Friday, February 5, 2010

NGUYỄN QUỐC CHÁNH, NHÀ THƠ TỪ CHỐI KIỂM DUYỆT

Nguyễn Quốc Chánh, nhà thơ từ chối kiểm duyệt
Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 03 tháng 2 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/nguyen-huu-chanh-02032010-83458717.html
Trong bài “Nên hay không nên xuất bản sách ở trong nước?”, tôi có nhắc đến Nguyễn Quốc Chánh, nhà thơ hiện đang sống tại Sài Gòn, một trong những người đi tiên phong trong việc quyết định từ chối kiểm duyệt để tự xuất bản và tự phát hành tác phẩm của mình.

Xin nói ngay, trước Nguyễn Quốc Chánh, ở Việt Nam sau 75, đặc biệt tại Sài Gòn, đã có khá nhiều người tự phổ biến tác phẩm, chủ yếu là thơ, dưới hình thức photocopy. Trong số đó có một số cây bút sống ở hải ngoại: Về nước, không thể mang nhiều sách theo được, người ta bèn photocopy vài chục bản để gửi tặng bạn bè. Như một món quà lưu niệm. Một số nhà thơ ở trong nước cũng làm như vậy. Cũng như những món quà lưu niệm.

Đã là quà thì phải…lặng lẽ. Từ tác giả đến người đọc, cầm các cuốn sách được photocopy ấy, đều xem đó là một cái gì hết sức riêng tư. Mà thật. Rất ít người xem các cuốn sách được photocopy nhoè nhoẹt và lem luốc ấy là sách thực sự. Càng không xem cái việc đi photocophy lén lén lút lút ấy là “xuất bản”. Mọi người chỉ xem đó là “quà”.

Chỉ có sau này, với sự xuất hiện của nhà xuất bản Giấy Vụn và nhà xuất bản Cửa (cả hai đều ở Sài Gòn), hoạt động xuất bản chui, bất cần giấy phép, mới thực sự hình thành. Sách của họ, thật ra, cũng dưới hình thức photocopy, nhưng có bìa và đóng chỉ cẩn thận. Chúng là những cuốn sách hoàn chỉnh. Và được xuất bản đàng hoàng. Dù là xuất bản chui.

Đi trước nhà xuất bản Giấy Vụn và Cửa là Nguyễn Quốc Chánh với tập thơ Của căn cước ẩn dụ vào năm 2001. Nếu bạn chưa đọc tập thơ thì, tôi nghĩ, ít nhất bạn cũng nên đọc “Lời nói đầu” trong tập thơ ấy. Đó là một bài viết hay. Hay một cách mạnh mẽ và hùng hồn như một thứ tuyên ngôn của người cầm bút.

Xin mời quý bạn đọc và nhận xét.
NHQ

“Lời nói đầu” tập thơ CỦA CĂN CƯỚC ẨN DỤ
Nguyễn Quốc Chánh

Thật ngô nghê khi vừa muốn tự do vừa muốn cơ chế chuyên chính cho phép. Tôi đã hơn hai lần ngu như vây. Và trớ trêu cả hai lần (tuy nhọc nhằn) nhưng đều được phép.

Mặc dù gọi là xin, nhưng thực ra có gì cho không đâu. Đúng tên của nó phải gọi là mua và bán. Mua giấy phép và bán quyền được phép in và phát hành. Đã mua và bán, lẽ ra phải thoải mái. Đằng này vừa muốn bán vừa sợ mất quyền chuyên chế. Và kẻ mua, vẫn không mua được cái thứ mà đúng ra không nên có trên đời. Đó là giấy phép.

Marx. Ông ta triết lý, tự do là nhận thức cái tất yếu. Các môn đệ mông muội ứng dụng nó như một thứ an thần, gây mê cho cái gọi là tự do của họ. Đối với họ, tự do là đồng nghĩa với chấp nhận. Chấp nhận để yên thân. Và yên thân chính là cách nhận thức cái tất yếu hiệu quả nhất. Mèo vồ chuột là quy luật. Nhưng phải xin phép để phát ngôn thì không thể là quy luật. Có thể kế hoạch sinh đẻ, nhưng không thể kế hoạch tiếng khóc chào đời của một đứa bé. Có thể hạn chế phần ăn của người béo phì, nhưng không thể kiểm duyệt một người béo phì kêu ca về chứng thèm ăn của họ.

Cái phản động của Marx ở chỗ, coi xã hội là một cuộc đấu giai cấp. Con người và tự do của nó, chỉ có, khi ý thức về cái gọi là tất yếu của cuộc đấu giai cấp ấy. Hệ quả của những trận đấu này, sinh ra hàng loạt kiểu anh hùng. Chủ nghĩa anh hùng và biến thái của nó đã phá hủy cái bào thai tự nhiên của xã hội. Từ chỗ cho rằng xã hội là xã hội của đấu giai cấp, nên con người bị căng ra thành những mặt trận. Mặt trận y tế, mặt trận giáo dục, mặt trận văn nghệ…Cái nguy của những mặt trận này là đặt con người trong thế nghi kỵ và thù địch nhau.

Một quốc gia gọi là tự do, nhưng không có tự do cá nhân, tự do của quốc gia đó chẳng khác gì một thứ vải liệm. Một quốc gia gọi là tự do, mà không có dân chủ, quốc gia đó chỉ là một quần thể sơ khai. Một người không có tự do cá nhân, người đó sẽ có thừa khả năng của một sinh vật, nhưng không đủ lý do cho một con người. Huống chi là một người viết. Tự do cá nhân không có nghĩa là tách khỏi và biệt lập. Chỉ tách khỏi và biệt lập với cái âm mưu quy đồng tự do cá nhân vào mẫu số chung nhân danh tự do dân tộc.

Nỗi sợ bị chụp mũ nhanh chóng biến thành một kinh nghiệm suy đồi. Nó huỷ hoại tài năng bằng những thủ thuật được mã hóa dưới dạng gọi là viết-lách. Lách trong khi viết được coi là khôn khéo, nhưng thực ra nó là thứ khôn vặt. Một loại tâm lý đã thành truyền thống của kẻ bị trị. Và người Việt, dường như đã chột hẳn ý chí làm người. Đó là ý thức về tự do cá nhân.

Người gọi là trí thức, lẽ ra là những cá nhân tự do chủ nghĩa hoàn hảo nhất. Nhưng thực tế họ chỉ là thành phần dật dờ, tự thoả mãn ẩn ức bằng những chuyện tiếu lâm. Rồi lui về họp thức hoá cái thân phận đoan trang bằng cách bói, suy tôn và thần thánh hoá Kiều. Từ bản dịch lục bát một cuốn truyện Tầu, thế mà đã
mấy thế kỷ vẫn còn là sách gối đầu giường. Hay nói đúng hơn, nó là cái hầm mộ tập thể, không ngớt mai táng cho những số phận tinh thần của trí thức Việt Nam.

Bạo lực có thể tạm thời mang lại cái gọi là tự do dân tộc. Nhưng tự do cá nhân không thể có bằng sự chiến thắng của súng đạn. Nó phải là một cuộc nội chiến trong mỗi người. Để loại khỏi ý thức những tín điều phản động. Đã hàng ngàn năm ăn sâu và gặm mòn thân phận những người vốn lầm than, nhỏ bé và cả tin. Họ, dù trải qua bao nhiêu tai hoạ nhưng vẫn cả tin. Vẫn nhỏ bé. Chỉ có điều thói đạo đức giả, cơ hội và tính láu cá thì mỗi ngày một nhuần nhuyễn hơn... Chính cái tơi tả trong tinh thần như vậy, nên những tín điều phản động xưa nay dưới mọi hình tướng mới có cơ hoành hành.

Viết, in, & phát hành trong sự cho phép, là một cách tiếp tay với sự phản động theo nghĩa là kéo dài những biến tướng. Bởi nó ít có tác dụng thúc đẩy. Mà chỉ thêm những kẻ đồng loã với âm mưu bóp chết tự do cá nhân.

Tôi có mấy chục người quen, một ít người bạn, và chỉ với cái văn minh vi tính, thơ tôi có thể được đọc một cách sạch sẽ mà không phải khom xuống để chui qua sự khám xét nào.

11/ 2001
Nguyễn Quốc Chánh

Nguyễn Hưng Quốc blog



No comments: