Monday, February 22, 2010

THĂNG LONG hay HÀ NỘI ?

Thăng Long hay Hà Nội?
Chủ Nhật, 21/02/2010
http://danluan.org/node/4275

Nguồn :
Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC Số 31

Gần đây ông Hoàng Tiến, tác giả “Thư gửi Ban tổ chức lễ hội ngàn năm Thăng Long-Hà Nội”, đã viết thư cho ban tổ chức lễ hội Ngàn năm Thăng Long-Hà Nội để đề nghị đổi tên Hà Nội thành Thăng Long. Ông cho rằng Thăng Long có nghĩa là rồng bay và tên gọi này đã giúp nước Đại Việt hưng thịnh. Trong khi đó, đất nước đã trải qua nhiều đau hương dưới tên gọi Hà Nội. Trước khi bàn về sự cần thiết của việc đổi tên thủ đô Hà Nội, thiết nghĩ cũng nên luận giải các chi tiết trong bức thư của ông Hoàng Tiến.

Lặp lại sai lầm
Thưa ông Hoàng Tiến, ở những nước văn minh người ta rất ít đổi tên, rất ít nhập vào, tách ra. Những cái tên Thành Đô, Tứ Xuyên là những địa danh có từ khoảng trên 2000 năm. Các thành phố khác trên thế giới như Moscơva, Paris, London, Oslo đều là các thành phố có tuổi rất cao với cùng tên một gọi. Mỗi một địa danh trong quá trình tồn tại và phát triển đã mang trên mình tất cả các dấu ấn lịch sử và văn hóa gắn với địa danh ấy. Hà Nội tuy mới tồn tại ngót hai trăm năm nhưng đã có biết bao sự kiện lịch sử bi hùng gắn liền. Những cái tên Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu chiến đấu đến chết để bảo vệ Hà nội chứ không chịu trao thành cho giặc, những chiến sĩ trong kháng chiến cống Pháp “Quyết tử cho Hà Nội quyết sinh”; những sự kiện đó gắn với Hà Nội chứ không phải với Thăng Long. Gỉa sử Hà Nội đổi thành Thăng Long thì câu nói trên sẽ điễn đạt như thế nào?

Trước đây, có bài hát “Đi tìm người hát câu hát lý thương nhau” của Vĩnh An trong đó có những câu:
Để lòng anh mong,
để lòng anh nhớ ai thương em như thế…
Hỡi cô gái Nghĩa Bình!

Bài hát rất hay đượm chất dân ca phù hợp với tình cảm và tâm sự của người dân Việt, khiến mỗi lần hát người nghe cảm thấy rung động lạ thường. Tiếc thay, thoắt một cái Nghĩa Bình không còn! Ấy là chưa kể một số tên đường bị đổi đã gây không ít phiền hà. Đơn cử đường Hàng Bột đổi thành đường Tôn Đức Thắng, đường Láng Hạ đổi thành đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nam Bộ đổi thành đường Lê Duẩn, đường Tàu Bay thành đường Trường Chinh. Điều này khiến một người chỉ xa Hà Nội vài năm phải ngỡ ngàng, phải hỏi thăm đường khi về Hà Nội. Một bản đồ Hà Nội xuất bản trước sau một vài năm đã khác nhau mà không phải là do có những đường mới, phố mới, công trình mới xuất hiện mà chỉ do các phố, các đường đã bị đổi tên!

Năm xưa khi Vua Minh Mệnh đặt tên Hà Nội, nhà vua có lẽ cũng mắc sai lầm là không chú ý đến tính chất lịch sử của cái tên Thăng Long và truyền thống văn hóa lâu dài của nó. Tuy nhiên, điều này có thể cũng thông cảm được vì dưới triều Nguyễn, Hà Nội không phải là thủ đô. Hơn nữa, dấu ấn Thăng Long của các triều đại Lý, Trần, Lê không còn gì và đã bị tàn phá nặng nề bởi các cuộc chiến tranh xâm lược liên miên qua nhiều thế kỷ của phong kiến phương Bắc. Các cuộc chinh biến của Tống, Nguyên, Minh, Thanh và ngay cả Chiêm Thành cũng đã nhiều lần kéo quân đến Thăng Long đốt phá. Cung điện, đền đài, lăng tẩm, thành quách được xây dựng qua các triều đại Lý, Trần, Lê không còn nếu có cũng chỉ là các phế tích. Thăng Long chỉ còn là cái tên không, một cái vỏ mà phần ruột–phần quan trọng nhất đã mất. Chúng ta có thể nhận ra điều này khi đọc thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

Chính vì thế, việc đổi tên Hà Nội thành Thăng Long có khác nào lập lại sai lầm thêm một sai lầm nữa.

Phúc và họa của đất Thăng Long – Hà Nội
Trong thư ông Hoàng Tiến đã liệt kê những sự kiện lịch sử, những tiến bộ về các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa và giáo dục. Những sự kiện này có thực nhưng đã gây cho người đọc cảm giác rằng cái tên Thăng Long đã mang lại nhiều may mắn hơn Hà Nội. Thực tế trong cả chiều dài lịch sử, điều này không hoàn toàn đúng. Hơn nữa, những sự cố xảy ra cho Hà Nội đều có sự tác động của con người thậm chí đều do con người gây ra và rất cần luận giải chi tiết thì dường như lại không được chú ý.

Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi xem xét các triều đại đến thế kỷ XVI đã rút ra lời kết như sau:
Muốn bình thì phải ở nhân
Muốn yên thì phải dạy dân cấy cày


Về các mặt kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa-giáo dục, Lý Thái Tổ và triều Lý đã có những cải cách lấy dân làm gốc, chẳng hạn như “Đại xá thiên hạ, miễn giảm sưu thuế trong ba năm”. Rõ ràng nhà Lý đã đem nhân nghĩa tưới khắp bá tánh nên xã hội dưới thời nhà Lý thịnh trị. Và vì vậy, triều đại Lý cũng kéo dài đến 215 năm.
Trong khi đó, Hà Nội lại không thịng vượng dưới triều Nguyễn. Mặc dù các vua chúa Nguyễn có rất nhiều công lao trong việc mở mang bờ cõi và thống nhất đất nước. Nhờ lẽ đó mà nước Việt ta mới trải dài từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau như ngày nay. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng nhà Nguyễn đã cai trị dân không phải bằng nhân nghĩa mà bằng bạo lực. Nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách cấm đạo, sát Gia Tô một thời gian dài, đặc biệt trong hai đời vua Minh Mệnh và Tự Đức. Thêm vào đó, nhà Nguyễn lại dùng nhiều cực hình man rợ đối với cựu thù như Tây Sơn, và thậm chí với các công thần mà mới hôm nào còn vào sinh ra tử để có được chiến thắng.
Nhà Nguyễn vào đất Thuận Hóa, thành công trong việc mở mang bờ cõi và cuối cùng có được thiên hạ trong tay một phần là nhờ vào lời chỉ dạy của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông từng nói “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Thế nhưng vua tôi nhà Nguyễn dường như bỏ ngoài tai lời giáo huấn ấy nên việc trị dân trị nước của nhà Nguyễn gặp nhiều trắc trở và không hanh thông. Cái phúc và cái họa của đất Thăng Long – Hà Nội là do vậy ông Hoàng Tiến ạ.

Thay đổi quan trọng hiện nay
Tôi thiết nghĩ cái thay đổi quan trọng nhất là ở chỗ thay đổi dân yếu nước hèn thành ra dân giàu nước mạnh và thực sự công bằng văn minh; làm sao cho đất nước không bị ngoại bang khinh nhờn lấn át. Theo đó, thay đổi làm sao cho đất nước không còn các “quốc nạn và quốc loạn” như tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, mua quan bán tước; thay đổi để những người có tài năng đức độ được trọng dụng, những kẻ bất tài cơ hội bị loại bỏ. Đấy mới là thay đổi căn bản và cần thiết mới đáng gọi là thay đổi, thưa ông Hoàng Tiến.

Những thay đổi đại loại như: đổi tên, tách ra, nhập vào chỉ là những thay đổi dẫn đến lãng phí tốn kém. Thậm chí còn tạo cơ hội cho những bọn xấu xa ở các cấp chính quyền lợi dụng để trục lợi, mà chẳng mang lại điều lợi lộc gì cơ bản cho nhân dân và cho đất nước. Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội chỉ tính riêng việc liên quan đến hoàn thiện con dấu cho các cấp ban ngành từ địa phương đến thành phố đã tốn kém hàng trăm tỷ đồng. Nay lại đổi Hà Nội thành Thăng Long thì vài trăm tỷ sẽ đội nón ra đi cho một việc vô bổ.

Những ai còn có tấm lòng yêu nước hẳn uất ức đến ứa nước mắt khi đọc những câu thơ:
Có nơi đâu trên thế giới này
Như Viêt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
Biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước’’ bắt?
Các anh hùng dân tộc ơi!
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi!
Nếu sống lại các ngài sẽ bị bắt!
Ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc?

(Trần Mạnh Hảo – Sài Gòn, 20-01-2008)

Đất nước này máu và nước mắt chảy triền miên. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chẳng được bao lâu lại tiếp ngay đến tháng 2 năm 1979; rồi máu chảy ở biên giới phía bắc, máu chảy ở Lão Sơn, máu chảy ở Trường Sa. Hãy so sánh với Angiê-ri, một nước Bắc Phi, cũng là thuộc địa của Pháp như Việt Nam nhưng họ chẳng hề có “Điện Biên chấn động địa cầu” hay chẳng có ngày “30 tháng 4 lịch sử”. Thế mà đất nước họ đã độc lập thống nhất lại chẳng bị kẻ ngoại xâm nào nhòm ngó, coi thường.

Thưa ông Hoàng Tiến, Việt Nam đang bị lân bang dòm ngó, thác Bản Giốc nay đã mất đi, dân chúng không được mưu sinh trên phần biển cha ông để lại. Vậy thì việc đổi tên như ông đề nghị phỏng có ích gì?!

Vũ Đình Tiêu
©Tạp Chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC

Download TCPT 31 - 1000 NĂM THĂNG LONG
Bản PDF – HD
Bản PDF – Standard
Bản PDF – Mini




No comments: