Saturday, February 20, 2010

PHẢI CHĂNG TRUNG QUỐC LÀ CƠN ÁC MỘNG CỦA VIỆT NAM ? (II)

Lận đận với Tàu: Phải chăng Trung Quốc là một cơn ác mộng của Việt Nam? (II)
Nguyễn Văn Lục
19-02-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7175

Đảng lao động mang ơn Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Đông là việc của họ, hà cớ gì bắt cả nước lãnh chịu phải mang ơn Tàu Cộng? Và như thế thì làm thế nào để ngước mắt lên nhìn trời xanh được?
Cả một đám mây mù thế kỷ lởn vởn trên số phận Việt Nam cho đến ngày này và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ? Mà nào có xong.
Họ đã ba lần đánh và xâm chiếm bờ cõi Việt Nam: 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH.
Cộng Sản Việt Nam (lúc đó là nhà nước VNDCCH) im lặng không dám hé răng.
1979, Cộng sản Tàu tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc, phá hủy sạch và sau đó rút lui sau một tháng.
1988, lại một lần nữa ở một cường độ chiến tranh bỏ túi. Cộng sản Tàu lại xua quân chiếm đất đai của Việt Nam. Chính quyền Hà Nội đã giấu nhẹm. Ít ai được biết là năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá trong vùng lân cận quần đảo Trường Sa, chiếm đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và bắn cháy ba tàu vận tải và giết khoảng 70 thủy thủ của Hải quân Viêt Nam.
Chưa kể những cuộc đánh phá nhỏ liên tục từ 1979 đến năm 1988, Tàu đã đánh chiếm các cao điểm chiến lược dọc biên giới.
Khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam đã không hết lời gọi Tàu là “kẻ phản bội chủ nghĩa Xã Hội”, tên “ Phản động Quốc Tế đầu sỏ” bợ đỡ “đế quốc Mỹ”, kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa với thuyết “mèo trắng mèo đen”
Vậy mà trớ trêu thay để trả giá cho việc được bình thường hóa với Trung Quốc vào năm 1991, Việt Nam phải hòa hoãn vì không có lựa chọn nào khác, dù Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm.
Các nước Đông Âu thi nhau sụp đổ. Cộng sản Việt Nam phải chọn đồng minh và đồng minh này không ai khác là Trung Quốc bằng cách loại bỏ Nguyễn Cơ Thạch trong đại hội VII, 1991. Thạch trở thành con vật con vật tế thần để đạt được việc bình thường hóa giữa hai nước.
Và nay CSVN đổi giọng, thay vì gọi Đặng Tiểu Bình là tên phản động đầu sỏ theo chân đế quốc Mỹ, ta nhã nhặn gọi là “kiến trúc sư” của công việc cải cách. Thuyết “mèo trắng mèo đen” bây giờ được gọi là một thứ “sáng tạo siêu việt”, đưa nước Trung Hoa tới “những bước phát triển thần kỳ”.
Rồi 10 năm sau, CSVN mới tỉnh mộng lại lẽo đẽo theo chân Trung Quốc đổi mới. Nếu chỉ tính từ 1975, Việt Nam đã đi chậm mất 15 năm để biết thế nào là “mèo trắng, mèo đen”.CSVN vừa trả xong cái giá để được bình thường hóa với Trung Quốc; CSVN tiếp tục trả giá tiếp cho cái Hiệp Ước biên giới trên bộ vào 30-12-1999 bằng cách mặc nhiên công nhận các cao điển chiến lược mà Trung Quốc xâm chiến từ năm 1979 là thuộc lãnh thổ nước Tầu. Tính ra ta mất tất cả 700 km2 dọc theo biên giới phía Bắc.
Nhưng ông Lê Công Phụng tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của mạng VASCOrient, ngày 28-01-2002 rằng nước ta không mất gì cả, không hề mất 700 km2. Diện tích đất đai tranh chấp chỉ thu hẹp ở mức 227 km2, trong đó chúng ta được khoảng 113 km2 còn Trung Quốc được trên dưới 114 km2. Cho đến 2002, Bản Hiệp Định cũng không được công bố. Hỏi tại sao không công bố thì ông Phụng trả lời “các nước đều có thông lệ không nhất thiết phải công bố mọi Hiệp định”. Sau này túng thế quá thì Bản Hiệp Định đã được đăng trên báo Nhân Dân, nhưng lại không có bản đồ nên mọi người cũng chẳng biết đường mò nào mà lần.
Muốn biết sự thật ra sao vê Hiệp Định biên giới, như thông lệ, không có cách nào khác hơn là kiên nhẫn chờ thêm chừng 5 đến 10 năm nừa khi ông Lê Công Phụng về già, lúc đó may ra ông sẽ nói sự thật.
Thôi họ đã giấu thì tra hỏi mấy cũng vô ích.
Giá trả như thế thì đừng ảo tưởng dựa vào Tàu nữa. Đừng bao giờ hãnh tiến ta đây anh hùng chiến thắng cả Pháp lẫn Mỹ nữa.
Xem ra hiện nay bài học cũ cũng chẳng có ích gì cho cái đảng Cộng sản hiện nay.
Vì thế Việt Nam lúc này chỉ có một con đường thoát hiểm là vươn ra thế giới, vươn ra biển và từ bỏ khoác áo chủ nghĩa cộng sản, từ bỏ con đường lệ thuộc vào Tàu.
Bài học lịch sử còn đó mà sao họ không học được gì?
Bài học sâu xa là xin nhắc lại và xin nhắc nữa là: Đừng bao giờ tin vào người cộng sản. Dù là cộng sản Tàu, dù là cộng sản Nga, dù là cộng sản Việt Nam.

Chính sách đi dây của Hồ Chí Minh và sự thất bại của chính sách này

Và để tránh hoàn toàn bị lệ thuộc quá vào Nga hoặc Tàu, Hồ Chí Minh đã áp dụng chiến thuật đi dây với cả hai nước cộng sản đàn anh như ông Bùi Tín có lần nói, “Ông Hồ khéo léo với Trung Quốc hơn nhiều và luôn cố gắng cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc.” (Trích Nhìn lại nhân vật Hoàng Văn Hoan BBC Vietnamese ngày 2009-03-06).
Phùng Quán trước đây trong bài “Lời mẹ dạy” có nói về thân phận nhà văn dưới chế độ cộng sản. Nay có lẽ chỉ cần đổi chữ nhà văn ra nhà chính trị là hiểu cái thế cỡi lưng cọp của Việt Nam:
Người làm xiếc đi dây rất khóNhưng chưa khó bằng làm nhà chính trị
Khó lắm, chỉ sẩy chân một tý là máu chảy, đầu rơi. Trong khi đó thì tham vọng của Trung Quốc càng ngày càng không cần dấu diếm nữa.
Thật vậy, trong một cuộc gặp gỡ giữa 4 đảng Cộng sản Trung Hoa, Nam Dương, Việt Nam, Lào từ tháng 9/1963, tại Quảng Đông, Thủ Tướng Chu Ân Lai đã đòi Việt Nam như sau, “Nước chúng tôi tuy lớn, nhưng lại không có đường thoát ra ngoài; vì thế chúng tôi khẩn khoản mong Đảng Lao Động Việt Nam nhường cho chúng tôi một hành lang để xuống Đông Nam Á.” (Trích Bạch Thư: Sự thật về việc bang giao giữa Việt- Hoa trong 30 năm qua, Tài liệu: Do Bộ Ngọai giao CHXHCNVN. Lưu hành nội bộ, trang 5).
Chính sách đi dây của Hồ Chí Minh chỉ có tính cách giai đoạn và khó có cơ thực hiện được vì những lý do sau đây:
– Thay đổi lãnh đạo các nước: Khi Hồ Chí Minh còn đó, Mao Trạch Đông và nhất là Chu Ân Lai còn sống thì đường lối hòa hoãn còn được duy trì. Nhưng khi Hồ Chí Minh chết, Chu Ân Lai chết, Mao Trạch Đông chết. Hoa Quốc Phong tạm thời lên thay, ông ta không phải là Chu Ân Lai, rồi đến Đặng Tiểu Bình càng không phải Chu Ân Lai. Đặng Tiểu Bình chỉ “chịu” có Hoàng Văn Hoan và Nguyễn Văn Linh. Sự đối đâu tránh sao khỏi?
– Quyền lợi và chính sách mỗi Đảng mỗi nước khác nhau: Chỉ cần đọc tập sách của Qian Jiang, dịch giả Trần Thu Minh và Dương Danh Dy về Hội Nghi Geneva cho thấy mỗi nước có quyền lợi riêng và họ lo bảo vệ quyền lợi ấy. Hiệp định Geneva cuối cũng chỉ là kết quả đàm phán xem ra có lợi cho quyền lợi nước Tàu hơn là Việt Nam: Tập sách dày gần 500 trang có nhan đề: Chu Ân Lai dữ nhật nội ngõa Hội nghị, xuất bản 2005 dịch ra tiếng Việt là là: Chu Ân Lai và Hội nghị Geneva. Từ đầu tới cuối cuốn sách Phạm Văn Đồng được nhắc tới rải rác vài dòng và cộng chung lại không quá một trang giấy. Tất cả cuốn sách là những trang nhật ký về Thủ tướng Chu Ân Lai họp bàn với Eden, với Dulles, với Molotov, với Mendes-France. Thử hỏi chỗ nào cho tiếng nói của phái đoàn cộng sản Hà Nội do Phạm Văn Đồng cầm đầu?
Mở đầu cuốn sách với câu giới thiệu mang đầy đủ ý nghĩa đây là cơ hội cho Tàu cộng sản xuất hiện trước mắt thế giới, “Chu Ân Lai đã tới, mang theo phong thái của một Trung Quốc mới.”
Và thái độ của Việt Nam sau hội nghị này là nhận xét chua chát sau đây, “Họ đã hy sinh quyền lợi các nước Đông Dương để bảo đảm nền an ninh lãnh thổ mà họ vừa có được trong ý đồ khuất phục hòng xâm chiếm Việt Nam, đông thời lợi dụng cơ hội để trở thành cường quốc...” (Trích Bạch thự như trên, trang 2.)
Cho nên quyền lợi của quốc gia là trên hết, khi cần thì bán đảng Cộng sản anh em, bán bạn bè và sẵn sàng tiêp tay với kẻ thù cho vấn đề an ninh của mình.
Thật vậy, khi có tranh chấp lãnh thổ giừa Liên Xô-Trung Cộng, Liên Xô đã ngầm tài trợ quân đội Turkistan với đòi hỏi một nền độc lập cho Sinkiang, hay ít ra trở thành một vùng trái độn với Trung Cộng? Trung Cộng không ngu dại gì nên ngay từ năm 1949-1950 đã giải phóng vùng Sinkiang vào năm 1950.
Cũng vậy, những dính dáng của Liên Xô vào các vùng Mông Cổ, Mãn Châu trước 1949 cũng trở thành những đối đầu tranh cãi và những vòng đàm phán gay gắt giữa Stalin và Mao Trạch Đông sau khi thống nhất nước Tàu.
Sau này khi có tranh chấp Trung-Ấn, Liên Xô đã ngầm yểm trợ cho Ấn thay vi Trung Cộng.
Tóm lại, quyền lợi quốc gia là trên hết.

Trong các các nước thuộc khối Cộng Sản, hầu hết các nước Đông Âu đều trở thành một thứ “cộng sản vệ tinh” thuộc Nga, trừ Nam Tư (Yugoslavia , tên cũ của nhóm các nước Slovenia, Macedonia, Central Serbia, Serbia, Kosovo, Montenegro, Croatia, Lie6n Bang Bosnia và Herzegovina, CH Srpska - DCVOnline) và nước Tàu.
Riêng Trung Cộng vào những năm son trẻ, còn non yếu và chưa thống nhất cũng đã chịu ép mình nhìn nhận vai trò “đàn anh” của Liên Xô vào năm 1939, trong dịp sinh nhật 60 của Stalin bằng câu khen ngợi như sau:
“Stalin là bậc thầy của chúng tôi dưới hai danh nghĩa: Vừa là bật thầy về lý thuyết vừa là bậc thầy về hành động”.
Nhưng câu nói ấy chóng bị rơi vào quên lãng cho thấy Trung cộng càng ngày càng tỏ ra độc lập về mọi mặt đối với cộng sản Nga.
Còn mối quan hệ Việt Nam-Trung Cộng thì có lúc nào được yên ổn? Trong vòng 50 năm còn chế độ cộng sản thì hết 30 năm có những bất ổn giữa Tàu-Việt Nam-Liên Xô.
Cộng sản Tàu đã bán đứng Hà Nội ở Hiệp định Geneva. Tài liệu trong Bạch Thư ghi lại như sau, “Đây quả thực là việc phản bội đâu tiên của cấp lãnh đạo Trung Quốc đối với công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, Lào và Kampuchia.” (Trích tài liệu Bạch Thư, trang 11)
Trung Cộng còn buộc Việt Nam đi theo”chiến lược trường kỳ mai phục” vì Mao Trạch Đông cho rằng vấn đề chia cắt Việt Nam không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, cần nhiều thời gian, nếu mà chưa đủ, thì có thể kéo dài cả trăm năm. Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều cùng nghĩ giống nhau. Xin miễn được trích dẫn.
Điều đó cho thấy họ chỉ muốn ta cứ chia đôi hai miền, cứ yếu đi, cứ giằng co tranh chấp, cứ chiến tranh dai dẳng sói mòn thay vì thống nhất để rồi phát triển và giầu mạnh như họ.
Họ chẳng tử tế gì.
Và hơn nữa để giảm ảnh hưởng của Liên Xô đối với Hà Nội, Đặng Tiểu Bình đã “gạ gẫm” Việt Nam như xúi một đứa trẻ, “Trung Quốc sẽ viện trợ cho Việt Nam một tỷ nhân dân Tệ, nếu Việt Nam hứa từ chối viện trợ của Liên Xô.” (Trích Bạch Thư, trang 14).
Nhưng mặt khác, họ tìm cách giao hảo với Mỹ trên số phận cộng sản Việt Nam. Họ mở cuộc tiếp xúc tay đôi cấp đại sứ giữa Trung Quốc và Mỹ tại Warsaw. Trong cuộc tiếp xúc này, Trung Quốc cho Mỹ hiểu là:
“Nếu anh không đụng đến tôi, tôi cũng sẽ không đụng tới anh.”
Việc “xé rào” với những cuộc thương lượng bí mật, cuối tháng7/1971, giữa Kissinger và Chu Ân Lai, bắt tay đế quốc Mỹ bị coi là một “phản bội” và nó như một trái bom đối với các nước cộng sản nhỏ Bắc Hàn, Albania, Lào, Bắc Việt Nam, v.v...
“Ces honteuses tractations antimarxistes, malveillantes, étaient menées à l ‘insu des Vietnamiens et, à plus forte raison, à notre insu. C‘était scandaleux. C’était une félonie des chinois à l’égard des Vietnamiens, envers leur lutte, envers nous, leurs allíés, et envers tous les autres peuples épris de progrès. C’est révoltant.” (Trích Réflexions sur la Chine, Enver Hoxha, trang 615)
(Đây là những cuộc thương lượng nhục nhã chống lại những người Mác Xít với dã tâm và không đếm xỉa đến người Viet Nam, và hơn thế nữa, không đếm xỉa gì đến chúng tôi. Thật là tai tiếng. Đó là một sự bội phản của người Tàu đối với người Viêt Nam, đối với cuộc chiến đấu của họ, đối với chúng tôi, những đồng minh của họ và đối với tất cả các dân tộc chúng tôi khát khao tiến bộ. Thật là đáng phẫn nộ.)
Thật ra , Chu Ân Lai chỉ muốn hớt tay trên Việt Nam. Vì cộng sản Bắc Việt thực ra cũng không có con đường chọn lựa nào khác nên mua thời gian, vừa đánh vừa đàm, ngay từ năm 1968, trước tết Mậu Thân đã đánh tiếng với Mỹ như sau:
“Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên bố sẵn sàng cử đại diện của mình tiếp xúc với đại diện Mỹ nhằm xác định với phía Mỹ việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa để có thể bắt đầu cuộc nói chuyện.”
(Trích Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ Kissiger tại Paris, Lưu Văn Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ, trang 10.)
Sau đó thì Trung Quốc đã cắt giảm viện trợ quân sự cho bộ đội cộng sản Bắc Việt khi tiến hành “chiến tranh giải phóng” miền Nam.
Chính sách đường lối của Cộng sản Việt Nam đã rõ ràng là Hà Nội khi thì lệ thuộc vào Tàu, khi thì lệ thuộc vào Nga.
Cả đời cúi đầu trước hai nước xã hội đàn anh. Họ bảo làm sao thì làm vậy, lúc ngả bên này, lúc ngả bên kia, lúc chống đỡ, lúc cúi mặt làm thinh.

(Còn tiếp)
© DCVOnline



No comments: