Thursday, February 18, 2010

TỔNG THỐNG OBAMA TIẾP ĐỨC DẠT LAI LẠT MA tại TÒA BẠCH ỐC

Tổng thống Mỹ tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng
Đức Tâm
Bài đăng ngày 18/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 18/02/2010 14:15 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6947.asp
Hôm nay tổng thống Obama tiếp lãnh đạo tinh thần Tây Tạng tại Nhà Trắng, trong bối cảnh quan hệ Washington-Bắc Kinh đang xấu đi. Giới phân tích đặt câu hỏi phải chăng lãnh đạo tinh thần Tây Tạng trở thành con tin trong cuộc mặc cả giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Washington ngày hôm qua (17/2). Vào hôm nay, tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Ngài tại Nhà Trắng, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Từ nhiều ngày qua, Bắc Kinh đã lên tiếng đòi Washington phải hủy bỏ cuộc gặp này và đe dọa là quan hệ song phương sẽ bị tổn hại.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Marc Lebeaupin tường trình về thái độ của Trung Quốc.
« Vào lúc này, Trung Quốc hoàn toàn im lặng sau khi nhiều lần đưa ra những lời cảnh báo và đe dọa đối với tổng thống Barack Obama. Trong những ngày qua, chưa có một thông cáo nào từ phía Bắc Kinh.
Không ngăn chặn được cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Trung Quốc hiện đang bí mật chuẩn bị phản công.
Các biện pháp trừng phạt có thể nhắm vào những lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng như sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chính sách ngoại giao Mỹ trong các vấn đề quốc tế lớn như hồ sơ hạt nhân Iran, Bắc Triều Tiên.
Một chuyên gia Trung Quốc thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế ở Bắc Kinh nhận định rằng việc tổng thống Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma được coi là một hành động rất nghiêm trọng, không chỉ đe dọa các quyền lợi của Mỹ mà còn đối với các vấn đề quốc tế khác, bởi vì Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có trách nhiệm trong việc tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề quốc tế.
Cho đến nay, Bắc Kinh chưa đưa ra một trừng phạt nào. Tuy nhiên, vừa qua, Trung Quốc đã bán đi một khối lượng công trái của chính quyền Mỹ trị giá 35 tỷ đô la. Có thể đây là lời cảnh cáo đầu tiên. Các biện pháp trừng phạt khác có thể nhắm vào những công ty bán vũ khí và chế tạo máy bay của Hoa Kỳ »

Trước chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, tổng thống Obama đã hoãn cuộc gặp với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Lần này, chính quyền Obama không thể tiếp tục nhượng bộ Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, Washington cũng cố dàn xếp sao cho cuộc gặp không làm cho Bắc Kinh quá giận dữ.

Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet cho biết thêm chi tiết.
« Vào mùa hè năm ngoái, tổng thống Obama đã tạm hoãn cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài qua Washington. Mới chỉ nhậm chức có vài tháng, tổng thống Mỹ muốn có một bước khởi đầu tốt đẹp trong quan hệ với Trung Quốc, như hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, Iran, hồ sơ biến đổi khí hậu, phối hợp khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính v.v.
Thế nhưng, vào lúc đó, quyết định của ông Obama đã bị chỉ trích bởi phe đảng Cộng Hòa và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế. Năm nay, ông Obama muốn có một nhiệm kỳ tốt đẹp hơn.
Do Trung Quốc rất bất bình với quyết định của chính quyền Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tổng thống Obama đã dàn xếp sao cho cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày hôm nay, một mặt vẫn tỏ ra trọng thị, nhưng mặt khác không làm cho Bắc Kinh tức giận quá mức. Cuộc gặp sẽ được diễn ra một cách kín đáo nhất có thể.
Ông Barack Obama không đứng bên cạnh lãnh đạo tinh thần Tây Tạng khi xuất hiện trước công chúng, giống như hồi 2007, khi ông George Bush trao tặng Ngài huy chương của Quốc Hội.
Cuộc gặp diễn ra tại phòng Bản Đồ (còn gọi là phòng Tình hình) ở phía tây khu Nhà Trắng, chứ không phải trong phòng Bầu Dục. Nói tóm lại, để không làm phật ý quá mức Trung Quốc, trong một chừng mực nào đó, có thể ví như Đức Đạt Lai Lạt Ma đi vào Nhà Trắng bằng cửa hậu và đành chấp nhận một cuộc viếng thăm vội vã. »

Sự kiện tổng thống Mỹ Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma trong bối cảnh quan hệ Washington-Bắc Kinh đang xấu đi. Giới phân tích đặt câu hỏi phải chăng trong vụ này, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng trở thành con tin trong cuộc mặc cả giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.


No comments: