này, các lãnh vực Đức Khổng Tử dạy – nhân, lễ, nghĩa, trí, tín – không được trình bày trọn vẹn, mà chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh trật tự xã hội, dân chúng xếp hàng dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của vua. Đây là chính sách tuyên truyền của Bắc Kinh trong hơn một thập niên qua, khi đem trở lại vào phim ảnh, sách báo các bạo chúa trong sử Tàu như Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, v.v. để ca tụng. Mục tiêu vừa để biện minh cho chính sách cai trị cứng rắn nhân danh duy trì thống nhất đất nước, vừa để dân chúng so với những tiêu chuẩn cai trị hung bạo ngày xưa để thấy mình cũng còn “may mắn” và “an thân chấp nhận”. Khi quay xong, cuốn phim Khổng Tử đã được đem chiếu tại một số nơi cho quan chức, cán bộ xem vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm ngoái để chào mừng Quốc khánh lần thứ 60 của Trung Quốc. Với các tràng pháo tay và làn sóng khen ngợi nồng nhiệt của tập thể cán bộ các cấp, lãnh đạo đảng và Ban Tuyên Giáo tin tưởng “phim Khổng Tử theo định hướng XHCN” sẽ vô địch và cuốn hút toàn dân như thác lũ, bất chấp các phim ảnh Tây Phương nào xuất hiện cùng lúc.

Cảnh tượng của tuần lễ đầu tiên khiến các quan chức Bắc Kinh dở khóc dở cười. Trước hết, dĩ nhiên mọi rạp hát đều phải nhận phim Khổng Tử từ hãng quốc doanh China Film Group và phải trình chiếu đúng ngày giờ ấn định. Chính vì thế mà cảnh tượng tương phản đã lên tới mức “đau đớn”. Khán giả sẵn sàng sắp hàng cả ngày trời để được vào các phòng chiếu Avatar, còn các phòng chiếu phim Khổng Tử vắng lặng gần như không có bóng người. Các rạp hát sau đó nhận được lệnh không chia khu chiếu riêng biệt mà phải chiếu 2 phim xen kẽ thời gian. Biện pháp này cũng không giúp gì hơn. Dân chúng tiếp tục đứng xếp hàng chờ xuất chiếu Avatar mà thôi.

Đến nước này thì giận quá mất khôn. Ban Tuyên Giáo ra lệnh thẳng thừng bắt buộc tất cả 2500 rạp đang trình chiếu Avatar phải ngưng ngay, để chỉ chiếu phim Khổng Tử mà thôi. Hiển nhiên lệnh này gặp ngay sự phản đối của giới đầu tư nước ngoài vào Trung quốc, vì hành động của Bắc Kinh vi phạm trắng trợn luật tự do mậu dịch song phương và luật của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) mà chính họ đã đặt bút ký. Người dân Trung quốc cũng lên tiếng đòi nhà nước giải thích lý do. Hầu hết các ý kiến trên mạng Internet đều cho rằng phim Avatar chỉ là một phim khoa học giả tưởng, với nội dung chẳng chống hay bênh gì chế độ thì tại sao lại cấm.

Trước làn sóng phản đối và bất mãn đó, giới cầm quyền Bắc Kinh lại đổi thủ thuật. Lần này Ban Tuyên Giáo ra lệnh các rạp chỉ được chiếu một số suất Avatar giới hạn, và phải chiếu với kỹ thuật thường chứ không được dùng kỹ thuật không gian ba chiều, để phim bớt hấp dẫn đi. Bắc Kinh buộc các chủ rạp đưa ra lý do vì họ không trang bị đủ máy móc cho loại phim 3D. Lần này thì chính các chủ rạp dở khóc dở cười vì hầu hết 2500 rạp này đều đã tốn nhiều tiền mua máy móc từ nhiều tháng trước để ưu tiên trình chiếu Avatar bằng kỹ thuật không gian ba chiều và chỉ mới tuần trước đó họ đã chiếu cho hàng triệu người xem.

Khi thấy các thủ thuật cố tìm khán giả cho phim Khổng Tử nêu trên vừa không hiệu quả vừa tự làm giảm giá trị của bộ phim mắc tiền của Đảng, trong tuần vừa qua Ban Tuyên Giáo lại đưa ra lý lẽ mới. Nay họ tố cáo phim Avatar đang “chửi xéo” lãnh đạo Trung Quốc. Cốt chuyện xâm lấn hành tinh Alpha Centauri để tranh giành khoáng sản quí chính là ám chỉ tinh vi của Tây Phương nhằm xuyên tạc chính sách khai thác khoáng sản hiện nay của Trung Quốc tại các nước nhược tiểu rải rác khắp châu Phi, châu Mỹ La Tinh, và ngay tại Đông Nam Á, kể cả Tây Nguyên của Việt Nam.

Nhưng xem chừng cả cách giải thích này cũng chẳng giúp gì cho phim Khổng Tử mà chỉ càng lúc càng hạ giá Ban Tuyên Giáo trong mắt mọi người. Dân chúng Trung Quốc, vô tình hay cố ý, tiếp tục bày tỏ thái độ hữu hiệu và rõ ràng nhất của mình qua việc cứ kéo nhau đi xem Avatar và nhất định bỏ ngõ phim Khổng Tử — Để nhấn mạnh quyền tự do tư tưởng của con người? Hay để phản đối việc lãnh đạo đảng đã hỗn láo bóp méo một bậc thầy của dân tộc?



No comments: