Thursday, February 18, 2010

THẦY TÔI, TỪ MỘT GÓC VỈA HÈ BÌNH DỊ của SÀI GÒN

Thầy tôi, từ một góc vỉa hè bình dị của Sài Gòn
Trần Tiến Dũng
Ngày 18.02.2010 Giờ 14:30
http://www.sgtt.com.vn/Detail26.aspx?ColumnId=26&newsid=62492&fld=HTMG/2010/0128/62492
SGTT Xuân 2010 - Một góc Lữ Gia – nhà thờ Hầm cách nay vài năm, thầy Cù An Hưng lúc không có giờ dạy học thường ghé sạp bán báo của tôi. Lúc đó tôi bán báo để kiếm sống, còn thầy ghé chỗ tôi để sống với tình yêu lớn của đời thầy: tình yêu thi ca.

Có lần thầy Cù An Hưng kể với chất giọng Bắc nhỏ tiếng nhưng âm vực rất vang. Và câu chuyện thầy kể cũng chỉ để kể, không nhằm tìm tới một chuyện truyền đạt kiểu ôn cố tri tân nào. “Bọn chúng tôi lúc trước dạy ở trường tư thục Trường Sơn. Mà này, cậu phải biết là các thầy người Bắc di cư có công mở trường tư ở trong này. Bọn chúng tôi dạy toán, các anh Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ… dạy văn. Giờ giải lao, cùng là giáo sư, ngồi chung một phòng giáo sư, suốt chừng ấy năm chúng tôi chưa từng vô lễ bước qua bàn các anh ấy. Thường là ngồi bên này cung kính trân trọng lắng nghe từng lời các anh ấy nói về văn chương. Được nghe văn chương từ các anh ấy là ý thức mình gieo mở hạnh phúc và tìm thấy tự do”. Sau này, thầy không kể thêm câu chuyện nào nữa về các vị văn gia lớn đó, nhưng ý nghĩa từ mẩu chuyện của thầy cho tôi một niềm tin rõ ràng rằng, các vị viết văn ngày nay không được trân trọng như đáng ra họ phải được, không được trân trọng vì lẽ, các nhà văn ngày nay không nhận thức được việc chính mình phải tự trọng trong ý thức tôn trọng văn chương hơn là mong đợi ở xã hội.

Lần khác tôi được chứng kiến sự trân trọng của thầy ở một giới quan hệ xã hội khác. Sạp báo của tôi kê bên cạnh một tiệm phở, tiệm phở này có mùi vị của hủ tiếu bò trong khi thầy là người Bắc. Trong nhiều năm đến chỗ tôi thầy chưa bao giờ thử ăn qua phở Nam, dù quán phở này bán khá đắt khách. Sạp báo tôi chỉ có một cái ghế nhựa thấp, lần nào thầy đến, cô chủ quán phở cũng bước ra cầm theo cái ghế nhựa loại có chỗ tựa lưng để mời thầy ngồi và lần nào thầy cũng nói cám ơn cô. Tiếng cám ơn trân trọng vì chuyện mượn một cái ghế được một ông thầy dạy đại học nói với cô bán phở chưa học qua lớp năm, và được lặp đi lặp lại không một lần quên trong suốt nhiều năm. Những hôm cô bán đắt hàng không kịp nhận ra thầy mới ghé, thầy bước đến gần cô chủ quán hỏi mượn cái ghế, cô chủ quán nhiều khi chỉ gật đầu với thầy nhưng lúc nào thầy cũng nói cám ơn trước khi cầm cái ghế. Có nhiều hôm tôi thấy thầy với y phục chỉnh tề đứng thật lâu chỗ cô đang nấu phở, những hôm như vậy tôi biết là cô bán phở lu bu chưa nói tiếng dạ, hoặc chưa gật đầu với thầy về chuyện mượn cái ghế.

Tôi sẽ không nói sâu về văn chương, thi ca và những giá trị lớn của văn học… Tôi chỉ muốn nói qua những mẩu chuyện bình dị tôi nhận từ thầy và tôi có được tấm gương lớn để luôn soi cá nhân mình vào người khác bằng cả sự trân trọng. Sẽ là vu vơ khi nói về tính tự trọng của con người mà không nhìn thấy rằng cá tính cao quý đó, của bất kỳ ai, chỉ sáng rõ khi phẩm chất và những quyền cơ bản của họ được người khác và cộng đồng trân trọng. Với thầy, thầy không đặt điều kiện ai đó lúc giao tiếp với thầy có lòng tự trọng hay không, thầy chỉ giữ chuẩn mực ứng xử trân - trọng - cám - ơn những người mà mình sống chung đụng hàng ngày giữa đời thường.
Gặp những ngày trong tiết tháng tám âm lịch, trời Sài Gòn thường mưa nhỏ rả rích vào buổi sáng. Những hôm như vậy, cây dù che sạp báo của tôi không thể phủ được để thầy khỏi ướt, tuy nhiên không vì ngày mưa mà vắng bóng các ông, các bà mà tôi không biết mặt, biết tên tấp xe gắn máy vào chỗ sạp báo, họ không phải ghé để mua báo, họ ghé vô chỉ để cúi đầu thưa thầy Cù An Hưng. Có lần thầy nói với tôi: “Tôi trông họ già hơn cả tôi nữa đấy phải không cậu. Cậu nhìn lại tôi xem nào, có già đến thế không nào!” Lần khác thì thầy lại nói: “May đấy cậu ạ, các anh, các chị ấy mà dừng lại hỏi chuyện lâu, phát hiện tôi không nhớ được tên các anh chị ấy, thế là thất lễ!”

Lúc di cư vào Sài Gòn thầy mới là một học sinh trung học, nhưng không lâu thầy đã bắt đầu cuộc đời dạy học. Thời đó có nhiều người học muộn, riêng thầy thì nhảy lớp ở bậc trung học nên lúc đứng trên bục giảng thầy chỉ mới hai mốt tuổi. Thầy tự bỏ nhiều cơ hội mà thế giới trí thức dành cho thầy để chọn nghề dạy học, viết sách. Thầy nói, nỗi buồn lớn của thầy là phụ lòng kỳ vọng những bậc thầy truyền đạt tình yêu toán và muốn thầy theo đuổi chuyên sâu toán học. Nhưng có một nỗi buồn da diết mà tôi cảm nhận được ở thầy, đó là việc thầy không dành tuổi xuân cho tình yêu văn chương - thi ca. Với thầy, tình yêu này là thứ báu vật đồng hành với quả tim trong ngực mà thượng đế đã ban tặng.

Chọn nghề dạy học nghĩa là thầy đã đi vào trọn vẹn dòng sông lớn nhất, nơi người thầy như những con tàu chở bản năng con người vươn tới sóng gió trí thức, ánh sáng nhân cách, nơi mỗi người học trò là một thuỷ thủ, mỗi người thầy là một người thuyền trưởng, cùng chia sẻ nhiều lần cái chết bản năng trong những đại dương hoang dã để phục sinh đúng tầm vóc văn minh người.

Tôi không biết nhiều về chuẩn mực quan hệ thầy trò của các bậc trí thức được ví như kỳ lân - phượng hoàng của thế hệ trí thức lớn xưa kia, nhưng với thế hệ thầy Cù An Hưng và lớp kế cận thầy những năm trước 1975 thì tôi có biết qua. Ở sạp báo tôi ngày ấy có một người học trò của thầy Cù An Hưng, ông thỉnh thoảng đến và dừng lại với thầy lâu hơn những người khác. Ông đi một chiếc xe Honda cũ, dáng người thấp bé và tóc đã bạc trắng đầu. Dù ông không còn dạy học nữa nhưng lần nào cũng vậy, ông đến chỉ để kể về học trò của ông cho thầy Cù An Hưng nghe. Giữa đời sống đô thị trùng trùng cấu thành và trùng trùng tàn lụi này, hai vị thầy nhắc cho nhau nhớ về học trò. Với tôi, những người từng thụ hưởng sự giáo huấn của hai thầy ngày nay không biết tồn tại nơi đâu! Tôi chỉ biết là những lúc ấy hai gương mặt thầy giáo già hiện ra một vẻ đượm buồn.

Tôi không gọi cái tình trạng u ẩn buồn đó là hào quang, nhưng nỗi buồn lan toả của hai vị thầy thật sự là thứ ánh sáng của đời sống ký ức dạy học mà từng mạch cảm xúc buồn đó đang soi tìm lớp lớp học trò cũ của mình. Trong biển mịt mùng quên lãng, không một vị thầy nào để thất lạc học trò mà chỉ có những người học trò phũ phàng thổi tắt trong lòng thầy ánh sáng hy vọng.

minh hoạ Hồng Nguyên

Bạn có nhận xét gì về cái văn hoá và giáo dục thời “Mỹ nguỵ” này ?



No comments: