Friday, February 19, 2010

SỰ THẬT PHÍA SAU CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG


Sự thật phía sau chỉ số tăng trưởng
Hoàng Vũ

Đăng ngày 18/02/2010 lúc 18:05:40 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4601
Những ngày cận Tết, bao giờ người dân nghèo Việt Nam cũng luôn cố gắng hết sức để được “No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”. Người dân nghèo chạy vạy, chật vật, chấp vá... lo cho được ăn đủ no trong ba ngày Tết. Và ba ngày Tết vừa qua đi, người dân nghèo lại bắt đầu lo lắng cho cuộc sống của những ngày tháng sắp tới.

Người dân nghèo vừa đón Tết Nguyên Đán cùng dân nghèo Việt Nam là những ai nữa?

Đó là người dân nghèo trong khu vực khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Họ là người dân nghèo Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Thật ngẫu nhiên, đúng vào ngày mùng 4 Tết, ngày 17/02/2010,
thông cáo báo chí của Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP – United Nations Economic and Social Commission for Asia and the Pacific) đã công bố bản báo cáo chung của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP – United Nations Development Programme) và Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB – Asian Development Bank) về chương trình Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs – Millennium Development Goals) tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bản báo cáo nêu rõ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có đến 21 triệu người sống dưới mức cực kỳ nghèo khổ – thu nhập dưới $1.25/ngày. Năm 2009 cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy đưa hơn 17 triệu người dân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào cuộc sống bần cùng, và năm nay 2010 sẽ có hơn 4 triệu người nữa rơi xuống tận cùng đáy xã hội.

Trong con số thống kê này, có bao nhiêu người là dân Bắc Triều Tiên? Có bao nhiêu người là dân Trung Quốc? Có bao nhiêu người là dân Việt Nam?

Trong các thể chế độc tài toàn trị, các số liệu thực về những điều xấu xa tồi tệ thường là những “bí mật quốc gia”, thế nên sự thật về con số người dân nghèo trong những đất nước này thường rất mơ hồ và sai lạc.

Tại Bắc Triều Tiên tiếp theo sau những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế là việc chính phủ Kim Jong-il đổi tiền định giá lại đồng bạc của họ và sự thật bần cùng của người dân đã phơi bày khá rõ nét:
người dân Bắc Triều Tiên đang bị nạn đói đe doạ nghiêm trọng.

Thế còn người dân nghèo Việt Nam và Trung Quốc thì sao? Có khá hơn không khi sự hồi phục kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc với mức tăng trưởng trong năm 2009 là 8.7% và Việt Nam là 5.3%?

Nhìn vào con số tăng trưởng khá cao trong cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc – 8.7%, nếu so sánh với Hoa Kỳ – cường quốc số một thế giới –
chỉ đạt được vỏn vẹn 0.2% trong năm 2009, thì thật sự nền kinh tế kinh tế Trung Quốc ẩn chứa nhiều những sự giả tạo, những nguy cơ bong bóng căng phồng và chực chờ nổ bất cứ lúc nào. Điều này tạp chí The Economist số ra ngày 14/01/2010 đã phân tích khá rõ trong bài viết về nền kinh tế Trung Quốc “Not just another fake” (“Không chỉ là sự giả tạo khác nữa”) khi so sánh với nền kinh tế Nhật Bản trong thập niên 1980.

Xét kỹ nền kinh tế Trung Quốc qua chỉ số ICOR (Incremental Capital-Output Ratio), bài viết trên cho thấy rõ chỉ số ICOR của Trung Quốc năm 2009 cao quá mức, cao gấp đôi so với chỉ số trung bình trong thập niên 1980 và 1990. Một dấu hiệu bất bình thường: Điều này chứng minh rõ ràng chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bất chấp các quy luật kinh tế, gia tăng đầu tư quá mức để đạt cho được mức tăng trưởng, gây ra bất ổn kinh tế từ chiều sâu trong toàn bộ cơ cấu nền kinh tế.

Vì sao? Thể chế chính trị độc đảng Trung Quốc không còn lý do để tồn tại vì đã tự đánh mất chính nghĩa. Do đó để cố gắng tồn tại, chế độ độc tài Trung Quốc phải cố gắng duy trì sự tăng trưởng kinh tế để tạo công ăn việc làm cho xã hội, tránh nguy cơ khủng hoảng kinh tế vì điều này sẽ dẫn đến thất nghiệp, đói khổ và bạo loạn xã hội.

Trung Quốc đã tăng trưởng kinh tế bất chấp tất cả: từ quy luật kinh tế cho đến phẩm chất tăng trưởng; từ môi trường sống cho đến con người lao động; từ chất lượng sản phẩm cho đến sự bất minh trong sản xuất... Và kết quả là con số ấn tượng trên bề mặt nổi được ca ngợi tán dương; đi cùng hậu quả khốc liệt nơi chiều sâu cuộc sống mà người dân nghèo Trung Quốc lãnh đủ.

Những hình ảnh kinh hoàng gây chấn động tâm can con người từ trang phóng sự ảnh
“Pollution in China” (“Sự ô nhiễm ở Trung Quốc”) của nhiếp ảnh gia Lô Quảng (Lu Guang– 卢广) là một bằng chứng hùng hồn xác thực cho vấn nạn này.

Thế còn ở Việt Nam?

Mức tăng trưởng ngoạn mục 5.3% của năm 2009 nói lên điều gì? Con số tăng trưởng kinh tế lạnh lùng có đang đồng hành cùng với những bất công xã hội và sự chênh lệch giàu nghèo quá mức? Nền kinh tế thị trường tự do có đúng nghĩa không nếu thật sự không có tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do dân chủ?
Việt Nam có đang dẫm bước theo vết xe đổ của Trung Quốc? Người dân nghèo Việt Nam đang sống ra sao? Môi trường sống ở Việt Nam bị huỷ hoại đến mức độ nào? Rừng núi và sông hồ ở Việt Nam có đang bị bức tử? Tài nguyên khoáng sản có đang bị vơ vét vô tội vạ?

Tương lai dân tộc và đất nước Việt Nam đang đi về đâu?

Xin nhường câu trả lời cho các vị lãnh đạo chính quyền Việt Nam và hơn 3 triệu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam: những con người nếu vẫn còn tấm lòng với quê hương và dân tộc Việt Nam; những con người sáng suốt sẵn sàng phản bác những lý luận nguỵ biện cho thể chế độc tài tham nhũng; những con người dũng cảm dám làm xoay chuyển bánh xe lịch sử để chuyển biến dân chủ. Hãy thức tỉnh trước khi mọi việc đã quá muộn. Đại hội đảng cộng sản đang gần kề, đừng đánh mất cơ hội thêm một lần nữa...

Và hãy luôn nhớ rằng: Người dân Việt Nam vẫn luôn khát khao và mơ ước được ấm no, được hạnh phúc trong một xã hội công bằng và tự do dân chủ thật sự.

Hoàng Vũ


© Thông Luận 2010


No comments: