Tuesday, February 9, 2010

THỊ TRƯỜNG CHUNG ĐÔNG Á : ĐẰNG SAU NHỮNG THAM VỌNG

Thị trường chung Đông Á : Đằng sau những tham vọng
Nguyễn Minh
Đăng ngày 09/02/2010 lúc 12:06:30 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4574

Việt Nam chủ tịch ASEAN và CPR
Trong năm 2010 này, Việt Nam đảm nhận cùng một lúc hai chức chủ tịch: ASEAN (Association of South East Asian Nations-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) và CPR (Committee of Permanent Representatives-Uỷ ban các đại diện thường trực) tại ASEAN. Nhiệm kỳ của hai chức chủ tịch này kéo dài một năm, từ ngày 1-1-2010 đến 31-12-2010.
Được thành lập từ năm 1967 với 5 quốc gia thành viên, ASEAN ngày nay qui tụ 10 quốc gia trong khu vực, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore, Thái Lan và Myanmar. Mục đích của ASEAN là tăng cường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, bất kể khác biệt về chế độ chính trị hay văn hoá. Để điều hành, mỗi năm một quốc gia được đề cử làm chủ tịch luân phiên để tổ chức những buổi hội họp thường xuyên của hiệp hội. Văn phòng thường trực của Hiệp hội đặt tại Thái Lan. Năm nay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại diện Việt Nam đảm nhiệm chức vụ chủ tịch ASEAN.
Chức vụ CPR tại ASEAN, được thành lập trong năm 2009, sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực vào cuối năm 2008, để hỗ trợ công việc của các hội đồng và các uỷ chuyên ngành ASEAN. Chủ tịch Uỷ ban này có nhiệm vụ giữ liên lạc với tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan (Thái Lan), về những vấn đề liên quan đến ASEAN. Đại diện Việt Nam, ông Vũ Văn Dũng, đại sứ kiêm trưởng phái đoàn đại diện thường trực tại ASEAN, được chính quyền Việt Nam đề cử đảm nhiệm chức vụ này.
Đây là một thử thách lớn đối với Việt Nam, vì trong năm 2010 này Thị trường chung Đông Á bắt đầu có hiệu lực và một hiến pháp chung cho 6 quốc gia sáng lập ASEAN sẽ được thành hình để sau đó trở thành hiến pháp chung của 10 quốc gia thành viên vào năm 2015, như của Liên Hiệp Châu Âu. Cũng nên biết Thị trường chung Đông Á là thị trường tự do lớn nhất thế giới, với một dân số gần 2 tỉ người, một GDP trên 6.000 tỉ USD và một trọng lượng trao đổi thương mại khoảng 4.500 tỉ USD/năm.
Trong năm này, vai trò chủ tịch của Việt Nam sẽ gặp nhiều thử thách. Có bị áp đảo bởi sức ép của những quốc gia khổng lồ về kinh tế và quốc phòng không, có đủ khả năng lèo lái con thuyền ASEAN qua cơn khủng hoảng kinh tế tài chánh quốc tế hay không, tất cả còn là những dấu hỏi lớn. Nhưng cho dù có thế nào, mọi trưởng thành đều bắt đầu bằng những khó khăn. Đây là cơ chế của một thị trường tự do, phải nắm vững những nguyên tắc sinh hoạt cơ bản của nền kinh tế tư bản mới dễ điều hành. Tin rằng Việt Nam sẽ đủ ý chí và bản lãnh để vượt qua.

Quỹ tiền tệ Châu Á
Cuộc khủng hoảng tài chánh mùa hè 1997 đã gây khốn đốn cho hầu hết các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, nặng nhất là Thái Lan và Nam Hàn. Các đồng tiền mạnh của các quốc gia Đông Á đều bị giới đầu cơ tấn công dữ dội. Các ngân hàng trung ương đã đổ hơn 150 tỉ USD vào cứu nguy nhưng vô hiệu, nguồn ngoại tệ dự trữ của các quốc gia này đều bị cạn kiệt. Trong khi đó Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã không làm một hỗ trợ nào để cứu nguy và để các quốc gia trong khu vực tự giải quyết lấy.
Từ sau ngày đó, thái độ của các quốc gia trong vùng đối với các tổ chức tài chánh và thương mại quốc tế ngày càng lạnh nhạt. Lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đã hội họp để cùng nhau tìm ra những biện pháp đối phó và cũng để bớt lệ thuộc vào IMF. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như thành lập một đồng tiền thống nhất (lấy đồng Yen của Nhật làm bản vị trao đổi), một vùng trao đổi tự do bao gồm tất cả các quốc gia trong vùng chung quanh ba trục kinh tế tài chánh chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, để tự bảo vệ và nâng đỡ lẫn nhau khi có khủng hoảng, mang tên Thị trường chung Đông Á (ACM). Nói tóm lại, định chế kinh tế tài chánh này phải hoàn toàn "Châu Á" và không quan tâm đến những khác biệt về thể chế chính trị, văn hoá hay tôn giáo.
Sau nhiều trao đổi ở cấp lãnh đạo quốc gia, ngày 6-5-2000, 13 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN + 3, đã họp lại tại Cheng Mai (Thái Lan) và đưa một thoả thuận chung gọi là Thoả thuận Chiang Mai (CMI-Chiang Mai Initiative). Theo đó, các quốc gia ASEAN + 3 sẽ thành lập một quỹ tiền tệ chung khu vực mang tên AMF (Asian Monetary Fund-Quỹ tiền tệ Châu Á), nhằm giúp đỡ các nước trong vùng vay mượn khi thiếu hụt ngoại tệ. Nhưng sau gần 9 năm hoạt động, AMF vẫn không phát triển mạnh vì thiếu vốn và thiếu người vay. Mỗi quốc gia thành viên chỉ chấp nhận bỏ ra 40 triệu USD, quá ít để thành lập một quỹ tiền tệ chung. Thêm vào đó, các quốc gia Đông Á thường có khuynh hướng vay mượn lẫn nhau hay với những định chế tài chánh quốc tế hơn là địa phương. Một ví dụ, mặc dù gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ngoại tệ, Nam Hàn chỉ vay của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Châu Âu (CEB) hơn là AMF.
Nhu cầu tăng vốn trở nên gấp rút khi cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới ập xuống Châu Á năm 2008. Tháng 2-2009, hội đồng bộ trưởng tài chánh ASEAN + 3 quyết định tăng quỹ AMF từ 80 tỉ lên 120 tỉ, nâng tỉ lệ cho vay lên 20% số tiền được mượn và thành lập một cơ quan giám sát khu vực độc lập. Nhưng tăng bằng cách nào? Trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh chung toàn cầu, nước nào cũng gặp khó khăn, nguồn tiền dự trữ nếu có được dành ưu tiên để cứu vãn các cơ sở kinh tế tài chánh trong nước đang gặp khó khăn hơn là ngoài nước. Qua gợi ý của Nhật và Indonesia, khối ASEAN + 3 mời thêm ba quốc gia phát triển khác trong khu vực là Úc, Tân Tây Lan (New Zealand) và Ấn Độ tham gia vào thị trường chung Đông Á. Từ đó thị trường chung này có thêm một tên mới, ASEAN + 6. Nhờ sự đóng góp của ba quốc gia thành viên mới này, vốn của quỹ AMF chỉ tăng lên 90 tỉ USD, thay vì 120 tỉ như dự trù.
Nhưng sự hiện của ba quốc gia mới này gây nhiều tranh cãi trong nội bộ ASEAN + 3. Trung Quốc và Malaysia chống, Nhật Bản và Indonesia thuận. Cũng nên biết, hai quốc gia đầu tàu của ASEAN + 3 là Trung Quốc và Nhật Bản, do đó lý do của những chống đối và ủng hộ rất là phức tạp, tất cả tùy thuộc vào hậu ý của hai đầu tàu này. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ, yếu tố mở rộng hay hạn chế dân chủ trong nội bộ ASEAN + 3 hay ASEAN + 6 là chính. Úc, Tân Tây Lan và Ấn Độ là ba quốc gia dân chủ, nếu chấp nhận sự gia nhập của ba quốc gia này là chấp nhận mở rộng dân chủ. Trong khi đó Trung Quốc là một quốc gia chuyên chính cộng sản, rất tự hào về nền văn minh Khổng giáo, nghĩa là độc quyền lãnh đạo đất nước, do đó không muốn bị những giá trị của thế giới phương Tây như tự do, dân chủ và nhân quyền chi phối. Malaysia là một quốc gia Hồi giáo, rất tự hào về những giá trị Châu Á cổ truyền, nghĩa là ổn định, kỷ cương và trật tự, do đó không sốt sắng với những giá trị phổ cập của phương Tây như tự do, dân chủ và nhân quyền. Ngược lại, Nhật Bản tuy là một quốc gia Châu Á nhưng tổ chức chính trị và xã hội như một quốc gia phương Tây, nghĩa là tôn trọng những giá trị phổ cập của loài người. Nếu có thêm ba quốc gia dân chủ này vào tổ chức, trọng lượng của Nhật Bản sẽ nặng trong những quyết định quan trọng. Indonesia là một quốc gia Hồi giáo lớn, nếu không muốn nói lớn nhất thế giới với hơn 240 triệu dân, nhưng là một quốc gia dân chủ. Ủng hộ sự gia nhập của ba quốc gia mới này, Indonesia muốn cùng với Nhật không để Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế và quân sự khống chế hay lấn áp ASEAN.

ASEAN + 3 hay ASEAN + 6, ai lãnh đạo và hoạt động ra sao?
Từ ngày thành lập năm 1967 đến nay, 10 quốc gia thành viên ASEAN thay nhau lãnh đạo luân phiên, mỗi năm một thành viên được cử ra làm chủ tịch ASEAN, bất kể tầm vóc quốc gia hay thâm niên gia nhập.
Trong thực tế, sự lãnh đạo luân phiên này chỉ là hình thức vì không có quốc gia nào có đủ uy tín chính trị và trọng lượng kinh tế, tài chánh và quân sự để được những quốc gia thành viên khác tôn trọng và nghe theo. Singpapore tuy rất năng động, có trọng lượng kinh tế tài chánh áp đảo nhất, nhưng lại là một quốc gia-hải cảng nhỏ bé. Brunei cũng không gì hơn, mặc dầu rất giàu nhưng quá nhỏ để tiếng nói có trọng lượng. Indonesia và Philippines tuy có một dân số và một diện tích lớn nhưng rất phân tán, sinh hoạt chính trị và kinh tế còn rất bấp bênh, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và thôn quê còn rất sâu đậm. Sinh hoạt chính trị tại Thái Lan rất là bấp bênh, đảo chính quân sự diễn ra thường xuyên, xã hội dân sự phân tán, khó làm gương cho bất cứ ai. Cái nhìn của những cấp lãnh đạo Malaysia thì rất hẹp hòi, chỉ nhìn thấy quyền lợi của giai cấp lãnh đạo, khi bị de doạ thì lấy Hồi giáo ra bảo vệ. Bốn quốc gia còn lại, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar thì quá nghèo, xin nhiều hơn cho, do đó không thể lãnh đạo được ai, hơn nữa lại là những quốc gia độc tài chuyên chính, trừ Campuchia.
Chính vì không có lãnh đạo, ASEAN là địa bàn màu mỡ cho những tham vọng khu vực. Từ năm 2000 trở lại đây, sau khi Thoả thuận Chiang Mai ra đời, Nhật Bản và Trung Quốc, hai quốc gia hùng cường nhất khu vực đã không ngừng tiếp cận ASEAN để được nhìn nhận như là quốc gia đầu tàu của một kết hợp lớn. Nam Hàn thì chỉ tập trung vào đầu tư và sản xuất hàng hoá tại các quốc gia ASEAN để củng cố sức mạnh kinh tế của mình trong khu vực, không quan tâm đến vai trò lãnh đạo vùng này. Nhật Bản là quốc gia đầu tư và viện trợ nhiều nhất cho ASEAN để phát triển. Vấn đề là trong Thế chiến II vừa qua, quân đội Nhật Bản đã để lại nhiều kỷ niệm xấu trong ký ức các dân tộc Đông Nam Á nên phải cần thời gian để quên và hợp tác. Trung Quốc thì ngược lại, nhìn ASEAN như là một thị trường tiêu thụ hàng hoá và một nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho nền kinh tế của mình, do đó sẵn sàng làm áp lực, bằng quân sự nếu cần, để thoả mãn những mục tiêu mong muốn. Nguồn hàng hoá của Trung Quốc có ưu điểm vừa rẻ vừa dồi dào nên rất được dân chúng địa phương ưa chuộng. Từ hai lối tiếp cận này, Trung Quốc và Nhật Bản cạnh tranh uy tín và ảnh hưởng lẫn nhau để dành cảm tình của dân chúng và các cấp lãnh đạo ASEAN.
Tháng 11-2002, Trung Quốc và ASEAN thoả thuận thành lập một vùng trao đổi tự do, thoả thuận hợp tác đã được ký kết tháng 11-2004. Liền tức thì, trọng lượng trao đổi giữa hai đối tác tăng lên một cách ngoạn mục (28%): 100 tỉ USD thay vì 78,2 tỉ như năm 2003, con số này tăng nhanh trong những năm kế tiếp. Trung Quốc còn dự trù sẽ cùng các quốc gia ASEAN xoá bỏ mọi hàng rao thuế quan vào năm, 2015 để nguồn hàng hoá tự do ra vào. Trong khi đó, chính quyền Nhật đã bỏ ra một số tiền lớn để viện trợ xây dựng hạ tầng cơ sở tại những quốc gia ASEAN kém phát triển, như xây dựng xa lộ Đông-Tây, tân trang và sửa chữa những hải cảng, phi trường, cầu đường, bệnh viện, trường học và tài trợ những chương trình nhân đạo nhằm cải thiện mức sống và vệ sinh công cộng. Một bên thoả mãn những nhu cầu nhất thời trước mắt, một bên đầu tư vào những nhu cầu trong tương lai, hành động nào cũng có lợi cho các nước ASEAN.
Nhưng sau một thời gian so cựa, các cấp lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản nhận thấy rằng không thể tiếp tục như vậy nữa nên đã cùng nhau thảo luận tìm một hướng giải quyết chung. Từ năm 2005, lãnh đạo hai nước Nhật Bản và Trung Quốc đã cùng nhau hợp tác thành lập Thị trường tự do Đông Á để cùng nhau chia sẻ những phúc lợi chung. Trong hội nghị Diễn đàn Bắc Kinh - Đông Kinh lần thứ 5, họp thành phố Đại Liên, Trung Quốc, ngày 2-11-2009, đại diện giới công kỹ nghệ và kinh tài, học giả của hai nước đã tích cực thảo luận về cấu trúc một thị trường chung Đông Á do tân thủ tướng Nhật Yushio Hatoyama đề ra. Thị trường bao gồm 13 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN, gọi chung là Cộng đồng Đông Á (EAC-East Asia Community) mà thời đó người ta đặt ra một tên rất là thơ mộng: Liên Hiệp Anh Đào.
Mục đích đầu tiên của cộng đồng là để đối trọng với sự thành hình của một kết hợp khác do Hoa Kỳ khởi xướng từ năm 1989: APEC (Diễn đàn hợp tác Châu Á Thái Bình Dương) qui tu 15 quốc gia chung quanh Thái Bình Dương.
Để có điều kiện hoạt động, cộng đồng này cần xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững, hoàn toàn mang tính Châu Á, để chọn lực hướng dẫn đầu tư nào có lợi nhất của các nước Đông Á có dư thừa ngoại tệ, đồng thời cũng để thu hút nguồn ngoại tệ, chứng khoán hay công khố phiếu của các nước trong vùng vừa phát hành. Một chức năng khác của thị trường này là cố vấn phát hành trái phiếu và chứng khoán, và cố vấn pháp luật cho những quốc gia trong vùng.
Lãnh đạo tài chánh của ASEAN +3 vào tháng 4-2009 đã đồng ý việc thành lập cơ quan bảo chứng cho việc mở rộng thị trường chứng khoán Châu Á. Dựa trên sự đồng ý của ngân hàng phát triển Châu Á ADB, định chế thị trường chứng khoán này lập một quỹ điều hành từ 500 triệu đến một tỉ USD vào năm 2010 để cải thiện sự đánh giá và nâng cao khả năng tín dụng của các xí nghiệp Châu Á. Trước mắt hai thị trường Hongkong và Singapore vốn có ảnh hưởng lớn trên các thị trường chứng khoán thế giới sẽ làm thí điểm ban đầu.
Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia khởi xướng sự thành lập Thị trưòng chung Đông Á này nhưng giữa hai nước vẫn có những bất đồng về số thành viên tham dự. Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN cuối tháng 10-2009 vừa qua, Nhật Bản đề nghị số thành viên của thị trường chung này là 16, gồm 10 quốc gia ASEAN + 6 (Nhật, Trung, Hàn, Ấn, Úc, Tân Tây Lan) trong khi Trung Quốc chủ trương ASEAN + 3 (Nhật, Trung, Hàn). Trung Quốc đề nghị không nên nhấn mạnh về sự khác biệt mà nên tôn trọng những thể chế chính trị khác nhau giữa các nước. Còn phía Nhật thì nhấn mạnh đến sự hiện diện cần thiết của Ấn, Úc và Tân Tây Lan vì là những nước có kinh nghiệm về tự do dân chủ trong khi Trung Quốc muốn hạn chế ở mặt địa lý Đông Á theo nghĩa hẹp.
Trong cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị này, Nhật muốn lôi kéo Nam Hàn vào để đảm nhiệm vai trò thường trực điều hành thị trường chung này. Văn phòng sẽ đặt tại Pusan của Nam Hàn, trong mục đích mở rộng đến vùng Đông-Bắc Á, lôi kéo luôn cả Nga lẫn Bắc Triều Tiên vào để trở thành ASEAN + 12.
Trong khi đó, phía Trung Quốc rút lại kinh nghiệm thành lập Liên Hiệp Châu Âu (EU), hai nước chủ chốt khởi đầu là Pháp và Đức đã không kèn cựa quyền lợi của riêng mình mà đã đưa ra các đề án có lợi cho các nước nhỏ xung quanh miễn sao có lợi cho thị trường chung. Để tỏ ra không quan tâm đến quyền lợi của chính mình, Trung Quốc chủ trương các quốc gia ASEAN phải nắm quyền chủ đạo thị trường chung này. Trước đó Bắc Kinh muốn đưa Thái Lan vào chức vụ lãnh đạo này, nhưng sau những xung đột võ trang với Myanmar và Campuchia gần đây đã bỏ phiếu cho Việt Nam, là quốc gia đặt trung tâm điều hành thị trường chung Đông Á.
Cái may mắn của Việt Nam là được làm chủ tịch khối ASEAN trong năm 2010. Do đó cần gấp rút tranh thủ sự ủng hộ của Nhật để được giúp đỡ phát triển kỹ nghệ xanh, kỹ nghệ sạch mới và kỹ nghệ phục vụ người già, vì đó là những dịch vụ của tương lai.

Nguyễn Minh
(Tokyo)

© Thông Luận 2010

No comments: