Tuesday, February 2, 2010

TRANG BAUXITEVIETNAM.INFO LẠI BỊ ĐÁNH SẬP

Trang bauxitevietnam.info lại bị đánh sập
Gia Minh, phóng viên RFA
2010-02-02
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bauxite-website-re-attacked-GMinh%20-02022010144527.html
Trang bauxitevietnam.info từng bị tin tặc tấn công đánh sập mấy lần. Vào ngày hôm qua, trang mạng này xuất hiện trở lại, tuy nhiên chỉ được hơn nửa ngày lại bị đánh sập tiếp.
Gia Minh hỏi chuyện ông Phạm Toàn, một trong ba người đồng chủ xướng trang bauxitevietnam.info, cho biết một số thông tin liên quan việc trang web này bị tấn công, và những suy nghĩ của ông trước hoạt động phản biện của giới trí thức. Đầu tiên ông cho biết:

50 “sư đoàn”

Ông Phạm Toàn: Đánh bảy ngày nay rồi, trong thời gian chạy monitor; tuy nhiên vào lúc đó chưa đánh tập trung. Hôm nay đánh gấp 50 lần. Cán bộ kỹ thuật cho hay số quân đánh trước đây chỉ một “sư đoàn”, hôm nay tăng lên 50 “sư đoàn”; cho nên chạy được từ 0 giờ đến 12:30 lại bị sập. Lúc này đang khắc phục.
Đây là cuộc đấu trí giữa hai bên: bên này không để cho trang bauxitvietnam.info bị sập nhưng bên kia muốn đánh cho chết tươi. Tuy nhiên đây là cuộc đấu không cân sức, một bên chỉ có vài kỹ thuật viên, một bên gồm 50 “sư đoàn”. Lần này các kỹ thuật viên cho biết một chi tiết: 80% bên đánh xuất quân từ Việt Nam, còn lại 20% từ phía Trung Quốc.

Gia Minh:
Nhưng hai bên vẫn kiên trì phải không thưa ông?
Ông Phạm Toàn: Cả hai bên đều kiên trì, nhưng “người ta” dại. Lẽ ra lúc này phải ngồi lại với nhau, đoàn kết lại sẽ giải quyết được hết mọi việc. Nhưng thôi ở đời này người dại nhiều, còn người khôn có mấy đâu. Dại trong cư xử với dân, với bạn bè.
Tại sao có ra trang web này? Vì muốn có phản biện. Hôm nay tôi có lời bình về công việc phản biện bằng hành động của giáo sư Võ Tòng Xuân. Tôi không khuyến khích lối phản biện bằng những lời hoa mỹ, đánh bóng những thứ “cũ rích”. Hành động, hành vi của giáo sư Võ Tòng Xuân đích thực là phản biện; tức làm thế nào mở rộng cuộc sống để trí thức rộng đường hành động, làm ra những cái tốt đẹp, mới mẻ , văn minh; không phải chỉ là phát biểu. Tôi không đồng ý với “trí thức phát biểu” .
Hôm nay chúng tôi chọn đăng những bài mang tính chất “tuyên ngôn”. Bài của giáo sư Cao Huy Thuần, cho rằng một dân tộc “không còn mơ mộng nữa, sẽ chết thôi”. Mơ mộng tức hành động, chứ không phải ngồi làm thơ. Tám mươi triệu người mơ mộng và hành động để có cuộc sống khác đi, đẹp lên, sung sướng hơn.
Những bài mà chúng tôi chọn mang tính tuyên ngôn đó thực chất là lối sống của người trí thức. Bài của giáo sư Phạm Duy Nghĩa đề cập đến người trí thức có lòng nhân ái bao la, sao để không bao giờ có chuyện “chó cắn chết người”, làm sao để người giàu cũng có trách nhiệm, làm sao để người nghèo không khổ nữa. Chúng tôi chọn bài của ông Dương Danh Dy, tổng lãnh sự cũ của Việt Nam, lật tẩy những “quân sư quạt mo” như ông Joseph Nye. Ông Dương Danh Dy là người hành động.
Người ta sợ những người trí thức thật, có hành động đúng đắn.

Gia Minh: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi hôm nay còn phải làm việc không?
Ông Phạm Toàn: Hôm nay thì không nhưng không biết ngày mai thế nào.

Gia Minh: Theo đánh giá của ông sao người ta lại sợ trí thức? Ở đâu người ta cũng nói tôn trọng trí thức, lãnh đạo Việt Nam từng nhiều lần tuyên bố cần phải ‘trải thảm đỏ’ đón mời trí thức?
Ông Phạm Toàn: Phải nhìn vào việc làm chứ không thể nhìn vào tuyên bố. Nếu chỉ nhìn vào tuyên bố, thế giới này “ngon lành” từ lâu rồi, từ thời chế độ nô lệ.

Gia Minh: Hẳn nhiên trí thức phải tiếp tục trách nhiệm của họ?
Ông Phạm Toàn: Điều này còn tùy: tùy nhận thức, tùy vị trí, tùy thói quen, tùy “tạng”, tùy hoàn cảnh.
Tóm lại, cuộc sống đang biến chuyển, vận động, khó đoán được điều gì sẽ xảy ra.
Trang mạng bauxitevietnam.info anh em giao, chúng tôi làm và có người hỏi “bao giờ thắng lợi”. Nếu nghĩ đến thắng lợi không bao giờ làm được gì. Cuộc sống được rải ra bằng những hòn đá lát đường, cuộc sống không phải những con đường nhựa đã làm xong. Nếu đã làm xong không còn là cuộc sống. Cuộc sống là những bề bộn. Tuy nhiên chúng ta vẫn cứ tin tưởng, lạc quan, không có vấn đề gì.

Gia Minh: Cám ơn Ông.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: